(Bài nói chuyện về thơ Du Tử Lê tại KC Club,
Nhà thơ là kỹ sư tâm hồn. Trong cõi nhân sinh, Nhà thơ thường là những kẻ mộng du, nhưng đồng thời cũng là nhà thần bí theo đúng nghĩa của từ này. Vì hơn ai hết, Nhà thơ vượt ra khỏi thế giới tầm thường của chúng ta, để đi vào một thế giới trong đó mộng và thực đồng hóa với nhau, và cõi nhân sinh cũng như cõi ta bà hình như là một. Trong rừng thợ thơ hiện nay, Du Tử Lê là cây cổ thụ, nhưng ông không phải là thợ thơ, mà là kỹ sư ngôn ngữ, có chỗ đứng cao. Ông thực sự đã đem lòng mình ra phơi bày cho thiên hạ trong những cảm hứng, và dòng thơ chỉ có những thi sĩ mới viết lên được.
Những dòng thơ chỉ là thơ khi nói lên, và thúc nhắc người đọc đi vào thế giới tâm hồn của thi nhân. Cả người đọc lẫn thi nhân cùng chung một tần số của thông cảm, mộng mơ và hiểu nhau trong sứ điệp tình yêu.
Người đọc thơ cũng như người thưởng ngoạn thường có cái nhìn khác nhau. Đối với một người tôn giáo, cái nhìn đó cũng méo mó nghề nghiệp, và thường chỉ để ý những gì liên quan đến mình và niềm vui của mình.
Ngôn ngữ của Du Tử Lê về tôn giáo, nói riêng về Đạo Chúa rất chuẩn. Nếu người ta không biết ông không phải là người tin Chúa, sẽ cho ông là người đạo dòng. Những ngôn ngữ về tôn giáo ông dùng là những câu kinh chỉ có người có đạo dòng mới hiểu được ý nghĩa của chúng, và hiểu tận tình.
Có thể ông có quen một người có tôn giáo tin vào Chúa; và người đó phải là bạn thân của ông, đến nỗi những từ về tôn giáo hình như đã đến với ông tự nhiên như hơi thở. Chúng ta có nhiều Nhà thơ Thiên Chúa Giáo. Nhưng Du Tử Lê đã dùng những từ tôn giáo bình dân nhất, nhưng cũng nên thơ nhất, vì nó mang theo những ý nghĩa tự nhiên và bình dân.
Thí dụ trong bài thơ dưới đây, ông viết:
tôi tầm gửi trên nỗi sầu nhân thế
trái cây nào em hái được không vui?
giây tội lỗi quấn quanh cành địa ngục
thăm thẳm em: đầy nỗi niềm tôi.
(Trích tập Ở Chỗ Nhân Gian Không Thể Hiểu, trang 17)
Đây là ý niệm tôn giáo về trái cấm Evà đã ăn trong vườn địa đàng, và đã làm cho cả nhân loại đau khổ. Nhưng người yêu của Du Tử Lê đã không dám hái trái cấm của tội lỗi. Bởi vì nàng là Thánh Nữ của đời ông. Chính vì nàng muốn được phục sinh như Nhà thơ đã viết:
ở chỗ nhân gian không thể hiểu
tôi xin người sớm phục sinh tôi.
(Sđd., trang 16.)
Quan niệm phục sinh là quan niệm hoàn toàn Kitô giáo. Theo đó, con người ta sẽ sống lại sau cơn chết thế gian này và khi Chúa trở lại trong ngày thế mạt. Nhà thơ không ngần ngại xin được sớm phục sinh để cùng người yêu dấu chung hưởng hạnh phúc. Trong bài "Thơ ở tro than," Nhà thơ viết:
đời muôn cửa tôi chọn về địa ngục
thiên đàng em bỏ lại đã hoang tàn
ai nắng gió trên cảnh đời kẻ đó?
mà tôi ngồi điếng lặng giữa tro than.
