dutule.com (ngày 13 tháng 10-2010): Khi chúng tôi viết bản tin này thì, chương trình nhạc thính phòng chủ đề “Tình ca muôn thuở” do đài VOVN tổ chức tại Houston, Texas chiều Chủ Nhật, ngày 10 tháng 10 vừa qua, đã hạ màn, đã rời xa tiền trường ba ngày rồi!
Tuy nhiên, hơn một người trong số 1,500 khách tham dự tin rằng dư âm hay, “hậu địa chấn” của chương trình này, sẽ còn vang vọng rất lâu….Có khi nó sẽ còn tiếp ngân nga cho tới khi cặp vợ chồng nhạc sĩ Phương Hoa-Đăng Khánh “chịu không thấu,” phải loan báo sẽ tổ chức một chương trình nhạc thính phòng khác, vào năm…2011 hay 2012.
Đối với những người không mua được vé hoặc ở xa, không thể tham dự chương trình thì, câu hỏi:
-Điều gì, tại sao một chương trình nhạc thính phòng lại có thể để lại sau lưng những hồi chuông hân hoan dài lâu đến như vậy?
Câu hỏi đã cất lên kia, chờ đợi một trả lời thỏa đáng.
Và, sau đây là những “giải mã” theo chúng tôi, đáng ghi nhận nhất, đi ra từ những người có bề dầy kinh nghiệm tổ chức, cũng như từ những khán giả vốn khó tính.
- Ghi nhận đáng kể đầu tiên là: Khi quyết định tổ chức chương trình “Tình ca muôn thuở” vợ chồng nhạc sĩ Đăng Khánh – Phương Hoa đã loại bỏ hoàn toàn yếu tố thương mại. Châm ngôn của họ là: Nghệ thuật. Nghệ thuật. Và, nghệ thuật. (Giống như phương châm của những người làm công việc mua, bán nhà cửa, có lương tâm là: Location. Location & Location vậy.)
Vì mục đích duy nhất của ban tổ chức chỉ là hai chữ “Nghệ Thuật, ”nên họ cũng không dùng bất cứ một tên tuổi nào làm sức “hút” cho chương trình. Ba ngày trước ngày trình diễn, khi vé đã “sold out,” lúc đó, một bản tin nhỏ từ ban tổ chức mới được phổ biến chính thức.
- Ghi nhận đáng kể thứ hai, vẫn theo những người có thẩm quyền thì, đó là sự toàn hảo (hiếm khi đạt được) và “ăn ý” giữa ba thành tố quan trọng: Ban nhạc. Ca sĩ. Nội dung.
Yếu tố ban nhạc ở đây, xin hiểu gồm luôn cả phần hòa âm, phối khí. Với 12 nhạc sĩ, đa số đến từ miền nam California, tự nguyện đặt mình dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Hoàng Công Luận, họ không chỉ chứng tỏ tinh thần đồng đội mà, còn mỗi cá nhân còn bừng bừng những ngọn lửa đam mê qua từng ca khúc.
Yếu tố ca sĩ, nếu quý vị biết, đó là: Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Trần Thu Hà, Vũ Khanh, Quang Tuấn và Ngọc Hạ; thì chúng tôi tin quý vị sẽ chỉ thấy tiếc là đã không thể tham dự chương này.
Và yếu tố thứ ba, nội dung thì, như chủ đề của chương trình là “Tình ca muôn thuở” đã minh thị, là những tình khúc mà giá trị tự thân của mỗi sáng tác, đã được thời gian cay nghiệt thực chứng!
Đó là những ca khúc của Văn Cao, Nguyễn Văn Tý, Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Nguyễn Văn Khánh, Lê Hoàng Long, Anh Bằng, Tuấn Khanh, Cung Tiến, Trịnh Công Sơn, Trầm Tử Thiêng, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên, Đức Huy, Lê Hựu Hà và, Nguyên Bích.
Tuy nhiên, người sắp xếp nội dung đã cố tình cho thấy sân khấu không chỉ hoàn toàn là nỗ lực tái hiện nhiều thời kỳ tân nhạc Việt Nam đã qua mà, nội dung còn mở ra, phóng chiếu tới tương lai, những tia sáng nghệ thuật lấp lánh, xuyên qua 2 sáng tác mới của Đăng Khánh. Đó là “Biển sầu mênh mông” và “Mắt em vương giọt sầu.” Hai ca khúc này đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt của khán giả hiện diện.
