Nhà Văn Bùi Ngọc Tấn, vợ và hai con
Câu Hỏi: Thieu Anh Nguyen
Nhiều người cho tôi biết ngay sau khi tác phẩm “Chuyện kể năm 2000” ra đời thì nó đã bị chính quyền ra lệnh tịch thu. Nhưng sau đó, nó lại được phép lưu hành. Nếu tin tức này đúng thì câu hỏi của tôi là sự cho phép vừa nói là chính thức hay chỉ hiểu ngầm? Vẫn trong tinh thần đó, tôi cũng xin được hỏi thêm rằng, đó là cuốn sách in lần đầu hay tái bản?
Nhà Văn Bùi Ngọc Tấn Trả Lời:
CKN2000 được nhà xuất bản Thanh Niên (cơ quan của Trung Ương đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh) xuất bản tháng 2-2000, chưa được phát hành, còn đang trong thời gian lưu chiểu đã bị thu hồi tiêu huỷ như trong quyết định của Cục xuất bản (bộ Văn Hoá Thông Tin).
Từ bấy cho đến nay nó chưa hề có quyết định được phép tái bản hay lưu hành (cả chính thức bằng văn bản hay hiểu ngầm, hoặc bằng lệnh miệng).
Tôi đã nhiều lần làm văn bản đề nghị Bộ Văn Hóa Thông tin, Hội Nhà Văn tổ chức hội thảo, nhưng tất cả đều rơi vào “sự im lặng đáng sợ”.
Tuy nhiên nó vẫn được in “chui”, được sao chép và lưu hành rộng rãi. Chỉ một người bán sách vỉa hè cũng đã bán được gần 1000 bộ. (Tháng 4 năm 2010 một bạn đọc đến nhà, tặng tôi một bản và nói rằng anh ta đã mua 30 bộ trong thời gian mới có quyết định cấm mười năm trước.)
Như vậy ở trong nước CKN2000 chính thức chỉ được nhà xuất bản Thanh Niên in một lần với số lượng ghi ở cuối sách 1500 bản và đang chuẩn bị in nối bản thì đã bị thu hồi tiêu huỷ.
Câu Hỏi: Thanh Nguyen
Thưa nhà văn, tôi có nhiều hơn một câu hỏi, trong một câu hỏi. Tuy nhiên, tôi cứ ghi xuống và nhờ web-site dutule.com chuyển cho ông. Rất mong ông dành chút thì giờ quý báu, trả lời những câu hỏi nhỏ của tôi.
Đọc truyện “Chuyện kể năm 2000” của ông, tôi hiểu nó như một thứ “hồi ký” trong tù của ông. Những câu hỏi nhỏ của tôi là:
- Ông viết nó trong bao lâu sau khi ra tù?
- Viết trong những điều kiện như thế nào?
- Viết xong ông đưa nhà xuất bản ngay hay đợi một thời gian?
- Ông có cho một người thân nào đó, đọc trước bản thảo của mình? Nếu có, thì người ấy đã nói gì với ông, sau khi đọc?
- Ông có bao nhiêu phần trăm tin tưởng sách của ông sẽ được in trước khi đưa cho nhà xuất bản?
Nhà Văn Bùi Ngọc Tấn Trả Lời:
Theo tôi hiểu, hồi ký là một thể loại mà các nhân vật phải có địa chỉ cụ thể, con người cụ thể. Các sự việc phải chính xác mà không thể hư cấu. CKN2000 là một quyển tiểu thuyết mang đậm chất tự sự. Nó in dấu ấn cuộc đời tác giả tức là tôi, gần như không thêm bớt, nhưng nhiều nhân vật trong đó là tổng hợp của các mẫu người khác nhau. Chẳng hạn như Già Đô, một nhân vật khá thành công của tôi là tổng hợp của nhiều ông già trong tù và ngoài đời, trong đó có cả triết gia Trần Đức Thảo. Tuy nhiên khi viết tôi vẫn phải giữ nguyên tên Già Đô, một ông già có thật trong tù, khi được tha đã đến thăm tôi với tất cả tài sản khoác trên vai như tôi đã viết trong CKN2000. Đổi tên khác là tôi không viết được.
