Lời nói đầu: Nhờ nhà thơ Thành Tôn, chúng tôi có lại bài nói chuyện dưới đây với nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ. Cuộc phỏng vấn được thực hiện theo yêu cầu của Tạp chí Văn, hồi đầu Tháng Bảy năm 1973. Kính mời quý độc giả theo dõi, để thấy một phần nào, sinh hoạt của một trong những nhà văn nữ của văn học miền Nam, trước thời điểm Tháng Tư, 1975.
Trân trọng.
DTL
Du Tử Lê (DTL): Xin chị cho biết sơ qua tiểu sử.
Nguyễn Thị Thụy Vũ (TV): Tên thật: Nguyễn Băng Lĩnh sinh 1939, quê ở Vĩnh Long. Vào nghề gõ đầu trẻ từ năm 1957. Chê nghề giảng tập viên lương ít nên bỏ lên Sài Gòn năm 1961, học Anh văn và đi dạy các cô bán snack bar. Vào nghề viết văn năm 1963, do sự dìu dắt của ông Võ Phiến. Cho xuất bản tác phẩm đầu tay “Mèo Đêm” năm 1966. Cùng sáng lập nhà xuất bản Kim Anh với bà Nguyễn Thị Nhiên năm 1967. Viết feuillton cho nhật báo Tiếng Nói Dân Tộc, lập nhà xuất bản Hồng Đức và Kẻ Sĩ với Tô Thùy Yên. Chính thức sống bằng nghề viết feuillton cho các nhật báo bắt đầu năm 1969 mãi đến bây giờ.
Du Tử Lê (DTL): Xin chị cho biết sơ qua tiểu sử.
Nguyễn Thị Thụy Vũ (TV): Tên thật: Nguyễn Băng Lĩnh sinh 1939, quê ở Vĩnh Long. Vào nghề gõ đầu trẻ từ năm 1957. Chê nghề giảng tập viên lương ít nên bỏ lên Sài Gòn năm 1961, học Anh văn và đi dạy các cô bán snack bar. Vào nghề viết văn năm 1963, do sự dìu dắt của ông Võ Phiến. Cho xuất bản tác phẩm đầu tay “Mèo Đêm” năm 1966. Cùng sáng lập nhà xuất bản Kim Anh với bà Nguyễn Thị Nhiên năm 1967. Viết feuillton cho nhật báo Tiếng Nói Dân Tộc, lập nhà xuất bản Hồng Đức và Kẻ Sĩ với Tô Thùy Yên. Chính thức sống bằng nghề viết feuillton cho các nhật báo bắt đầu năm 1969 mãi đến bây giờ.
DTL: Viết văn, rồi trở thành nhà văn nổi tiếng, có phải là mơ ước từ thuở thiếu thời của chị không?
TV: Hồi thiếu thời chẳng bao giờ dám mơ ước trở thành một nhà văn nổi tiếng vì sợ được nổi tiếng trong văn đàn thì lận đận về đường chồng con như bà Đoàn Thị Điểm và Hồ Xuân Hương hoặc ở góa sớm như bà Ngọc Hân Công Chúa.
DTL: Chị đến với thế giới viết lách như thế nào, bao giờ? Chẳng hạn như chị gửi bài lai cảo, hay nhờ người giới thiệu? Tác phẩm có được đăng ngay hay bị vứt bỏ nhiều lần?
TV: Viết truyện đầu tay đưa cho ông Võ Phiến xem. Ông chê viết được nhưng mà ngắn quá. Về thêm thắt nhưn nhụy thêm vài trang. Ông Võ Phiến gật đầu: “được, được” rồi đưa cho ông Lê Ngộ Châu. Chỉ chờ đợi nửa tháng là bài được đăng. Lại tòa soạn lãnh tiền nhuận bút, được hai ông Võ Phiến và Lê Ngộ Châu đôn đốc viết tiếp nữa. Truyện ngắn thứ nhì bị chê nên đem qua Tiểu Thuyết Tuần San đăng. Truyện này được nhà thơ Nguyễn Đức Sơn viết thư khuyến khích. Viết truyện thứ ba được Bách Khoa cho đăng với vài lời khích lệ.
DTL: Chị còn nhớ tên tác phẩm đầu tiên của chị được đăng trên mặt báo?
TV: Tác phẩm đầu tiên tựa là “Một Buổi Chiều” được đăng trên tập sang Bách Khoa, số thứ mấy quên mất rồi.
DTL: Chị bắt đầu được lãnh tiền nhuận bút từ bao giờ với bài gì? Và chị đã dùng số tiền đầu tiên bằng ngòi bút vào công việc gì?
