LNĐ: Nguyễn Hạnh Nguyên, tác giả bài nhận định thi ca dưới đây, là một cây bút còn trẻ. Rất trẻ. Cô thuộc thế hệ 8X - - Từng tốt nghiệp Cao học Văn chương với luận văn viết về thế giới văn xuôi của một nhà văn hải ngoại: Nhà văn Trần Vũ.
Bạn đọc trang nhà dutule.com, từng đọc nhiều, khá nhiều những nhận định về thơ, văn của nhà thơ Du Tử Lê, bởi các học giả, nhà văn, nhà thơ, trí thức, phê bình gia…hầu hết ở khoảng tuổi trên, dưới sáu mươi. Trong số đó, cũng có nhiều tác giả từ trần đã lâu.
Nói cách khác, Nguyễn Hạnh Nguyên là tác giả đầu tiên, xuất hiện trên trang này, ở độ tuổi mới ngoài hai mươi. Nhưng cái nhìn của họ Nguyễn về thi ca nói chung, thơ Du Tử Lê riêng, không chỉ là một cái nhìn mang đầy tính một “bình minh mới” ở lãnh vực này mà, qua nhận định của cô, nó còn hé lộ cho người đọc thấy nỗ lực khai mở một hành trình chữ nghĩa khác. Hành trình chữ nghĩa từ một tâm thái muốn bôi xóa khoảng cách giữa hai, ba thế hệ thi ca. Đồng thời, cũng là sự san bằng khoảng cách địa - chính nữa.
Đó là lý do chúng tôi có những lời nói đầu này.
Trân trọng,
dutule.com (4 tháng
4-2011.)
____________
Về tự vô vọng – một điệu buồn mênh mang
Đối với hồn thơ Du Tử Lê, dường như tình yêu đã trở thành nguồn đề tài sáng tác vô tận. Không chỉ bởi vì trong gia tài thi ca của ông, thơ tình chiếm một số lượng tương đối lớn mà quan trọng hơn – không ít vần thơ tuyệt tác được chắp bút từ chính những trải nghiệm thăng trầm trong tình yêu của thi sĩ. Trong đó, “Về tự vô vọng” là một thi phẩm đặc sắc – một nốt nhạc trầm trong bản hòa ca tình yêu đa sắc màu, đa thanh âm của một cây bút đã gắn bó và dành gần như trọn vẹn cuộc đời mình cho thơ ca.
*
“Về tự vô vọng” được viết vào tháng 4/1972, đăng trên tạp chí Văn (Sài gòn) vào tháng 5/1972, sau đó được in lại trong tập “Thơ Du Tử Lê (1967 – 1972)” ở Saigon. Tập thơ được trao giải "Văn Chương Toàn Quốc, Bộ Môn Thơ" năm 1973. Năm 1981, thi phẩm này được tái bản tại hải ngoại.
Theo lời kể của tác giả thì bài thơ được khơi nguồn từ mối tình bế tắc kéo dài trong quá khứ. Ai cũng biết rằng trong tình yêu, gặp gỡ rồi chia ly cũng là lẽ thường tình. Nhưng với những cuộc tình đầy trắc trở thì nỗi ám ảnh xa cách càng lớn. Khi xa cách, hình bóng yêu dấu cũ cùng những kỉ niệm tình yêu thường hiện về trong tâm trí. Đó vừa là nỗi nhớ nhung vừa là niềm khát khao được được sống lại những thời khắc đã qua. Một cách tài hoa, thi sĩ Du Tử Lê đã gói trọn hai điều này trong một bài thơ, gửi trao qua mỗi câu chữ và vần điệu.
