Đôi khi người ta nói niềm tin và ước mơ chỉ là một. Có những niềm tin không bao giờ tắt trong đời sống mà ước mơ lớn nhất của di dân vẫn là giấc mơ hồi hương. Trong số những người ấy có nhiều phụ nữ đã sống gần trọn một thế kỷ với cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai. Họ đã rời Hà nội ra đi khi Việt nam bị chia đôi hai bờ vỹ tuyến và phải bỏ quê hương thêm một lần nữa khi biến cố 1975 ập đến. Một trong những phụ nữ can đảm ấy là mẹ tôi.
Theo làn sóng tị nạn gia đình tôi lưu lạc sang Montréal mà sau này mỗi khi viết về quê hương thứ nhì của mình thì tôi quen gọi là thành phố tuyết. Ngoài hệ thống di chuyển tối tân bằng xe điện ngầm đứng hàng thứ ba thế giới và không ít danh lam thắng cảnh thì còn một địa điểm đặc biệt nhưng ít được ai nhắc đến. Đó là chợ bán rau và trái cây lộ thiên Jean talon.
Từ ngày định cư tại Canada cho đến nay mẹ tôi đi xe điện ngầm không quá năm lần. Giản dị vì bà bị chóng mặt khi ngồi trên những chuyến tầu lao vun vút trong lòng đất. Lúc ấy gia đình tôi chưa đủ khả năng mua xe hơi để di chuyển nên xe bus 92 là phương tiện duy nhất của mẹ tôi đến chợ bán trái cây lộ thiên. Chợ được gọi theo tên con đường dài hun hút từ đông qua tây của thành phố và nó cắt ngang đại lộ Côte des Neiges để đổi tên đường tạo thành một lằn ranh vô hình chia hai khu giầu nghèo của vùng này. Nằm dưới chân núi Mont Royal là đại lộ chính dài hun hút mà đoạn giữa là dân nghèo trú ngụ trong khi hai đầu nam bắc có nhiều biệt thự thuộc về những gia đình giầu có của thị trấn Westmount và Mont Royal. Dọc hai bên đại lộ là cửa hàng thương mại san sát nhau xen kẽ ngân hàng bệnh viện và nghĩa trang lâu đời nhất thành phố. Phía sau khu thị tứ tấp nập ấy là những dãy cao ốc và chung cư. Có rất nhiều người Do thái và Ấn độ sống trong khu vực này nhưng nơi đây cũng chứng kiến không ít di dân Việt nam đến ở lúc hàn vi và ra đi khi khá giả.
Lúc ấy gia đình tôi ở trong khu chung cư Bedford đối diện trung tâm thương mại Plaza Côte des Neiges và là nơi tụ tập của hầu hết các sắc dân thiểu số vào mỗi cuối tuần. Nhờ nét đặc thù này mà thời gian đầu xa Saigon tụi tôi tìm được niềm vui không tốn cắc nào mà rất thú vị.
Cứ đến sáng thứ bảy em Nga và tôi rủ nhau đi một vòng trong khu bán fast food để nghe “những người ngoại quốc” nói chuyện bằng nhiều ngôn ngữ lạ tai mà cả đời chưa chắc ai có cơ hội được nghe. Thích nhất là nghe tiếng Ấn độ vì không thể nào tin được là họ chưa hề cắn vào lưỡi khi nói chuyện! Nhờ vậy mà tôi có khả năng đoán gần chính xác người đi sau lưng mình là dân xứ nào khi họ đang nói bằng tiếng Anh hoặc Pháp.
Đối diện plaza là cửa hàng khổng lồ Pascal bán dụng cụ sửa chữa nhà cửa mà một bên tường chạy song song theo dãy chung cư. Phía đầu đường là tiệm bán thực phẩm Á đông duy nhất chưa kể các cửa hàng lớn nhỏ có đủ các thứ thông dụng. Nhờ khu phố thương mại đa dạng này mà bốn mùa xuân hạ thu đông phố Côte des neiges có không khí vui như Tết. Giới giầu sụ và dân nghèo mạt đụng độ nhau mỗi ngày ở đây. Khách bộ hành sẽ biết ngay ai là dân giàu lái xe “xịn” và ai là dân “không xịn” lái xe cũ có ống bô nổ rầm rầm phun khói mù mịt mà cứ khoái bóp kèn liên hồi để giật le với và người đi xe bus!
