(Bài nói chuyện tại Đại học Luật Khoa George Mason, Hoa Thịnh Đốn, 17 tháng 9- 93)
Có thể khẳng định không một nhà thơ nào của Việt
Lục bát đã lên đến mức tuyệt hảo nhất ở truyện Kiều. Và chính vì Nguyễn Du đã qúa thành công với lục bát khi viết Kiều nên tất cả các tác phẩm sau Kiều đều bị đem so sánh bên cạnh cách sử dụng lục bát của Nguyễn Du trong Kiều. Những sự so sánh Nhị Độ Mai, Lục Vân Tiên với Kiều đã khiến cho nhiều tác giả sau Nguyễn Du không muốn sử dụng lục bát như một phương tiện sáng tác nữa. Và bởi lẽ đó, không có một tác phẩm văn vần quan trọng nào được viết bằng lục bát kể từ đó, kể từ sau Kiều. Chinh Phụ Ngâm, Tỳ Bà Hành được diễn lại bằng song thất lục bát. Cung Oán Ngâm Khúc cũng được viết bằng song thất lục bát.
Lục bát bị đem trả về cho ca dao, cho những đoạn mưỡu đầu, mưỡu hậu của những bài hát nói suốt trong một thời gian tương đối dài sau Nguyễn Du. Không một nhà thơ nào muốn và đủ can đảm đi theo bước chân lục bát của Nguyễn Du để viết tác phẩm lớn nữa. Những nhà thơ đến sau Nguyễn Du đều chỉ thản hoặc lắm mới dừng lại với lục bát một chút. Có thể là có nhưng đó không là những nỗ lực nghiêm túc nên không được lưu truyền chăng?
Đây là Nguyễn Công Trứ:
Ngồi buồn mà trách ông xanh
khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười
kiếp sau xin chớ làm người
làm con chim nhạn tung trời mà bay...
Nguyễn Khuyến và Trần Tế Xương chỉ dùng lục bát để đùa cợt.
Đây là Nguyễn Khuyến:
Ngày xưa Lựu muốn lấy ông
ông chê Lựu bé, Lựu không biết gì
bây giờ Lựu đã đến thì
ông muốn lấy Lựu, Lựu chê ông già
ông già, ông khác người ta
những cái nhí nhắt ông ma bằng mười.
Đây là Trần Tế Xương:
Ước gì ta hóa ra dưa
để cho người tắm nước mưa chậu đồng
ước gì ta hóa ra hồng
để cho người bế, người bồng, người chơi...
Hay:
Hôm qua anh ghé chơi đây
giầy giôn anh diện, ô tây anh cầm...
Ba nhà thơ vừa kể ưa những hình thức khác hơn là lục bát: thất ngôn bát cú, phú, hát nói. Lục bát thì rất ít. Lục bát rõ ràng chỉ được dùng để đùa giỡn.
Cho đến khi thể thơ này có một cố gắng trở lại vào đầu thế kỷ thứ 20. Nhưng nói là lục bát trở lại vào đầu thế kỷ thứ 20 thì cũng chỉ là sự trở về rất thấp thoáng.
Nhà thơ núi Tản sông Đà có dùng lục bát. Nhưng ngoài một bài Thề Non Nước, những bài lục bát khác của ông không đáng kể.
Phải chờ đến Huy Cận, lục bát mới có được những trang phục, những nữ trang mới:
ngập ngừng mép núi quanh co
lưng đèo quán dựng, mưa lò mái ngang
vi vu gió hút nẻo vàng
một trời thu rộng mấy hàng mây nao
dừng cương nghỉ ngựa non cao
dặm xa lữ thứ kẻ nào héo hon
đi rồi khuất ngựa sau non
nhỏ thưa tràng đạc tiếng còn tịch liêu
trơ vơ buồn lọt quán chiều
mái nghiêng nghiêng gửi buồn theo hút người.
Và lại Huy Cận nữa:
Đêm mưa làm nhớ không gian
lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la
tai nương nước giọt mái nhà
nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn
nghe đi rời rạc trong hồn
những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi
rơi rơi... dìu dịu rơi rơi
trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ
tương tư hướng lạc phương mờ
trở nghiêng gối mộng hững hờ nằm nghe
gió về lòng rộng không che
hơi may hiu hắt bốn bề tâm tư...