(Chúng tôi cho là một thiếu sót, một bất công nếu không kể tới yếu tố tài hoa, kiến thức quảng bác của MC Vĩnh Lạc. Ông cũng là một nhạc sĩ được đào tạo chính quy và hiện là một thành viên trong ban nhạc đại hòa tấu của Houston, Texas).
Mặc dù cả ba yêu tố quan trọng cộng thêm phần phụ lực cần thiết của MC, đã đồng quy về một điểm. Điểm cao nhất. Điểm nghệ thuật… Nhưng tâm bão thực sự lại nằm nơi sự hiện diện của nhiều văn nghệ sĩ, đồng thời cũng là tác giả của một số ca khúc có trong chương trình, như nhạc sĩ Cung Tiến, về từ Minnesota; Từ Công Phụng, về từ Porland, Oregon; Trần Dạ Từ và Du Tử Lê về từ Orange County và, hai nhạc sĩ cư ngụ sẵn tại địa phương là Đăng Khánh và Nguyên Bích.
Đôi ba quan sát viên khác cũng đề cập tới sự tham dự với tư cách thân hữu của nhiều tên tuổi đáng kể, đến từ những nơi rất xa, như nữ tài tử Kiều Chinh; Nhà thơ Nhã Ca; giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, đại học George Mason (Hoa Thịnh Đốn) v.v…
Cũng chỉ riêng với chương trình này, khán giả lại được thấy tâm bão của tâm bão, là giây phút nhạc sĩ Từ Công Phụng được Producer Phương Hoa mời lên sân khấu, tâm sự với bằng hữu và khán giả về những ngày mấp mé vực tử sinh của ông.
Những giọt lệ ngập ngừng đi ra từ những nghẹn ngào của họ Từ, khi nói về căn bệnh ung thư gan, thời kỳ thứ tư của mình…
Ông kể, giữa khi ông chấp nhận phần số thượng đế đã định sẵn cho mỗi người thì, cuối cùng ông đã vượt qua được nhờ tình bằng hữu, nhờ tình thương yêu của khán thính giả khắp nơi và, nhất là nhờ sự tận tụy quên thân mình của người bạn đời của ông, liên lủy nhiều tháng qua.
Một nghìn năm trăm khán giả hiện diện trong hý viện, một lần nữa, lại nghẹn ngào theo tác giả “Giọt lệ cho nghìn sau, ” khi ông cất tiếng hát ca khúc “Ơn em” (thơ Du Tử Lê), để tặng người bạn đời của ông, lúc đó, cũng đã có mặt trên sân khấu…
Lần này, ngoài những giọt lệ chân tình của Từ Công Phụng, người ta còn thấy những giòng lệ rưng rưng xúc động trên khuôn mặt hạnh phúc của người bạn đời của họ Từ nữa…
Giới hạn đương nhiên của một bản tin, không cho phép chúng tôi viết nhiều hơn. Để kết luận, chúng tôi xin ghi lại ở đây hai dữ kiện bên lề. Nhỏ thôi. Nhưng không thể ý nghĩa hơn! Đó là:
-Trước khi ra về, một khán giả đi tìm đại diện ban tổ chức, ngỏ ý, cho phép bà được đóng tiền đặt chỗ trước, cho kỳ tổ chức lần tới, dù bà phải đợi chờ bao nhiêu năm nữa! (Và)
- Một bậc phụ huynh đã không dấu được mừng rỡ khi tìm Producer Phương Hoa, để tâm sự:
“Tôi thấy tôi phải nói lời cảm ơn VOVN. Tôi cảm ơn quý vị vì lúc đầu, con tôi nó rất miễn cưỡng, khổ sở khi phải chở chúng tôi đến tham dự chương trình này. Cháu phải ở lại với chúng tôi luôn vì nhà chúng tôi ở khá xa đây. Nhưng ngay khi chương trình vừa chấm dứt, chúng tôi thật bất ngờ khi nghe cháu nó bảo, cháu nó mong sớm có một chương trình khác, như thế này, để cháu nó được thưởng thức. Chúng tôi sung sướng tới muốn chảy nước mắt vì nhờ quý vị mà cháu đã tìm được lối về lại cội nguồn…”