Mùa xuân là mùa hồi sinh của vạn vật, trong đó có một sinh vật mang tên “Con Người”. Vì thế, đa phần nhân loại thường gắn, kết hy vọng tốt lành hơn cho mình, cho gia đình và người thân nhân dịp đổi mùa mỗi năm này.
Cũng vì tính hồi sinh vừa kể nên từ thi ca tới âm nhạc của bất cứ quốc gia nào, cũng là những con số không nhỏ. Nó không chỉ phản ảnh niềm hy vọng, lời cầu chúc tốt lành cho nguyên một năm dài trước mặt mà, nó cũng cho thấy những thực tế phũ phàng, bất hạnh…của một hay nhiều năm đã qua.
Tuy nhiên, dù thi ca và âm nhạc có phản chiếu sinh hoạt tinh thần giữa hai mùa xuân của một dân tộc ở mặt tích cực là hy vọng, hay tiêu cực là những mất mát, bi quan thì, tôi vẫn thấy có dễ không một nơi chốn nào có nhiều ca khúc viết về mùa xuân đẹp đẽ, nhân bản như nền tân nhạc miền Nam 20 năm.
Những người sinh trưởng ở miền Nam hẳn chưa quên, một nửa đất nước này chỉ có được yên bình trong ít năm khởi đầu! Sau đó, chiến tranh đem theo tai họa, chết chóc… đã từng bước xuất hiện khắp nơi: Từ nông thôn tới thành thị.
Dù vậy, số ca khúc viết về mùa xuân của chúng ta không vì thế mà kém phong phú hay, nghiêng nặng về phía u ám, tuyệt vọng.
Nếu phải tính sổ, ta vẫn thấy số những ca khúc về mùa xuân, tựa như lội ngược nhịp chuyển động mang tính hồi sinh, chúng ta có rất ít. Càng ít hơn nữa, số ca khúc viết về mùa xuân đứng từ phía bóng tối ảm đạm, tồn tại được đến hôm nay.
Đại diện cho khuynh hướng này, ta có thể kể tới ca khúc “Phiên gác Đêm Xuân” của Nguyễn Văn Đông:
“Đón Giao Thừa một phiên gác đêm
Chào xuân đến súng xa vang rền
Xác hoa tàn rơi trên báng súng
Ngỡ rằng pháo tung bay, ngờ đâu hoa lá rơi
“Bấy nhiêu tình là bao nước sông
Trời thương nhớ cũng vương mây hồng
Trách chi người đem thân giúp nước
Đôi lần nhớ bâng khuâng, gượng cười hái hoa xuân…”
Ngay tự những nốt nhạc và ca từ khởi nguồn của ca khúc, giới thưởng ngoạn đã không thấy, dù thấp thoáng tinh thần thù hận những kẻ gây nên tao loạn mà, chỉ thấy chút buồn dịu nhẹ. Như những cơn mưa bụi và heo may vừa đủ để lòng người bâng khuâng trước cảnh tình người lính giữa mùa xuân nơi biên trấn.
Trước khi ra khỏi ca khúc, tác giả buông tiếng thở dài, là lời than thở với chính mình, hơn là với tha nhân:
“Ước mong nhiều đời không bấy nhiêu
Vì mơ ước trắng như mây chiều
Tủi duyên người năm năm tháng tháng
Mong chờ ánh xuân sang, ngờ đâu đêm cứ đi
“Chốn biên thùy này xuân tới chi?
Tình lính chiến khác chi bao người
Nếu xuân về tang thương khắp lối
Thương này khó cho vơi, thì đừng đến xuân ơi!”
“…Thì đừng đến xuân ơi!” cụm từ 5 chữ mộc mạc, đơn sơ, như lời than vãn buột miệng của bất cứ ai trong chúng ta, theo tôi, không thể chân thật, thấm thía hơn! Nhưng tựu trung, toàn bộ ca khúc vẫn không hề lóe lên một tia lửa tuyên truyền dù yếu ớt.
Một ca khúc cùng loại khác, đến nay vẫn còn được nhiều người hát cũng như chịu được sự nghe lại là ca khúc “Xuân Này Con Không Về” của Trịnh Lâm Ngân (bút hiệu chung của Trần Trịnh, Lâm Đệ và Nhật Ngân):
“Con biết bây giờ mẹ chờ tin con
khi thấy mai đào nở vàng bên nương
Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về
nay én bay đầy trước ngõ
mà tin con vẫn xa ngàn xa
ôi nhớ xuân nào thuở trời yên vui
nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi
bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng
trông bánh chưng ngồi chờ sáng
đỏ hây hây những đôi má đào…”
Nếu đối tượng của ca khúc “Phiên Gác Đêm Xuân” là tâm cảnh người lính đóng đồn, trong vai trò người gác giặc nơi biên ải (hay tâm sự của chính tác giả?) thì, đối tượng của ca khúc “Xuân Này Con Không Về” lại là người mẹ, những đứa em và tình đồng đội.
Người nghe không ghi nhận được một hình ảnh cụ thể nào của người lính nơi trận tiền mà, toàn thể ca khúc là lời trần tình của một đứa con chinh chiến nơi xa; cộng với sự nhớ lại hình ảnh tiêu biểu, đặc thù của những ngày giáp tết là hình ảnh truyền thống gia đình quây quần canh, ngó nồi bánh chưng. Cùng lúc, tác giả cũng cho thấy tấm lòng đau đáu thương mẹ, thương em của người lính trước nhu cầu cần đến sự có mặt của đứa con, người anh lớn:
“Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm,
mái tranh nghèo không người sửa sang
Khu vườn thiếu hoa đào mừng xuân
Đàn trẻ thơ ngây chờ mong
anh trai sẽ đem về cho tà áo mới
ba ngày xuân đi khoe phố phường…”
Và cũng tuyệt nhiên, tôi không thấy chút khói súng hận thù, tiếng gào thét cổ võ bạo lực nào… Ra khỏi ca khúc, vẫn chỉ là lời trần tình của người lính với mẹ già, với em thơ. Lời giải thích hay xin lỗi (nếu tôi được phép nói như vậy), rất hồn nhiên, nhân bản:
“Con biết bây giờ mẹ chờ em trông
nhưng nếu con về bạn bè thương mong
bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường
không lẽ riêng mình êm ấm
Mẹ ơi con xuân này vắng nhà
“Mẹ thương con xin đợi ngày mai...”
Sự kiện tất cả các nhạc sĩ của 20 năm văn học nghệ thuật miền Nam, không ai bảo ai, đồng khước từ việc phất cao ngọn cờ thù hận; thề đổ ruột moi gan để ăn sống, nuốt tươi kẻ thù…có thể là một quan niệm hay, cách sống không mang lại cho người dân miền Nam một “chiến tích” nào! Nhưng trên tất cả mọi thứ, nền tân nhạc với những ca khúc mùa xuân ở phía u ám nhất, vẫn đứng ở phía con người phải sống và, được sống như một con người có trái tim, biết thương yêu đồng loại, luôn cả thiên nhiên, khi vạn vật được hồi sinh. Một vòng quay khác của trái đất bắt đầu chu kỳ mới. Chu kỳ khởi đi với niềm hy vọng, sự tử tế mà chỉ sinh vật mang tên “con người” mới có thể dành cho nhau. Đồng thời, cũng dành cho trái đất!
Du Tử Lê,
(Còn tiếp một kỳ).