PHÒNG TRANH NHỎ KẾT QUẢ LỚN
Vẽ là một hành động xác nhận. Xác nhận chính mình. Bằng kỹ thuật, hội họa được định nghĩa là nghệ thuật không gian Nhưng bằng xác nhận, nó lướt đi trong thời gian.
Chúng ta quen nhìn Du Tử Lê như một nhà thơ - nhà thơ vô địch (chữ của Mai Thảo) hay Nguyên Sa ‘’ Tôi biết thơ Du Tử Lê thật hay, lúc ở Việt Nam, tôi thấy Du Tử Lê làm thơ được những năm đầu ở Mỹ tôi thấy thơ Lê hay hơn trước. Bây giờ tôi nghĩ rằng Du Tử Lê đã đi xa hơn những người làm thơ cùng thời với anh một quãng đường trông như gang tấc mà trong thơ, xa vạn dặm ‘’ (Du Tử Lê- Tác Giả & Tác Phẩm, trang 55)
Có nhiều nhà thơ vừa là họa sĩ…như Vương Duy đời Đường, Tô Đông Pha đời Tống và Tề Bạch Thạch sống từ đời Thanh đến hiện đại. Các vị đó vừa vẽ tranh vừa làm thơ đề tranh và đã đến mức “ họa trung hữu thi, thi trung hữu họa” (trong họa có thơ trong thơ có họa). Thi hào Rabindranath Tagore hay Victor Hugo vừa thơ vừa họa tuyệt mỹ…Có thi sĩ bay qua biển khơi rừng thẳm để tìm ra tiếng nói mình trong hội họa. Hay cả như Antoine de Saint Exupéry trong Le Petit Prince (Hoàng Tử Bé - Bùi Giáng dịch- An Tiêm xuất bàn) cũng đã kèm theo những dessins và những bức họa màu nước của tác giả thật thơ mộng, mà dịch giả đã trích bốn câu thơ để ở trang đầu sách:
Bích Câu đâu nữa bóng chàng Uyên
Sông núi thô sơ bặt tiếng Huyền
Có lẽ hồn ta không đẹp nữa
Nét thần thôi họa bức thiên duyên
( Huy Cận )
Trở lại với phòng tranh Du Tử Lê khai mạc lúc 3 giờ chiều thứ bảy March 30, 2013 tại NVR Studio trong khu Eden đã cuốn hút người xem thật đông đảo, ngoài những nhà làm văn hóa và văn nghệ sĩ ở vùng Washington DC như ông bà Nguyễn Ngọc Linh, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, giáo sư Trương Vũ (cũng là họa sĩ tài hoa lỗi lạc) , nhà văn Nguyễn Tường Giang, nhà văn Sơn Tùng nhà văn Thanh Thương Hoàng từ San José, nhà thơ Phạm Nhuận nhà thơ Phan Khâm, họa sĩ quốc tế Vũ Hối, nhà báo Đào Trường Phúc của Phố Nhỏ, nhà báo Phạm Việt Tân của Đời Nay và rất đông những người mến mộ, những khuôn mặt thế hệ trẻ đã đến tràn ngoài hành lang …
Vẫn trở lại với tranh Lê, với tôi, ông đã tạo được một phong cách mới, một style riêng là Hội - Họa - Thơ ( Peinture- Poème ) dưới mỗi bức tranh là một câu thơ của chính ông, Không ai khác, và tài năng bộc lộ ở chỗ sự ngây ngất hội họa của ông chưa bao giờ đánh mất thực tại. Ông không có cái ổn định trường lớp cổ điển, một trật tự hoàn chỉnh, nhưngchính cái primitif đó tạo nên Du Tử Lê với một thế giới tranh thơ mộng và chân thật. Hay nói như Léon Zach :’’ Pour moi, le miracle de l’ art c’est son pouvoir de rendre une vérité toute subjective valable pour tout le monde, la rendre objective” ( Đối với tôi, cái phép lạ của nghệ thuật chình là cái khả năng biến hóa một chân lý hoàn toàn chủ quan trở thành khách quan, có giá trị đối với mọi người )
Hội họa Du Tử Lê là một biến hóa nghệ thuật có giá trị như một ngọn núi đầy thơ, một biển bao la đầy màu sắc. Một khúc thụy du ngân vang khi trời vào Xuân …[1]
Cuối cùng, với 14 tác phẩm trưng bày lần này (sơn dầu, acrylic trên vải bố, kích thước standard 16 x 20 in, 24 x 30 in . Giá mỗi bức từ 500 US đến 1.500 US ) tại Virginia đã sold out là một kết quả lớn. Xin chúc mừng bạn tôi.
Virginia, April 1, 2013
Đinh Cường
---------------------
[1] Chiều March, 31, 2013 có buổi họp mặt bạn bè ấm cúng tại nhà Trương Vũ với nhiều văn nghệ sĩ quen thuộc ở Virginia, Nguyễn Hữu Trí, Nguyễn Đình Vinh, Trương Anh Thụy, Nguyễn Thị Thanh Bình, Bạch Mai, Nguyễn Minh Nữu, Ngô Vương Toại, Phạm Cao Hoàng…
Một đêm ca nhạc gốm nhiều ca khúc phổ thơ Du Tử Lê.
* Một số tranh triển lãm tại Hoa Thịnh Đốn