(Đăng Khánh, Những Đóng Góp Cho Dòng Chảy Âm Nhạc Việt)
Cách đây không lâu, một bằng hữu, trong chỗ thân tình, cho tôi câu hỏi, đại ý:
- Nếu không có đợt người Việt tỵ nạn đợt đầu tiên, với con số lên tới hơn một trăm ngàn người hồi tháng 4-1975; rồi kế tiếp là những số lượng thuyền nhân, H.O, đoàn tụ gia đình… nhiều lần hơn thế, để hôm nay, chúng ta có gần 2 triệu người Việt tỵ nạn ở khắp nơi trên thế giới thì, chỉ riêng sinh hoạt văn học nghệ thuật của chúng ta thôi, sẽ ra sao nơi đất khách?
Tôi chưa kịp trả lời, người bạn đã khẳng định:
“… Theo tôi, dòng chảy đầy sáng tạo, những bước chân đi tới những chân trời khai phóng, thử nghiệm của 20 năm văn học, nghệ thuật miền Nam sẽ biến mất! Những lượng phù sa mầu mỡ bồi đắp cho hai bờ sông văn học của chúng ta sẽ bị đứt mạch một cách tức tưởi. Nó bị bức tử. Như cái chết đột ngột, cay đắng của miền nam Việt Nam vậy…”
Người bạn tuy không trong giới làm văn học, nghệ thuật trước đây, cũng như sau này, nhưng lại là người rất trân trọng các sản phẩm trí tuệ của những tài năng văn học miền Nam, vì phấn kích nên đã ném mũi lao của ông đi xa hơn. Ông giả dụ, biển vẫn đưa vào các bến bờ tự do, một số Việt tỵ nạn. Nhưng nếu đó là con số quá nhỏ, thưa thớt, rải rác như những bụi cây cọc còi giữa sa mạc thì, dù cho trong số ấy, có những người vốn từng là văn nghệ sĩ, liệu họ có môi trường, có lực đẩy là người thưởng ngoạn để tiếp tục cầm bút, sáng tác?
Cũng không đợi tôi trả lời, ông nói:
“Không. Tôi tin là không. Bằng chứng là trước khi dân tộc chúng ta có hiện tượng thuyền nhân, tỵ nạn thì, ở một số quốc gia trên thế giới, chúng ta cũng đã có cái gọi là tập thể Việt kiều hay cộng đồng người Việt… Như cộng đồng người Việt ở Pháp, ở Mỹ… Nhưng con số ấy quá nhỏ để tự thân, hình thành được một dòng văn học, nghệ thuật dù khiếm tốn! Mà phải tới sau tháng 4-1975…”
Câu hỏi, đúng hơn, suy nghiệm của người bạn, cũng là một thành viên tích cực trong giới thưởng ngoạn văn chương Việt (dù mỗi ngày một thêm co cụm) ở quê người, cho tôi cơ hội nhìn lại. Nhìn kỹ. Nhìn sâu hơn sự nối mạch ở lãnh vực văn học, nghệ thuật của chúng ta, nơi xứ người.
Nhìn lại này, thức dậy trong tôi, lòng biết ơn những tài năng, những trí tuệ văn học, chỉ bắt đầu hay, chỉ thực sự giầm mình trong dòng chảy văn học kể từ sau biến cố tháng 4 -1975.
Theo tôi, họ là những người chẳng những nối tiếp mà, còn khai thông tắc nghẽn, khi những văn nghệ sĩ tên tuổi trước 1975 cạn kiệt sức sáng tác. Buông bút vì hoàn cảnh, tuổi tác…
Họ cũng không chỉ là những người lãnh nhiệm vụ thừa kế truyền thống văn học nhân bản của miền Nam, 20 năm mà, còn là những người tiên phong, đi tới những chân trời văn học mới.
Vẫn theo tôi, nhờ lớp thừa kế này mà, sự suy trầm của sinh hoạt văn học nghệ thuật ta, ở quê người được cứu vãn phần nào. Bởi những rung động, cảm nhận của họ, là những lượng máu mới. Sáng tác của họ là thịt, da trẻ trung. Hưng phấn thanh niên.
Nhưng, nói tới một nền văn học, nghệ thuật là, nói tới sự kết hợp thành tựu của nhiều bộ môn khác nhau. Phổ cập nhất, chúng ta có thể kể tới thi ca, văn xuôi cho bộ môn văn chương. Âm nhạc, trình diễn… cho bộ môn nghệ thuật. Và, vì những đổi thay khách quan của xã hội, chuyển biến tất yếu của hoàn cảnh, môi trường sống, theo thiển ý tôi thì, âm nhạc và trình diễn đã, đang, sẽ còn chiếm giữ vai trò cây-bài-chủ. Con ách chuồn của lãnh vực này.
Đời sống, nhất là đời sống ở những xã hội tây phương, thời gian, sự ngặt nghèo tới cay đắng của nó, đã cắt, tỉa dần người đọc. Sự cầm lên một cuốn sách, nghiền ngẫm một tác phẩm văn chương, thực tế hôm nay, là điều gì giống như một xa xỉ quá quắt! Nhưng, khi ngồi vào xe, trên đường di chuyển, việc bật nút mở một đĩa nhạc, hoặc nơi phòng khách, trong phòng ăn, sự kiện cả gia đình cùng theo dõi một chương trình văn nghệ, lại là điều dễ hiểu. Đơn giản tới mặc nhiên.
