Th. thân, mến,
Tôi nhớ, một ngày trước khi đi Hoa Thịnh Đốn, tôi nhận được điện- thư thứ ba của Th., nhắc nhở tôi về việc Th. và các bạn chờ đợi nơi tôi, một bài viết về Văn Phụng.
Tôi nhớ, trước đó, tôi đã cảm ơn điện-thư thứ nhất của Th., khi hỏi tôi có biết tin nhạc sĩ Văn Phụng vừa mới qua đời. Cuối thư, tôi kể, tôi đã biết tin đó, qua Nhạc sĩ Nguyễn Hiền, ngay ngày Thứ Sáu 17-12, ngày (mà,) người nhạc sĩ tài hoa của chúng ta, lìa, bỏ chúng ta. Tôi nói, dẫu sao tôi cũng cảm ơn Th., vì nhờ thư của Th. (mà,) tôi biết được giờ mất của ông, chính xác hơn. Giờ mất của Văn Phụng, Nguyễn Hiền cho tôi là 3 giờ 30 chiều. Trong khi giờ Th., có lại là 6:30PM. Tôi chợt hiểu, họ Nguyễn cho tôi giờ miền Tây. Trong khi Nhạc sĩ Văn Phụng mất tại miền Đông. Ở miền Đông, thời gian đi trước miền Tây chúng tôi 3 tiếng đồng hồ.
Tôi nhớ, tôi có nói với Th. rằng, tôi không ngờ Th. và các bạn, những người trẻ, rất trẻ, những người lớn lên tại xứ sở này, những người tôi vẫn nghĩ, không hề có một nợ nần nào, với quá khứ, dù cho đó là quá khứ của một chiều dài âm nhạc trên, dưới nửa thế kỷ.
Tôi nhớ, tôi đã bày tỏ với Th., lòng hân hoan, sung sướng của tôi, khi thấy Th. và các bạn, quan tâm tới cái chết của tác giả "Suối Tóc."
Th. thân, mến, tôi cũng nhớ tôi đã trả lời điện thư thứ hai của Th. rằng, tuy không hứa, nhưng tôi sẽ cố, rán viết một điều gì đó, về Văn Phụng, người đàn ông tôi gặp lại lần sau cùng, cách đây dường đã sáu, bảy năm, khi chúng tôi tới dự buổi giới thiệu đĩa nhạc mới nhất của Khuất Duy Trác, ở Hoa Thịnh Đốn, khi chị Hồng Thủy và các bạn tổ chức cho họ Khuất, đêm tái ngộ thính giả.
Tôi nói, tôi không hứa, bởi khi đó, tin tức về cái chết của Văn Phụng còn như một hòn than bỏng, rát trong tôi.
Th., khi trả lời "không hứa chắc" với Th., nơi tôi, là một trả lời rất chân thật.
Tôi nghĩ, ngoài bản tin ngắn viết về cái chết của tác giả "Vó Câu Muôn Dặm," tôi sẽ không viết thêm một dòng nào khác. Tôi cho, có viết thêm điều gì về ông, dẫu tốt đẹp cách mấy, cũng chỉ là một việc làm dư, thừa. Một việc làm muộn màng, vô nghĩa.
Bởi, phần tôi, riêng tôi thôi, những điều đó, lẽ ra, tôi đã phải viết xuống, khi ông còn sống...
Th. thân, mến, nhưng một ngày trước khi trở lại nơi cư ngụ cuối cùng của Văn Phụng, khi tôi nhận được điện-thư thứ ba của Th., với lời cột, buộc chắc nịch rằng, Th. và, các bạn vẫn chờ, đợi nơi tôi, bài viết về Văn Phụng, khi tôi quay về, (thì,) tôi hiểu, tôi không thể phụ lòng trông, mong, tin cậy của Th., của các bạn Suối Nguồn.
Và, Th. đêm qua, Thứ Ba 28-12, trong chuyến bay đằng đẵng nhồi xóc, từ phi trường Newark ở New Jersey về Orange County, tôi biết, tôi không thể viện dẫn bất cứ một lý do gì, để từ chối sự trông, đợi của Th., và các bạn.
