Nhóm tám họa sĩ là thành viên Hội Họa sĩ trẻ ở Sài Gòn năm xưa sẽ có một cuộc hội ngộ tại Houston, bang Texas (Mỹ) vào hạ tuần tháng 10 này, và đây rất có thể là triển lãm chung cuối cùng của họ.
Chim thiên di – tranh sơn dầu Nguyễn Phước
Tính từ cuộc triển lãm chung – cũng thật hiếm hoi từ sau năm 1975 – của một số thành viên Hội Họa sĩ trẻ tại gallery Vĩnh Lợi vào tháng 10/2001 đến lần gặp gỡ này thì quãng thời gian đã trên mười năm.
Bây giờ những tên tuổi ấy đã bước qua ngưỡng bảy mươi, người còn kẻ mất, người sống trong nước kẻ định cư xa xứ, nên cái dự cảm “cuối cùng” về cuộc hội ngộ này cũng chẳng hề là bi quan hay u ám. Dẫu vậy, phần lớn các thành viên của Hội Họa sĩ trẻ vẫn không ngừng làm việc, vẫn có các triển lãm chung cũng như riêng trong và ngoài nước.
U-Tranh Nguyễn Trung (acrylic, sơn công nghiệp và chì trên bố)
Nhớ lại thuở khai sinh tổ chức mỹ thuật đầu tiên của miền Nam vào tháng 11/1966 mà nhiều thành viên sáng lập như Nguyễn Trung, Mai Chửng, Nguyên Khai, Nguyễn Phước, Nghiêu Đề, Hồ Thành Đức, Trịnh Cung, Nguyễn Lâm và Cù Nguyễn thuở ấy đều còn rất trẻ, nhưng chính sự ra đời cùng với hoạt động của hội trong chưa đầy một thập niên đã để lại dấu ấn quan trọng bậc nhất trong đời sống mỹ thuật ở miền Nam trước 1975.
Lần gặp gỡ này có Nguyễn Trung, Nguyễn Lâm, Hồ Hữu Thủ, Trịnh Cung, Đỗ Quang Em (trong nước), Đinh Cường, Nguyên Khai, Nguyễn Phước (ở Mỹ). Tổ chức cuộc triển lãm là gallery Việt Art ở Houston và dự kiến triển lãm sẽ kéo dài khoảng một tháng.
Thời gian để lại gì phía sau – tranh Nguyên Khai (chất liệu tổng hợp)
Một vựng tập triển lãm được in ấn trang trọng với lời đề từ của nhà thơ Tô Thùy Yên, một người bạn thân tình với Hội Họa sĩ trẻ vào cái thời mà theo ông “chúng tôi hẳn nhiên đều còn rất trẻ, và nhờ những run rủi tuyệt vời nào đó của định mệnh, chúng tôi đã gặp gỡ và kết bạn với nhau vì lẽ chúng tôi cùng tin tưởng sắt đá rằng có một liên hệ ảnh hưởng hỗ tương giữa các bộ môn nghệ thuật với nhau, chứ không tách biệt như thoạt nhìn thấy, cũng như có sự hiện diện chắc chắn ở đâu đó của một siêu thế giới vĩnh hằng của Cái Đẹp”.
Ẩn dụ 1 – tranh sơn dầu Trịnh Cung
Tám tác giả là tám thế giới riêng biệt với nhiều ngôn ngữ tạo hình. Hội họa trừu tượng của Nguyễn Trung đã đi tới sự tối giản cả về màu và hình, thậm chí cả cái tên tranh chỉ còn những mẫu tự u ơ.
Nguyễn Lâm là một đại diện xuất sắc của sơn mài trừu tượng mà ông đã theo đuổi từ nhiều thập niên qua, tranh ông đều là những bố cục màu sắc chặt chẽ.
Hồ Hữu Thủ cũng là một tên tuổi lớn của sơn mài hiện đại phía Nam, nhưng ở lần gặp gỡ này ông mang theo mấy bức sơn dầu với màu sắc và cách tạo hình mà như Nguyễn Trung từng viết: “Làm ta liên tưởng đến không khí cung đình của một thời đại hoàng kim, hoặc chuyện tình hạnh phúc trong một huyền thoại nào đó”.
Manhattan – tranh sơn dầu Đinh Cường
Tranh trừu tượng Trịnh Cung đầy sức biểu cảm, màu đẹp, óng chuốt và tươi mới dù ông cho biết thời gian qua đã ngừng vẽ một thời gian khá dài. Nguyễn Phước, người lặng lẽ nhất trong Hội Họa sĩ trẻ mang tới phòng tranh một không khí huyền hoặc, gần gũi với siêu thực qua những bức như Linh hồn tôi sẽ về đâu, Chim thiên di, Biển yên lặng…
Tranh Đinh Cường vừa trừu tượng, vừa biểu hình nhưng dù được diễn đạt bằng ngôn ngữ nào chăng nữa thì người yêu mến anh vẫn nhận ra một Đinh Cường thật đằm thắm và nhân hậu, một nghệ sĩ mến yêu cuộc sống và cái đẹp vĩnh hằng như ông thổ lộ: “Tôi đã vẽ từ thuở thanh xuân cho đến nay tuổi đã già, qua nhiều hoàn cảnh và nơi chốn vẫn với tất cả tấm lòng thành. Tôi cũng thấy mình còn may mắn và hạnh phúc…”.
Trừu tượng 2 – tranh sơn mài Nguyễn Lâm
Họa sĩ Nguyên Khai vào tháng 6/2010 đã có cuộc triển lãm lớn tổ chức tại khu Westminter để kỷ niệm nửa thế kỷ sống với nghệ thuật tạo hình, đã kinh qua nhiều trường phái và thể nghiệm nhiều chất liệu khác nhau, chẳng hạn như hai tác phẩm Thời gian để lại gì phía sau và Network tại triển lãm này.
Thiếu nữ bên hoa – tranh sơn dầu Hồ Hữu Thủ
Trong sách Nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại của Huỳnh Hữu Ủy (xuất bản tại California, 2008), trong chương viết về “Nhóm nghệ thuật tiền phong của Sài Gòn trước 3/4/1975”, tác giả nhận định: “Đề cập đến nghệ thuật tạo hình Sài Gòn của những năm 1960 và 1970, trên bối cảnh chung là tất cả nền nghệ thuật có từ trước cùng với lớp họa sĩ đứng tuổi, kỳ cựu, phải nhắc đến những nghệ sĩ, điêu khắc gia quy tụ chung quanh Hội Họa sĩ trẻ Việt Nam, có thể nhìn nhận họ là những đại biểu đặc sắc nhất của một giai đoạn lịch sử mỹ thuật của Sài Gòn và miền Nam trước đây…”.
(Từ P.V/DNSGCT)