Tiệm bán thực phẩm Hưng Long ở đầu đường Bedford là địa điểm mẹ tôi đi chợ thường xuyên. Cho đến bây giờ tôi vẫn nghĩ đó là nơi đã giúp bà can đảm hơn khi không biết nói tiếng bản xứ mà lại sống trong khu vực dân di cư ngoại quốc. Nếu muốn tìm mẹ tôi vào buổi sáng thì chỉ cần đến cửa hàng có chu vi nhỏ bằng một phần tư chợ bán thực phẩm lớn tại little Saigon ở Cali là thấy bà ở trong đó. Vào thời gian ấy cầm được chai nước mắm đã là hạnh phúc và nhìn được chai tương cự đà chỉ là giấc mơ hồi hương nên mẹ tôi dự trữ đủ loại thực phẩm đóng hộp vì sợ con buôn làm giá không chịu xuất cảng sang Canada nữa! Lúc cửa tiệm vắng hoe mẹ tôi trở thành “thượng khách” của bà chủ với những câu chuyện không dứt về đủ đề tài. Nhờ vậy tôi và con gái bà ấy trở thành bạn dù cho đến bây giờ tôi không biết tên thật của mẹ Hoa là gì ngoài bí danh là “bà Hưng Long” như mẹ tôi vẫn thường gọi!
Khi đến Québec mẹ tôi không còn trẻ để học lớp pháp văn của chính phủ dành cho di dân. Ban ngày mọi người đi vắng thì bà làm công việc năm xưa của chị Vân người giúp việc theo gia đình di cư vào Nam vẫn làm. Thế là bỗng chốc gia đình tôi nhập chung với đám di dân nghèo nhất Canada mà phương tiện di chuyển chính chỉ là xe điện ngầm và xe bus. Buổi sáng hôm nào mẹ tôi đi chợ xách về những túi ni lông nặng trĩu thì bữa cơm chiều hôm ấy cả nhà sẽ được nghe đủ các chuyện ngoài phố mà đặc biệt là các màu xe hơi. Sau này bà kể là lúc đó thích nhìn màu sắc vì ước có tiền mua chiếc xe cũ để cả nhà di chuyển cho đỡ khổ vào mùa đông lạnh cắt da. Thời gian ấy những bữa cơm chiều của gia đình thật thú vị khi được nghe đủ thứ chuyện vui buồn ở ngoài phố. Vô tình mẹ tôi trở thành một trong số những người kể chuyện hay nhất mà tôi được gặp trong đời vì đó là một chuỗi liên kết nhiều câu chuyện tầm thường nhưng có những hình ảnh sống động thật nhất của con người.
Ở cách “ấp” của gia đình tôi một căn là gia đình “ông bà Patel”. Vào ngày hè nắng chang chang bà vợ mập thù lù mặc quốc phục màu sắc rực rỡ nhưng không nói được tiếng Anh Pháp trong khi ông chồng thấy hàng xóm thì nhanh miệng líu lo với giọng diễn tả thật cao “how arrrrrrrre youúuuuuu?”. Nếu hỏi ngược lại câu kế tiếp thì ông ấy giả vờ điếc và thản nhiên đi như không thấy ai trước mặt. Có lần mẹ tôi làm chả giò thơm phức mang biếu thì chẳng những không được cám ơn mà còn bị từ chối một câu phũ phàng”cha gio no good” khi họ biết món ăn quốc hồn quốc túy này được làm bằng thịt heo đến nỗi mẹ tôi tức quá phải thốt lên “biết thế chả thèm khen vợ nó nấu cà ri ngon”. Hóa ra là ông bà Patel theo đạo Hồi mà tụi tôi không biết!