Cùng với Huy Cận, Trần Huyền Trân cũng có những nỗ lực làm mới lục bát. Trong khi Huy Cận làm mới bằng ý tưởng, bằng cảm xúc và ngôn ngữ, thì Trần Huyền Trân đã mơ hồ dẫn dắt lục bát đi những con đường mới mẻ khác để đem vào lục bát những nhạc điệu mới.
Nhịp đi mới này của lục bát làm cho những câu 6 và 8 không còn bị gò bó vào những cách dùng cũ của nó nữa. Lục bát có thể được dùng để diễn tả những điều khác hơn là tả tình và tả cảnh trước đây. Những đọan đối thoại nhờ đó, đã có thể viết bằng lục bát. Việc diễn tả tình cảm, nhờ lối ngắt đó đã trở thành phong phú hơn.
Nhưng nỗ lực của họ Trần không được nối tiếp.
Những nhà thơ đồng thời khác như Nguyễn Bính, Bàng Bá Lân, Trần Trung Phương chỉ dùng lục bát để chuyên chở tâm tình vì sự gần gũi của lục bát với ca dao, và sự gần gũi của những nhà thơ này với ca dao đã đem lục bát về gần với họ. Sau thời gian này, lục bát lại đi ngủ trong ít nhất mười năm sau đó. Mãi đến cuối năm 1950, lục bát mới thức dậy trở lại với chúng ta:
Đây là lục bát Vũ Hoàng Chương:
Ta còn để lại gì không
kìa non đá lở, nọ sông cát bồi
ra đi từ độ luân hồi
u minh nẻo bước xa xôi dậm về
trông ra bến hoặc bờ mê
nghìn thu lửa chớp bốn bề một phương
ta van cát bụi bên đường
dù nhơ, dù sạch đừng vương gót này
cho ta tròn một kiếp say
cao xanh liền với một tay níu trời
đêm nào ta trở về ngôi
hồn thơ sẽ hết luân hồi thế gian...
Nhưng lục bát như thế vẫn còn hiền qúa. Vẫn còn mẫu mực quá, từ ngôn ngữ đến ý tưởng. Lục bát Vũ Hoàng Chương, một số được gọi là nhị thập bát tú với bốn câu, vẫn còn thập niên 40 quá. Đinh Hùng, một nhà thơ rất gần gũi với họ Vũ, cũng làm một ít lục bát:
Hôm nay có phải là thu
mây năm xưa đã phiêu du trở về...
Lục bát Đinh Hùng cũng còn hiền quá. Ông và họ Vũ đành quay trở về với bảy chữ.
Và như thế, nỗ lực lục bát của Vũ Hoàng Chương và Đinh Hùng đều bị bỏ dở.
Lục bát chỉ thực sự sống trở lại, bứt đi từ những ảnh hưởng của lục bát Huy Cận hồi thập niên 60, khi người ta đọc được một số lục bát của Cung Trầm Tưởng:
chiều đông tuyết lũng thâm u
bâng khuâng chiều tới tiếp thu trời buồn
nhớ ngày tầu cũng đi luôn
ga thôn trơ nỗi băng mòn héo hon
phương xa nhịp sắt bon bon
tàu như dưới tỉnh, núi còn vọng âm
sân ga mái dột âm thầm
máu đi có nhớ hồi tâm đêm nào
mình tôi với tuyết non cao
với cồn phố tịnh buốt vào xương da
với mây trên nhợt ánh tà
với đèn xóm hạ cũng là tịch liêu
tôi về bước bước đăm chiêu
tâm tư khoác kín sợ chiều lạnh căm...
Cung Trầm Tưởng đi nốt đoạn đường mà Huy Cận khởi đi trước đó. Nhưng ông đi tới tận nơi hơn. Về ý tưởng và cách diễn tả. Như vậy đã là mới về tư tưởng và chữ nghĩa.
