HàThanh Nguyễn:
Thưa ông, ngày nào tôi cũng đón đọc báo Người Việt, để được đọc lại tác phẩm Chân Trời Tím. Cám ơn ông đã cho lại chúng tôi những giây phút hạnh phúc, lãng mạn…của thuở xa xưa. Tôi đã vui, buồn theo câu chuyện. Tôi muốn hỏi thăm ông, hiện tại đời sống ông thế nào?
Nhà Văn Văn Quang trả lời:
Trước hết xin cảm ơn tình cảm của bạn dành cho tôi và Chân Trời Tím. Khi nhật báo Người Việt chọn đăng truyện dài CTT, tôi cứ ngại đó là một truyện dài đã quá xa xưa. Từ năm 1964, nửa thế kỷ rồi, phải không bạn? Vậy mà vẫn còn được độc giả đón nhận. Đây là một niềm an ủi lớn cho tôi. Ngay cả khi nhà xuất bản Tiếng Quê Hương tái bản truyện dài này tại Mỹ vào năm 2006, tôi cũng đã ngần ngại. Tuy nhiên theo lời nhà xuất bản:
“Gửi CHÂN TRỜI TÍM tới tay bạn đọc vào lúc này, bên cạnh sự gợi nhắc kỷ niệm với một số người, còn là đáp ứng cần thiết cho yêu cầu lưu giữ những tiếng nói trung thực phản ảnh thực tế của một thời kỳ lịch sử.
Thêm nữa, trong dòng sinh hoạt văn học Việt Nam thế kỷ 20, CHÂN TRỜI TÍM đã giành được một vị thế đủ để vượt lên với thời gian.
Những băn khoăn dằn vặt trong tâm tư người dân Việt Nam, những thăng trầm nghiệt ngã mà người dân Việt Nam từng trải, những ước mơ hiền hòa mà người dân Việt Nam ấp ủ bao giờ cũng là những thực tế cần luôn luôn hiện rõ trước mắt mọi người để góp phần ánh sáng trên nẻo đường tìm về một hướng sống phù hợp.
Không thể vì một lý do nào để che lấp những thứ đó, cho nên những tác phẩm văn học như CHÂN TRỜI TÍM không thể chìm vào quên lãng.”
Vì vậy tôi đồng ý tái bản tác phẩm này.
Về đời sống của tôi hiện nay ở Sài Gòn, từ tháng 6 năm 2009 đến nay, tôi “ngồi chơi xơi nước”. Tuy vậy vẫn ấp ủ trong lòng một tác phẩm cho đáng một tác phẩm. Riêng cuộc sống vật chất, vẫn “cơm ăn hai bữa, quần áo mặc cả ngày”, không có gì khó khăn.
Xin cảm ơn những tình cảm của bạn HTN.
John Trần:
Thưa ông, tôi tin là ông biết cuộc sống ngoại quốc khá hơn nhiều so với cuộc sống trong nước, không hẳn chỉ khá về vật chất. Nếu không có gì trở ngại, ông có thể cho biết tại sao ông chọn ở lại mà không ra đi như nhiều người khác? Và nghe đâu, khi ở lại ông lại chọn sống ở Tây Ninh. Vì sao ông cứ tìm những chốn đoạn trường mà đi vậy, thưa ông?
Nhà Văn Văn Quang trả lời:
Bạn nói đúng, tôi biết cuộc sống ở nước ngoài, cụ thể như ở Mỹ, đầy đủ hơn ở VN. Thí dụ, ở Mỹ, bạn thất nghiệp hoặc già yếu sẽ được nhà nước hỗ trợ hàng tháng, còn ở VN thì không có chuyện đó. Sau hơn 12 năm đi “học tập cải tạo”, tôi cũng đã làm thủ tục để đi theo diện H.O.. Không những thế, tôi còn được đôn từ H.O. 22 lên H.O. 18. Nói cho rõ hơn là được đi trước những anh em khác chừng 5-7 tháng hay 1 năm gì đó. Lý do là tôi có thêm người bảo lãnh. Nhưng cũng chính vì sự bảo lãnh này mà nẩy sinh chuyện phức tạp. Vì thế nên khi ra phỏng vấn, tôi quyết định không đi nữa, tôi không muốn phải mang ơn bất kỳ một cá nhân nào. Thà chẳng ai bảo lãnh, tôi đi như những anh em khác, hầu hết họ có cần ai bảo lãnh đâu. Chuyện này hoàn toàn trong phạm vi chuyện riêng của gia đình. Tôi không muốn nhắc lại chứ không phải muốn tìm lối đoạn trường đâu bạn ơi. Có ai dại thế bao giờ. Phần khác có lẽ lại là do số mệnh chăng?
Lý do thứ hai tại sao tôi chọn Lộc Ninh để sống trong một thời gian, tôi đã có dịp trả lời phỏng vấn của nhà văn Lê Thị Huệ, chủ biên trang web Gio-O vào năm 2007. Xin tóm tắt câu trả lời của tôi:
“Tôi vẫn nghĩ: một nhà văn, nhà báo, phải biết “làm mới mình”. Ở thành phố mãi, đề tài quen thuộc sẽ cùn dần. Quay đi quay lại “nó vẫn thế”. Về nhà quê, có lẽ là cách tốt nhất để “làm mới” mình. Nơi này từ năm1972, người dân Lộc Ninh đã sống trong vùng được gọi là “giải phóng”, nói thẳng ra là họ sống trong vùng của miền Bắc kiểm soát nhiều hơn, dưới cái tên “Mặt trận Giải Phóng miền Nam”. Bên cạnh đó là chiến trường đẫm máu An Lộc, Bình Long năm 74- 75 và những vùng nghèo khó, giáp ranh biên giới Campuchia… Tôi có thể tìm hiểu được thực chất đời sống cùng tâm tư của họ. Người dân quê đã mất gì, được gì, từ năm 1975 đến nay? Đích thực họ nghĩ gì, làm gì, hy vọng gì? Những biến chuyển sâu sắc nhất trong từng gia đình như thế nào? Từ đó so sánh với cuộc sống ở những thành phố, từ đó tìm biết được những mảnh đời khác với những gì tôi đã biết. Từ đó cho tôi một cái nhìn sâu hơn, xa hơn, thật hơn, về toàn bộ những gì dân tộc mình qua những triều đại mà tôi đã sống.”
Đó là lý do thứ hai. Sau hơn 4 năm sống ở vùng quê này, tôi đã tìm hiểu, đã học hỏi được rất nhiều điều, hiểu rõ hơn tâm tư tình cảm rất thật, nguyện vọng tha thiết của người dân vùng quê có thể gọi theo chữ nghĩa bây giờ ở VN là “vùng sâu, vùng xa”. Những cảnh đổi đời, lên đời và xuống đời, nếu sống ờ thành phố, không trực tiếp sống với họ, không tâm tình với họ, không chia ngọt sẻ bùi thì ít có ai hình dung ra được.
Có lẽ bạn đã nhầm giữa Lộc Ninh và Tây Ninh. Tôi đã sống ở Lộc Ninh thuộc tỉnh Bình Phước chứ không phải tỉnh Tây Ninh. Nhưng hiện nay tôi đã trở lại sống trong một căn chung cư nhỏ ở TP Sài Gòn.
Chân trời tím - Nhạc và lời: Trần Thiện Thanh, Nguyễn Văn Hạnh - Ca sĩ: Ngọc Hạ, Nguyên Khang