(Tiếp theo kỳ trước)
Tôi vẫn nghĩ, nếu có một điều gì, đáng được gọi là chân lý bất biến (dù ở Đông hay Tây) cho một đời người thì, đó là cái chết. Và, cái chết cũng chính là sự công bằng duy nhất nhất mà, thượng đế dành cho mỗi chúng ta.
Từ trái qua: Nhật Trường, Nhật Bằng, Anh Ngọc, Mai Hương, Thái Thanh, Kim Tước
Tuy nhiên, đối với một cá nhân nổi tiếng, nhất là giới nghệ sĩ thì, sự nằm xuống của một tài năng, không có nghĩa sẽ có cùng một mẫu số. Tôi từng thấy có những tài năng văn học, nghệ thuật được ghi nhận là rất lớn, nhưng khi ông (bà) ấy nằm xuống, lại có nhiều nguồn dư luận trái chiều...
Sự kiện này không xẩy ra với nhạc sĩ Trần Nhật Bằng.
Ngay khi những tin tức đầu tiên về tình trạng sức khỏe của họ Trần có phần nguy kịch, lập tức tin ấy đã được những người trong giới, từ hải ngoại tới trong nước, thông báo cho nhau với tất cả lo lắng và, phản ứng có tính cách tâm linh là, thầm cầu nguyện cho tác giả “Đợi chờ” sớm vượt qua cơn nguy kịch.
Thí dụ, trong bài “Nhật Bằng, chúng tôi thương tiếc anh,” của nhà văn Văn Quang có đoạn nguyên văn như sau:
“…Ngày 7-5-2004, khi tôi vừa vĩnh biệt anh Phi Thoàn thì lại nghe tin anh đã từ trần lúc 8 giờ sáng ngày 8-5 (giờ VN). (5) Thật ra hôm trước tôi đã nhận được e mail của anh Thái Thuỷ báo tin anh Nhật Bằng phải đưa đi cấp cứu, nhưng khó có hy vọng qua khỏi. Tôi điện thoại sang Virginia hỏi thăm, chỉ gặp anh Hoàng Hải Thuỷ và Hoàng Song Liêm, hai anh xác nhận là Nhật Bằng vẫn còn nằm trong bệnh viện. Nhưng nay thì đã có tin anh ra đi rồi. Tôi điện thoại cho Nhật Hào, người con trai lớn của anh đang sống ở Sài Gòn cùng với vợ con và cũng là một ca sĩ có hạng của thành phố Sài Gòn bây giờ(…)
“Tôi điện thoại thông báo tin này cho một số bạn bè anh ở Sài Gòn, người nào cũng giật mình thương tiếc một người bạn chân thật hiền hậu, không ngờ anh ra đi nhanh thế. Nhạc sĩ Lê Hoàng Long thì la lên: ‘Trời sao thế, nó là phù rể trong đám cưới của tao đấy’. Rồi anh lặng đi một lát mới nói được: ‘Có e mail thì cho tao gửi lời chia buồn cùng gia đình, chứ tao biết làm gì hơn bây giờ. Anh em… thế là xa nhau mãi’. ( 6) Đó cũng là lời tôi chuyển đến gia đình anh Nhật Bằng của những anh em bạn bè của anh còn ở lại Sài Gòn. Anh còn nhiều bạn lắm và tất cả đều thương tiếc anh.” (7)
Cũng thế, một nhạc sĩ nổi tiếng khác là Thanh Trang, trong bài viết nhan đề “Thương Tiếc Nhật Bằng (Viết sau khi Nhật Bằng qua đời)” đăng tải trên tạp chí Cỏ Thơm số tháng 5-2004 cho biết: Ngay khi được ca sĩ Anh Ngọc thông báo hung tin, Nhạc sĩ Trần Nhật Bằng từ trần, ông đã điện thoại cho rất nhiều bằng hữu chung của ông và họ Trần như các ông Nghiêm Phú Phi, Vũ Quang Ninh, Nguyễn Hiền v.v…(8)
Trong bài viết có tính cách hồi ký của mình, tác giả “Duyên Thề” ghi lại gần như nguyên văn cuộc điện đàm giữa ông và ca sĩ Anh Ngọc, như sau:
“…Sáng thứ Bảy 08/05 tôi với ông Anh Ngọc lại mỗi người một đầu dây điện thoại! Ông mở đầu:
- Tôi vẫn còn bàng hoàng về sự ra đi của anh Nhật Bằng!
- Dễ hiểu, bởi hai anh sống gần với nhau; đang giữa cái bình thường trong sinh hoạt hàng ngày của nhau mà mỗi bên đều có thể tiếp cận, rồi đùng một cái có những việc bất tường như thế, anh bàng hoàng là phải!
