Một người quen hỏi
- Một người quen, coi “Trò Truyện Trên Du Tử Lê.com” sau khi đọc câu trả lời kỳ 7 của Trần Dạ Từ về Rabindranath Tagore, có hỏi chi tiết việc tranh Tagore bán đấu giá lên tới cả triệu mỹ kim. Chúng tôi chuyển câu hỏi tới Thi Sĩ bằng điện thoại. Sau đây là phần trả lời của Trần Dạ Từ. Đặc biệt, có kèm thêm bài viết, tranh và thơ Tagore. Chuyện từ bút mực đến sơn cọ của Thi Sĩ, đúng là những chi tiết đặc biệt. Cám ơn người hỏi và cám ơn Thi Sĩ. Trân trọng mời đọc. (dtl)
Trần Dạ Từ trả lời
Gửi bạn tôi,
Có người hỏi về việc tranh Tagore vừa được bán đấu giá cả triệu mỹ kim? Vâng, xin trả lời bằng ngày giờ và con số chính xác. Ngày đấu giá là 15-6-2010 ở Luân Đôn. Con số đúng là 1.6 triệu đồng bảng anh, trị giá trên 2.5 triệu mỹ kim. Chi tiết đấu giá cho biết mấy tấm tranh này là do Tagore tặng cho Leonard Elmhirst, một nhà nông học người Anh. Thêm chút tình cờ: Cái ông nông học này, năm 1924, là thư ký du hành của Tagore và đã phải chứng kiến việc thi sĩ bị nàng thơ hớp hồn.
Nàng được tặng riêng một biệt danh: Vijaya.
Nhờ nàng, Tagore có tình ca và thơ tình cuối đời.
Vì nàng, thi sĩ thành hoạ sĩ.
Năm 1928, Tagore bắt đầu sơn cọ vẽ tranh. Và vẽ một hơi trên 2000 bức tranh. Triển lãm đầu tiên của hoạ sĩ 70 tuổi khai mạc tại Gallerie Pigalle, Paris, 1930.
Coi tranh, dễ thấy giữa bút mực và sơn cọ, có nàng.
Ngày đầu
gặp nhau, thơ Tagore là tiếng reo mừng: “Ồ bông hoa đất lạ. Hơi thở em hòa vào
sự sống tôi” Bông hoa ấy hiện thành tranh “Dancing Woman.”
Khi cách biệt đại dương, tình ca Tagore là câu hỏi thống thiết, “Bờ này vang vọng tiếng gọi của chim công. Sao bờ kia tiếng cúc cu lặng lẽ.” Đó là tranh đôi bờ.
Nhưng đâu chỉ giản dị có vậy. Mời đọc thêm bài viết của Tagore: “Tinh yêu cũng giống như nghệ thuật.” Ý nghĩa của nó còn nằm lại rất xa, như những dòng cuối bài thi sĩ viết thêm cho bà chủ của ông. Bà chủ ở đây chính là Vijaya.
Khi họ bên nhau, tuổi chàng bằng tuổi ông già nàng..
“Độc giả sẽ không bao giờ biết những bài thơ này liên hệ tới ai và ai là Vijaya của tôi,” Tagore viết năm 1925, và cho tới cuối đời, thi sĩ giữ điều bí mật này.
Tagore qua đời năm 1941. Mọi chuyện rõ dần. Và nàng Vijaya xuất hiện.
“Vâng, Chính tôi. Tagore dạy tôi nhiều tiếng Bengali nhưng tôi chỉ còn nhớ Bhalobasa có nghĩa là Yêu. Tôi luôn hướng về Ấn Độ, nói bhalobasa,” Nàng không chỉ nói mà còn viết. Và chuyện đang thành phim. Vì nàng là Victoria Ocampo, nhà văn, tinh hoa của Argentina, nữ lưu thế kỷ 20 của thế giới.
Kỷ niệm 150 năm sinh Tagore, mời bạn đọc chuyện tình và thơ tình Tagore 17 năm cuối đời, bản dịch từ tiếng Anh ăn đong của tôi.