Rồi không nhớ từ lúc nào tên bà chủ chung cư có thân hình ốm nhom cao nhòng bị mẹ tôi đổi là “cô Két Chúp”. Nếu chào “hello! mrs CupChick” thì bị sửa lưng ngay “no, please! i am not mrs Cupchick, I am miss CupChick”. Vào những chiều hè xẩm tối cô chủ chung cư chăm chỉ rảo trên vỉa hè Bedford để nhặt những chồng báo cũ trong đống rác đang chờ được vất đi vào sáng hôm sau. Ban đầu tôi ngỡ cô Do thái “quá đát” này keo kiệt không dám bỏ vài chục xu mua báo đọc. Nhưng nhờ một lần mang ngân phiếu trả tiền nhà mà tôi khám phá ra chung quanh căn phòng cô ấy chất đầy báo cũ để chống lạnh. Mà trông cô Két Chúp cũng y hệt chai nước sốt cà chua đã được xài gần hết. Làm chủ hai căn chung cư to tướng nhưng cô xài rất kỹ và sống độc thân với bà mẹ già lùn hơn con gái cả cái đầu. Tại vì không chồng nên cô rất khó chịu nếu bị gọi bằng bà! Hai mẹ con thường mặc chung mớ quần áo cũ rích nhàu nát. Nếu hôm trước bà mẹ ra phố với cái váy quét sạch lề đường thì hôm sau cô con gái mặc y hệt cái váy ấy để lộ hai cái cổ chân khẳng khiu lêu nghêu. Có lần mẹ tôi thấy tội nghiệp mà quên mất là mình nghèo quá so với chủ chung cư nên mua tặng họ một khăn quàng cổ vì “trông cô Két Chúp rách quá con ạ!”. Tuy con gái mang tiếng được tặng nhưng hôm sau là bà mẹ “khai trương” quà trước. Từ đó tụi tôi gọi họ là “bà Ket Chup” và “cô Két Chúp” để phân biệt cho khỏi bị lẫn lộn!
Thời gian sau chung cư có thêm cặp vợ chồng rất trẻ dọn đến ở tầng dưới. Ban đầu chúng tôi ngỡ đó là gia đình người Kampuchia nhưng nhờ nghe câu chửi thề liên tục của anh chồng mặt non choẹt thì mới biết họ là người đồng hương!
“Nhà thằng đù” là mẹ tôi đặt vì cứ mở miệng ra thì câu đầu tiên của anh chàng đào đất bắt giun bán cho dân câu cá chuyên nghiệp sẽ là “đù má nó!”.
Một hôm mẹ tôi leo lên được tầng lầu ba chưa bước vào nhà đã cười ngất “trời ơi! cái thằng đù nó quen mồm chửi thề đến nỗi chửi cả mẹ”. Lúc ấy em Bình còn nhỏ mà đã nóng cả mặt đòi… đại chiến với thằng đồng hương mất dạy! Sau đó mẹ tôi kể rõ là anh chàng đù này có lòng tốt muốn mời bà đi uống cà phê mà lại nói thế này “đù má bác khỏe hông bác? đù mẹ! bữa chủ nhật rồi con bán trùng bộn tiền, đù má! mời bác đi uống ly cà phê với con cho dzui”. Mẹ tôi dí dỏm hỏi ngược “mày muốn mời bác mà cứ… đù hoài thì làm sao mà bác dám đi uống cà phê với mày?”. Thế là anh chàng toe toét “xin lỗi bác, đù má nó! nói riết rồi quen đâu có nhớ gì bác ơi!”. Nhưng cái “nick name thằng đù” không làm anh ta giận mà còn thích thú khi biết mẹ tôi hay quên “hôm nay cháu có làm không đù?”. Có một lần bà đi chợ vào ngày cuối thu thì gặp đù giữa đường. Thế là anh chàng túm mấy cái bao ni lông rồi đi te te phía trước “đù má nó! lạnh dzậy mà bác ra đường làm chi? già rồi ăn gì cho qua mùa lạnh này chớ hơi sức nào mà bác xách nặng như dzầy, đù má nó” đến nỗi mẹ tôi phải bật cười khi kể lại.
Có lẽ công việc bắt giun khó khăn vì mùa hè quá ngắn ngủi nên sau vài năm làm dân chung cư Bedford thì “nhà thằng đù” đi phiêu bạt nơi nào không biết. Ngày dọn nhà họ dắt nhau sang chào ” Hai bác ở lại mạnh giỏi héng, con đi qua chỗ khác kiếm công… chiện mần ăn, đù má nó! ở đây lạnh ể mình khó sống quá chời!”. Khi họ bước ra cầu thang thì mẹ tôi đến bên cửa sổ nhìn xuống đường thật lâu và bữa cơm chiều hôm ấy bà lặng lẽ không nói câu nào. Sau này có lần nhớ đến thời nghèo khó ở chung cư Bedford thì em Nga hỏi “Không biết có ai gọi anh đó là thằng đù nữa không há?!”.
