Tự nhận mình chỉ là người “mới chập chững làm một người yêu thơ” nhưng với tôi, cõi-giới thơ Trần Thi Ca (1) đã sớm khai, trổ những con đường dẫn tới những bình minh cảm xúc và hình tượng khác:
Nhà thơ Trần Thi Ca
“em ngực tròn hạt mưa
anh chao mình ánh sét”
Hoặc:
“dìu nhau bước, chân trời đỡ mỏi
dặm nào xa mây trắng như cười”
Hoặc nữa:
“tay trắng mềm sao tim em vuông!
ảo ảnh rubic phập phồng buồng gian ngoại thất cầu vồng
anh nở nụ cười vữa xám”
Là những câu thơ tôi trích từ bài “Tim Gió”, “Của Riêng” và “Không Đường Cong” của Trần Thi Ca. (2) Đó là một số (trong nhiều) câu thơ cho thấy họ Trần đã nỗ lực khai triển liên tưởng, làm mới so sánh trong những bước đi tới của thơ mình.
Những câu thơ mà, trong thế giới thi ca của nhiều tác giả thành danh, chúng ta cũng hiếm thấy!
Nhưng, nếu thơ họ Trần chỉ có những nỗ lực tìm cho ngôn ngữ thơ mình một chân dung hay, một diện mạo khác (giống như một số những người làm thơ trẻ gần đây) thì, dòng thơ ấy, cõi-giới thi ca đó, vẫn chỉ là sự bày hàng trên mặt phẳng hình thức. Chúng thiếu độ sâu. Chúng vắng tư tưởng.
Tôi quan niệm, thơ không chỉ thuần túy là những con chữ…(Dù con chữ là những viên gạch căn bản tạo thành căn nhà, chốn dung thân, cõi an trú của người làm thơ). Trước, sau, tự thân, thơ vẫn đòi cho nó một máu, thịt, một hồn vía nào đấy. Để nó có thể xuất hiện, tồn tại như một sinh vật. Một cá thể độc lập giữa nhân quần thế giới.
Và, tuy tự nhận mình chỉ là người “mới chập chững làm một người yêu thơ” nhưng thấp thoáng đâu đó, giữa những con chữ của Trần Thi Ca, tôi vẫn cảm nhận được những day dứt, tựa nỗi nhớ, thương như những đường bay lỗi hẹn với chân trời (?) của họ Trần.
Nói cách khác, phải chăng Trần Thi Ca thấy thất lạc chính mình (?) khi giữa đất trời sinh tồn, ông lại nhớ, thương một đất trời khác:
“đôi khi tôi nhớ thương trời
bâng khuâng mây trắng lả chân rong về”
(…)
“đôi khi trái đất không tròn
chân đi gầy mỏi chẳng còn gặp nhau”
(Trích “Lẻ” – Thơ Trần Thi ca).
Nói như thế, không có nghĩa Trần Thi Ca chối bỏ thân phận làm người. Trái lại, tác giả còn xác quyết, tựa thâm tâm hay vô thức, họ Trần vốn có một niềm-tin-mặc-khải nơi nhân thế:
“nếu tận thế xẩy ra
trước khi tàn tro bụi
vẫn tin ở một điều
con người luôn SỐNG SÓT
nơi nào trên địa cầu!”
(Trích “Nếu tận thế xẩy ra”- thơ Trần Thi Ca).
.
Và, nếu Trần Thi Ca có “niềm-tin-mặc-khải nơi nhân thế” thì cá nhân, tôi tin thơ Trần Thi Ca, tương lai, sẽ ở được bền lâu với địa cầu vậy.
Du Tử Lê.
(Garden Grove 14 tháng 6-2013)
…………………………………………………………………
Chú thích:
(1) Tác giả cho biết ông sinh năm 1983 tại Đập Đá, An Nhơn, Bình Định. (Đúng ngày Lễ Phật Đản). Cư ngụ Saigon từ năm 2000, Trần Thi Ca đang theo học ban Cao học ngành Văn học tại Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, thành phố Saigon.
(2) Tất cả thơ trích dẫn trong bài viết này, đều trích từ những bài thơ đã được đăng tải trên trang nhà dutule.com
Những hòn đá tựa nặng đọc mà nhức mỏi!