Trong hoàn cảnh với những điều kiện khách quan như vừa kể, tôi cho âm nhạc là… “hoa khôi.” Âm nhạc là “bà chúa.” Âm nhạc là “nữ hoàng.”
Âm nhạc, do đó, không phải là ánh sáng le lói cuối đường hầm mà, là nguồn ánh sáng chói lọi. Nó là tiếng thì thầm gợi thức mọi xung động tình cảm tưởng đã ngủ yên, hay tàn lụi trong đời sống tinh thần của một con người, quay cuồng giữa nhịp sống hối hả hôm nay.
Một trong những người mới, đóng góp phần tài năng, trí tuệ không nhỏ của mình, vào nguồn sáng chói lọi hay, tiếng thầm thì lai tỉnh những rung cảm tưởng đã ngủ yên kia, là cõi giới âm nhạc Đăng Khánh.
Khi dùng chỉ-định-từ “người mới” cho Đăng Khánh, tôi nghĩ không đúng lắm. Vì tôi biết, nhạc phẩm đầu tay “Tiễn em chiều mưa,” Đăng Khánh viết cách đây gần 50 năm cho người yêu, Phương Hoa, (cũng là người bạn đời sau này của ông.) Đó là năm 1966, khi Đăng Khánh/ Nguyễn Nhật Thăng là giáo viên dạy tại các trường trung học như Hưng Đạo, Đắc Lộ, Đồng Tiến, trước khi tốt nghiệp bác sĩ nha khoa ở Saigon. (1)
Khi dùng hai chữ “người mới” tôi chỉ muốn nhấn mạnh, mặc dù sáng tác rất sớm, nhưng Đăng Khánh chỉ thực sự đem âm nhạc của mình đến với giới thưởng ngoạn vào đầu thập niên 1990, ở quê người. Nói cách khác, Đăng Khánh thuộc lớp nhạc sĩ “… chỉ thực sự giầm mình trong dòng chảy văn chương, nghệ thuật kể từ sau biến cố tháng 4 -1975.”
Tôi không biết, có phải vì ông muốn hoàn tất chương trình bác sĩ nha khoa ở Hoa Kỳ, mở phòng mạch đáp ứng nhu cầu cấp thiết của cộng đồng Việt ở Houston, đầu thập niên (19)80; trước khi cho phép mình trở lại với tình yêu âm nhạc?
Tôi không biết, có phải ông chờ cho những máu, xương đất nước, kinh hoảng chia lìa của biến cố tháng 4-75 ngấm, lặng cơn đau trước khi cầm bút lại?
Tôi cũng không biết, có phải ông đợi tới khi nghe được tiếng thánh thót của những hồi chuông hạnh ngộ duyên khởi giữa thi ca và âm nhạc?...
Nhưng dù lý do nào, tôi vẫn thấy cần phải nói rằng: Đăng Khánh lại là một trong trường hợp đặc biệt. Tôi muốn nhấn mạnh, sự kiện những ca khúc của ông được đám đông đón nhận ngay! (Tựa dòng nhạc của ông là niềm chờ đợi, khao khát bao lâu của đám đông!) Khi ông quyết định gửi tới người nghe, tình khúc “K. khúc của Lê.” (Người đầu tiên trình bày là danh ca Duy Trác, khi họ Khuất mới đặt chân tới Hoa Kỳ.) Rồi, liên tiếp sau đấy là những tình khúc như “Em ngủ trong một mùa đông,” “Lệ buồn nhớ mi,” “Hạt mưa bay cuối đời,” vân vân…
Những ca khúc vừa kể của Đăng Khánh, đã được nhiều ca sĩ nổi tiếng hải ngoại, lần lượt trình bày, thu hình, thu âm… Phải chăng cũng vì thế mà, rất mau chóng, một số trong những sáng tác kể trên của Đăng Khánh, đã “vượt biển,” ngược về quê hương nguyên gốc. (Dù tên tuổi ông không thường được giới thiệu.) Chúng xuất hiện trên sân khấu một số phòng trà từ nam ra bắc, như những hạnh ngộ rói tươi niềm vui, pha lẫn chút ngậm ngùi khuất lấp…
Tôi thường phát biểu rằng, mỗi tác phẩm, như một cuộc đời, luôn có cho riêng nó một định mệnh. Nếu cảm nhận này đúng và, có thể ứng hợp với một số sáng tác của Đăng Khánh thì, tôi e, tôi sẽ khó có giải thích nào khác hơn:
- Định mệnh đã ân cần với Đăng Khánh - - Như trong đời thường, ông hằng ân cần với người. Hoặc:
- Định mệnh đã dịu dàng, luôn nở nụ cười ưu ái với Đăng Khánh - - Như trong đời thường, Đăng Khánh hằng dịu dàng, luôn nở nụ cười ưu ái với bằng hữu của ông vậy.
Du Tử Lê,
-----------------
Chú thích:
(1): Nhạc sĩ Đăng Khánh tên thật Nguyễn Nhật Thăng, sinh năm Ất Dậu tại huyện Đại An tỉnh Ninh Bình. Cựu học sinh trung học Võ Tánh, Nha Trang và Chu Văn An, Saigon. Tốt nghiệp đại học Khoa học và Nha Khoa Saigon (D.S). Năm 1978, tốt nghiệp Đại học Nha Khoa Alabama in Birmingham Hoa kỳ (D.M.D)