(Sđd., trang 26)
Khái niệm thiên đàng và địa ngục có từ Kinh Thánh Kitô giáo. Thiên đàng chính là nơi có tình yêu thương; trong khi địa ngục chính là nơi dành cho những người không yêu thương, hay không được yêu thương. Họ đã từ chối thiên đàng khi không chấp nhận yêu thương trong cuộc đời mình.
Trong cõi nhân gian không thể hiểu, nhiều lần Nhà thơ hỏi Chúa; hỏi trăng sao về ý nghĩa cuộc đời, và trong nỗi thất vọng có thể vì tình yêu đi xa, nên ông đã không ngại ngùng
viết:
hỏi Chúa đi rồi em sẽ hay
tôi buồn như phố cũ như tay
bàn chân từng ngón ngưng không thở
lạc mất đường đi tạnh dấu bày
hỏi Chúa đi, Ngài sẽ trả lời
trong tay Thánh Nữ có đời tôi.
(Sđd., trang 71)
Thánh Nữ đó đã trở thành từ mẫu như người mẹ hiền mang sữa ngọc nuôi con, sữa của tình yêu và cay đắng. Nhưng là sữa để nuôi sống cuộc đời.
ôi Thánh Nữ đi bên lề nắng gió
đã chẳng cùng, thôi! hỏi tới nhau chi
ta đọa lạc ngay phút vừa mở mắt
em có là từ mẫu của riêng ta?
Trong một phút giây nào đó, Nhà thơ đã quay về với tôn giáo như là một nơi giải thoát. Tuy nhiên, sự giải thoát đến từ một người chịu đóng đinh trên thập tự, và ông khẩn khoản:
trên tay Chúa dấu đinh người bị đóng
cuối đời tôi than củi đã thành tro
em chẻ nhỏ khối tình tôi lỡ gửi
nhóm nổi không (?) một ngọn lửa oan cừu.
Người em của Thi sĩ là người em trinh khiết trong mối tình trong sáng như pha lê. Một mối tình không hề mong đáp trả:
đừng nhìn tôi nữa em vô nhiễm
ruộng máu tôi còn nguyên. Luống tươi
có đâu cứu chuộc mà em đợi
đi hết đời dư vẫn ngậm ngùi
(Sđd., trang 109)
Ruộng máu là Haceldamam. Trong Kinh Thánh thửa ruộng do món tiền bán Chúa của Giuda mua lại của người thợ gốm. Nhưng ruộng máu trong thơ Du Tử Lê chính là cuộc đời ông nhiều thống khổ, mà cái da diết lớn lao là mối tình của em vô nhiễm. Cũng trong bài đó, bàng bạc những từ ngữ tôn giáo:
đừng nhìn tôi nữa em vô nhiễm
lồng lộng chân trời một vết son
với tôi đã đủ, sau hồng thủy
nguồn cội tôi tìm trong tóc em
(Sđd., trang 109)
Sau cơn hồng thủy chỉ còn gia đình Noe sống sót, trong đó có chúng ta. Sau cơn hồng thủy nhân loại đã có một liên hệ hòa bình với thượng đế. Liên hệ cho phép họ nhìn cầu vồng của hy vọng một thế giới thực sự vô nhiễm, không tội lỗi của hận thù khi con người là sói dữ của con người. Chỗ khác ông viết:
đừng nhìn tôi nữa em vô nhiễm
bánh thánh là em. Tôi đã ăn
đêm đêm ngồi nhớ đôi vai thẹn
rung dộng vì tôi? Hay trối trăn?
