Giới thưởng ngoạn, nhiều người khi đứng trước tranh Nguyễn Đình Thuần, thường có cảm giác như họ đang được đối diện với một (hay những) thế giới lãng mạn hư ảo. Loại hư ảo lãng mạn chỉ có trong vô thức, hay trong những mơ tưởng huyễn hoặc, thấp thoáng, chấp chới đâu đó nơi đáy thẳm của đời sống tinh thần.
Những cảm nhận này, đôi khi còn theo đuổi hoặc trở lại với họ, khi đã rời xa tranh Nguyễn Đình Thuần.
Tuy nhiên, đa số đều không thể tự lý giải tại sao, từ đâu, những cảm nhận ấy?
Để giải thích phần nào hiện tượng vừa kể, tôi nghĩ, có lẽ chúng ta nên trở về cội, gốc của bộ môn hội họa.
Nếu chúng ta đồng ý với nhau rằng, nền tảng căn bản của hội họa là đường nét và, sắc mầu thì, Nguyễn Đình Thuần chẳng những đã đẩy hai yếu tính vừa kể, tới những chân trời khả thể mà, họ Nguyễn còn phả vào đường nét và sắc mầu của ông phần linh hồn.
Nói một cách dễ hiểu hơn, Nguyễn Đình Thuần đã gửi vào tranh của ông hơi thở nồng nàn của những rung cảm vi tế.
Hơn một người từng phát biểu rằng, trong mầu xanh của tranh Nguyễn Đình Thuần, có trái tim dành cho thơ mộng bát ngát và, ngược lại, trong màu vàng tranh họ Nguyễn, lại có trái tim dành cho tàn phai, thất lỡ, chia ly cuộc tình.
Ở đây, tôi muốn nói thêm, muốn nhấn mạnh về những mảng mầu nóng như đỏ, lạnh như như xám hoặc đen, dù chỉ chiếm hữu một diện tích khiêm tốn trong toàn cảnh bố cục tác phẩm; nhưng chúng lại bật lên những buốt, xót, những gào, thét phản kháng mạnh mẽ của những con sóng ngầm.
Tôi muốn nói, chúng là tâm bão. Chúng là tiếng nói được cất lên với âm độ cao nhất, nếu chúng ta có thể nghe chúng bằng một một cảm nghiệm nào, khác hơn thính giác. Tôi thí dụ: Tâm cảm.
Ở đây, tôi cũng muốn nói thêm, chúng ta đừng quên, tài năng của họ Nguyễn còn được cộng hưởng bởi những kiến thức chuyên môn mang tính chính quy mà, không phải họa sĩ nào cũng có được, (dù cho họ cũng xuất thân từ trường ốc.) Như sự kiện họ Nguyễn nắm vững lãnh vực anatomy. Nắm vững đường bay của lịch sử hội họa thế giới, trải qua nhiều thời kỳ. Cũng như sự khác biệt của mỗi trường phái…
Tôi quan niệm: Tài năng vốn bẩm sinh. Nhưng, bên cạnh năng khiếu trời cho, bên cạnh tính đam mê, nếu thiếu vắng phần thấu đáo định dạng kỹ thuật, thiếu vắng phần kiến thức sâu, rộng về bộ môn văn học hay nghệ thuật mình theo đuổi thì, tài hoa hay độ lớn của một văn, nghệ sĩ vẫn nằm trong phạm vi câu thúc của bắt chước. Và, đương nhiên không vượt khỏi tầm giới hạn của một người thợ khéo tay, kinh nghiệm thao tác lâu ngày trong nghề nghiệp.
Với tôi, may mắn thay, Nguyễn Đình Thuần có cả tài năng bẩm sinh lẫn kiến thức (đưa tới ý thức,) để vượt qua giới hạn…
Chú thích:
(1) Trích chương trình “Tác giả và tác phẩm,” VOA, tháng 2 năm 2004.