*
“Tình Yêu Cũng Giống Như Nghệ Thuật”
Bài viết về tranh của R. Tagore:
Thế giới của âm thanh chỉ là cái bọt nước tí hon trong cõi lặng lẽ của vô tận. Vũ trụ có thứ ngôn ngữ riêng để diễn tả, nó nói bằng lời của những bức tranh và điệu múa. Qua những dấu hiệu câm của đường nét và mầu sắc, mỗi vật thể trong thế giới này cho thấy sự thật rằng nó không chỉ là lý lẽ trừu tượng hay một đồ vật hữu dụng, mà là cái độc đáo tự thân, nó mang phép lạ ngay trong sự hiện hữu của nó.
Có vô số những thứ mà chúng ta biết nhưng không nhận ra giá trị của riêng chúng -sự thật, độc lập với việc chúng gây hại hay làm lợi. Đã đủ để một bông hoa xuất hiện như bông hoa, nhưng điếu thuốc lá thì vẫn không đòi tôi nhìn nhận điều gì khác hơn rằng nó là công cụ cho thói hút thuốc của mình.
Nhưng có những thứ khác, với nhịp điệu hay tính cách mạnh mẽ của chúng, chúng đòi ta phải nhìn nhận sự thật rằng chúng hiện hữu. Trong cuốn sách "sáng thế ký của nghệ thuật," chúng là những dòng được gạch dưới bằng chì mầu mà ta không thể bỏ qua. Chúng dường như kêu la với ta "Coi, đây là tôi," và tâm trí ta cúi đầu, không bao giờ hỏi "Tại sao mày thế này, thế nọ?"
Trong một bức tranh, người nghệ sĩ sáng tạo thứ ngôn ngữ của một sự thật bất khả tư nghì, và ta thoả mãn khi nhìn nó. Nó có thể không phải là một phụ nữ đẹp mà là sự tái hiện một con lừa bình thường hoặc một hình dạng nào đó không có thật trong thiên nhiên, nhưng lại có ý nghĩa nghệ thuật nội tại của riêng nó.
Người ta thường hỏi tôi về ý nghĩa những bức tranh của tôi. Và tôi thường im lặng in hệt những bức tranh có đó. Ý nghĩa là điều để cho chúng biểu hiện, chứ không để giải thích. Đằng sau sự hiện diện của riêng chúng, chẳng có gì cao xa về tư tưởng và từ ngữ để giải thích hoặc mô tả; nếu sự hiện diện của chúng có giá trị nào đó thì chúng sẽ tồn tại, ngược lại, chúng sẽ bị bác bỏ và quên lãng dù chúng có thể mang dăm ba sự thật khoa học hoặc minh chứng vài ba điều đạo đức.
Đó là
chuyện đã diễn trong vở kịch huyền thoại Sakuntala*: Vào một buổi sáng bận rộn,
có chàng tuổi trẻ xa lạ xuất hiện trước mặt nàng trinh nữ của rừng xanh ẩn mật,
chàng đứng đó với vẻ tầm thường, cũng chẳng hề xưng danh. Khỏi cần hỏi han,
linh hồn nàng lập tức nhận ra chàng. Nàng không biết chàng, nhưng chỉ nhìn
chàng thôi, với nàng, chàng đã là một tuyệt tác của Hoá Công, toàn bộ giá trị
của tình yêu phải được dâng cho chàng. Nhiều ngày tháng qua đi, trước cổng nhà
nàng có thêm vị khách khác, một học giả rất mực tôn quí. Và, chắc ăn là mình
phải được nghênh tiếp xứng đáng, ông ta hãnh diện thông báo "Ta ở
đây!" Nhưng nàng không nghe thấy ông nói, vì tiếng nói ấy không mang một ý
nghĩa đích thực, chỉ cho thấy là nó cần lời bình rằng ông ta đạo cao đức trọng
nổi tiếng, những lời lẽ tán tụng giá trị thiêng liêng của vị khách. Thứ giá trị
đó không phải là việc của nghệ thuật phi trách nhiệm, mà là của trách nhiệm
luân lý.
Tình yêu cũng giống như nghệ thuật, nó không thể giải thích. Bổn phận có thể đo lường bởi mức độ phúc lợi, hữu dụng của nó, bằng lợi nhuận và quyền lực mà nó mang lại, nhưng nghệ thuật thì không thể đo bằng bất cứ cái gì ngoài chính nó. Nhiều thứ trong đời là vị khách có thể đến rồi đi, Nghệ thuật là người khách đến đó và ở lại. Những thứ khác có thể quan trọng, nhưng Nghệ Thuật thì tất yếu, và tự nó có chỗ riêng của nó.
. . .
