dutule.com (ngày 3 tháng 4-2013): Tiếng thơ Lê Nguyên Tịnh xuất hiện trên văn đàn hải ngoại chỉ vài năm gần đây. Nhưng định mệnh đã mỉm cười với ông, ngay tự những dòng thơ đầu - - Cụ thể, thi phẩm “Thơ Quế Hương” của họ Lê, xuất bản năm 2010. Nói cách khác, văn giới đã chào đón ông, không chỉ như một làn gió mới mà, còn như một người bạn góp lửa nơi quảng trường thi ca, sau nhiều năm thất lạc.
Những ngày qua, cũng với bìa, phụ bản của hai họa sĩ Đinh Cường và, Nguyễn Đình Thuần, họ Lê đã gửi vào cõi-giới thi ca Việt hải ngoại, thi phẩm thứ hai: “Dấu chân của gió.”
“Dấu chân của gió” như một thực chứng, thêm, cho chỗ đứng Lê Nguyên Tịnh: Một tiếng thơ xây dựng trên những khai đường mới mẻ của chữ - - Và, những chao chát tầng cao hình ảnh ưu, mị.
Mỗi bài thơ, ở thi phẩm này, hiện ra như một thúc bách, cật lực đi tới; vượt qua những giới hạn bến, bờ tư duy, rung cảm mòn. Nhẵn.
Những con chữ trong thơ Lê Nguyên Tịnh, đã không còn là những con chữ hiểu theo nghĩa chu toàn nghĩa vụ diễn đạt. Mà, chúng còn là những sinh vật có được cho chính chúng, những thao thức riêng. Cũng có thể ví, chúng như những hòn than cháy phỏng thịt-da-cảm-xúc.
Đánh giá cõi-giới thi ca Lê Nguyên Tịnh, ngay nơi những trang đầu trước khi bước vào thế giới “Dấu chân của gió”, nhà thơ Hoàng Ngọc Tuấn viết:
“…khi bắt đầu nghiệp viết, đa số nhà thơ mong muốn đạt được sự “định hình phong cách”. Đó không phải là một điều dở. Tuy nhiên, điều rất dở là sau khi đã “định hình” một phong cách nào đó, nhà thơ bám chắc lấy nó để ăn mòn suốt cả quãng đời còn lại. Một nhà thơ, như một nghệ sĩ sáng tạo đích thực, thì không phải là một người mãi mãi ăn bám vào một phong cách, dù đó là phong cách mà chính mình đã tạo ra. Nhưng trút bỏ một phong cách đã “định hình” để tiếp tục sáng tạo những phong cách khác lại là điều rất khó khăn. Khó khăn, vì quán tính của lối viết. Khó khăn hơn nữa, vì phải thực hiện một hành trình mới, từ đầu, và chưa biết mình sẽ đi về đâu. Vâng, rất khó khăn, nhưng đó chính là sự thử thách đối với ý chí sáng tạo.
“Nhà thơ Lê Nguyên Tịnh không sợ sự thử thách này. Tập thơ Dấu Chân Của Gió khác hẳn với những tập thơ trước của anh. Với Dấu Chân Của Gió, Lê Nguyên Tịnh dứt khoát bước vào một hành trình mới. Anh để lại sau lưng hàng trăm bài thơ mang dấu ấn “Lê Nguyên Tịnh”, trong đó, rất nhiều bài đã được các nhạc sĩ phổ thành ca khúc, được nhiều người hát, nghe, và nhớ. Với ý chí của một nghệ sĩ sáng tạo, Lê Nguyên Tịnh không chịu an vị. Anh tiếp tục lên đường. Trong hai năm qua, Lê Nguyên Tịnh đã không ngừng cho ra đời những bài thơ với phong cách mới. Hơn 100 bài thơ trải dài từ đầu năm 2011 đến nay, và trở thành tập thơ Dấu Chân Của gió…”
Phần cá nhân mình, trong “Vài lời cảm tạ”, Lê Nguyên Tịnh nói:
“Tôi bắt chước câu nói của Wayne W. Dyer: Không có con đường nào đến hạnh phúc, vì hạnh phúc chính là con đường. Không có con đường nào đến với thơ, vì thơ chính là con đường vô tận. Tôi là khách lữ trên con đường ấy. Đam mê và cô đơn. Dấu Chân Của Gió ra đời để kỷ niệm một chặng đường. Ngắm bầu trời lung linh những vì sao. Và bí mật của bóng tối.”
.
Tôi vẫn nghĩ, bóng tối chỉ là mặt khác của ánh sáng. Từ đó, tôi cũng tin, bạn đọc sẽ tìm thấy phần ánh sáng đâu đó nơi những “Dấu chân của gió” của Lê Nguyên Tịnh.
Gửi ý kiến của bạn