“Ngọn Gió,” Võ Chân Cửu, đường bay lênh đênh thiết tha chữ, nghĩa.
Dutule.com (ngày 16 tháng 10 – 2012): Với mẫu bìa của Thanh Bình và bức tranh “Xứ-Tuyết” của cố họa sĩ Thái Tuấn, “Ngọn Gió,” thi phẩm mới nhất của nhà thơ Võ Chân Cửu, đã thả vào tâm hồn tôi hơi mát của thi ca. Đường bay lênh đênh thiết tha chữ, nghĩa. (*)
Những hơi của mát thi ca, những đường bay lênh đênh thiết tha chữ, nghĩa ngày một vắng, lặng giữa ngô nghê, nhố, nhếch của sân khấu văn học, nghệ thuật hiện nay.
Mẫu bìa đơn giản mà, đẹp tới nao lòng này, đã khu trừ những tạp niệm đời thường nơi tôi.
Mẫu bìa đơn giản mà, đẹp tới nao lòng này, đã sánh vai tôi đi dọc theo hành trình năm, tháng, hành trình một kiếp nhân sinh của họ Võ - - Một người làm thơ nổi tiếng từ những năm cuối thập niên (19)60) ở miền Nam.
Cõi giới thi ca Võ Chân Cửu đã rất sớm làm thành bởi những cật vấn sinh, tử. Cật vấn đạo, đời . Và, cật vấn chính sự hiện hữu của ông. Như một bất trắc hoan lạc và, lầm than. Ân sủng và, nghiệt ngã thảm kịch.
“Ngọn gió” mát thi ca, những đường bay lênh đênh thiết tha chữ, nghĩa của Võ Chân Cửu, ngay tự mẫu bìa đẹp, tới nao lòng kia, đã dẫn tôi chạm mặt những dòng thơ thứ nhất:
“Anh chẳng giữ nụ hoa quỳnh mới nở
“Nhụy sẽ chùng năm tháng tim ai
“Cánh chưa khép. Khung trời lá đỏ
“Cầm tay em anh muốn nói bao lời.”
Và, “Đêm nguyệt thực”:
“Mặt trăng xoay quanh địa cầu
“Anh ngóng bước chân em
“Ngày ngày, tháng tháng
Vầng trăng, trái đất, mặt trời
“có khi thẳng đứng
“Anh tưởng chừng như phải xa em
“Ánh trăng ơi đừng khoác áo nâu sồng
“Mang guốc mộc để ta trông thấy lại
“Nguyệt thực tan rồi
“Sao ta ngóng mãi
“Ngước trông trời
“Biết em lại chia xa”
Tôi không biết khi họ Võ viết “biết em lại chia xa” ông muốn nói tới chia tay nào? Tôi cũng không thấy cần tìm hiểu hay, phỏng đoán chiếc bóng đích thực nằm sau năm con chữ ấy.
Với tôi, cho dù chia tay kia, có là sự chia tay với tình nghĩa, thủy chung? Chia tay với sống, chết? Chia tay với rễ bèo chạm bùn thú tính? Thậm chí, chia tay ấy, có là sự chia tay với chính tác giả…Thì, với tôi, “Ngọn gió” cũng sẽ chẳng bao giờ chia tay chính nó.
Vì, nó là “ngọn gió” mát thi ca.
Vì, nó là đường bay lênh đênh thiết tha chữ, nghĩa.
Nó độc lập. Nó mình ên. Trong và, ngoài Võ Chân Cửu, đấng sinh thành ra nó.
-----------------------
Chú thích:
(*) Thi phẩm “Ngọn Gió” của nhà thơ Võ Chân Cửu tập hợp 153 bài thơ đã xuất bản: Tinh Sương (Thi Ca, Saigon 1972, Đại Mộng (Nhị Khê, Saigon 1973), Ngã Tư Vầng Trăng (NXB Trẻ 1990); cùng trường ca Quảy Đá Qua Đồng (1974) và các bài thơ từ 1972 -2011 chưa in trong sách nào.
- Được biết nhà thơ Võ Chân Cửu sinh năm 1952, tại Bình Định. Ông theo học Đại học và Cao học Văn học Viện Đại học Vạn Hạnh 1970-1975. Ông làm thơ, đăng báo từ năm 1965, ký tên Võ Chân Cửu từ 1969. Khi làm báo, ông dùng bút danh Hưng Văn. Email: hungvan@gmail.com