Hay Viên Linh:
Em đi hồn tiếc thương nhiều
ngọn soan thưa lấp bóng chiều cuối sân
có hoài tuổi dại không em
trời thôi ráng đỏ thu phiền không gian
mắt em đầy mộng điêu tàn
yên nghe ván ấy suôi tràng giang xa
thôi cồn với cát bao la
ngựa đi bước nhỏ, mây là cửa ô...
Hay:
Nằm đây đá núi mưa bưng
muôn non khổ nhục những rừng ưu tư
phân vân một mái sương mù
gót son chân bạn nghìn thu nẻo nào
đi về thấy muộn âm hao
đêm nghe dưới vụng xe vào bến không
biển xa tháp dọi từng vùng
một tôi tâm thể vọng cùng tịch liêu.
Nhưng những nỗ lực của Viên Linh cũng như Cung Trầm Tưởng, đều chỉ muốn làm mới hình ảnh, tư tưởng, ngôn ngữ và cách diễn tả cảm xúc, bằng lục bát. Cố gắng làm mới lục bát về hình thức hầu như không thấy rõ lắm.
Sau Cung Trầm Tưởng và Viên Linh là Phạm Thiên Thư. Lục bát của Phạm Thiên Thư không mới về ý tưởng, cũng không mới về ngôn ngữ. Ông chỉ đem ngôn ngữ của đạo, của Thiền, của những trang kinh vào lục bát. Nhưng ít nhất, ông cũng làm người đọc quen với ngôn ngữ, hình ảnh và triết lý của Phật giáo để mở một con lộ cho nhiều người làm thơ khác.
Và Du Tử Lê.
Du Tử Lê làm thơ lục bát từ khi còn rất trẻ, từ những năm 11, 12 tuổi. Nhưng Du Tử Lê cũng lại là người ở lại lâu nhất với lục bát. Ở lại cho đến tận bây giờ, trong khi những người đồng thời với ông hầu như đã bỏ cuộc.
Paul Valéry, một nhà thơ Pháp có một định nghĩa về thi sĩ rất lý thú: Thi sĩ là một người bình thường, nhưng mỗi ngày vào buổi chiều, ông ta lại đem ngôn ngữ ra khủng bố.
Theo định nghĩa đó, Du Tử Lê là một thi sĩ đích thực. Từ cách sống, cách viết, tác phẩm và những nỗ lực của ông đối với thơ trong hơn 30 năm qua. Du Tử Lê đã làm công việc mà Paul Valéry nói: khủng bố ngôn ngữ. Ông đi tìm những ngôn ngữ mới cho thơ. Ông cho những chữ đã cũ những đời sống mới bằng sáng tạo của ông.
Cùng với những cách mạng ông đem đến cho ngôn ngữ, Du Tử Lê quay ra khủng bố thơ lục bát. Ông không thích sự hiền lành đó của nó. Ông muốn bẻ gẫy cái nhịp cũ của thể thơ này. Lục bát vào tay ông không còn hiền lành như ca dao nữa.
Ông tìm ra được những dụng cụ khủng bố. Đó là những cái dấu chấm và dấu phẩy mà ông lợi dụng chúng tối đa.
Qua bao nhiêu năm, lục bát vẫn không có bao nhiêu thay đổi. Trước Du Tử Lê, cách chấm câu và cách ngắt trong lục bát thời Kiều, và cho mãi tới thời của ông cũng vẫn còn rất giản dị. Nó có thể là 2-2-2 của câu 6 và 2-2-2-2 của câu 8. Thí dụ Lưu Trọng Lư:
Vầng trăng - từ độ - lên ngôi
năm năm - bến cũ - em ngồi - quay tơ
hay 2-2-2 và 4-4 như Bùi Giáng:
dạ thưa - phố Huế - bây giờ
vẫn còn núi Ngự - bên bờ sông Hương.
hay 2-4 của câu 6 và 2-4-2 của câu 8 cũng của Bùi Giáng:
Hỏi tên - rằng biển xanh dâu
hỏi quê - rằng mộng ban đầu - đã xa
hay 3-3 của câu 6 và 4-4 của câu 8 với Nguyễn Du:
Làn thu thủy - nét xuân sơn
hoa ghen thua thắm - liễu hờn kém xanh
Không hài lòng với những quẩn quanh đó, Du Tử Lê đi tìm những cách diễn tả khác cho lục bát bằng cách sử dụng những dấu chấm và dấu phẩy để ngắt 2 câu 6 và 8 theo những nhịp khác. Ông muốn thí nghiệm điều mà trong nhạc gọi là nhịp chõi, nhịp nghịch tai, không thuận theo những âm luật thông thường đã cũ của lục bát.
