Thư của Đặng Thái Hòa:
Thưa chú,
Số là có 1 anh bạn trong nhóm của chúng cháu tình cờ lần đầu nghe bài này do ca sĩ Tuấn Ngọc hát. Anh ấy thắc mắc thế nào là “ngực ngải, môi trầm” và post lên Facebook để thảo luận. Nhờ vậy mà đến giờ chúng cháu mới biết đến bài này, và biết đến chú.
Khoảng chục năm trước nhạc sĩ Quốc Bảo có bài Tóc Nâu Môi Trầm mà ca sĩ Mỹ Tâm thể hiện rất thành công và được các bạn trẻ yêu thích. Nhiều người cho rằng cái màu nâu của tóc và cái gam trầm của son môi là phong cách trang điểm Hàn Quốc, mà lúc ấy tại Việt Nam đang là phong trào thời thượng, sau khi hàng loạt bộ phim truyền hình Hàn Quốc được người xem đón nhận.
Trong nhóm chúng cháu, có người cảm nhận “ngực ngải, môi trầm” là ngực thơm như hoa ngải và bờ môi mộc mạc không son nét chân quê. Và hình ảnh người vợ “ngực ngải môi trầm”, theo cách kiến giải ấy, là hiện thân của 1 vẻ đẹp bình dị mà mênh mang lòng bao dung.
Một anh bạn khác thú nhận cây trầm còn chưa thấy, huống hồ hình thoáng ngửi được hương hoa. Anh bạn ấy cho rằng tứ thơ từ đầu chí cuối có những hình ảnh tương phản, đối lập rất rõ ràng. “Ngực ngải, môi trầm” đối với “Cỏ mặn, lá ngoan”. Vì thế, trầm ở đây phải là cây trầm, hoặc thơm như hương trầm. Trầm và ngải được chú dùng để tả ngực và môi của người phụ nữ thì hẳn là phải đẹp, còn cỏ mặn được dùng để gán cho cái khiêm tốn hạ mình của người chồng mang ơn vợ thì chắc phải là cái gì đó thấp kém hơn hẳn trầm và ngải.
Trong phần Thư độc giả, có 1 câu trả lời của chú đã giải thích “ngực ngải, môi trầm” là nét đẹp đến thiêng liêng của người phụ nữ. Nhưng chúng cháu chưa rõ lắm thế nào là cỏ mặn và băn khoăn liệu cái ý “mặn” ấy có cái gốc tích văn học nào không.
“Cho ta cỏ mặn, trăm lần lá ngoan”. Không hiểu sao, tứ thơ ấy luôn làm cháu liên tưởng đến “vườn hoang trinh nữ xếp đối lá rầu” của bài Ngậm Ngùi mà bố cháu thường hát cho từng giấc ngủ chúng cháu khi xưa.
Nhà thơ Du Tử Lê trả lời:
Chú cám ơn Đặng Thái Hòa nhiều lắm, khi Hòa đã chịu khó ghi lại những kiến giải của các bạn, chung quanh câu thơ “Ơn em ngực ngải môi trầm/ cho ta cỏ mặn trăm lần lá ngoan” của Chú.
Đặng Thái Hòa cũng cho chú được gửi lời cám ơn các bạn của Hòa, đã có những kiến giải (dù khác nhau) về hai câu thơ kể trên.
Với thi ca thì tùy kiến thức, khuynh hướng, kinh nghiệm sống…, thậm chí cảnh tình của người đọc thơ (ngay lúc họ nhập vào bài thơ hay câu thơ) mà, mỗi người sẽ có cho riêng mình một kiến giải nào đó, về câu thơ/ bài thơ ấy.
Từ quan điểm này, chú muốn nói mọi kiến giải của con, cũng như của các bạn con, đều có “sự sống” riêng của nó.
Cũng từ quan niệm vừa kể, chú rất ít giải thích tường tận một bài thơ của mình.
Tuy nhiên, trước sự tha thiết, chân tình của Đặng Thái Hòa, cô Hạnh Tuyền, người phụ trách trang nhà dutule.com nhắc nhở chú nhiều lần rằng, nên trả lời thư của Đặng Thái Hòa. Và, sau nhiều ngày, hôm nay có ít giờ rảnh, chú xin trả lời Hòa từng điểm, như sau:
- Thứ nhất, khi viết hai câu thơ kể trên, chú không hề có một liên tưởng gần, xa nào với ý “… là hiện thân của 1 vẻ đẹp bình dị mà mênh mang lòng bao dung...”
-Thứ nhì, khi viết hai câu thơ trên, chú cũng không hề có một liên tưởng gần, xa nào tới “… những hình ảnh tương phản, đối lập…” Nó càng không mang ý nghĩa “… khiêm tốn hạ mình của người chồng mang ơn người vợ…”
- Và, sau cùng, 2 câu thơ trên, chúng ở xa lắm, hình ảnh “vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu.” Nếu chúng ta phải cho nó một nơi chốn để “định cư” thì, nó là một căn phòng, chứ không phải một mảnh vườn, Đặng Thái Hòa à.
Bây giờ, là những gì chú có thể viết xuống, như một chứng tỏ cụ thể lòng chú quý con và các bạn con, xuyên qua hai câu thơ chúng ta đã cùng nhắc tới:
- Hai câu thơ của chú, đề cập tới hai bộ phận trên thân thể người nữ mà, chú cho là rất thiêng liêng.
Chú nói rất thiêng liêng vì đặc tính hay, nhiệm vụ của nó là truyền giống và nuôi dưỡng… Nhờ hai bộ phận đó mà nhân loại (trong đó có Hòa và chú) hiện diện trên trái đất, ngày hôm nay.
- Trên nguyên tắc, chúng ta không bị cấm kỵ (taboo) khi nhắc tới thân thể người nữ. Nhưng vì căn bản của văn chương là “lời (hay từ) phải đẹp” (thì mới là văn chương). Nên chú không thể viết xuống một cách thô lậu, trần trụi…
Trong văn chương, nếu chúng ta nhắc tới một số bộ phận nào đó, trên thân thể người nữ, bằng tên gọi đích danh của chúng thì, chú cho là nó… phản văn chương. Chưa kể, nó hạ thấp giá trị của người nữ.
- Vì thế, chú chọn hình thức ẩn dụ (metaphor) và liên tưởng… là những kỹ thuật căn bản mà văn chương đã cung cấp cho các thi sĩ, nếu họ hiểu và nắm được những kỹ thuật ấy.
Đặng Thái Hòa thân mến, chú mong cháu hiểu, đó là tất cả những gì chú có thể trả lời Hòa qua thư này.
Nếu Hòa và các bạn vẫn chưa nhận ra điều chú nói, thì, cho chú xin, một lần nào gặp được nhau, chú sẽ nói riêng, rõ hơn nữa, với Hòa.
Thân mến,
Chú Du Tử Lê.
ơn em thơ dại từ trời
theo ta xuống biển vớt đời ta trôi
ơn em, dáng mỏng mưa vời
theo ta lên núi về đồi yêu thương
ơn em, ngực ngải môi trầm
cho ta cỏ mặn trăm lần lá ngoan
ơn em, hơi thoảng chỗ nằm
dấu quanh quẩn dấu nỗi buồn một nơi
ơn em, hồn sớm ngậm ngùi
kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau