Thư của độc giả Hai Trầu
Kính chào bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc,
Xin chân thành đa tạ bác sĩ đã có lòng yêu mến và giải đáp vài ba ý kiến của một bạn đọc nhà quê già như tôi rất tận tình, những lời giải đáp ấy rất gần gũi, thân ái giống như tấm lòng của một vị thầy thuốc ân cần, tử tế, nhân từ dành cho một bệnh nhân đang cần một vị lương y vậy!
Theo tài liệu bút lục của nhiều nhà thì số báo Bách Khoa 426 ngày 26-4-1975 là số chót, có các bài tạp chí Bách Khoa giới thiệu nhà văn Nguyễn Hiến Lê nhân cuốn sách thứ 100 của ông ra đời, đó là cuốn “Mười Câu Chuyện Văn Chương” do nhà Trí Đăng xuất bản . Được biết, sau này thầy Nguyễn Hiến Lê còn nhiều cuốn sách biên khảo quí báu nữa, và có lẽ cuốn sau cùng là cuốn “Sử Trung Quốc” do nhà Văn Nghệ bên California của ông Võ Thắng Tiết xuất bản vào năm 2003.
Thưa bác sĩ, tôi hồi nhỏ , những năm 1950, từ kinh xáng Bốn Tổng có dịp theo xuồng ra Long Xuyên , rồi sau này, khi tôi được vào học trường Khuyến Học, rồi trường Trung học Thoại Ngọc Hầu ở Long Xuyên thì Thầy đã lên Sài Gòn, nhưng hình bóng Thầy vẫn thấp thoáng nơi các lớp học vào hai năm Thầy dạy tại trường Thoại Ngọc Hầu này vào thời ông Nguyễn Ngọc Thơ còn làm Tỉnh Trưởng. Mãi đến sau năm 1975, khoảng cuối năm 1979 hoặc tháng 02 năm 1980, Thầy Nguyễn Hiến Lê mới dọn về lại Long Xuyên ở luôn những ngày tuổi già nơi đường Gia Long ấy.
Hồi nhỏ tôi ở trọ trên Cua Lò Thiêu, đi học phải đi bộ qua cây cầu sắt ngay Ty Trường Tiền, rồi đi dọc theo đường Gia Long tới trường; chúng tôi thường đi bộ ngang qua nhà Thầy nằm trên đường Gia Long với con kinh lộ mùa nước cỏ tháng mười một, tháng chạp âm lịch nhằm mùa cá dại cá lòng tong, cá nhái nổi bèo mặt nước.
Là dân quê tụi tôi, dường như ai cũng thích đọc sách của Thầy. Từ cuốn đầu tay “Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười” tới cuốn sau cùng , cuốn nào cũng thích mà nhất là các cuốn thuộc loại sách “Học Làm Người” nhưng chỉ âm thầm tìm đọc sách thôi chứ không có ý tìm gặp hoặc viết thư từ gì vì hổng dám làm phiền, làm quen với những người nổi tiếng. Hồi xưa khác chứ không có hiện tượng như ngày nay người ta ngưỡng mộ Nguyễn Hiến Lê như bác sĩ vừa nhắc:
“Anh biết không, thật bất ngờ khi sách của ông bây giờ được rất nhiều bạn trẻ ở miền Bắc đọc, nghiền ngẫm, ứng dụng. Họ thực hiện các tủ sách Nguyễn Hiến Lê, trao đổi cho nhau. Vừa rồi còn có nhóm thanh niên tổ chức một chuyến đi xuyên Việt bằng xe gắn máy từ Bắc vào tận Đồng Tháp viếng mộ cụ Nguyễn, họ mặc áo pull có in hình ông, gắn cờ có hình ông lên xe nữa! Tóm lại, họ đã coi ông là một “thần tượng”. Ngộ quá chớ phải không anh? “
Thú thật với bác sĩ, ngày nay tuổi tôi cũng già quá mạng rồi, mỗi ngày tôi ngoài việc nhìn đồng ruộng mà tiếc cho những ngày mùa lúa mùa cách nay sáu bảy chục năm, lúa thôi là lúa, bạt ngàn san dã, chạy mút tận chân trời, mà chợt buồn sao thời gian trôi qua quá mau, tuổi ấu thơ nhà quê với những ngày mùa cắt gặt theo cộ trâu, cộ bò mót lúa bông rơi rớt hồi xa xưa ấy nay chẳng còn! Ngoài những thương nhớ ấy, tôi chỉ còn mỗi việc là đọc lại sách của thầy Nguyễn Hiến Lê, tôi có khoảng gần 100 cuốn của Thầy. Thú thiệt nhe bác sĩ, mình chỉ đọc các bài TỰA trong các cuốn sách ấy của Thầy thôi là thấy cũng đáng đồng tiền bát gạo rồi bác sĩ ơi! Còn bác sĩ thì sao, bác sĩ có nhận xét gì về các bài “TỰA” trong các sách của Nguyễn Hiến Lê? Ngoài ra, bác sĩ có nhận xét gì về bút pháp của Nguyễn Hiến Lê trong các sách của thầy?
