Tôi gặp Du Tử Lê lần đầu tiên vào khoảng thượng tuần tháng 12- 1966. Lúc bấy giờ Lê vừa từ Cục Chỉnh Huấn thuyên chuyển về phòng Thông Tin Báo Chí thuộc Khối Kỹ Thuật Cục Tâm Lý Chiến theo phiếu trình của Đại Tá Vũ Quang, cục trưởng. Còn tôi, phụ trách một bộ phận của Phòng Điện Ảnh và Vô Tuyến Truyền Hình cũng thuộc khối Kỹ Thuật. Do công việc của một người phụ trách viết lời dẫn giải các cuốn phim thời sự và biên soạn chương trình truyền hình quân đội, tôi thường hay ghé phòng báo chí để xin “tăng viện” tài liệu tin tức, vì đây là “kho tàng” của những gì tôi cần tìm.
Xin được nói thêm về phòng Thông Tin Báo Chí. Đây là một trong những phòng quan trọng của Cục Tâm Lý Chiến, chịu trách nhiệm điều hành bán nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa, Nguyệt San Tiền Phong, phụ trách trang từ Tiền Tuyến đến Hậu Phương, phần thông tin chiến sự và phóng sự chiến trường trên Nhật Báo Tiền Tuyến (cũng thuộc quyền quản lý của Khối Kỹ Thuật).
Đến đây hằng ngày nên tôi quen khá thân với anh em cả phòng và biết rõ cả chỗ ngồi của từng người: Từ cái bàn bề bộn giấy tờ của đại úy Phạm Huấn – phụ tá xếp Thịnh, đến cái bàn của quan ba Đặng Trí Hoàn (nhà thơ Hà Huyền Chi), của Huy Phương, nhà thơ Tường Linh, họa sĩ Mai Chửng, Trần Nhật Thiệu…
Một buổi chiều đầu tuần, nhân bị “bí” khi viết lời dẫn giải về một cuốn phim giới thiệu cuộc hành quân của Quân Đoàn 2, những thước phim của anh em quay phim rất “sống động” nhưng phần ghi chú chuyển sang cho bộ phận biên tập lại quá ít, thế là phải sang cầu viện phòng báo chí của xếp Nguyễn Đạt Thịnh. Vừa vào phòng, tôi gặp nhiều khuôn mặt mới. Người đầu tiên tôi gặp là một sĩ quan ngồi ở gần cửa vào, bàn dành cho các phóng viên lưu động. Chưa gặp Lê lần nào, nhưng khi thoáng nhìn hàng chữ lớn ghi ở đầu giấy Lê đang viết, tôi biết là Lê vừa đi phóng sự ở cao nguyên về, mừng quá, tôi hỏi ngay: Có phải ông vừa đổi về phòng này và cũng vừa ra “ra quân” ở chiến trường vùng 2. Lê gật đầu thay cho câu trả lời. Vừa lúc đó, họa sĩ Mai Chửng, bạn cùng khóa với tôi, ngồi ở góc phòng nói lớn: Du Tử Lê đó. Rồi Chửng giới thiệu với Lê về công việc tôi làm.
Khi biết người đang nói chuyện với mình là Du Tử Lê, một nhà thơ mà mình rất thích, tôi mừng rỡ nói với Lê: Những ngày còn ở trong Thủ Đức, tôi được đọc nhiều bài thơ của ông và rất thích, cứ mong có dịp được gặp ông. Tôi cóc làm thơ được nhưng có nhiều câu thơ của ông, đọc song thấy cay cay ở mắt. Nghe tôi nói, Lê cười xề xòa: Cám ơn bạn, nhưng xin bạn bỏ cái tiếng ông đi, mình rất cảm động về những gì bạn nói. Và bây giờ mình có thể giúp được gì bạn? Tôi nói Lê là tôi cần một số tài liệu về cuộc hành quân của Quân đoàn 2 và Lê vừa ở trên đó về. Lê nói: Bạn đợi tôi vài phút, tôi viết gần xong, rồi sẽ cho bạn xem bài viết ghi đầy đủ diễn tiến.