- Một nửa thế kỷ quen biết nhau, cùng hoạt động văn nghệ, biết bao kỷ niệm để có thể kể cho anh nghe! Đúng như xưa giờ anh vẫn nhận xét, ngoài tài năng, anh Nhật Bằng còn là một con người có tư cách và đức độ. Suốt thời gian dài quen biết anh ấy, tôi chưa hề thấy anh nổi giận một lần nào, và chưa hề làm mất lòng bất cứ một ai ! Anh đúng là một người hiền!
- Theo cái nghĩa ‘hiền nhân’ cổ kính của thời xưa?
- Vâng, theo cái nghĩa ‘hiền nhân!’…”
Sau khi thông báo tin dữ với nhạc sĩ Nguyễn Hiền,(9) nhạc sĩ Thanh Trang đã ghi lại một phần cuộc điện đàm đó như sau:
“- Nhật Bằng là một người hiền lành, nhũn nhặn, khiêm tốn!
- Xưa, Anh quen thân với anh Nhật Bằng như thế nào?
- Ấy là hồi 1950, khi Nhật Bằng cùng với cánh Vũ Huyến, Đoàn Chuẩn kéo nhau ‘về Thành’. Lúc ấy tôi đang dạy ở trường Việt Nữ, đường Phạm Phú Tứ tại Hà Nội. Tôi kéo Nhật Bằng về đó cùng dạy học. Ngày đó tôi còn làm trưởng ban nhạc ở khách sạn ‘Hotel de Paris’. Năm đó có cái ‘Đại Hội Phụ Nữ Tương Tế’ được tổ chức tại Nhà Hát Lớn. Tôi đem cả ban nhạc của ‘Hotel de Paris’ đến đấy trình diễn. Tôi kéo theo Nhật Bằng, và anh ấy lên hát bài gì đấy có những câu như ‘Con mèo mà trèo cây cau’, cũng như bài ‘Con vỏi con voi…’ và thính giả rất tán thưởng.
- Tức là mấy bài của Nguyễn Xuân Khoát?
- Ừ!
- Anh nhắc đến năm 50 khi các vị ấy ‘trở về Thành’, nhưng quê quán anh Nhật Bằng hẳn không phải ở Hà Nội?
- Đúng! Sanh ở Hà Nội nhưng quê nội của Nhật Bằng ở Thanh Hoá! Chú có biết Nhật Bằng là hậu duệ của Thượng Tướng Trần Nhật Duật đời nhà Trần hay không?
- Em không biết!
- A! Còn Ông Nội xưa là Quan Án Sát Trần Nhật Tình ở Thanh Hóa! Bố là Cụ "Tham" Hạc!
- Có dạo ở Sài Gòn em đọc báo thấy có bài nói rằng cái Ban ‘Hạc Thành’ gồm bốn anh em Nhật Bằng, Nhật Phượng,Thể Tần, Hồng Hảo là có liên quan đến tên thân phụ của bốn người?
- Không phải! Như đã nói, quê Nội của Nhật Bằng ở Thanh Hóa, và ở Thanh Hóa có cái thành cổ gọi là "Hạc Thành "!
- Ra thế!...” (10)
Qua một số trích dẫn tiêu biểu kể trên tôi trộm nghĩ, có dễ chúng ta không có nhiều nhạc sĩ được những người cùng ngành nghề công nhận, ngợi ca nhân cách và tài năng, như cố nhạc sĩ Nhật Bằng.
Với tôi, ông là tấm gương lớn của nhân cách và tài năng; hay sự hài hòa giữa nghệ sĩ và, đời thường vậy.
Du Tử Lê,
(Còn tiếp một kỳ)
………………………………………………………………………
Chú thích:
(5) Nhạc sĩ Nhật Bằng mất lúc 8 giờ 30 tối, ngày 7 tháng 5 năm 2004 (ngày, giờ Hoa Thịnh Đốn).
(6) Ca khúc nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Lê Hoàng Long là ca khúc “Gợi giấc mơ xưa.” Ông hiện vẫn còn ở Saigon.
(7) Nđd.
(8) Nhạc sĩ Thanh Trang nối tiếng với ca khúc “Duyên Thề” khi còn rất trẻ. Ông hiện cư ngụ tại tiểu bang Cali.
(9) Nhạc sĩ Nguyễn Hiền nổi tiếng từ thời tiền chiến. Ông sinh năm 1927 tại Hà Nội; mất ngày 23 tháng 12 năm 2005, tại miền nam California. Họ Nguyễn để lại nhiều nhạc phẩm giá trị cho kho tàng tân nhạc Việt.
(10) Nđd.