(Sđd., trang 110)
Bài thơ "Hồn ẩn mật đã gửi người trước đó" có rất nhiều từ ngữ tôn giáo:
em vô nhiễm. Ngón chân ngoài Cựu Ước
trong lòng tôi chiều dạt Phúc Âm buồn
nhân danh em: xin những cặp tình nhân
trên mặt đất sẽ không còn ly biệt.
em vô nhiễm. Tóc bay đầy Tân Ước
tôi xin người cho những kẻ xa nhau
có lại thương yêu - hồn mới, nhiệm mầu
như em đã dìu tôi vào bí tích
em vô nhiễm. Môi trần gian thảm kịch
tôi hôm nay trở lại kẻ tân tòng
mộng như gương. Lòng như giấy trắng, trong
xin vẽ xuống giấc mơ nào đẹp nhất
em vô nhiễm. Bị đinh đời đóng suốt
bởi chọn tôi, một kẻ giống Giuđa
tôi bán mình, nhưng không bán thiên thu
hồn ẩn mật đã gửi người trước đó
em vô nhiễm. Biển. Đêm. Trăng tiểu thuyết
mắt thi ca son trẻ. Tim Mỵ Nương
tôi quỳ đây. Trân trọng. Rất Thánh Đường
xin chịu lễ trước người như bánh thánh.
(Sđd., trang 114)
Trong bài thơ vừa qua, chúng ta đọc được nhiều từ ngữ tôn giáo như: cựu ước, tân ước, phúc âm, bí tích, tân tòng, Giuđa, chịu lễ, và bánh thánh. Những từ ngữ này rất nên thơ và tự nhiên trong dòng thơ của Thi sĩ làm cho chúng ta nhớ lại một Nhà thơ Thiên Chúa Giáo là Hàn Mặc Tử. Thi sĩ là người gần với huyền nhiệm, và họ đã có những ngôn ngữ mà trong cõi nhân gian không thể hiểu. Nhưng vì họ đã lên cao, nên họ đã cùng hướng về một chân lý, trong đó, mọi người đều thấy rằng:
Ở chỗ nhân gian không thể hiểu / tôi với người chung một trái tim.
Nhân sinh quan của Du Tử Lê chính là tình yêu:
cho tôi hát cùng em bài hát cũ
bài ngợi ca Thiên Chúa ở trên trời
để tôi về cầu nguyện với Ngôi Hai
cho ta sống một ngày như mấy kiếp
cho tôi viết cùng em trang sách ước
bằng một tên (chung gọi cả hai người)
em cấm phòng để cứu rỗi cho tôi
và hành khổ cho đời sau ý nghĩa
(Trích trong tập "Đi với về, cũng một nghĩa như nhau,"
trang 22)
Thi sĩ thường có trực giác bén nhậy, cho ông thấy căn bản của cuộc đời chính là tình yêu. Vì tình yêu người ta có thể hy sinh tất cả. Hy sinh luôn cả tình yêu:
Thư vạn dặm mà hương lừng giấy mới
em vì tôi từ chối chọn thiên đàng
em vì tôi thập tự giá xin mang
đi suốt kiếp với Tin Mừng sáng dội
(Sđd., trang 27)
Trong cõi nhân sinh của Du Tử Lê tình yêu là nữ hoàng, là thánh nữ, là bảo ngọc, trân châu, và chỉ con người thi sĩ mới dám sống và chết cho tình yêu ấy.
Đọc thơ ông người ta có cảm tưởng ông ca tụng tình yêu, vì có thể trong cuộc đời, ông thành công trong phương diện tình yêu. Tuy nhiên đây là thứ tình yêu của thi sĩ: tình yêu tuyệt đối, luôn đẹp; và thơ tình yêu không cần ngôn ngữ để diễn tả; cũng không cần những dòng thơ để nói lên, vì trong con người thi sĩ đã có tình yêu xác thịt; có những rung động, chất ngất rất người, mang nhiều đặc tính của thần bí và huyền nhiệm. Trong thơ của Du Tử Lê khi nói về tôn giáo, ông cũng nói tới tình yêu theo ý nghĩa tôn giáo. Thứ tình yêu mà tiếng xarx của Thánh Kinh muốn diễn tả. Thứ tình yêu cụ thể rất người, mà thiên chúa tình yêu muốn tỏ cho con người, đã không ngần ngại mang lấy một thân xác để thánh hóa và cho nó một vẻ đẹp tuyệt đối.