Và, Th., bây giờ là sáng Thứ Tư. Tôi đang ngồi trước chiếc computer bám bụi của mình; (và,) Th., cho phép tôi được bắt đầu bài viết tôi đã hứa bằng hàng chữ sau đây:
Th., thân, mến, rất xa, của tôi, như Th. biết, cuối cùng, rồi, thời gian cũng đã đem tác giả "Suối Tóc," ra khỏi sinh hoạt đời thường của chúng ta, tính ra, đã mười hai ngày. Như quá khứ, chưa xa, thời gian đã lấy đi khỏi chúng ta, một Mai Thảo, một Nguyên Sa, rồi tới một Lê Đình Điểu, một Lê Uyên Phương, (và,) gần nhất, một nữ danh ca Thái Hằng...
Rồi đây, thời gian cũng sẽ lấy đi khỏi chúng ta, những nguồn thương mến khác, như nó đã lấy đi khỏi chúng ta, (rất lâu,) một Vũ Khắc Khoan, một Thanh Nam, một Phạm Đình Chương,..., vậy.
Th. thân, mến, rất xa, của tôi, tôi nghĩ, có thể, Th. đang muốn nhắc nhở tôi, thời gian sẽ không bỏ quên bất cứ một ai, dù kẻ nào.
Tôi nghĩ, có thể, Th. đang muốn nhắc nhở tôi, sống, chết là lẽ thường hằng của nhân gian. Kẻ nào có sinh ắt có phải tử. Chưa kể, "sinh ký- tử quy."
Nên, điều Th. chờ đợi nơi tôi, trong lá thư này, (là,) một điều gì khác hơn. Thí dụ, người mới nằm xuống kia, đã sống thế nào, ra sao? Ông ta để lại được những gì, cho tuổi trẻ?
Vâng, Th. thân, mến, rất xa, của tôi, xin hãy cho tôi được nhẩn nha với mối bòng bong trong tôi, lúc này...
Th., tôi hiểu, càng lúc, tôi càng hiểu rõ, chúng ta có mặt trên địa cầu này, chỉ giống như sự bước đến một cõi tạm bợ, để rồi cái chết mới là nơi chốn thực sự cho chúng ta "trở về."
Cõi trở về đích thực của mỗi con người, sau thời gian "sống gửi."
Vâng, Th. thân, mến, rất xa, của tôi, xin hãy cho tôi được nhâm nhi cái biển trống, vắng tận chân trời, trong buổi sáng nay, của tôi...
Th., càng lúc, tôi càng thấu hiểu sự vắn vỏi, sự ngắn ngủi biết bao của một đời người, dù cho cuộc đời đó, có kéo dài bao lâu. Ngay như Văn Phụng, người nhạc sĩ (mà,) chúng ta yêu mến, chúng ta quý trọng, khi từ bỏ thế gian này để về cõi vĩnh hằng của Thiên Chúa, thì ông cũng đã đạt đến tuổi "thất thập." Tuổi 70. Một tuổi thọ đáng kể đối với người Việt chúng ta...
Nếu so sánh tuổi thọ của tác giả "Các Anh Đi," của "Ghé Bến Saigòn," của Tiếng Dương Cầm" tức Nhạc sĩ Nguyễn Văn Phụng, với một Lê Đình Điểu, hay một Lê Uyên Phương, (thì,) chúng ta không thể không nhìn nhận rằng, hai họ Lê kia, đã "trở về" sớm hơn họ Nguyễn non cả một thập niên.
Nhưng, Th. ơi, cách gì, tôi vẫn không thể tự trấn an mình, bằng những chỉ bảo, những giải thích rất chính đáng của Th.
Nhưng, Th. ơi, cách gì, tôi cũng vẫn thấy tôi, thấy chúng ta, có một điều gì đó không trọn vẹn, nếu chẳng muốn nói là, không phải với họ Nguyễn: Một người đã hiến tặng cho chúng ta, trong suốt 50 năm âm nhạc của ông, không phải dăm ba ca khúc, (mà,) hàng trăm ca khúc thương, yêu.