Về tự vô vọng được làm theo thể ngũ ngôn và được cấu trúc thành bốn khổ. Mỗi khổ thơ là một lời tự tình, giãi bày nỗi niềm với người nữ. Người nữ là hình tượng trữ tình trung tâm của bài thơ : là người yêu cũ – người yêu dấu trong nỗi nhớ của thi sĩ. Người nữ còn là miền ký ức, là nỗi ám ảnh về một tình yêu. Đối với tác giả, ước muốn được gặp lại người nữ thật tha thiết. Song vì một lý do nào đó, không thể gặp được người nữ trong hiện tại mà sự gặp gỡ ấy chỉ có thể diễn ra trong tâm tưởng và bằng hồi ức. Trong sự trở về và gặp gỡ ấy, hình ảnh của người nữ hiện ra gần gũi thì ít mà xa xôi thì nhiều, tưởng là thực mà lại hóa mộng ảo. Bởi vì nơi người nữ trở lại là những địa điểm trừu tượng, không cụ thể : “Về tự một dòng sông / Về tự một mùa đông / Về tự một ngày mưa”. Tất cả đều là những không gian hiện hữu nhưng lại rất khó nắm bắt bởi tính chất bao la, vô hạn, bất định và đôi khi khá mơ hồ. Bên cạnh đó, sự trở về của người nữ còn được ghi dấu bằng những tín hiệu thời gian như “một mùa đông”, “một ngày mưa” song thời gian ấy cũng mang tính mơ hồ chung chung, phiếm chỉ. Điều này đã lý giải tại sao : sự trở về ấy là trở về từ cõi “vô vọng” khi mà nó chỉ diễn ra trong tiềm thức của người viết với tất cả nỗi đau đớn, khắc khoải.
Mỗi một lần trở về, hình ảnh của người nữ hiện ra với một dáng vẻ riêng, bằng hồi ức và kỉ niệm. Và hầu như những kỉ niệm đó thường chỉ gợi lên sự buồn đau, đơn côi, muộn phiền:
“Về tự
một dòng sông
“Em nồng
nàn như biển
“Gió cuốn
muôn nghìn năm
“Lấp chôn
tình vô vọng.”
Khởi đầu, người nữ trở về từ một miền không gian mênh mông: “Về tự một dòng sông”. Nói đến dòng sông là nói đến sự chảy trôi, luân chuyển : sông luôn đổ về biển lớn. Phải chăng, người nữ cũng giống như dòng sông kia, không bao giờ bằng lòng với giới hạn chật hẹp, luôn khát khao tìm ra biển – nơi không gian bát ngát, tự do với sóng và gió để được soi mình vào đó và tự khẳng định mình. Rồi khi bất chợt trở về từ miền thẳm thẳm ấy, người nữ mang theo sự sôi nổi và mãnh liệt của sức sống dào dạt nơi những con sóng : “Em nồng nàn như biển”. Chỉ một câu thơ mà gợi mở bao điều : là tâm hồn nàng luôn nồng nàn, trẻ trung hay tình yêu của nàng đã từng rất nồng nàn, sôi nổi? Tuy tình yêu nàng mãnh liệt, đắm say là thế nhưng dường như tình yêu ấy cũng rất mong manh. Khi những cơn gió thổi qua mặt biển, mang theo những cơn sóng vỗ vào bờ rồi sóng lại trôi ra xa. Người nữ trở về rồi lại ra đi, tựa như những con sóng ấy. Còn tâm hồn tác giả là bến là bờ, đợi chờ nhung nhớ nhưng là sự đợi chờ trong vô vọng : “Gió cuốn muôn nghìn năm / Lấp chôn tình vô vọng”.
Sự vô vọng ấy là một nốt luyến láy tiếp tục được lặp lại ở khổ thơ thứ hai:
“Về tự
một mùa đông
“Em rầu
rầu sương cỏ
“Hồn mưng
mưng mây mù
“Mắt bơ
phờ cõi nhớ.”