Những năm kế tiếp ở xứ lạ mẹ tôi hay nhắc về tuổi thơ của bà ở Hà nội và những ngày di cư sống ở Saigon. Lúc ấy không thể hiểu được nỗi nhớ nhà trong lòng bà như thế nào cho đến ngày tôi thấy mẹ mình đứng lang thang ở trạm xe lửa nhìn sang con đường sắt bên kia Jean Talon.
Đó là nơi mà xe bus 92 chạy ngang để đến chợ lộ thiên bán trái cây. Lúc ấy bố tôi đã mất được mấy năm. Khi gặp tôi hỏi tại sao bà đến đấy một mình. Mẹ tôi nhìn quanh quẩn từ sân ga xe lửa đến con đường sắt dài ngoẵng một lúc thật lâu rồi chậm rãi nói “Mẹ nhớ bố lúc ông ấy còn sống hay dắt mẹ ra đây chờ xe lửa chạy qua khu đường rầy bên kia đường”. Trong giọng nói run run của khuôn mặt trắng ngần là cặp mắt nâu to với nhiều nếp nhăn chung quanh nhưng vẫn long lanh như mặt nước hồ thu nơi xứ lạ.
Lúc sinh thời và khỏe mạnh bố tôi thường dắt bà đi thăm khắp thành phố tuyết để chỉ những điều mà mẹ tôi chưa bao giờ được biết. Thời gian ấy có lẽ là chuỗi ngày hạnh phúc và có cảm giác an toàn nhất của bà. Sau này mẹ tôi như cánh chim lẻ bạn khi ông ngã bệnh rồi bán thân bất toại đến mười năm lúc nghe tin anh Hòa và Hoàng em họ tôi bị mất tích trên đường vượt biển qua ngả Thái lan. Thời trẻ mẹ tôi là phụ nữ đẹp như từng được khen. Lúc lớn tuổi bà không còn như xưa mà làn da vẫn trắng như phụ nữ âu mỹ. Nhưng trong buổi sáng rực nắng hè hôm ấy tôi chỉ nhìn thấy hình ảnh nhỏ bé lẻ loi của một bà cụ già Á đông trong bộ y phục tây phương đang đứng bơ vơ giữa trời xa lạ để tìm về Việt nam. Có lẽ mẹ tôi chờ ở ga Jean Talon vì nhớ Saigon nơi cũng có chuyến xe lửa đêm chạy rầm rầm qua ga số 6 và có những chuyến bus vàng đổ về trạm cuối trên con đường cắt ngang Nguyễn huỳnh Đức dẫn ra Công Lý.
Muốn đến chợ lộ thiên thì mẹ tôi phải đi bộ từ nhà dọc xuống cuối đường Côte des neiges và quẹo tay phải để đến trạm bus 92 gần nhất. Một lần tụi tôi hốt hoảng vì bà đi lâu quá chưa về. Chờ mãi đến xẩm tối một xe cảnh sát ngừng trước cửa chung cư và ông “phú lít” to con trẻ măng bước xuống trịnh trọng mở cửa sau. Mẹ tôi từ tốn ra khỏi xe bắt tay cám ơn “merci beaucoup”. Đó là câu tiếng Pháp mà bà nói nhiều lần nhất kể từ ngày sống ở Canada. Hóa ra Jean Talon đang được trùng tu nên tài xế bus 92 lái qua tuyến đường khác. Khi thấy không giống nơi đã qua thì mẹ tôi vội xuống xe. Nhưng vì không biết nói tiếng Pháp để hỏi cách trở về nên bà đi vòng vòng tìm đường ra rồi cuối cùng phải vẫy xe cảnh sát ra dấu nhờ chở về nhà. Có lần bà nhắc chuyện bị lạc “tụi Còi hiền lành tử tế với mình quá, chỉ phải tội ở đây lạnh chịu không nổi”. Còi là tiếng lóng để gọi dân bản xứ Québecois. Ngồi trên chuyến xe bus 92 chắc chắn mẹ tôi đã tìm lại được hình ảnh Saigon năm xưa và ngôi nhà của gia đình nằm giữa khu Công Lý có hãng “ô tô buýt vàng” như mọi người vẫn gọi thế. Chắc chắn bà cũng nhìn lại được đường rầy số 6 khi nghe tiếng còi tầu hụ ở ga xe lửa Jean Talon.
