Đầu thiên niên kỷ 2000, nhiều độc giả người Việt ở hải ngoại đã tỏ ra thích thú với cuốn bút ký
nhan đề “Bạn Bè Gần Xa” của nhà báo Phan lạc Phúc, do nhà xuất bản Văn Nghệ ở miền nam Califonira, ấn hành. Ba năm sau, những người yêu lối viết nhẹ nhàng, dí dỏm, và chân tình của
tác giả này, lại được nhà Văn Nghệ gửi cuốn thứ hai vào tủ sách gia đình của họ, đó là cuốn “Tuyển Tập Tạp Ghi.”
Sự thực tất cả những bài viết của hai tác phẩm vừa kể, đều là những bài đã được nhà báo Phan Lạc Phúc cho đăng tải từng kỳ trên bán nguyệt san Ngày Nay, ở Houston, Texas; và một số tuần
báo xuất bản ở thành phố Sydney, Úc Châu. Nhiều người lần đầu tiên bước vào thế giới văn chương của họ Phan, đã bị hấp lực của những bài “tạp ghi” Phan Lạc Phúc thu hút một cách
mạnh mẽ.
Đối với giới làm văn nghệ trước tháng 4-1975 ở quê nhà, ký giả Lô Răng/ Phan Lạc Phúc là một nhà báo khá đặc biệt. Tên tuổi của ông gắn liền với nhật báo Tiền Tuyến.
Nếu hành trình của một ký giả nhật báo, thường phải đi qua từng giai đoạn; như từ một phóng viên, người làm tin, hay dịch tin, đi lần tới vai trò thư ký tòa soạn “trang trong,” rồi phụ trách “trang ngoài” trước khi có thể trở thành tổng thư ký rồi, chủ bút, chủ nhiệm… Nhà báo Phan Lạc Phúc khi được mời về cộng tác với nhật báo Tiền Tuyến, nếu tôi nhớ không lầm thì ông không
phải đi qua “đoạn đường chiến binh” mà một ký giả thường phải trải qua, như đã lược ghi ở trên.
Ngày xưa, thời Viêt Nam Cộng Hoà nhiều chục năm trước đây, với giới làm nhật báo thì, danh từ “trang trong” là tiếng chỉ những người trách nhiệm sắp xếp, dàn dựng phần bài vở không bị chi phối bởi yếu tố thời gian. Nó có thể vẫn là tin tức, nhưng nhiều phần là ký sự, phóng sự, sưu tầm; hoặc những sáng tác như truyện ngắn, truyện dài… tuỳ theo quan niệm thiết kế nội dung của chủ nhiệm hay chủ bút mỗi nhật báo.
Người ta cũng dùng thuật ngữ “bài nằm,” để chỉ những bài được sắp chữ sớm, làm đầy những trang trong đó.
Nói “trang trong” một nhật báo, đương nhiên mọi người hiểu tương phản với nó là “trang ngoài.”
“Trang ngoài” là trang được hoàn tất sau cùng, với phần tin tức chính trị, thời sự, xã hội quan trọng nhất, nóng bỏng nhất. Hoặc là những điều tra phóng sự mà chỉ riêng tờ báo đó có. Người
phụ trách trang ngoài, cũng được gọi chung là thư ký tòa soạn “trang ngoài.” Nó là gương mặt, “thể diện” của tờ báo, nên việc phụ trách “trang ngoài” thường được giao cho một Tổng thư ký
tòa soạn.
Ký giả này phải làm việc trực tiếp với chủ bút hay chủ nhiệm, gần như từng giờ, cho tới khi tờ báo được chuyển qua giai đoạn ấn loát.
Thời trước tháng 4-1975, ở Saigòn, giới làm báo cũng như xuất bản còn phải sắp chữ bài vở bằng tay, do nhóm thợ sắp chữ bốc từng mẫu tự để ráp thành 1 chữ. Cho nên một bài báo được
xé thành nhiều miếng, chia cho từng người thợ. Nếu không sắp chữ sớm, tới phút chót sẽ không đủ thợ lo cho việc sắp chữ những trang còn lại, tức trang ngoài…
Một nhật báo ở miền nam Việt Nam xưa, trung bình có 8 trang (cũng có tờ chỉ có 4 trang,) nên thường được chia đôi, đồng đều cho trong và ngoài.