Nếu như trong khổ thơ thứ nhất, sự trở về của người nữ khiến tâm hồn thi sĩ xao động, cảm thấy đôi chút ấm áp thì ở khổ thơ thứ hai, sự trở về ấy chỉ đem về nỗi buồn đau sầu héo : “Về tự một mùa đông”. Trở về từ mùa đông là về từ một không gian lạnh lẽo và xa vắng, chỉ có sương giá và mây mù. Hay phải chăng người đã hóa thân vào sương lạnh buốt giá, thành mây mù âm u bao phủ tâm hồn nhà thơ để ông cảm thấu nỗi tuyệt vọng của sự xa cách : “Mắt bơ phờ cõi nhớ”. Đây là một câu thơ tinh tế và dư ba khi diễn tả trọn vẹn nỗi nhớ đằm sâu của một trái tim yêu tha thiết. Thứ nhất nó khẳng định một nỗi nhớ triền miên trải rộng trong thời gian. Hai chữ “bơ phờ” nói lên nỗi nhớ khắc khoải, trở đi trở lại – nỗi nhớ dày vò khiến nhà thơ thao thức không ngủ suốt bao đêm. Thứ hai, nỗi nhớ ấy vô tận in bóng trong cả một miền không gian và được gọi tên. Đó là nỗi nhớ ngập tràn cõi lòng thi sĩ, lan tỏa ra xung quanh và pha màu cho cảnh vật hay ngược lại – thật khó mà tách bạch. Mặt khác, nỗi nhớ ấy còn là minh chứng cho một tình yêu mãnh liệt, sâu sắc và không thể nào đo đếm được.
Đến khổ thơ thứ ba, sự trở về của người tiếp tục là sự trở về từ một cõi “vô vọng”. Vì vậy, nỗi tuyệt vọng như càng mở rộng thêm mãi biên độ của nó trong cõi lòng thi sĩ:
“Về tự
một ngày mưa
“Em não
nùng oan khổ
“Cây khẳng
khiu đợi chờ
“Lá một
đời héo úa.”
“Về tự một ngày mưa” vẫn là sự trở về không thật. Bởi nói đến mưa là nói đến một không gian mịt mù hư ảo, giăng mắc của những làn nước khi thưa khi mau. Dưới mưa, vạn vật như nhòe mờ đi, hiện ra không thật như nó vốn có. Như một lẽ tự nhiên, những cơn mưa thường mang đến sự lạnh lẽo và gợi nỗi buồn da diết. Trở về từ nơi ấy, hành trang người nữ mang theo là sự “não nùng”, “oan khổ” của những kỉ niệm đau buồn vang vọng từ cuộc tình đã qua? Hay chính sự trở về của nàng đã gợi nhớ những đau buồn trong tâm hồn nhà thơ về một cuộc tình ngang trái, còn nhiều điều chưa thể giãi bày. Đến đây, có sự hiện diện của cặp hình ảnh đăng đối tương xứng. Người nữ trở về từ “một ngày mưa” hay người nữ đã hóa thân làm mưa để rơi vào cõi lòng thi sĩ buốt giá. Còn thi sĩ tựa như nhành cây khô “khẳng khiu”, đợi chờ cơn mưa là người nữ. Nhưng tiếc rằng, sự trở về của người nữ thật muộn màng. Nếu những cơn mưa không thể làm hồi sinh những chiếc lá trên cành đã “héo úa” thì sự trở về của người nữ cũng không thể làm hồi sinh hồn tác giả đã sầu héo vì chờ đợi. Chính vì không thể sưởi ấm cho cõi lòng cô quạnh và đem lại chút hi vọng nào nên sự trở về của em là “về tự vô vọng”. Là người trong cuộc, hơn ai hết thi sĩ thấm thía nỗi tuyệt vọng của chính mình.
Tuy sự trở về của người chỉ là sự “khuấy động” lại phần tro tàn của tình yêu song nó vẫn mang một ý nghĩa nào đó. Dường như ít nhiều nỗi nhớ nhung, sầu muộn trống trải trong tâm hồn nhà thơ đã được xoa dịu, an ủi. Phải chăng vì tâm niệm như vậy mà tác giả đã tỏ bày niềm cảm thông và sự biết ơn của mình với người cũ trong khổ thơ cuối:
“Về tự
một tình đau
“Môi ứ
tràn máu mặn
“Ngực ngậm
lời trăm năm
“Hồn đìu hiu
rũ bóng.”