Thưa Bà chủ của những dòng này,
Đám chữ nghĩa này không phải bọn ngoại xâm
đến để đặt định giới hạn bờ cõi của bà
Chúng chỉ là mấy con chim nhỏ ồn ào
một thoáng bay lướt qua vườn nhà
trong khi ý nghĩa còn nằm lại rất xa
bên kia tiếng chiêm chiếp của chúng.
Rabindranath Tagore
21/7/36
---
*Sakuntala là tên người vợ rừng xanh của vua Dushyanta, mẹ của Hoàng đế Bharata, một huyền thoại Ấn Độ nổi tiếng, từng được nhiều nhạc sĩ cổ điển Pháp, Áo, Hung, Ý, Nga... soạn thành nhạc kịch. Riêng vở Sakuntala 2 màn do Franz Schubert soạn dang dở, cũng vừa được hoàn tất và xuất bản tại Đan Mạch, trình diễn ra mắt năm 2010.
Thi sĩ, Bút Mực và Sơn Cọ
1. Ồ Bông Hoa Đất Lạ
Ồ bông hoa đất lạ
Tôi hỏi em tên chi
Cúi cúi đầu, em cười
Và rồi tôi hiểu ra
Tên tuổi mà làm gì
Đâu còn gì đáng kể, ngoài nụ cười
Đó là bản sắc em
Ô bông hoa đất lạ
Giữ em sát trái tim
Hỏi thăm nhà em, miền đất nơi em ở
Cúi cúi đầu, em cười
Nói không biết, không biết
Và rồi tôi hiểu ra
Nhà với đất, chuyện nhỏ
Tôi biết em ở đâu
Em ở trong trái tim
của người thương yêu hiểu biết em
Không thể ở đâu khác.
Ồ bông hoa đất lạ,
Hỏi khẽ bên tai em
Em nói ngôn ngữ nào
Em chỉ cười cúi đầu
Cây lá quanh ta đang rì rào
Tôi tự nhủ, mình hiểu
Thông điệp của hương thơm
Lặng lẽ truyền đạt hy vọng em
Ngôn ngữ hơi thở em
hoà vào sự sống tôi, đầy ắp.
Ồ bông hoa đất lạ
Khi tôi vừa tới, buổi sớm mai
Hỏi em biết tôi sao
Em cười cúi đầu và tôi nghĩ
Em đâu hiểu là khi em tìm đến
Trái tim tôi chan hoà niềm vui
Không một ai có thể biết tôi hơn
Ồ bông hoa đất lạ.
Ồ bông hoa đất lạ, tôi dò hỏi
Nói tôi biết đi, em sẽ quên tôi?
Cúi cúi đầu, em cười
Tôi biết, tôi biết rồi
Em sẽ nhớ, nhớ mãi
Rồi ngày ngày, sau này
Khi rời xa, ở một miền đất khác
Trong giấc mơ em nơi xa xôi
Sự cách biệt làm ta gần nhau hơn
Và em, em không hề quên tôi.
Buenos Aires, 12 November 1924
(Trích Puravi / Người Phương Đông)
Theo Rabindranath Tagore, Selected Poems III,
Translated & Presented by Prithwindra Mukhurjee
Bản việt ngữ: Trần Dạ Từ
Bến Bờ Vang Vọng
Bờ này vang vọng tiếng gọi của chim công
Sao bờ kia tiếng cúc cu lặng lẽ
Đôi bờ xót thương nhau đơn lẻ
tự hỏi còn cơ may nào cho chúng được bên nhau
Gió đông không ngừng mang nỗi đau
thẳm sâu, những thở than ly biệt
Hơi ấm sót lại từ gió mùa
tự hỏi trong vô vọng trầm ngâm
“Làm sao tôi có thể sưởi ấm nổi thời gian
khi bên phía tôi mùa xuân không bao giờ trở lại?”
Chúng an nghỉ trên hai phía thời tiết*
không một lần được cùng cất tiếng ca
Nỗi thất vọng sâu xa
dàn dụa trong trời đất.
Theo Reba Sorn, The Essential Tagore
The Belknap Press of Havard University Press, 2011
Bản việt ngữ: Trần Dạ Từ
_______
* Nguyên bản anh ngữ: For they rest on two of the seasons
Mô phỏng tựa đề “Bên kia thời tiết” của Du Tử Lê để dịch,
thấy thích hợp hơn.