Thêm vào đó, bác sĩ đã trải qua nhiều thời kỳ văn học Việt Nam, bác sĩ có thể chia sẽ với bạn đọc về cái nhìn của mình qua các thời kỳ văn học ấy được không, chẳng hạn thời kỳ văn học Miền Nam Việt Nam 1954-1975, thời kỳ văn học Việt Nam từ 1975 tới nay ở Sài Gòn cũng như ở hải ngoại sau 38 năm qua? Trong các giai đoạn văn học này của Việt Nam, theo bác sĩ, có những tác giả và tác phẩm nào bất hủ không, thưa bác sĩ?
Vì “trò chuyện với bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc”, nên tôi có ý hơi lòng vòng, mong bác sĩ và bạn đọc rộng lòng bỏ lỗi cho. Xin cảm ơn bác sĩ và bạn đọc nhiều lắm. Và không quên cảm ơn bác sĩ có nhã ý tặng sách.
Kính thư,
Hai Trầu
Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc trả lời:
Kính anh Hai Trầu,
Rất cảm động, lại được thư anh hỏi han và chia sẻ trên dutule.com. Thú thực, có một “bạn đọc nhà quê già” như anh Hai, với tôi, là một hạnh phúc, bởi tôi cũng là một bác sĩ “nhà quê già” không kém đó anh Hai (*). Thế hệ chúng ta có lẽ cũng lại là một thế hệ lạc lõng, cho nên rất gần gũi nhau.
Đúng như anh nói. Sử Trung Quốc là cuốn biên khảo sau cùng của Nguyễn Hiến Lê. À, anh vừa gọi “Thầy” Nguyễn Hiến Lê mặc dù chưa hề học với ông ngày nào. Và có lẽ thế hệ chúng ta nhiều người cũng nhận ông là “Thầy” dù chưa hề học với ông ngày nào anh nhỉ? Trong bài báo “Ông Nguyễn Hiến Lê và tôi” viết năm 1975 trên Bách Khoa, tôi cũng đã nói lên điều này. Câu anh viết: “nhưng hình bóng Thầy vẫn thấp thoáng nơi các lớp học vào hai năm Thầy dạy tại trường Thoại Ngọc Hầu này” rất cảm động, chứng tỏ mặc dù chỉ dạy học có hai năm, ông cũng đã để lại “hình bóng” tốt đẹp cho nhiều lứa học trò về sau. Nhờ cái gì vậy? Nhờ tấm lòng của một “bậc thầy” phải không anh? Không chỉ là kiến thức đâu mà chính là “thân giáo” đó.
Về cách viết TỰA của Nguyễn Hiến Lê, đúng vậy đó anh Hai. Cách viết TỰA của ông cũng đặc biệt, đáng “đồng tiền bát gạo” lắm. Nó chân thành và thấu cảm thực sự anh à, cho nên nó mới đi vào lòng người. Không phải chỉ những bài tựa viết cho riêng sách của mình đâu mà cả những bài tựa ông viết cho người khác. Anh thử đọc bài tựa ông viết cho cuốn “QÊ HƯƠNG” của Nguiễn Ngu Í thì thấy. Tôi may mắn cũng được ông viết cho một bài tựa ở cuốn “Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò”, cuốn sách đầu tay của tôi do La Ngà xuất bản và Lá Bối phát hành, năm 1972. Tôi vẫn còn giữ “thủ bút” của ông như một kỷ niệm đó anh Hai. Tôi nhớ câu kết của ông trong bài tựa này “Một bác sĩ mà lại là một thi sĩ thì luôn luôn làm cho chúng ta ngạc nhiên một cách thú vị”! Ông viết vậy có lẽ vì từ năm 1967, tôi đã gởi tặng ông tập thơ đầu tay của tôi Tình Người (thơ Đỗ Nghê).
Ôi, “chia sẻ với bạn đọc về cái nhìn của mình qua các thời kỳ văn học” ư? Dạ cái “vụ” này xin anh Hai tha cho! Tôi làm sao dám nói về những điều to tát như vậy! Xin anh hỏi các nhà phê bình văn học vậy nhé. Hình như Võ Phiến, một nhà văn lớn, đã có một cuốn nhận định gì đó về văn học Việt Nam cũng gặp không ít những phiền toái! Ngay cả Hoài Thanh và Hoài Chân, Vũ Ngọc Phan… ngày xưa cũng vậy! Nhưng vì anh Hai đã hỏi thì tôi cũng xin thưa rằng tôi chỉ thấy các đợt sóng văn học cứ tuần tự luân phiên vỗ bờ, và bên dưới đó là… mênh mông nước! Tôi có một bài thơ nhỏ trong tập Vòng Quanh (1997):
SÓNG
Sóng quằn quại
Thét gào
Không nhớ
Mình
Là nước!
Cảm ơn anh Hai đã chịu khó đọc.
Thân kính.
Đỗ Hồng Ngọc
………………………………………..
(*)http://www.dohongngoc.com/web/o-noi-xa-thay-thuoc/thay-thuoc-va-benh-nhan/bac-si-nha-que/