Trước hết, tác giả đã cắt nghĩa căn nguyên tại sao sự trở về của nàng là “về tự vô vọng” khi mà cội nguồn của nó là một cuộc tình “đau”. Chỉ một chữ “đau” nhưng đã biểu cảm trọn vẹn tính chất của tình yêu ấy. Là cuộc tình dang dở, cuộc tình bị chia cắt hay cuộc tình đơn phương, âm thầm? Nhà thơ không nói rõ. Nhưng dù thế nào thì nó cũng là một cuộc tình “đau” – khi không hứa hẹn một kết thúc hạnh phúc mà là sự chia cách, biệt ly vĩnh viễn. Nếu trong tình yêu, lời thề nguyền được xem như là biểu hiện của sự thủy chung thì lời thề ấy đã được tác giả “Về tự vô vọng” viết lên bằng tất cả sự chân thành của tấm lòng mình : “ Ngực ngậm lời trăm năm / Hồn đìu hiu rũ bóng ”.
Hai câu thơ đã vượt ra khỏi sự diễn đạt thông thường để khẳng định một tình yêu lớn lao. Tại sao không phải là trái tim (giữ, ôm, níu …) tình yêu là lại là “ngực ngậm” lời tình yêu? Đặt trong mạch thơ, dường như hai chữ “ngực ngậm” làm cho câu thơ có sức biểu cảm hơn là chữ “trái tim”. Bởi nó không chỉ chứa trở trong đó trái tim yêu nhiệt thành mà còn như mở rộng thêm ra bầu khí quyển của tình yêu. Cùng có đồng cảm nhận như vậy, trong bài thơ Sóng – nữ thi sĩ Xuân Quỳnh viết : “Nỗi khát vọng tình yêu / Bồi hồi trong ngực trẻ ”. Một tình yêu lớn, sôi nổi và nồng nàn thì cần phải có một không gian tương xứng đủ chỗ cho tình yêu ấy : thay vì trái tim nhỏ bé, hữu hạn là lồng “ngực”, khuôn “ngực” ôm trùm cả tình yêu chan chứa. Câu thơ của thi sĩ Du Tử Lê không chỉ tỏ bày một tình yêu lớn mà còn là sự khẳng định một lời thề tình yêu son sắc, thủy chung. “Lời trăm năm” là lời thề, lời cam kết, lời xác quyết, lời tâm huyết về một tình yêu còn mãi. “Trăm năm” là một thời gian rất dài hay nói khác đi là thời gian vĩnh cửu cho một cuộc tình. “Ngực ngậm lời trăm năm” là sự biểu hiện cao nhất, mạnh mẽ nhất sự thủy chung và khao khát tình yêu cháy bỏng. Tình cảm bất biến ấy nơi thi sĩ được ký thác bằng “lời” – lời hứa, lời thề giản dị, chân thật. Dù cho tâm hồn tác giả giống như chiếc bóng, cô đơn, ở phía đối nghịch – phía tuyệt vọng không sao níu giữ được tình yêu : “Hồn đìu hiu rũ bóng”. Mở ra bằng sự vô vọng và khép lại bằng sự tuyệt vọng, nhà thơ như muốn giãi bày tận cùng nỗi đau của chính mình. Sự bộc bạch ấy, chắc chắn sẽ nhận được không ít sự đồng cảm. Bởi trên thế gian này có biết bao nhiêu cuộc tình bế tắc, không trọn vẹn như thế. Viết “Về tự vô vọng,” tác giả đã nói hộ tâm tình của những người yêu nhau, nhất là những ai đã và đang nếm trải nỗi biệt ly, cách trở nhưng vẫn mang trong mình niềm hoài vọng tình yêu tha thiết.
*
Như những nốt nhạc truyền cảm làm lay động lòng người, lời thơ đã ngừng mà dư âm của nó vẫn còn vang vọng đâu đây. Buồn bã, u sầu, nhưng không rơi vào bi lụy, chối bỏ, lãng quên là những gì độc giả có thể cảm nhận đằng sau tâm sự tình yêu của thi sĩ. Đó vừa là tâm thế vừa là sự ứng xử đẹp của một người biết trân trọng tình yêu và những giá trị của tình yêu. Phải chăng điều này đã giúp lý giải tại sao Về tự vô vọng có được sức sống vượt thời gian và góp phần làm nên tên tuổi, bản lĩnh của một cây bút đã sống hết mình cho tình yêu và cho thơ.
Nguyễn Hạnh Nguyên
Hạ Long, tháng 3 - 2011
* Nhạc phẩm "Về Từ Vô Vọng". Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Song Nhi - Tiếng hát: Mai Khanh