Từ giáp Tết đến đầu xuân, tôi thường mừng năm mới chung với thú đọc thơ, đủ loại, Đường thi, Kiều, Tản Đà, Tiền chiến, Lưu vong…
Năm nay, mở Việt Báo Xuân Tân Mão, ghé mắt đọc mấy trang thơ, tình cờ lại là thơ Thiền Tính của Du Tử Lê, chợt thấy vô cùng cảm khái…
Sau đó, kiếm được cuốn “Thơ Thiền Tính 2001-2004,” đọc lại bài đầu: “Tôi là em hiện tại” thấy thú vị, đặc biệt hai đoạn chót:
“sợi tóc như rừng cây
“sông chảy / cùng / trí nhớ
“em buồn / vui như mây
“tôi trôi / cùng / gió nổi.”
Từ tứ thơ tới cách sắp chữ, hình ảnh và ghép vần thật giản dị, tự nhiên như trong quán pháp nhìn sự vật theo Kinh Kim Cương:
“Nhất thiết hữu vi pháp” (Tất cả pháp hữu vi,)
“Ứng tác như thị quán” (Nên khởi quán như vậy.)
Rồi tới đoạn chót:
“quá khứ như tương lai
“em đã từng ở đấy.
“chúng ta đâu phải hai
“tôi là em hiện tại.”
Thiền tính trong đoạn này là lý “bất nhị” của Đại thừa. Nội tâm và ngoại giới không phải hai mà do “sắc” và “trần” tạo ra. Nhưng nói là một cũng không được, thành thử Đại thừa dùng danh từ “bất nhị” để chứng minh một thực tại quan trọng trong đời sống theo giáo pháp.
Từ sự tìm hiểu “chất thiền” qua 2 đoạn thơ bình thường, dung dị đi tới chỗ “ngộ” được những nét thâm thúy của Phật thuyết, trong tâm trí tôi manh nha một một ước vọng, hay đúng hơn một kỳ vọng về tương lai thơ Du Tử Lê.
Thực vậy, tôi có viễn tượng: Mãi mãi về sau này, những bậc thức giả, những văn thi sĩ, những người yêu thơ, có chung một tần số giao hưởng với các nguồn cảm xúc trong thơ Du Tử Lê, mang nặng thực chất đa dạng, tế vi, phức tạp, ràng buộc khắt khe của nhân sinh, sẽ bất thần phát hiện những nét mới, hình ảnh mới, giòng ưu tư mới, và rất có thể cả lãnh vực mới trong tư duy Du Tử Lê.
Mong vậy thay!
Garden Grove 4-2011.
Lê Vương Ngọc.
Cháu là Vương, Nguyễn Việt Vương, đọc bài viết của Bác, đoán Bác còn rất mạnh khỏe, mừng lắm thay. Chúc hai Bác và các em nhiều may mắn, nhiều sức khỏe.
Cháu có dò hỏi thăm về Hường Trâm nhưng những người bạn học Trưng Vương không rõ. Bác cho cháu gửi lời thăm hỏi nhiều tới Hường Trâm .
Mong ngày nào sẽ ghé thăm gia đình hai Bác. (Cháu thì vẫn ở VN).
Kính Bác.
Nguyễn Việt Vương