Vì sự nghiệp báo chí của nhà báo Phan Lạc Phúc gắn liền với tờ Tiền Tuyến, nên xin bạn đọc cho phép tôi được ghi lại một cách vắn tắt sự hình thành của tờ báo này; trước khi chúng ta trở
lại với ký giả Lô Răng, bút hiệu chính của nhà báo Phan Lạc Phúc, một nhà báo mà theo tôi, là một trong những nhà báo thuộc loại… “ngoại khổ.”
Theo ghi nhận của một nhân vật có thẩm quyền về những biến cố lớn của cả hai nền đệ nhất và đệ nhị Cộng Hòa miền nam Việt Nam thì, ngày 19 Tháng Sáu, 1965, quân đội VIệt Nam Cộng Hoà chính thức đứng ra nhận lãnh trách nhiệm lịch sử, điều hành đất nước, thay thế chính phủ dân sự, khi đó đang gặp nhiều khó khăn.
Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu được bầu vào vai trò Chủ tịch Uỷ ban Lãnh đạo Quốc Gia, tương đương chức vụ Tổng Thống. Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ là Chủ tịch Uỷ ban Hành pháp
Trung ương, tương đương chức vụ Thủ tướng.
Năm ngày sau khi thành lập chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ mở cuộc họp báo, công bố quyết định tạm thời đình bản 36 nhật báo, để tân chính quyền duyệt xét lại quy chế báo chí hầu
thích ứng với tình hình mới của đất nước.
Trong thời gian không có báo cho dân chúng đọc, chính phủ của Tướng Kỳ cho xuất bản khẩn cấp 2 tờ nhật báo. Tờ thứ nhất tên là “Hậu Phương,” do bộ Thông Tin phụ trách. Tờ thứ hai tên
là “Tiền Tuyến,” do Cục Tâm lý chiến đảm nhiệm.
Toà soạn nhật báo Tiền Tuyến được đặt trong vòng rào doanh trại cục Tâm lý chiến ở đầu đường Hồng Thập Tự, gần cầu Thị Nghè, Saigòn.
Vì tính chất giai đoạn, cấp thời, lại do cục Tâm Lý Chiến đảm trách, nên nhật báo Tiền Tuyến những ngày đầu do Trung tá ông Vũ Quang (hiện cư ngụ tại thành phố Minnesota,) Cục trưởng
Cục Tâm Lý Chiến, kiêm Giám đốc Nha Tác động Tâm lý chiến thời đó, là người trách nhiệm việc điều hành.
Một tuần sau cuộc họp báo vừa kể, khi các nhật báo được ra lại, tờ Hậu Phương của Bộ Thông Tin, chấm dứt nhiệm vụ. Tờ Tiền Tuyến được duy trì. Trở thành nhật báo chuyên nghiệp của tập
thể quân đội.
Sau khi tờ Tiền Tuyến trở thành chính thức, Đại uý Phan Lạc Phúc, khi đó đang phục vụ tại trường Huấn luyện Căn bản Chiến tranh chính trị ở đường Lê Thánh Tôn, Saigòn, được điều về
làm Tiền Tuyến, trong vai trò Tổng thư ký toà soạn với chủ nhiệm là Thiếu tá Lê Đình Thạch, tức Thạch Lê, chủ bút là Thiếu tá Phạm Xuân Ninh, tức nhà thơ Hà Thượng Nhân và, Thư ký toà
soạn là nhà thơ Hoàng Anh Tuấn.
Năm 1967, khi Thiếu tá Lê Đình Thạch (1) được cử đi học lớp Chỉ huy tham mưu ở trường Đại học quân sự Đà Lạt (sau cải danh thành Trường Chỉ huy Tham mưu,) cũng là lúc nhật báo Tiền
Tuyến có nhu cầu sắp xếp lại nhân sự, để thích ứng với sự phát triển của tờ báo, thì nhà thơ Hà Thượng Nhân (2) giữ vai trò Chủ nhiệm, nhà báo Phan Lạc Phúc, Chủ bút, nhà văn Huy Vân (từ
phòng Thông tin Báo chí đưa qua,) giữ vai trò Thư ký toà soạn thay thế nhà thơ Hoàng Anh Tuấn. Lý do, họ Hoàng được bổ nhiệm làm Quản đốc đài phát thanh Đà Lạt. (3)
Vẫn theo ghi nhận của nhân vật thẩm quyền kể trên thì, năm 1969, toà soạn nhật báo Tiền Tuyến lại trải qua một giai đoạn khác. Tờ báo không còn thuộc cục Tâm lý chiến nữa; mà nó được đặt trực thuộc Tổng cục Chiến tranh chính trị; tuy toà soạn vẫn nằm trong hàng rào danh trại của cục Tâm Lý Chiến.