Ông quyết định lên đường bằng trò chơi của những dấu chấm, phẩy trong nỗ lực đổi thay nhịp đi của thể thơ này.
Thay vì nhịp đi cũ là 2-2-2 và 2-2-2-2, Du Tử Lê dẫn lục bát đi với một nhịp mới:
nằm nghe, chăn gối rơi. Cùng (2-3-1)
tháng năm bằn bặt. Phật còn ở không (4-4)
tôi nhìn, tôi rất chon von (2-4)
núi non âm bản. Rừng son vẽ. Buồn (4-3-1)
Ở một bài khác:
mai, tôi lìa bỏ, chốn này (1-3-2)
em ngoan ghế cũ. Lá đầy nhớ. Quên (4-3-1)
mai, tôi mối mọt, ưu phiền (1-3-2)
thương em phố chợ.
Điều này đã được nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc, trong một bài nhận định về thơ, có viết rằng Du Tử Lê rất tự giác trong việc đổi mới thơ lục bát, đặc biệt ở khía cạnh nhạc điệu. Thơ ông có cách ngắt nhịp lạ. Ông đưa vào những cách ngắt nhịp mới chưa từng có trước ông. Nhận định về nỗ lực đổi mới nhịp lục bát, Nguyễn Hưng Quốc cho rằng đóng góp của Du Tử Lê không thể không công nhận được.
Trong bài cõi tôi:
cõi tôi, cõi nát, cõi tàn
cõi hoang mang, vội, cõi bàng hoàng, qua (3-1-3-1)
cõi vui thân thể cỗi già
cõi lang thang mượn mái nhà hư, không (7-1)
cõi xa, cõi lạnh, cõi cùng
cõi con muốn bỏ, cõi chồng vợ, xa (4-3-1)
cõi em muốn dạt chân về
cõi đau nhân thế, cõi thề thốt, quên (4-3-1)
cõi nào, cõi thật? Tôi riêng?
cõi đêm máu chảy, cõi thương nhớ trùng
cõi tôi, cõi mịt, cõi mùng
thôi em có ghé xin đừng nghỉ lâu
cõi đời đó, có chi đâu!
Mới đây, Du Tử Lê lại từ bỏ những quy luật cũ của bản phối thanh thông thường cho thơ lục bát. Thông thường luật bằng trắc cho hai câu lục bát là:
BBTTBB - Ra đi từ độ luân hồi
BBTTBBTB - U minh nẻo bước xa xôi dặm về
BBTTBB - Trông ra bến hoặc bờ mê
BBTTBBTB - Nghìn thu lửa chớp bốn bề một phương
Với những bất luận ở Nhất, Tam, Ngũ (các tiếng thứ nhất, thứ ba, thứ năm.) Ông bỏ hẳn hai vần trắc ở chữ thứ ba, chữ thứ tư để trở thành:
BBBBBB
BBTTBBTB
Thí dụ những bài thơ mà người ta được đọc trên tờ Thế Kỷ 21 cách đây hai số. Trên tờ Văn số mới nhất, số tháng 10 năm 1992, người ta được đọc bài thơ này:
ngày tôi ngày tôi băng ngàn
trí khô hốc đá thân lành mũi dao
đèn khuya đèn khuya âm hao
ngón tay vọng cổ góc rào xàng xê
chiều lên chiều lên tù mù
vàng tâm cổ thụ lá khu trục cành
lon bia lon bia chia buồn
nhớ, quên, một lũ chết bầm tương tranh
con sông con sông lâm bồn
chim bay rừng thất thân cùng hoang vu
đêm lui đêm lui chân về
sầu lên cao ốc xe chờ “pạc kinh.”