Thời gian sau mẹ tôi đã quen đường phố và hiểu một số câu nói thông dụng nhưng bà hay rủ tôi đi chợ Jean Talon bằng xe bus 92 mà không muốn được chở bằng xe hơi.
Hồi xưa bà thích dẫn con gái đi chợ vào sáng thứ bảy. Lần đầu con bé hí hửng tưởng đi chợ Saigon để có cơ hội tò mò nhìn thấy tương lai của mình xuyên qua những cái xú cheng nhọn hoắc treo tòng teng trong các cửa hàng chật hẹp. Nhưng đến lần thứ ba tôi tởn quá nhất định không chịu đi theo nữa. Vì lần nào cũng bị gởi ngồi ở cửa hàng bán tàu hũ trong chợ Ông Tạ trong lúc bà đi mua thịt cá vì sợ mùi hôi dính vào tóc con gái. Mà mẹ tôi lại có tánh kỹ nên đi một vòng rồi không chừng đến vòng thứ ba mới mua được hàng. Chưa kể chợ ở Việt nam nhỏ nên gặp người quen là chuyện thường. Thật mắc cở cho đứa con nít chưa tới mười tuổi phải ngồi chờ mẹ giống như con khỉ bị khách hàng mua đậu hũ xoa đầu “con bé lai Ấn độ này là con ai mà coi ngộ quá”.
Tức cười nhất là lần ở phòng nha sĩ trên đường Hai Bà Trưng khu Tân Định. Hôm đó ngồi trên ghế mà run vì tôi sợ nhất là nha sĩ. Ông ấy nhìn bệnh nhân một lúc rồi bắt há miệng nhưng lại không lụi ngay một mũi cho tê luôn mà bàn tay cầm ống chích cứ đưa ngược lên trần nhà rồi trầm ngâm nhìn mẹ tôi có vẻ thương hại “Ba của cháu là Ấn độ hả chị?”. Vừa sợ và tức vì phải ngồi há miệng ngó ống chích trông rợn cả người còn phải nghe bố mình là người Ấn. Thế là tôi òa lên dẫy nẩy đến nỗi mẹ tôi phải dỗ nếu ngoan cho nhổ răng thì sẽ được mua cho đôi giầy kiểu mới mũi nhọn màu trắng ở tiệm Bảo Anh trên đường Lê thánh tôn. Tôi còn nhớ lúc đó mặt bà ra vẻ buồn rầu trả lời “Vâng! bố cháu về xứ rồi, tôi chờ mãi cũng chưa thấy gởi tiền thêm”. Chuyện này có thật 100% vì có lần hỏi lại thì mẹ tôi xác nhận là đúng còn cười “Lúc nhỏ con giống lai Ấn độ, ai bảo mày cứ đòi uốn tóc quăn tít thò lò, ấy! nhờ vậy mà lại được bớt tiền nhổ răng đấy cô ạ!”.
Tại sao hồi nhỏ tôi thích có mái tóc quăn tít thò lò thì cũng có nguyên nhân. Trong thời gian quá bận rộn vì công việc của Viện Kiểm Soát Dược Phẩm thuộc Viện Pasteur mà còn phải trông nom cơ sở buôn bán riêng nên bố tôi gởi các anh Long- Thành- Hòa học nội trú trong chủng viện Đắc lộ ở ngã tư Bảy Hiền đến cuối tuần mới đón về nhà chơi.
