Để thuận tiện cho việc lui tới của anh em văn nghệ, năm 1989, tòa soạn tuần báo Tay Phải dọn ra nhà in Number One Printing, ở đường Westminster, của anh Kim Khôi, một người bạn trẻ rất có lòng, của chúng tôi.
Thuở ấy, khu thương mại này, có những cơ sở thương mại quen thuộc như café Tao Nhân, phở Hoà An (sau này là phở 54,) nhà hàng Saigòn…
Buổi sáng, chúng tôi thường gặp nhau ở phở Hòa An, trước khi mỗi người bắt đầu công việc của mình. Người tôi gặp nhiều nhất, gần như mỗi ngày là anh Tony Hoài, tức nhà thơ Hoàng Thượng Dung.
Một hôm, bạn tôi, Tony Hoài hỏi:
“Hôm nay là ngày 14 tháng 2, ngày Valentine. Ông có quà gì cho T.N. không? Nếu có, cho tôi biết. Tôi sẽ chuyển cho ông…”
Nói xong, không đợi tôi trả lời, bạn tôi đứng lên, lái xe về văn phòng…
Thú thật, nếu bạn tôi không nhắc, tôi sẽ không nhớ, vì chưa bao giờ tôi chú ý tới ngày đặc biệt ấy.
Một mình, ngồi lại, qua khung kính lớn, tôi thấy một thiếu nữ từ xe buýt bước xuống. Cô khoảng trên, dưới hai mươi. Tuồng mới vào Mỹ từ trại, đảo… Dáng cô đổ, hắt về phía trước với cái đầu cúi xuống những bước chân đi dép…Như thể cô phải đeo nặng khá nhiều khối buồn…
Tôi nhìn theo cho tới khi cô khuất ngoài tầm mắt. Tôi không biết có một tương quan nào, giữa lời nhắc, câu hỏi của bạn tôi và, hình ảnh người thiếu nữ tất tả, lạc lõng trong buổi sáng tháng Hai, năm 1990, trời, đất còn ui ui kia?… Nhưng, trong tôi, bỗng bật lên câu hỏi: Lliệu những người trẻ Việt Nam ở quê người, có cần thơ, có tìm đến thơ, như những người trẻ ở Việt Nam, trước 1975?
Nếu câu trả lời là có thì, chúng ta có quá ít những bài thơ dành cho họ. Hiểu theo nghĩa, những bài thơ dễ đọc và, gắn liền với buồn, vui, kỷ niệm của họ ở xứ sở tạm dung này.
Tôi tự nói với mình, tại sao ta không thể có dăm ba bài thơ nhẹ nhàng, khả dĩ đỡ đần phần nào những khối nặng muộn phiền, nơi người con gái nọ? (Dù cho thực tế, có thể họ cần những thứ khác hơn… thi ca)!
Ý nghĩ lan man, dẫn tôi tới nhu cầu căn bản để những người trẻ thích ứng với cuộc sống mới. Một trong những nhu cầu đầu tiên, quan trọng nhất, như tôi đã trải qua, là việc thi lấy bằng lái xe…
Sự nhớ lại bất ngờ này, giống như một tia chớp nhỏ , loé lên… dẫn tôi vào bài thơ mà, trước đó vài phút, đã không hề có trong tôi.
Bài “Hiến chương trình yêu, ngày 14 tháng 2” của tôi, được xây dựng trên so sánh, liên tưởng đơn giản, nên hoàn tất khá nhanh.
Năm 1991, bài thơ xuất hiện trong tuyển tập thơ nhan đề “Đi với về, cũng một nghĩa như nhau,” bản in lần thứ nhất.
Ít năm sau, các nhạc sĩ Nguyên Bích ở Houston, rồi Trúc Hồ ở nam Cali và, ít nhất 2 nhạc sĩ khác nữa, đã chắp thêm đôi cánh âm nhạc cho bài thơ.
Và, phải chăng, sau hai chục năm, chúng ta không còn nhu cầu phải thi lấy bằng lái xe, nhưng ở tuổi nào thì chúng ta cũng vẫn cần những ngọn lửa thương yêu, chiếc gối, bức thư và thậm chí, đôi khi cũng có thể là nước mắt…
(Jan. 2010.)
hiến chương tình yêu ngày 14-2
em đã biết Hiến Chương nào cũng vậy,
có những điều bắt buộc chúng ta theo
(như ngày mai thi lấy bằng lái xe)
ta cẩn thận ghi những điều phải nhớ.
I.
khi em lạnh, tôi biến thành ngọn lửa,
củi thương yêu. Than đỏ hực ân tình
em cần thơ cho sáng dậy thơm hơn
tôi lập tức hóa thân thành vần điệu.
II.
khi em bước tôi biến thành chiếc kiệu
ngựa hai hàng. tứ mã chắc… nan truy?
có sao đâu? tôi nào hỏi mấy khi.
(dù lắm lúc cũng thầm ghen tức chứ)!
III.
khi em viết tôi biến thành giấy mực
bút tương tư mực nhớ đến ai kìa?
giấy từ cây. bút từ gỗ xa xưa.
mực từ nhựa. tôi từ em sống lại
IV.
khi em ngủ tôi biến thành chiếc gối:
để phòng hờ… ngộ nhỡ em muốn ôm
để đêm hờn, em có cái vứt luôn
sáng nhặt lại. thấy mình sao… dữ thiệt!?
V.
khi em đọc, tôi biến thành chữ viết.
cả nghìn chương, chỉ chép chuyện đôi ta.
mỗi đầu dòng: tên em sắp chữ hoa;
cả chấm, hỏi cũng đậm mùi hạnh phúc
VI.
khi em ốm tôi biến thành tủ thuốc.
thành tấm màn, che gió máy cho em.
em chả cần phải lể, giác hay xông,
vì tôi đã hóa thành cây ngải cứu.
VII.
khi em khóctôi biến thành… nước mắt
chảy dùm em – cho cạn sạch nỗi niềm.
để mắt em xanh – để môi em mềm:
tôi là lá giữa buổi chiều… sắp tối.
VIII.
khi em hát tôi thành loa khuếch đại,
cho cả làng cả nước đổ ra nghe.
giọng em cao – tôi bảo gớm thanh ghê.
giọng em thấp – tôi tha hồ thêu dệt.
IX
khi em chết – cuộc đời này phải hết
không chỉ tôi, hoa cỏ cũng lên trời!
thú lìa rừng. chim chóc lạnh từng đôi
bao thế hệ vì em mà… biến mất!
X.
Hiến Chương viết ngày Tình Yêu lượng
của hai người? – vâng, của chúng ta thôi.
mặc ai cười? mặc ai đó bĩu môi
họ ghen đấy. bởi em là Thánh Nữ
Ta sẽ chết. nhưng tình ta bất tử
vì mở đầu nhân lọai: cuộc chơi riêng.
14.2.90