Cũng kể từ thay đổi vừa kể mà, năm 1974 khi Trung tá Phạm Xuân Ninh (tức nhà thơ Hà Thượng Nhân) về hưu, vai trò chủ nhiệm của ông, được chuyển giao cho Đại tá Nguyễn Huy
Hùng, Phụ tá Tổng cục trưởng Tổng cục Chiến tranh chính trị.
Với hơn chín năm liên tục trực tiếp trách nhiệm nội dung nhật báo Tiền Tuyến, từ vai trò Tổng thư ký Toà soạn, tới Chủ bút, nhà báo Phan Lạc Phúc được coi là người có công đầu trong nỗ lực
đưa tờ báo vốn bị nhìn là báo của… quân đội lên ngang tầm với những nhật báo dân sự chuyên nghiệp khác.
Bằng vào uy tín của mình, họ Phan đã thuyết phục được thượng cấp của ông, cho phép ông được vượt ra ngoài “hàng rào kẽm gai,” để đi tới những chân trời khác, hầu có thể cạnh tranh với
những cao thủ đồng nghiệp ngoài dân sự.
“Ấn chứng võ công” đầu tiên cho sự nghiệp cuộc đời ký giả của họ Phan là mục “Tạp ghi” xuất hiện lần đầu tiên trên Tiền Tuyến, gần như cùng lúc với sự có mặt của ông, ở tờ báo này.
Du Tử Lê,
________
Chú thích:
(1) Theo tổ chức thời đó, cục Tâm lý chiến (thuộc Tổng cục Chiến tranh chính trị,) có nhiều khối. Trong số này, có Khối Kỹ Thuật. Khối Kỹ Thuật gồm nhiều phòng. Như phòng Thông tin
báo chí, phòng Điện ảnh và Truyền hình Quân đội, Đài phát Quân đội, và Nhật báo Tiền Tuyến… Khi ấy, Thiếu tá Lê Đình Thạch, bút hiệu Thạch Lê, là Trưởng khối Kỹ thuật. Vì thế, ông được giao trách nhiệm làm chủ nhiệm đầu tiên của báo này.
(2) Nhà thơ Hà Thượng Nhân sinh năm 1920 tại làng Hà Thượng, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá. Vì lòng yêu nơi chốn ra đời nên ông đã chọn cho mình bút hiệu Hà Thượng Nhân. Ngoài bút hiệu này, ông còn bút hiệu thứ hai, Hoàng Trinh, dùng cho những bài thơ tình. Trước khi bị động viên vào quân đội, ông từng là giáo sư của một số trường trung học tại Saigòn. Ông cũng
có thời gian giữ chức vụ Giám đốc đài phát thanh Quốc Gia. Sau biến cố 30 tháng 4-1975, ông bị tù cải tạo tới năm 1979 mới được thả. Sau đó, ông cùng gia đình định cư tại Mỹ. Nhà thơ Hà
Thượng Nhân hiện cư ngụ tại thành phố San Jose, miền bắc tiểu bang Ca Li.
(3) Nhà thơ Hoàng Anh Tuấn sinh ngày 7 Tháng Năm, 1932, du học ngành điện ảnh tại Pháp. Khởi viết từ những năm đầu thập niên 1950. Ngoài thơ, họ Hoàng còn cộng tác với nhiều nhật
báo, tuần báo ở Saigòn trong nhiều vai trò khác nhau. Về lãnh vực điện ảnh, trước Tháng Tư, 1975, Hoàng Anh Tuấn đạo diễn khá nhiều phim. Trong số này, cuốn phim “Xa Lộ Không Đèn”
được nhiều người biết đến nhất. Sau thời gian đi tù vì bị khép tội hoạt động chính trị chống nhà nước CSVN, ông cùng gia đình định cư tại Hoa Kỳ năm 1981. Đầu năm 2006, một số thân hữu
đã xuất bản thi phẩm “Yêu Em Hà Nội Và Những Bài Thơ Khác” của ông. Nhà thơ Hoàng Anh Tuấn từ trần ngày 1 Tháng Chín, 2006, tại San Jose. Được biết, nhà văn Thu Thuyền, là ái nữ
của ông.
Gửi ý kiến của bạn