Tôi ra tù tháng 4 năm 1973 và mãi tới tháng 3 năm 1990 mới viết văn trở lại (22 năm sau). Sau khi viết một bài hồi ký về Nguyên Hồng và hai truyện ngắn, tới tháng 6-1990 tôi bắt tay vào viết CKN2000. Tôi viết một lèo tới tháng 11 năm 1991 thì đánh dấu chấm hết bản thảo đầu tiên (viết bằng bút bi). Sau đó tôi thêm bớt, sửa chữa. Tới cuối năm 1997 thì xong và cũng hoàn thành bản thảo bằng vi tính, một công việc cực ký khó khăn và nguy hiểm bởi nhà tôi khi ấy chưa có computer, mà đưa ra các cửa hàng là không thể được. Bản thảo có thể bị tịch thu bất kỳ lúc nào. (Tôi đã bị tịch thu khoảng 1500 trang bản thảo nên rất ngấm ngón đòn này.)
Tôi viết trong khi vẫn đi làm ở một xí nghiệp đánh cá, viết trong lúc rỗi ở xí nghiệp, viết trong những ngày chủ nhật, ngày nghỉ lễ, viết đêm, nghĩa là tranh thủ mọi thời gian. Ngày ấy còn chưa già, sức làm việc còn tốt. Cho đến bây giờ, nhìn lại đống bản thảo viết tay, gạch xoá, cắt dán tôi ngạc nhiên với chính mình: Sao dạo ấy mình làm được như thế nhỉ. Nếu ngày ấy không viết chắc chắn bây giờ tôi không viết được nữa.
Viết được mấy chục trang đầu tiên, tôi đưa Nguyễn Quang Thân đọc. Anh nói với tôi một câu tôi không chờ đợi, thật bất ngờ, có sức động viên tôi rất lớn: “Cái này của toàn nhân loại mày ạ”.
Suốt trong thời gian thực hiện bản thảo, tôi không cho ai đọc ngoài việc kể một vài chi tiết cho Lê Bầu. Phải giữ bí mật tuyệt đối. Chỉ đến khi bản thảo hoàn thành, tôi mới đưa Lê Bầu và Dương Tường đọc. Lê Bầu bảo tôi cắt cái truyện ngẳn "Vợ chồng người thợ xóm Chiêu Thương" trong tiểu thuyết đi cho khỏi dài, dễ in. Tôi đã nghe theo anh (và đã khôi phục trở lại trong bản thảo gửi báo Người Việt). Dương Tường bảo phải thêm vào cảnh đánh bạc. Tôi đã thêm cảnh đánh bạc trong tù mà sau này được khen là nghiêng ngửa với cảnh đánh bạc của Stefan Zweig.
Đến năm 1993, việc sửa CKN2000 đã cơ bản hoàn thành. Tôi đã gửi bản thảo (khi ấy là bản thảo đánh máy) lên nhà xuất bản Hà Nội dự thi cuộc thi sáng tác kỷ niệm 40 năm giải phóng Thủ Đô! Tôi không mấy tin là sách của tôi được xuất bản. Nhưng thật không ngờ: Tôi được biết nó sẽ được in ở nhà xuất bản Hội Nhà Văn và còn được dự kiến trao giải thưởng nữa. Một vị trong hội đồng giám khảo bảo tôi:
-Giải thấp thôi. Trao giải cao như "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh lại lôi thôi phiền phức ra.
Nhưng một sự cố đã khiến CKN2000 không được in và tất nhiên không được giải. Tôi lại ủ bản thảo như các hãng rượu ủ rượu XO và tiếp tục sửa.
Năm 1999, khi gửi bản thảo lên NXB Thanh Niên, tôi không hy vọng bản thảo được xuất bản. Gửi cho vui thôi. Ôm mãi cái bản thảo dầy cộp, đọc đi đọc lại đến nát cả ra, chán lắm rồi! Nhưng giám đốc Bùi Văn Ngợi đã đọc và quyết định in.
Thật bất ngờ! Bất ngờ và hạnh phúc! Hơn thế, tôi còn khám phá ra một người tuyệt vời, một giám đốc xuất bản tuyệt vời!