Lê viết rất nhanh, chỉ khoảng 5 phút là Lê đã viết xong trang cuối cùng. Đọc bài của Lê để rút ra những con số và tài liệu cần cho cuốn phim, tôi không khỏi ngạc nhiên về văn phong phóng sự của Lê. Tôi nói với Lê: Bạn làm thơ rất hay mà viết phóng sự chiến trường cũng tuyệt cú mèo, đất nào bạn cũng tài hoa cả…Và thế là chúng tôi quen nhau.
Khi Lê biết tôi “vô gia cư”, tối thì ngủ lại trong studio của Phòng Truyền Hình, lại không có xe. Lê nói rất chân tình: Khi nào toa cần giang hồ vặt thì hết giờ làm việc, sang đây moa chở đi. Và chiều hôm đó, Lê đã “đèo” tôi trên chiếc Vespa về nhà ở đường Phan Thanh Giản. Trên đường đi Lê nói: Chở toa về nhà cho biềt, khi nào buồn thì cứ tấp vào nhà moa. Bà vợ mình rất hiền, rất quý bè bạn của mình. Rồi Lê nói luôn: Tối nay tụi mình ghé quán cơm bà Cả Đọi, có rủ cả Mai Chửng, nó sẽ đến sau.
Và thế là Lê, Mai Chửng và tôi trở thành bộ ba chơi rất thân với nhau. Trong xưng hô, chúng tôi sử dụng đủ loại đại danh từ: Khi thì mày,tao, khi thì moa, toa…Vào đầu năm 1967, Lê thêm một bông mai trên cổ áo, tôi và Mai Chửng hùn tiền mua tặng Lê một cặp “lon” mới và rủ Lê đi ăn cơm Tây ở một nhà hàng ở DaKao. Khi tính tiền, Lê giành trả, nhưng Mai Chửng nói ngay: Mày mà trả thì hai đứa tao cóc chơi mày nữa. Lê cười thật hiền và nói: Thế thì tụi mày phải để tao bao hai đứa mày ăn sáng…
Từ ngày quen Lê, tôi hay lặn qua phòng Báo Chí để rủ Lê và Chửng “dù” ra Sài Gòn ăn cơm, uống cà phê vào buổi trưa và thường bị xếp Thọ (thiếu tá Nguyễn Thượng Thọ, trưởng phòng) cho người đi kiếm vì chưa trình ông các script mà ông cần duyệt gấp. Đến khoảng tháng 3/1967, tôi gặp một “đại nạn” về công việc: Phòng Điện Ảnh và Phòng Truyền Hình tách riêng, trong khi người phụ trách biên tập của hai phòng thì chỉ có mình tôi. Tôi “được” cả xếp Thọ và xếp Toàn (Thiếu tá Nguyễn Văn Toàn, trưởng phòng Truyền Hình) “ưu ái”, cả hai vị trình với đại tá Quang phân công tôi theo thời khóa biểu: Sáng làm việc với xếp Thọ ở phòng Điện Ảnh, đúng 1 giờ trưa thì qua trình diện với xếp Toàn. Với sự phân nhiệm như thế, tôi thường trình diện xếp Toàn trễ từ 15 phút đền nửa giờ vì hay “Sài Gòn du ký” với Lê và Chửng vào buổi trưa.
Xếp Toàn cằn nhằn và hay xổ tiếng Tây để “giáo dục” sĩ quan thuộc quyền. Buổi chiều do công việc bù đầu, có khi phải làm đến gần tối, tôi cũng ít có dịp ngồi sau chiếc Vespa của Lê để đi lòng vòng quanh phố. Chỉ vào những ngày cuối tuần, nhân có bạn của Lê từ Cao nguyên về hay từ miền tây lên, (tuần nào cũng có vài người, phần lớn là quý mền và “ái mộ” thi tài của Lê), thì Lê rủ tôi cùng đi uống cà phê ở quàn cóc “tọa lạc” ở góc đường Nguyễn Du – Tự Do, gần nhà thờ Đức Bà. Đó là quán cà phê mà khách ở trong tình trạng “ừng chiến để kịp chạy” mỗi khi có cảnh sát giao thông đi tuần.
