Studio của họa sĩ Lê Thánh Thư
Câu hỏi của độc giả Hai Trầu:
Kinh xáng Bốn Tổng ngày 07 tháng 9 năm 2012
Kính thưa nhà thơ & họa sĩ Lê Thánh Thư,
Qua phần giới thiệu, được biết ông là một tên tuổi nổi bật trong hội họa và thơ ca . Riêng với hội họa, ông có tới với bốn giải thưởng:"Cụ thể hơn, chỉ trong vòng 5 năm, Lê Thánh Thư lần lượt đoạt được 4 giải thưởng cao quý. Đó là các giải Mỹ thuật Việt Nam, Phillip Morris (năm 1996.) Giải thưởng Mỹ thuật Asean (năm 1998.) Giải thưởng Mỹ thuật Việt Nam, Phillip Morris (năm 1998.) Và, năm 2005, trong cuộc triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (đánh dấu 5 năm hội họa Việt Nam từ 2001 tới 2005,) một lần nữa, Lê Thánh Thư lại vinh quang, đoạt giải. "
Dịp này, xin được nêu lên cùng ông vài câu hỏi nhỏ:
1/ Trong các giải thưởng vừa nêu, có bức tranh nào ông vẽ về miền quê của ông được trúng giải không?
2/ Giữa ảnh chụp và tranh vẽ về một cảnh thiên nhiên chẳng hạn như trời chiều trên núí, bình minh trên sông, ao hồ, sông nước, đồng lúa vào mùa, một đằng thiên nhiên bao la với màu sắc của tạo vật và một đằng những nét cọ và màu sắc của họa sĩ, theo ông giữa tranh và ảnh, ông thích tác phẩm nào nhất? Và tác phẩm nào giá trị hơn?
3/ Theo như phần giới thiệu, hiện nay dù muốn dù không ông đã là người nổi tiếng. Nếu phải chọn một trong hai điều, chẳng hạn như "đừng ai biết tới mình" và "nổi tiếng" thì ông chọn điều nào ?
Trân trọng kính chào ông với lời chúc ông nhiều sức khoẻ, vạn an.
Trân trọng,
Hai Trầu
*Họa sĩ Lê Thánh Thư trả lời:
1. Trong các tác phẩm đoạt giải thưởng nêu trên, không có tác phẩm nào tôi vẽ về miền quê của tôi cả. Hầu hết đó là những tác phẩm tôi đề cập đến những vấn đề của xã hội đương đại mà tôi đang sống. Chẳng hạn như : Đô thị hóa, Giá trị xanh, Trên đường phát triển, Không gian sống...
Hội họa có quan hệ đến nghệ thuật và cuộc sống. Bất cứ động cơ nào thúc đẩy ta vẽ thì cũng đều tốt như nhau. Không có môt đề tài nào là nghèo nàn cả. Với tôi, một tấm bố vẽ thì chẳng bao giờ trống rỗng.
2- Giữa ảnh chụp và tranh vẽ, tôi đều thích cả hai. Mỗi loại hình nghệ thuật đều có giá trị riêng của nó. Đối với tôi, hội họa là một sự tự do mà tôi giành được, không ngừng yêu thích, gìn giữ, và từ nó, tôi tìm được cái sức mạnh, để sống và vẽ.
3- Tôi chọn là một người bình thường sống được với nghệ thuật của mình, và làm được những gì mình yêu thích.
Lê Thánh Thư
dutule.com
Thưa hoạ sĩ Lê Thánh Thư,
Xin chân thành cảm ơn ông đã trả lời ba câu hỏi mà tôi đã mạo muội thưa cùng ông. Nhận thấy ông có lòng với bạn đọc, nên tôi xin gởi đến ông thêm vài câu hỏi nữa với hy vọng ông không nỡ phụ lòng.
1/ Trước nhứt, đọc lại phần giới thiệu, được biết ông quê ở Bình Định; mà Bình Định lại còn là đất văn vật với Hàn Mặc Tử đời trước, rồi sau này có Võ Phiến mà nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc đã nhận định: “Nếu cần phải tìm cho Võ Phiến một nhãn hiệu, chúng ta có thể gọi ông là nhà văn của thế kỷ XX.”(1). Rồi còn có thi sĩ Quách Tấn với “Nước Non Bình Định” mà nhà văn Nguyễn Hiến Lê có lần đã ghi cảm tưởng: “Tôi nghĩ dù không có Mùa Cổ Điển và tập Mộng Ngân Sơn, một tập chứa nhiều bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt rất hay, mà sau này ai có muốn làm tiếp công việc phê bình của Hoài Thanh tất phải nhắc tới, dù không có hai tập đó đi nữa, thì chỉ nội công phu viết địa phương chí cho Bình Định, thi sĩ cũng xứng đáng là người con của Bình Định rồi.”(2) . Thêm nữa, còn có Nguyễn Mộng Giác sau này với “Sông Côn Mùa Lũ”, “Mùa Biển Động” ra đời vào mấy năm gần cuối thế kỷ XX. Chắc có lẽ Bình Định của ông còn nhiều nhân tài nữa mà tôi chưa được biết hết. Thế nên, được sanh ra và lớn lên nơi vùng đất nhiều nhân tài ấy, là một người làm thơ và vẽ tranh, ông nghĩ gì về các nhân tài nơi xứ xở của ông mà tôi vừa lược kể? Ông có lấy làm hãnh diện về họ, về đất Qui Nhơn của ông không, thưa ông ?
