Đêm sinh hoạt văn nghệ với chủ đề "Du Tử Lê: những người nữ trong thi ca" đã diễn ra trong bầu không khí ấm cúng và thân mật. Vẫn trung thành với sự chọn lựa sân chơi LUP cho các cuộc trò chuyện thi ca của mình, nhà thơ Du Tử Lê và Lê Uyên cùng bạn bè đã đem đến cho giới thưởng thức một đêm văn nghệ rất đáng nhớ.
Mở đầu là những mẩu chuyện nhỏ của nhà báo Vương Hồng Anh về cái nguyên cớ đã tạo nên nắng, gió trên cuộc đời thi sĩ Du Tử Lê. Để ca ngợi Du Tử Lê, dù là về con người hay thi ca thì bao nhiêu cũng là không đủ và không cần thiết. Nếu biết đời sống đã gắn liền Du Tử Lê với định mệnh của chia lìa và xa cách thì những người nữ trong thi ca ấy hẳn phải là những người phụ nữ biết vượt qua số phận; và những cuộc tình của con người thi ca ấy ắt hẳn phải là thứ tình yêu vượt lên khỏi cái nghiệt ngã của đời.
Với không gian âm nhạc thật vừa vặn, tiếng dương cầm của nghệ sỹ Thụy Khanh và cây vĩ cầm của "thần đồng" Hoàng Thi Thao đã khéo léo khắc phục được những tạp âm ồn ào, chắt lọc cho khán phòng một đêm yên ắng đủ để khán giả lắng đọng trong thi ca Du Tử Lê qua những dòng nhạc của Đăng Khánh, Trần Duy Đức, Từ Công Phụng, và Anh Bằng...
Nguyễn Đức Cường da diết với "Ơn em", Mỹ Thúy nồng nàn với khúc "Em ngủ trong mùa đông", Thiên Hương nhẹ nhàng với "Trong tay thánh nữ có đời ta" và Mai Hương sang cả cùng "Khi bắt đầu những năm 30"
Đặc sắc nhất trong đêm diễn là giọng ca Nguyên Khang, anh đã hát rất hay những "K. Khúc của Lê", "Lệ buồn nhớ mi", "Trên Ngọn Tình Sầu" và "Khúc Thụy Du". Cùng với Nguyên Khang, giọng ca thính phòng xuất sắc Lê Hồng Quang cũng đã cống hiến trọn vẹn cho khán giả trong "Khi tôi chết hay đem tôi ra biển", và "Đêm nhớ trăng Sài Gòn"... Góp phần trong đêm diễn còn nhiều những ca sỹ và những bài ca khác mà trí nhớ hạn hẹp không đủ để cho phép kể hết ra.
Xen giữa những khúc ca là phần độc diễn "hút hồn" của nhà thơ Du Tử Lê. Ông chọn đọc bài thơ "Vì em tôi đã thành sa di" và sau đó là khéo léo trả lời những câu hỏi đưa ra từ phía khán giả.
Chủ đề tình yêu trong thi ca Du Tử Lê gắn liền với thời của những "em", những "thánh nữ", những "bồ tát" và những "người" đã chọn cho tình yêu của mình cùng Du Tử Lê một đời sống bất tử trong một chốn nhân gian mỹ miều có tên là thi ca, với thật nhiều vị cay và đắng.
Thời của N. (hiện giờ vẫn ở tại Việt
Đâu đó trong dòng trí nhớ, người đọc có thể dễ dàng rơi vào sự nhập nhằng giữa "thời của T.C." và "thời của T.N." T.C. đến trước cùng với "Khúc Thụy Du" bất hủ. Thời H.C., Du Tử Lê có những hồi tưởng đẹp cùng với "Trên ngọn tình sầu".
Nhà thơ dành phần lớn tình cảm để nhắc về T.N. - người từng là bạn đời trên con sông duyên kiếp đã sớm cạn dòng cùng ông. Trong lời bộc bạch chân thành, ông gửi đến gia đình T.N. sự tri ân sâu sắc cho tình thương yêu mà họ đã dành cho ông cùng với cách mà họ không quay lưng với "'đứa em hư hỏng" (từ nhà thơ dùng để nói về mình).
Và sau cùng là "thời H.T.", người nữ của "dòng suối trăm năm" và hiện tại cũng là người đồng hành cùng nhà thơ trong dòng đời bất tận. Với H.T., ông có "Quê Hương là người đó", "Khúc Hạnh Tuyền núi / sông... và không biết là còn bao nhiêu nữa.
Sẽ thiếu sót một chút khi không nhắc đến cô chủ quán Lê Uyên và "cuộc tình của Du Tử Lê và Lê Uyên đã trôi qua, không có kết luận bi kịch nào cả, chỉ có, ở đó cũng vậy, gió thổi, rừng đã thổi sương khuya..., rồi em bỏ tôi đi..." (trích bài viết của Nguyên Sa: Trên Ngọn Tình Sầu). Dẫu cũng là một người nữ trong thi ca của Du Tử Lê, nhưng trong đêm diễn này, Lê Uyên đã không hát khúc của mình, cô đã chọn bài ca mà cô rất thích, "khúc tháng 9" (cũng là bài thêm cho T.C.) để cống hiến cho khán giả sự nồng nàn và vô vàn những điều quý giá.
Đêm diễn khép lại sau 3 giờ trò chuyện, đi ra về cùng với một băn khoăn:
"Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
tôi là cánh cửa mở trăm năm
chờ em tìm tới: - cài then lại
chỉ rõ: này đây, nhé chỗ nằm"
Không biết những người nữ đã, đang và sẽ đi vào trong "cánh cửa mở trăm năm" ấy có đành lòng bước ra hay không (?!) Và nếu ở lại, có ai đã, đang và sẽ phải than phiền (dù thật hiền) về cái không gian chật hẹp, đầy ắp những bóng hình ấy hay không (?!)
Mênh mông ... câu trả lời vẫn còn là "ở chỗ nhân gian không thể hiểu"
Trang Ng.
08.02.03