Chịu cảnh nhân viên của 2 xếp được hai tháng, tôi hỏi ý của Lê và Mai Chửng, Lê nói: “Toa làm ngành truyền hình và điện ảnh thì có tương lai, từ từ rồi trình với các xếp chỉ làm một mà thôi, mà nếu chọn thì nên chọn ở phòng Truyền hình. Nhưng Mai Chửng thì không đồng ý, nói toạc ra: chỉ có cách là “biến”, mày lên gặp xếp Thạch (Lê Đình Thạch, trưởng khối Kỷ Thuật) xin qua Phòng báo chí là xong chuyện. Nghe Chửng nói vậy, Lê góp ý: Mày qua báo chí thì rất vui và đó là nghề cũ của mày trước khi đi lính, nhưng phải suy nghĩ chứ đừng vì cao hứng hay vì tui tao mà thay đổi công việc..
Cuối cùng nhờ sự can thiệp của xếp Thạch và được xếp Thịnh OK, tôi được về làm chung với Lê và Chửng. Liên bạn cùng khóa với tôi đang làm ở phòng Báo Chí được chỉ định hoán đổi với tôi, thế là tôi được “thoát” nhưng phải mất hai tuần để “chuyển dần” công việc cho Liên.
Ngày tôi chính thức đầu quân về phòng Báo Chí, Lê và Mai Chửng đã khao tôi một bữa ăn trưa ngất ngư ở quán Thanh Thế. Trong bửa ăn Lê nói: Cả ba đứa cùng làm mọt phòng, đi đâu cũng kéo đi cả ba, nếu về phòng trễ, là xếp Thịnh sẽ “nhăn” đó…Tính của Lê là thế, luôn luôn chừng mực và cái “máy hãm” mỗi khi bạn bè đi quá đà. Ngay trong công việc đi chơi chung, Lê được tôi và Chửng bầu làm đầu tầu. Việc trả tiền cũng có nguyên tắc hẳn hoi. Mỗi lần Lê hay tôi lãnh tiền nhuận bút ở các báo ngoài thì cả ba đứa cùng kéo đến tòa soạn của báo đã cộng tác. Một đứa vào lãnh, hai đứa ngồi ngoài chờ. Ra đến nơi là báo cáo ngay: Khi thì năm bớp, khi thì mười bớp…Khi thì có bạn ở xa của Lê về thăm và cùng đi thì Lê làm chủ xị, còn nếu chỉ có ba thỉ Lê hoặc tôi thay nhau trả. Riêng Mai Chửng thì lãnh phần trả tiền ăn cơm Tây vào cuối tháng.
Từ ngày về Phòng Báo Chí, tôi thường được xếp Thịnh phái đi viết phóng sự ở chiến trường vùng 1, mỗi chuyến đi kéo dài đến nửa tháng. Khi về, phóng viên được nghỉ xả hơi vài ngày. Dạo đó Lê và Dương Vy Long thường đi vùng 2; Nguyễn Nhơn Phúc, Tiến Dũng đi vùng 3; Trần Xuân Thành, Anh Thuần thường đi vùng 4, Huy Phương thì Biệt Khu Thủ Đô và quân trường.
Vào thời gian này, thường trực ở phòng có Đặng Trần Huân, Hà Huyền Chi, Tường Linh, Lê Văn Phong, Mai Chửng, Trần Nhật Thiệu…Có nhiều đợt, Lê và tôi cùng đi một lần lên Pleiku, còn tôi thì ra trung. Và khi xong công tác, trở về phòng thì cả tôi và Lê có được vài ngày ung dung ngồi lâu ở Cái Chùa mà không lo các xếp gọi về để “bay khẩn cấp về các vùng chiến thuật”.
Về làm việc chung với Lê và Mai Chửng hơn 1 năm thì do một lý do riêng, tôi làm đơn tình nguyện xin chuyển ra đơn vị chiến đấu. Khi nộp đơn cho xếp Thịnh, tôi không cho Lê và Chửng biết. Xếp Thịnh gọi tôi vào phòng riêng, hỏi tôi vì sao lại xin đi. Xếp nói: Phòng đang cần nhiều phóng viên, cậu và Du Tử Lê, Mai Chửng lại là bộ ba chơi thân với nhau, sao cậu lại bỏ đi. Tôi giải thích với xếp Thịnh: Xa hai đứa nó tôi rất buồn nhưng vì lý do riêng, xin thiếu tá ghi thuận trong đơn của tôi và nhờ thiếu tá xin với đại tá cục trưởng cho tôi được thuyên chuyển về một trung đoàn tân lập ở giới tuyến, đang thiếu sĩ quan.