TV: Bài “Một Buổi Chiều” được trả nhuận bút là 500 đồng. Muốn đến lãnh nhuận bút ngay nhưng phải đợi một tuần sau mới dám đến tòa soạn. Được tiền rồi rủ em út bè bạn đi ăn phở và đi coi đại nhạc hội. Lại ước phải chi được lãnh 1000 đồng thì mua được cái áo nylon.
DTL: Sự viết văn ở nơi chị có được thúc đẩy bởi một đam mê hay một ẩn ức nào không?
TV: Vì cô đơn nên buồn, muốn dùng ngòi bút làm phương tiện than vãn với cuộc đời. Viết văn nói lên nỗi cô đơn được tức là bớt buồn đi một phần nào. Đó có phải là muốn giải tỏa ẩn ức hay không?
DTL: Chị có nghĩ đa số, nhà văn đều khởi đầu nghiệp viết lách của mình do nơi những ẩn ức thầm kín ở trong mình? Nhân danh độc giả Văn cũng như những người đọc chị, nếu có, xin chị nói về ẩn ức đó ở nơi chị.
TV: Riêng tôi, nếu không có ẩn ức thì làm sao có động cơ thúc đẩy để cầm bút được. Ẩn ức thúc đẩy tôi viết là muốn tìm một đối tượng tình yêu. Vẽ được một nhân vật tình yêu trong tác phẩm, tức là phải dựa vào chân dung hoặc cá tính của một người nào đó ở ngoài cuộc đời mà mình thầm yêu.
DTL: Luôn luôn gần như là đa số, trong những tác phẩm được viết ra, người đọc nhận thấy một điều, nhân vật của chị hầu như sống để chờ đợi những cuộc truy hoan. Đâu là sự thực tính cách đặc biệt này trong văn chương của chị? Có thể coi là tình cờ được chăng? Nếu ngược lại thì tại sao? Chị có dụng ý gì? Chị muốn nói những gì qua khía cạnh rất “người” này?
TV: Đa số nhân vật của tôi đều là những nhân vật cô đơn. Rất có thể họ chờ đợi một cuộc truy hoan mà tôi không thấy đó là điều chướng tai gai mắt. Một người cô đơn có thể sa ngã trước bất cứ một -cuộc hấp lực nào của cuộc truy hoan lắm chứ. Nếu cho họ dùng lý trí chống lại cái hấp lực đó là một việc làm gượng ép vậy. Cái dụng ý của tôi hả? Đó là không tạo một nhân vật nào là tiên thánh hay bồ tát cả. Vì cô đơn mà sa ngã, vẫn là một chuyện đáng thương, tuy không đáng khuyến khích chút nào.
DTL: Sau một thời gian đào sâu vấn đề dục tính, chị tìm thấy gì ở đề tài này?
TV: Dùng dục tính làm phương tiện diễn tả tâm trạng khao khát nhục thể là một việc làm có tính cách nghệ thuật. Viết về vấn đề dục tính để kích thích sự ham muốn nhục dục cho độc giả thì thà làm kẹo hoặc chocolate để cho khách làng chơi hâm sôi cảm hứng lúc ăn nằm còn đỡ mang tội với Trời Phật hơn.
DTL: Chị có nghĩ rằng một ngày nào đó, chị sẽ chuyển hướng đề tài của chị sang hẳn một khía cạnh khác, và chị có tin chị sẽ tiếp tục thành công ở lãnh vực mới đó?
TV: Hiện nay, tôi đang viết loại truyện tình thơ mộng cho lứa tuổi thích ô mai. Tôi vẫn biết đó là những tác phẩm không có chiều sâu lắm, nhưng có thể làm cho tuổi trẻ quên mất đi một phần nào hậu quả bi đát do chiến tranh gây ra. Chẳng hiểu tôi có được thành công hay không? Văn của tôi vốn trắng trợn, chứ không tươi mướt để diễn tả một cuộc tình thơ mộng, nhưng tôi phải nghiên cứu lại về vấn đề này.
DTL: Chị viết văn như thế nào? Đánh máy hay viết tay. Viết đêm hay ngày... Nghĩa là những thói quen của chị trong lúc viết? Chị có cần tới những thứ trợ giúp tinh thần như cà phê, thuốc là, rượu.
TV: Thường thì tôi viết tay rồi cho đánh máy lại vì có mặc cảm rằng chữ mình viết xấu. Nhưng viết feuilleton thì tôi viết bằng tay phần nhiều. Lúc viết, dạo trước tôi uống trà mỗi khi đọc lại từng trang một. Sau này, tôi thường uống sữa trộn đá. Tuyệt đối là không dùng cà phê vì sợ mất ngủ.
(Còn tiếp)