Trưa chủ nhật sau khi ăn những món ngon đặc biệt của mẹ tôi nấu thì tụi tôi được đi xem xi nê. Lúc bấy giờ không hiểu sao tuần nào các anh cũng đi xem phim trong rạp Văn Cầm trên đường Võ Tánh ở khu Phú nhuận. Rạp này chiếu thường trực liên tiếp hai phim bắn súng kéo dài từ 1 giờ trưa đến 6 giờ chiều. Khán giả già trẻ lớn bé tha hồ xem hay ngủ cũng được! Ban đầu con nhỏ sáu bảy tuổi chịu ngồi yên nhưng xem bắn súng mãi cũng chán nên giở chứng đòi đi qua đi lại khơi khơi trong rạp lúc phim đang chiếu. Anh Thành là người chịu trách nhiệm nên chiều em gái dắt đi từ hàng ghế đầu xuống hàng ghế cuối. Nhưng chỉ được một lần vì khán giả đang say sưa theo dõi màn ảnh nổ súng rầm rầm mà đi lần thứ hai chắc là bị la ó. Khi ngồi xuống ghế thì con em gái bắt đầu thút thít khóc. Các anh tôi trợn mắt méo miệng hăm dọa cũng không xong.
Thế là đến chủ nhật sau ba anh ấy hè nhau xin tài xế chở qua rạp Cẩm Vân cách đó không xa cho tôi xem “phim tình cảm ấn độ” rồi rủ nhau thả bộ về rạp kia xem phim bắn súng. Tôi bị ép phải “thề” không được mách lại với bố mẹ mà còn bị hù là không được đứng lên ra khỏi rạp cho đến khi các anh đến đón tận chỗ ngồi nếu không nghe lời sẽ bị mẹ mìn bắt mất! Những lần sau được dắt vào ghế với một đống me ngào quẹt trên bánh tráng nhỏ bằng bàn tay rồi xoài ngâm nước nghệ và chùm ruộc đỏ xiên trên que tăm dài thoòng thì tôi thích lắm. Mà từ đó trở đi cũng không khi nào bị đau bụng hay muốn đi vòng vòng trong rạp lúc phim đang chiếu!
Dần dần tôi mê phim Ấn độ hồi nào không hay khi thấy hoàng tử công chúa không giống mình chút nào mà lại nhảy múa ca hát bằng tiếng Việt. Hồi nhỏ ngây thơ đâu có biết đó là kỹ thuật chuyển âm. Hễ cứ phim Ấn độ là thế nào cũng có ca nhạc nhảy múa tưng bừng và luôn “happy ending”. Tựa phim vui như Sữa rừng hay sữa mẹ- Nguồn suối thần tiên- Hoàng tử rắn- Bà mẹ đeo gù… Vai trẻ con trong phim đa số có mái tóc quăn tít thò lò và cặp mắt rất to với hàng lông mi dày đậm đen nhánh. Có lẽ vậy mà hồi nhỏ tôi muốn có mái tóc quăn tít như “các thần tượng” của mình!
Năm 1968 trước lúc ra phi trường đi du học ở Tây Đức anh Long xoa đầu tôi “Mai ở nhà ngoan nha, mai mốt anh về dắt đi xem phim Ấn Độ nữa há” rồi từ đó đến nay đã mấy chục năm dài đăng đẵng anh em tôi chưa bao giờ bước trở lại rạp Cẩm Vân lần nào nữa. Hè rồi anh Thành từ Paris sang thăm nhắc chuyện xưa “cái con này lúc bé ngang lắm, mình ngồi xem phim đang đến hồi gay cấn mà chị ấy cứ thút thít đòi đi vòng vòng trong rạp rồi còn đòi đi đái nữa!”. Mãi đến mấy chục năm sau mẹ tôi mới khám phá ra là hồi xưa lũ con bà đã nói dóc nhiều lần để được đi xem phim ngày chủ nhật. Cũng may tôi không bị mẹ mìn bắt cóc vì mấy ông anh ẩu tả của mình!
Mẹ tôi có thói quen lấy chuyến xe 92 lên phố tàu rồi đổi qua tuyến đường khác để đi thăm mộ bố thay vì đi bus 165 trên đại lộ Côte des neiges ngừng trước cổng nghĩa trang. Nôtre Dame des Neiges hoặc Mont-Royal là tên gọi lâu đời của nghĩa trang rộng mênh mông và đẹp nhất thành phố. Trong này có phần mộ của nhân vật nổi tiếng Anna Leonowens cô giáo dạy anh ngữ cho vua Thái lan Mongkut mà sau này tình bạn của họ đã được quay thành phim The King and I và mới đây là Anna and The King do Châu Nhuận Phát và Jodie Foster đóng chung. Trên đỉnh đồi giữa nghĩa trang là nhà nguyện có cây thánh giá rất lớn ở trên cao chót vót tỏa ánh đèn sáng rực. Nhiều buổi tối tuyết rơi bay lất phất đi học về ngồi trên xe bus chạy qua nơi này tôi tưởng tượng mình đang sống trong khung cảnh lạnh lẽo đầy lãng mạn của Đỉnh gió hú.