2/ Nhơn nhắc đến thi sĩ Quách Tấn, tôi lại nhớ trong lá thư đề ngày 03 tháng 10 năm 1980 gởi cho nhà văn Nguyễn Hiến Lê, ông đã viết: “Anh (tức nhà văn Nguyễn Hiến Lê) không chuyên về thơ, song nhận xét về thơ rất tinh vi, rất sâu sắc. Tôi nhận thấy phần đông các nhà thơ nhận thức thơ cạn cợt vô cùng. Họ chỉ thấy cái hay trong thơ của họ và của bạn bè họ mà thôi. Tôi rất ghét thói đó. Thơ của bạn mà không hay thì nếu vị mích lòng không chê, nhất định không khen dù khen lấy lệ.”(3)
Ông nghĩ sao về nhận xét ấy của tác giả Nước Non Bình Định, và Xứ Trầm Hương?
3/ Nhớ có lần cách nay mấy tháng, tình cờ trong một buổi cà phê sáng tại nhà một bạn trẻ, tôi có gặp nhà văn Nguyễn Đình Toàn bên ly cà phê nóng và tôi mạo muội nêu lên ý kiến: “Trong các bộ môn nghệ thuật, như văn thơ nhạc họa thì ngôn ngữ âm nhạc có nội lực mạnh mẽ nhất. Chẳng hạn một bài thơ hay một quyển tiếu thuyết dù hay cách mấy đi chăng nữa, người ta chỉ mê nó và đọc nó ở một thời nào đó thôi dù sau này có dịp đọc lại người ta ít háo hức như hồi đọc lần đầu nếu không muốn nói là cái hay lúc mới đọc lần đầu đã phai nhạt đi rất nhiều. Còn âm nhạc thì không; một bản nhạc nào đó mình mê dù sau nầy lâu lắm rồi mới nghe lại thì âm điệu và lời nhạc êm đềm ấy vẫn làm trái tim ta thổn thức bồi hồi nhiều lúc không cầm được những giọt nước mắt chảy tràn trong khóe mắt.” Nhà văn Nguyễn Đình Toàn cắt nghĩa về điều này, đại ý : “Vì trong trong âm điệu và lời ca của mỗi bản nhạc nó có chứa chút kỷ niệm, chút quá khứ, chút hình bóng mà người nghe đã có lần trải qua khi nghe nó lần đầu rồi!”
Vậy thưa ông, trong thơ và tranh của ông có bài thơ nào hay bức tranh nào từ trước tới giờ đã làm người đọc thơ, người xem tranh của ông xúc động đến rơi nước mắt không ?
4/ Trong cuốn “Một Quan Niệm Về Sống Đẹp”, Lâm Ngữ Đường có nhắc câu cách ngôn của Trương Trào, một thi sĩ giữa thế kỷ XVII, mục “Bàn Chung Về Đời Sống”, có ghi: “Người nên giống một bài thơ, vật nên giống một bức họa.”(4)
Là một người vừa làm thơ vừa vẽ tranh, ông nghĩ sao về câu cách ngôn trên?
Trân trọng kính chào ông.
Hai Trầu
Cước chú:
1/ Võ Phiến, của Nguyễn Hưng Quốc, nhà xuất bản Văn Nghệ (California), năm 1996.
2/ “Quách Tấn- Nguyễn Hiến Lê: Những bức thư đầm ấm” do Quách Giao sưu tầm. nhà xuất bản Tổng hợp TP/HCM, năm 2010, trang 449.
3/ “Quách Tấn-Nguyễn Hiến Lê: Những bức thư đầm ấm” (sđd), trang 308.
4/ “Một Quan Niệm Về Sống Đẹp” của Lâm Ngữ Đường, do Nguyễn Hiến Lê lược dịch. Sài Gòn, ngày 30-12-1964,