Ngôn ngữ thơ của Du Tử Lê không phạm thánh, cũng không xúc phạm đến các đấng tối cao trong các tôn giáo, điều này cho thấy tâm hồn Thi sĩ là tâm hồn Việt Nam đích thực trong tinh thần bao dung, và chấp nhận tất cả của người Việt Nam luôn hiếu khách, hòa bình với mọi dân tộc và ý thức hệ.
Theo Trần Bát Nhã: “...Những bài thơ mượn cửa ngõ thần linh để tỏ tình cho ta thấy tôn giáo đối với ông như một cái cớ, một chiếc cầu liền nhịp để ông và những “Thánh Nữ,” những “Bồ Tát,” hiểu theo một nghĩa nào đó, trở thành một thứ đạo yêu, vượt trên những tầm thường nhân gian, với nhiều điều rất lạ, nhưng chưa hề phạm thánh.”
bằng tin kính của tông đồ thứ nhất
tôi xấp mình đón đợi bước em qua
đêm thồ ngựa tìm đường lên Núi Sọ
gặp hồn mình treo cổ giữa truông ma
bằng tin kính của tông đồ khổ lụy
nhận tôi đi, em ạ, chớ quay đầu
(Phúc âm ngoại giáo)
cây Thánh giá có một đầu rất nhẹ
Chúa không kêu ai vác hộ bao giờ
em quay mặt khước tình tên ngoại giáo
đâu biết rằng Chúa khổ biết bao nhiêu
(Thập tự nàng)
Cũng theo Trần Bát Nhã: “Du Tử Lê đã mang nghệ thuật vào tôn giáo, thoát khỏi lối suy nghĩ thông thường, thói quen sợ sệt, ám ảnh phạm tội, lòng tôn kính thiêng liêng xa vời, nếp tư duy cũ kỹ, giáo điều gia truyền...”
Trong thơ ông, tôn giáo thật đáng yêu. Và khi người ta yêu nhau thì đó cũng là một thứ tôn giáo. Tôn giáo của con người. Tôn giáo rất người, và rất trang trọng như Chúa ở cùng người. “Chúa thật gần gũi, bình thường, nhưng cũng thật đáng tin cẩn, hãy tin ở Chúa, hãy hỏi Chúa khi không còn biết tin ai:
Hỏi Chúa đi, rồi em sẽ hay
Hỏi Chúa đi, Chúa sẽ trả lời
...............................................
“Du Tử Lê nghĩ về Chúa một cách chân thành không mặc cảm.” Có người đã nhân danh tôn giáo mà lên án con người. Tôn giáo đích thực không phải thế. Tôn giáo đích thực làm con người gần nhau, và nếu có thứ tôn giáo nào làm người ta xa nhau là do con người tôn giáo chứ không do tôn giáo. Cũng trong ý nghĩ đó mà thi sĩ viết:
em quay mặt khước tình tên ngoại giáo
đâu biết rằng Chúa khổ biết bao nhiêu.
Để kết luận tôi xin mượn lời Linh Mục Nam Hải: “Mai mốt khi chết đi, nếu tôi được lên thiên đàng mà Du Tử Lê đọa địa ngục, thì tôi sẽ năn nỉ Thượng đế xin cho Du Tử Lê được lên thiên đàng cùng với tôi. Lý do tôi sẽ nêu ra để trình Thượng đế là, nơi trần thế, Du Tử Lê là người làm thơ rất hay. Đầy một người như Du Tử Lê xuống địa ngục thì quá mức tội nghiệp cho Thi sĩ.” Nhưng tôi vững tin rằng các thi sĩ phần lớn lên thiên đàng; vì chỉ có Thi sĩ mới thấy, mới trực giác, mới cảm và rung động với cõi vô cùng của thần bí và linh thiêng.
Kỷ niệm 27 năm chịu thánh chức
*Trong Tay Thánh Nữ Có Đời Tôi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Trần Duy Đức - Tiếng hát: Khánh Ly