Lúc bấy giờ bố tôi bắt đầu bước vào thời kỳ bệnh hoạn của tuổi già nên ước được chôn ở đấy vì khung cảnh quá thơ mộng.
Đó là “nghĩa trang nhà giàu” như mẹ tôi so sánh với nghĩa trang Bắc Việt ở Saigon nơi anh Bảo yên nghỉ vào tuổi 18 sau khi xem cầu Thị Nghè bị xập chết mấy ngàn người năm 1959. Khi lớn lên thấy được hình ảnh ngày tang lễ thì tôi xúc động đến im lìm và cảm nhận được sự mất mát lớn nhất trong đời bố mẹ lúc xưa. Ngày thật buồn ấy tất cả giáo sư và học sinh trường Chu văn An mặc áo trắng đưa tang anh cả. Có ảnh chụp một đoàn phu xe đẩy những chiếc xích lô đạp chất vòng hoa phúng đi phía trước xe tang có treo ảnh anh Bảo. Một tấm khác là mẹ tôi quị xuống bên quan tài còn các anh chị rất trẻ quấn khăn trắng đứng quanh một cái lỗ hổng lớn bằng cái hòm.
Vào dịp lễ Thanh Minh tảo mộ thì tụi tôi được dắt vào nghĩa trang. Nhà anh Bảo thật sang trọng bằng đá hoa cương trắng nổi lên những sợi vân xám và giàn bông giấy đỏ rũ xuống từ bốn góc phía trên cao trông đẹp như giường của hoàng tử trong phim Ấn độ. Ở Việt nam tháng ba là mùa nhộn nhịp nhất của người sống mang đến tặng cho thế giới người chết tình yêu thương không bao giờ tắt. Ở thành phố tuyết Montréal thì nghĩa trang tấp nập vào mùa Lễ Mẹ hoặc Lễ Cha nhưng không có tục tảo mộ. Chỉ khác ở đây không có gò mả ụ lên cao như ở quê nhà mà nằm chìm dưới đất lộ ra những bia đá bóng loáng đắt tiền hoặc là những ngôi nhà mồ của những gia đình giầu có. Trước khi đi định cư Canada anh Lâm đã mang tro cốt anh cả vào chùa Vĩnh Nghiêm. Có một lần mẹ tôi thắc mắc không biết cái “nghĩa trang Đỉnh gió hú” do tôi đặt tên rồi có bị phá và san bằng như “thành phố của những âm hồn gốc Bắc kỳ” ở Saigon hay không nữa. Khi bố tôi mất thì mấy đứa con cũng đã làm ra tiền nên thực hiện cho ông nguyện ước với bia đá khắc cành trúc và mua thêm phần đất bên cạnh để dành. Vì khu đất dành cho người Việt xa cổng chính nên bất đắc dĩ bố tôi trở thành” hàng xóm ngoại quốc duy nhất” của người Ý.
Nhiều năm sau này tôi hiểu ra tại sao mẹ tôi luôn từ chối không chịu dọn về nơi khác và chỉ thích ngồi trên chuyến bus 92 chạy qua ga xe lửa Jean Talon cho dù thời tiết thay đổi bốn mùa.
