Về những bài thơ lục bát của Du Tử Lê, hiện tôi có trong tay 3 tập thơ: Thơ Du Tử Lê, (còn gọi là Thơ Du Tử Lê I,) in năm 1964, có 15 bài lục bát; Thơ Tình, in lần thứ 4, 1996, có 15 bài lục bát; Sông Núi Người Thơm Nỗi Nhớ Nhà, in năm 1996, có 12 bài lục bát; và tập mới nhất, Chỉ Như Mặt Khác Tấm Gương Soi, thì không có bài lục bát nào cả.
Điểm qua 36 bài thơ lục bát của Du Tử Lê, trong 36 năm làm thơ ta thấy Du Tử Lê quả đã có một bước đi dài, một tiến trình không ngừng cách tân trong nhịp điệu, cung âm của thể thơ đặc trưng Việt Nam này.
Theo Du Tử Lê thì lục bát là một thể thơ chỉ Việt Nam mới có. Nó óng ả, nhịp nhàng, nên được dùng để ru. Nó được xây dựng trên căn bản nhịp 2 đều cho tất cả các câu sáu hay tám chữ.
Thí dụ 1: Bài Bến Tâm Hồn, bài thơ đầu tiên ông dùng bút hiệu Du Tử Lê viết năm 1958, khi ông còn học bậc trung học:
lênh đênh
hồn cắm sào ngang
năm ô tuổi
nhỏ buồn hoang ngọn cờ
(Thơ Du Tử Lê, trang 46)
Thí dụ 2:
so vai nhăn
áo xô quần
mắt nâu tóc
rậm môi câm tiếng cười
(Sđd, trang 19.)
Nếu ta đem phân nhịp 2 trong số 9 bài thơ lục bát của Du Tử Lê trong Tập Thơ Du Tử Lê I, ta thấy ngay nhịp điệu của nó là nhịp 2 đều, như thơ lục bát của chúng ta từ thời thi hào Nguyễn Du. Nó cũng rất gần với ca dao, như:
(Ầu ơ)
Ví dầu tình
bậu muốn thôi
bậu gieo
tiếng dữ cho rồi bậu đi
bậu đi bậu
lấy ông câu
bậu ăn cá
bống chặt đầu kho tiêu.
Thản hoặc, Du Tử Lê cũng có dùng nhịp 3-3 cho câu sáu hay 4-4 cho câu tám. Nhưng nó vẫn là nhịp đều hay nhịp cân đối, nói theo cách của chính họ Lê.
Thí dụ:
Tay nghêu
ngao / níu cuộc đời
Đôi chân
mười ngón / móng dài héo thâm
(Sđd.)
Trước Du Tử Lê cũng có những người chủ tâm đổi mới lục bát. Cầm đầu là Huy Cận. Huy Cận không dùng thơ lục bát kể kể một câu chuyện, hay một mối tình mà ông loại bỏ hẳn yếu tố xúc động, yếu tố tình cảm sướt mướt khỏi lục bát. Ông chủ tâm ghép nhiều hình ảnh, nhiều tính từ, nặng ngôn ngữ cho lục bát, để lục bát được mặc khoác một chiếc áo mới. Sau Huy Cận là Cung Trầm Tưởng. Họ Cung đi tiếp con đường mà Huy Cận đã mở ra. Tuy nhiên Huy Cận hay Cung Trầm Tưởng hay những người làm nhiều lục bát như Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư thì họ vẫn giữ nguyên nhịp đều của lục bát. Người viết muốn nói là nhịp 2 đều hay nhịp 3/3 hoặc 4/4, tức nhịp cân đối.
Nhưng Du Tử Lê, kể từ năm 1966, qua bài thơ Lục Bát, 66, đăng tải trên tạp chí Văn ở Saigòn năm 1966, đã chủ tâm ngắt lại nhịp đi của lục bát. Ông mang cho nó một nhịp khác, nhịp lẻ, hay nhịp chỏi. Điều này, rất nhiều nhà phê bình đã nói tới. Ở đây, chúng tôi chỉ xin trưng dẫn hai câu trích từ bài thơ vừa nói, làm thí dụ:
phố cao,
gió nổi, bóng mờ (2-2-2)
đêm lu,
trời nặng, tôi gù lưng, đi (2-2-3-1)
(Quý vị nào cần tra cứu thêm, có thể đọc Thi Nhân Việt Nam Hiện Đại, Quyển Thượng, của Phan Canh và Nguyễn Tấn Long, Nhà xuất bản Sống Mới, Saigòn, 1974, phần trích dẫn thơ Du Tử Lê.)