Th. thân, mến, rất xa, của tôi.
Tôi nghĩ, nhiều phần, Th. không ở trường hợp tôi. Trường hợp có những ca khúc từng như những ngọn suối, như những đời cây cư ngụ, ăn, ở bền lâu trong tâm hồn tôi suốt mấy chục năm, (mà,) mãi gần đây, tôi mới biết, người sanh, nở ra chúng, (là,) Văn Phụng.
Th. thân, mến, rất xa, của tôi, tôi nghĩ nhiều phần, Th. không ở trường hợp tôi. Trường hợp có những ca khúc từng gieo, rắc hương thơm trong khu vườn kỷ niệm, quá khứ tôi, suốt mấy chục năm, nhưng mãi gần đây, mới đây thôi, tôi mới biết, tác giả của những nguồn hương thơm tho đó, (là,) Văn Phụng.
Tôi muốn nói, những ca khúc của ông không chỉ ở với tôi, với bạn tôi, với những lứa, lớp niên trưởng của chúng tôi, trong một giai đoạn, (mà,) chúng còn là kẻ đồng hành, chung một đường với chúng tôi. Con đường dọc theo lộ trình buồn, vui Tổ quốc. Con đường dọc theo chiều dài lộ trình gập ghềnh lịch sử, nước non...
Khi cuộc chiến đi lần tới bờ mé hiệp định chia đôi đất nước, hiệp định Geneva 1954.
Tôi muốn nói, khởi nghiệp với ca khúc "Trăng Sáng Vườn Chè," sáng tác đầu tay năm 1952, (ca khúc làm thành tên tuổi nữ ca sĩ Ánh Tuyết một thời.) Và, người nhạc sĩ tài hoa của chúng ta đã ghi dấu biến cố lịch sử chia đôi đất nước bằng ca khúc "Bóng Người Đi," rồi "Các Anh Đi," năm 1954.
Chính các ca khúc kia, của Văn Phụng, theo tôi, nếu không là nguồn hưng phấn dẫn tới (thì, cũng tương tác với,) những sáng tác nói về sự qua phân một quê hương, như "Hướng Về Hà Nội" của Hoàng Dương, như "Giấc Mơ Hồi Hương" của Vũ Thành...
Ngay tự bước chân thứ nhất ở miền Nam, Văn Phụng đã cho chúng ta "Ghé Bến Saigòn," rồi "Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn," "Xuân Miền Nam."
Ba ca khúc này, theo tôi, nếu không là nguồn hưng phấn dẫn tới (thì, cũng tương tác với,) những ca khúc như "Nắng Đẹp Miền Nam" của Lam Phương, "Hoa Soan Bên Thềm Cũ" của Tuấn Khanh, "Tình Quê Hương" thơ Phan Lạc Tuyên, nhạc Đan Thọ, vân vân...
Tôi muốn nói, cũng khởi từ những ca khúc viết theo thể điệu nhanh, nhẩy nhót, vui tươi, ngoài "Ghé Bến Saigòn," người nhạc sĩ tài hoa này còn cho chúng ta những ca khúc rộn rã, thích hợp cho nhiều giọng hát, nhiều bè, cùng lúc, như "Giã Từ Đêm Mưa," "Bức Họa Đồng Quê," "Tiếng Hát Với cung Đàn," "Vó Câu Muôn Dậm," (mà,) chúng ta còn có thêm rất nhiều ca khúc rộn ràng, đầy ắp tiếng reo vui và tiếng vó ngựa, tiếng còi xe, mà, trong số đó, tôi tin, bạn không thể không nhớ ca khúc "Bánh Xe Lãng Tử" của Trọng Khương...
Sự kiện này, Th. ơi, lớn lao vô cùng, đáng kể biết bao nhiêu! Nếu Th. đặt chúng giữa cái khí hậu thê thiết, áo náo của toàn cảnh dòng tân nhạc Việt Nam rên rỉ thời đó, và, luôn cả hôm nay...!