Cuối cùng đơn xin thuyên chuyển của tôi được chấp thậun. Khi cầm sự vụ lệnh trong tay, tôi mới báo cho Lê và Chửng biết.
Tối cuối cùng (tôi còn nhớ rõ là ngày 15 tháng 6/1968), cả ba đứa ngồi với nhau ở Câu Lạc Bộ Sĩ Quan đến nửa đêm. Vào thời gian đó, cả đơn vị cắm trại 100%. Buổi tối, tất cả quân nhân phải ngủ lại doanh trại. Khi cụng ly lần cuối với Lê và Chửng, tôi đã bật khóc và nói: Sáng mai xe trực đưa tao ra phi trường 5 giờ sáng, tao ngủ ở phòng trực, còn hai đứa cứ về phòng mà ngủ, đừng thức dậy tiễn tao. Tụi mình chia tay ở đây. Rồi tôi ôm từ giã Lê và Chửng. Lê giọng chùng xuống: Ra đến đơn vị mới, gọi về cho tụi tao biết ngay. Còn Chửng thì lặng lẽ rút trong ví ra một cọc tiền: Có mấy ngàn, mày cầm lấy để tiêu vặt, tiền tao bán tượng dành cho mày một ít.
Rời Sài Gòn rạng sáng ngày 16 tháng 6/1968, phải đến cuối tháng 1/1973, nhân vừa lập gia đình, được nghỉ phép 10 ngày, tôi mới có dịp về Sài Gòn thăm Lê và Chửng. Lúc này Lê đang làm thư ký tòa soạn Nguyệt San Tiền Phong, còn Chửng thì phụ trách trình bày cho tờ Chiến Sĩ Công Hòa, cả hai tờ báo này đều do Phòng Thông Tin Báo Chí điều hành. Vừa về đến nhà người quen ở Sài Gòn, tôi kiếm taxi đến Cục Tâm Lý Chiến để tìm Lê và Chửng. Chỉ gặp Lê, còn Chửng đi vắng, sáng hôm sau mới gặp và được nó tặng 5 ngàn. Sau hơn 4 năm mới gặp lại nhau, tôi ôm chầm lấy Lê và nói: Tao ở Đà Lạt, ba ngày cuối tao phải thuyết phục bà vợ về Sài Gòn để thăm hai đứa bây, Lê cười sang sảng, giọng xúc động: Bạn tôi!
Sau lần hội ngộ đó, cuối tháng 5/1973, tôi xin phép đơn vị trưởng về Sài Gòn để dự kỳ thi ở Đại Học Khoa Học. Gặp Lê và Chửng tôi nói: Lính đơn vị chiến đấu thì giờ đâu mà học, về thi cốt để thăm hai đứa bây. Trong tuần lễ ở Sài Gòn, Lê giữ tôi ở lại với Lê tại căn nhà Lê thuê ở gần Cục Tâm Lý Chiến, Lê còn dặn người nấu cơm tháng nấu luôn cho cả tôi. Ngày cuối cùng trước khi tôi trở lại đơn vị, Lê và Chửng đưa tôi đến quán cơm Tây ở DaKao mà cả ba đứa thường đến ăn vào cuối tháng năm năm về trước.
Đó cũng là lần cuối cùng tôi gặp Lê và Chửng, phải đến hơn 22 năm sau, tôi mới gặp lại Lê trên đất Mỹ. Sau những năm tháng trong lao tù CS, sau những ngày dài tất bật mưu sinh ở Sài Gòn, đến giữa tháng 6 năm 1995, tôi mới đến Hoa Kỳ theo diện H.O. và phải bốn tháng sau đó, trong khi đang phụ giúp biên tập cho đà Văn Nghệ Truyền Thanh, tình cờ tôi nghe Lê Phú Bổn nói chuyện qua điện thoại với Du Tử Lê, tôi không dằn được xúc động, và tôi thấy cay cay ở mắt khi nghe tiếng Lê la lớn trong máy: Mày đó hả, hơn 22 năm bây giờ mới nghe lại tiếng của mày! Bạn tôi!
Vương Hồng Anh
(Trích hồi ức “Đơn vị đầu tiên trong đời quân ngũ”. Viết xong vào 3 giờ sáng ngày 22 tháng 11/ 1998)