Khởi đầu, chủ tâm ngắt lại nhịp đi lục bát của Du Tử Lê không được công nhận. Mãi gần 10 năm sau, trong số Xuân Văn Học, Saigòn, đề tháng 1 năm 1974, nhà văn Lê Huy Oanh, có bài nhận định về cuốn Thơ Du Tử Lê 1967-1972, còn gọi là Thơ Du Tử Lê II, là cuốn được trao giải Văn Chương Toàn Quốc bộ môn thơ, năm 1973, khi đó, chủ tâm ngắt nhịp đi của lục bát của họ Lê mới được ghi nhận. Sau đấy, tại hải ngoại, những tác giả tên tuổi như Nguyên Sa, rồi Nguyễn Hưng Quốc, Bùi Bảo Trúc..., lần lượt nhìn nhận công lao cách tân thể lục bát của Du Tử Lê.
Nhưng điều đáng nói hơn nữa, theo tôi, trong vòng 5, 6 năm gần đây, một lần nữa họ Lê lại táo bạo đề nghị loại bỏ hẳn âm trắc bắt buộc nơi chữ thứ 4 của những câu sáu, khi cần diễn tả một hình ảnh, một cảm xúc thành khối, bất khả phân, hoặc muốn nói lên cái tâm cảnh xuống dốc hay tận cùng của bi phẫn, hoặc hoan lạc.
Thí dụ:
và, ngày cù
sương: bay lên
nắng thâu
phế liệu; em truyền nhiễm, thơ
và, mây cù
mưa: trôi đi
nhìn nhau
cửa ngục A Tỳ, bậc môi
và chiều cù ta: chìm, rơi
ai / vai /
bồ tát / tim / ngồi ghế sau
(Sông Núi Người Thơm Nỗi Nhớ Nhà, trang 60.)
Hoặc:
rừng thiêu.
Rừng thiêu em, đi
vàng au mắt
lá, đỏ điều chỉnh tôi
cây vùi,
chôn nhau khôn lui
ngọn liên
hoa tạnh, gốc hồi dương, khô
(Sđd, trang 73)
Hoặc nữa:
mưa song
sinh sau chia, lìa
chấn thương
khí quyển bão vừa xả tang
sông hồi
tâm / gương / đen / đêm
lon con ký
ức, lền, khên bóng, chiều
tôi Lê. Lê. Lê. Lê nào?
(Sđd, trang 112.)
Nhờ loại bỏ được âm trắc bắt buộc ở chữ thứ tư câu sáu nên khung cảnh buổi chiều tà trên sông Saint Laurent, ở thành phố Montreal vốn đã mênh mông lại càng thêm mênh mông hơn, để tất cả cùng đi vào cõi im lặng, tịnh không, nhuốm mùi đạo hạnh, như lòng Bồ Tát đưa con người đến một nơi chốn nào vượt thoát khỏi vòng sinh tử, hướng tình yêu về cõi vô lượng, qua cây cầu bắc liền hai tâm hồn, ở thí dụ một. Ở thí dụ ba, cũng nhờ sự triệt bỏ âm trắc nơi chữ thứ tư của câu sáu mà ta có thiên hình vạn trạng về một người tên Lê. Hoặc giả, đó chỉ là một tên gọi tượng trưng cho một con người, như bất cứ một ai trong chúng ta nếu có thể đặt được tâm hồn, rung cảm của mình vào lòng câu thơ.