Thế rồi bà trở thành người cố cựu ở chung cư Bedford. Hai mẹ con cô Ket Chup đã theo nhau từ giã cõi đời. Qua mấy lần đổi chủ thì nay là vợ chồng người Việt chăm sóc chung cư. Ông bà Patel dọn đi với con gái ở Toronto. Hàng xóm chung quanh phiêu bạt mỗi nhà một ngả. Tiệm thực phẩm Hưng Long sau lần thứ hai sang tên thì đóng cửa và cách đó không xa mọc lên chợ Kim Phát của ông Đại hàn có bà vợ hoa kiều nói rành tiếng Việt. Cửa hàng Pascal đổi thành siêu thị Maxi. Khu bán fast food trong plaza vẫn ồn ào với các sắc dân đến từ Trung đông và Nga. Đa số người Việt thành công đã rời xa khu phố tạp lục dù họ thường trở về đây mua sắm như chị Quỳnh Liên vẫn đi chợ truớc khi đến thăm mẹ tôi. Đại lộ Côte des neiges vẫn không ngớt khách bộ hành đủ màu da đi dọc hai bên lề đường trong tiếng máy nổ và kèn inh ỏi của những chiếc xe đủ màu sắc. Em Nga sống trong nhà cao cửa rộng ở Los Angeles nhưng mỗi khi về thành phố tuyết thì dắt Alex và Andrew ở với bà ngoại mà không đến nhà các anh chị.
Riêng tôi vẫn lái xe từ đông qua tây vào những ngày rảnh rỗi để “về nhà” thăm mẹ và nhìn thấy sự thay đổi không ngừng của khu phố vui như tết này. Đôi khi vào ngày cuối những chuyến đi xa ngoài Canada tôi thường lẫn lộn hai thành phố Montréal và Saigon chỉ là một trong lúc nói “thôi! mình về nhà đi” dù lúc nào tôi cũng khắc khoải đi tìm căn cước thật sự của mình là Việt Nam hay Còi!
Tôi thường mang hấp quần áo ở tiệm giặt ủi của George. Đó là một người đàn ông độc thân gốc Armenian nhưng biết nói thông thạo đến năm thứ tiếng thông dụng Anh Pháp Tây ban Nha Đức Nga chưa kể tiếng mẹ đẻ. Vào cuối tuần tiệm giặt ủi và sửa giầy của George đông hơn ngày thường nhưng không phải là khách mà là những người bạn trai của ông chủ đồng tính này. Ban đầu tôi là khách của tiệm Daoust cách đấy không xa lắm. Nhưng một lần đi qua cửa tiệm của George nghe tiếng đàn tây ban cầm lẫn tiếng nói cười ầm ĩ. Tò mò bước vào thì một người đàn ông khoảng trên năm mươi tuổi ngồi phía sau quầy tính tiền đứng lên gãi đầu có vẻ ngượng vì tiếng ồn ào phát ra từ tiệm của ông ta. Mới đầu tưởng mình bị tự kỷ ám thị đi đâu cũng nghe tiếng Việt nhưng rõ ràng là giọng ồm ồm đang phát âm tiếng mẹ đẻ của tôi “chào bà”.
Thế là từ đó cho đến nay tôi trở thành khách của George và mỗi lần đem hấp quần áo thì chúng tôi lại nói vài câu chuyện đủ đề tài thú vị. Ông chủ tiệm này lưu lạc khắp nơi lúc còn trẻ và làm đủ nghề kể cả chơi đàn trong hộp đêm ở thành phố Manhattan. Có lần George công khai nhận mình là người đồng tính nên tụi tôi trở thành bạn nhau hồi nào không hay.
Mới tuần rồi tôi bước vào cửa thì nghe được câu phát âm rất rõ và đầy đủ dấu “chào bà! Việt nam khổ lắm, Việt nam khổ lắm”. Hóa ra là cách đó vài căn vừa khai trương một cửa hàng “sushi to go” mà chủ tiệm là người đồng hương của tôi. Họ mang sushi qua biếu George rồi tả cảnh và dạy ông ấy nói y hệt tiếng mẹ đẻ của tôi “Việt Nam khổ lắm!”.
Một hôm vui miệng kể chuyện “chị George” cho mẹ tôi nghe. Lúc này bà đã lãng tai rất nặng nhưng chiều ấy mẹ tôi đến đứng trước cửa sổ nhìn xuống đường rất lâu như lúc “nhà thằng đù” dọn đi rồi chép miệng “chả biết dạo này bà Hưng Long sức khỏe ra sao?”.
Lê Quỳnh Mai
Viết xong vào ngày sinh nhật thứ 88 của mẹ tôi
2 tháng 10 năm 2008
Nguồn: Hợp Lưu