Người đọc thấy gì ở những câu lục bát này?
Vần trắc bị đẩy hẳn ra ngoài phạm vi của câu 6.
Làm vậy để làm gì?
Tất cả những tiếng trong câu 6 đều là vần bằng.Xúc động không còn nữa.Chỉ còn nỗi mệt mỏi, rã rời. Chỉ còn sự nhàm chán của những âm không dấu hoặc dấu huyền để đi xuống cuối câu. Tình cảm mất hết sự sôi động ở trong, nỗi chán trường được đưa xuống tận đáy sâu thấp nhất.
Nỗ lực cách tân về âm luật lục bát tình cờ đem lại cho tác giả một cách diễn tả tình cảm rất mới. Hay chuyến đi tìm một cách diễn đạt tình cảm mới đã đưa tới cách tân về âm luật?
Câu trả lời như thế nào không quan trọng ở đây nữa. Đáng kể là khám phá mới của ông.
Nghệ sĩ phải luôn luôn làm mới con người của mình, làm mới nghệ thuật của mình. Du Tử Lê đã làm công việc đó.
Khi đưa những dổi thay mới vào thơ, Du Tử Lê đã đem vào lục bát một thái độ mới cho người đọc. Thái độ mới này người ta không thấy ở lục bát trước kia. Ba, bốn thế hệ trước chúng ta, các tiền bối của chúng ta đã thưởng thức Kiều, đã nghe Kiều, đã đọc Kiều. Nhưng người ta không đến với Kiều theo cùng một cách với chúng ta. Lục bát của Kiều không tạo những thắc mắc như thơ của Du Tử Lê đã tạo ra nơi chúng ta. Người nghe Kiều không bao giờ ngừng lại, hỏi người đọc dấu phẩy họ Nguyễn đặt ở đâu? Có cái dấu than ở cuối câu 6 không? Có dấu hỏi ở cuối câu 8 không? Không, chúng ta không có những thắc mắc đó. Nhưng thơ của Du Tử Lê thì có. Thơ của ông không chỉ để nghe. Mà còn phải để nhìn nữa. Nhìn thơ ông và vị trí của những cái dấu phẩy ông đặt, ý tưởng sẽ khác hẳn khi không trông thấy những cái dấu đó:
đường trên cao. Dốc dưới đèo
lá ôm vai, tội. Cây treo giữa trời.
em về con mắt theo đuôi
Hai mươi năm trước ai ngồi ở đây?
soi bàn tay. Soi bàn tay.
thấy gân không máu. Thấy mây vừa tầm.
ngó bàn chân. Ngó bàn chân.
ngón ta thương nhất có còn sơn xanh?
ngày hỏa tinh. Đêm thổ tinh.
chỉ riêng trái đất xoay quanh khối tình.
Ngày thắt cổ! Đêm thụ hình!
này em: nắng gió thành kinh tụng, chàng.
năm hai ngàn. Năm hai ngàn
tình yêu ta cũng võ, vàng: thôi nôi
mắt, em xưa xấp, ngửa mời
vi vu rừng: tóc. Lửa mồi âm, dương
trong nhau còn núi sông không?
Những dấu chấm, những dấu phẩy, dấu hai chấm, dấu hỏi tìm được 19 lần trong 17 câu lục bát cho thấy cố ý của Du Tử Lê. Không có 19 lần chấm, phẩy đó, những dòng thơ của ông chắc chắn sẽ được hiểu rất khác.
ngó bàn chân. Ngó bàn chân.
ngón ta thương nhất có còn sơn xanh?
Nhắc lại. Hối thúc. Vội vàng.
Ngoài Du Tử Lê với những cố gắng làm mới lục bát như vừa nêu ở trên, ở hải ngoại còn thấy Thi Vũ cũng làm công việc đó.
Nhưng Du Tử Lê vẫn là người ở lâu nhất, gần gũi nhất và có những đóng góp lớn nhất với lục bát. Công của ông thật lớn.
Sau Du Tử Lê, lục bát không còn giống như lục bát trước kia nữa.
BÙI BẢO TRÚC
(Thế Kỷ 21, số 44, tháng 12-1993.)