Đọc một câu thơ đó thôi, bỗng nhiên tôi thức ngộ về triết lý duy thức của nhà Phật. Thật là diễm phúc cho ta biết chừng nào, khi ta hiểu, cũng là cây gỗ, có khi ta gọi là cái cột nhà, khi là chiếc bàn, chiếc ghế, có khi cũng là cây gỗ mà cây gỗ lại bị mối mọt chui vào, đục khoét. Đối với loài mối thì cây gỗ chính là một bàn yến tiệc. Vắn tắt, ta có tâm trạng nào thì khi đọc câu thơ kia ta sẽ cảm nhận về Lê theo cách của riêng mình, tức người đọc vậy.
Họ Lê một lần đưa ra một thí dụ dễ hiểu qua hai câu thơ ứng khẩu như sau:
mây bay.
Mây bay. Mây bay
chim sa
lũng thấp, mưa ngoài dặm xa
Ông giải thích rằng, nếu là văn xuôi, chúng ta sẽ viết, đại khái: “trên bầu trời ngày hôm nay, tôi thấy có nhiều đám mây nối đuôi nhau bay qua.” Trong khi đó, với thơ, người làm thơ chỉ cần viết: "mây bay. mây bay. mây bay," người đọc sẽ hình dung ngay được một bầu trời đầy mây. Nó vừa tượng hình, vừa cho thấy tính nguyên khối của vật thể. Nếu giữ quy luật cũ, cũng câu thơ đó, sẽ phải đổi thành "mây bay từng đám trên trời," hoặc một câu nào khác, nhưng buộc phải có âm trắc cho chữ thứ tư.
Tóm tắt lại, dụng ý loại bỏ âm trắc ở chữ thứ tư của họ Lê cho chúng ta cơ hội để khai thác triệt để tính lập lại hay tính điệp khúc chỉ thi ca mới có. Thứ đến nó giúp ta tạo được hình ảnh liên tục, không đứt đoạn và tính đánh mạnh vào sự chú ý hay tạo được ấn tượng bất ngờ cho người đọc, người nghe...
Tuy nhiên, đáng kể hơn cả, thì sự loại bỏ âm trắc ở câu sáu, cắt vụn nhịp đi của thơ lục bát nói riêng và các thể thơ khác nói chung của họ Lê, bằng cách sử dụng tối đa những dấu chấm, phết và gạch chéo / Slash, theo tôi đã phản ánh được những đặc tính sau đây của thời đại hiện tại:
- Xã hội chúng ta đang sống là một xã hội đầy bất trắc, đầy vỡ vụn. Không ai biết chắc được điều gì sẽ xẩy đến cho mình trong những ngày tháng trước mặt. Công việc, nhà cửa, có đó rồi mất đó. Thậm chí, cả mối ràng buộc, liên hệ gia đình, vợ chồng... Những người cùng huyết thống vẫn có thể kiện cáo, đưa nhau ra tòa như thường...
- Tính lạnh lùng, chủ nghĩa cá nhân được tôn trọng triệt để, đã khiến cho con người trong xã hội này thiếu hẳn tình nguời! Nhà ai nấy biết, đời ai nấy lo. Ta có thể sống hàng chục năm mà vẫn không hề biết một chút gì về gia đình hàng xóm, và ngược lại.
- Một chi tiết khác cũng đáng kể không kém mà ít người chú ý tới, đó là sự cố tình chấm dứt một bài thơ lục bát ở câu thứ sáu của Du Tử Lê. Ông đã dùng câu sáu để chấm dứt một bài lục bát từ những năm còn ở quê nhà. Ngoài dụng tâm kết thúc đột ngột vì nhu cầu của mạch thơ và ý thơ, nó còn có mục đích mời gọi đọc giả tham dự vào bài thơ, hay nói cách khác là trở thành đồng tác giả với ông, ở câu tám, do chính độc gỉa thêm vào.
Từ những ghi nhận trên, tôi trộm nghĩ những người đồng điệu, có nên chăng góp phần của trái tim mình vào việc cách tân một thể thơ rất riêng biệt của Việt Nam? Hay ta cũng có thể tiếp tay, hỗ trợ cho nhà thơ trong hoài bão cách tân của ông, không chỉ riêng với thơ lục bát mà cả những phương diện khác, như phương diện văn phạm nữa.
VƯƠNG THÀNH
(Tuần báo Phương Đông, ngày 8-8-97.)