Th. thân, mến, rất xa, của tôi.
Tuy nhiên, điều thực sự tôi muốn nói với Th., trong lá thư này, lại chỉ là một điều rất nhỏ nhặt. Một nhỏ nhặt nằm ngoài sự nghiệp đồ sộ của tác giả "Giã Từ Đêm Mưa."
Đó là sự kiện, trước khi thực sự gĩa từ cuộc đời này, tác giả "Nhớ Bến Đà Giang" bị hôn mê. Ông chẳng những không nói được, mà, cũng không còn biết gì nữa. Nhưng, phút cuối, trước khi ngừng hẳn hơi thở, trong vài giây tỉnh lại phù du, ông đã buột, buông hai chữ: "Châu Hà."
Châu Hà, chắc Th. biết, đó là người bạn đời, người bạn đường bền, chắc keo sơn, hơn 40 năm của tác giả "Tiếng Dương Cầm."
Châu Hà, linh hồn của ca khúc bất tử "Suối Tóc."
Th., sự buột, buông hai tiếng "Châu Hà" trước khi "trở về" của Văn Phụng, với tôi, cho thấy lòng chung thủy, đồng thời, mặt khác, cũng là nỗi cô đơn bát ngát của ông, sau bảy mươi năm làm người.
Bảy mươi năm hiến, tặng tài năng, trí tuệ mình cho đất nước, cho quê hương, cho đồng bào, ruột thịt mình, cuối cùng, ngoài Châu Hà, ông thật cô đơn.
Ngoài Châu Hà, ông thật quạnh quẽ.
Tác giả "Mưa" đã trở về. Ông thực sự đã trở về sau khi đến cõi tạm này, với một mơ ước nhỏ nhoi, khiêm tốn. Đó là mơ ước có được một buổi trình diễn nhạc ông tại tiểu bang California chúng tôi.
Mơ ước nhỏ nhoi, khiêm tốn kia, chúng ta sẽ không thể nào biết được, nếu người nữ danh ca một thời Châu Hà, nay đã lẻ bạn, không tiết lộ với Khánh Ly. Và, cũng sẽ chẳng một ai, trong chúng ta biết được, nếu nữ ca sĩ Khánh Ly không nói ra, với chúng ta, mơ ước nhỏ nhoi, khiêm tốn đó, của con người vĩ đại, lớn lao đó.
Bạn thân mến, gạt bỏ mọi nợ nần (mà,) chúng ta đã (và sẽ còn mãi mãi) vay, nhận từ đời, kiếp âm nhạc Văn Phụng, gạt bỏ hương thơm (mà,) chúng ta đã nhận được (và sẽ còn mãi mãi nhận được) cho khu vườn kỷ niệm tình yêu ta, chỉ với hai điều sau cùng, vừa kể, bây giờ, tôi nghĩ, hẳn Th. hiểu, thấu hiểu, tại sao tôi lại tâm sự với Th. rằng, dường như chúng ta, tất cả chúng ta, đã có một điều gì không phải với Văn Phụng!
Và, sự ăn, ở "không phải" này, dường, chúng ta không chỉ "không phải" với một mình Văn Phụng; mà, chúng ta đã ăn, ở không phải từ mấy chục, mấy trăm năm qua, với những tài năng, với những tên tuổi, như Văn Phụng.
Gần nhất, trong giới hạn 24 năm tỵ nạn, chúng ta đã thực sự không phải với Vũ Khắc Khoan, với Thanh Nam, với Phạm Đình Chương, với Hoàng Trọng, với Mai Thảo, với Nguyên Sa, với Thẩm Oánh.
Và, tôi e, tôi sợ rằng: Chúng ta sẽ vẫn tiếp tục ăn, ở không phải với một Tạ Tỵ hiện rất yếu; một Lê Trọng Nguyễn, một Anh Việt, một Võ Phiến,..., cũng đang rất lênh đênh, một ngày nào, đấy, Th. ạ.
DU TỬ LÊ
(Dec. 29-99)