(Tiếp theo và hết)
Lịch sử nền tân nhạc Việt Nam trên dưới 80 năm cho thấy, có khá nhiều nhạc sĩ nổi tiếng ngay tự sáng tác đầu tay, khi họ còn rất trẻ. Tuy nhiên, không ít những ca khúc đó, tự thân không có được sự hòa hợp hay, đồng bộ giữa giai điệu và ca từ. Một số những ca khúc này, được yêu thích vì giai điệu mượt mà, trong khi ca từ đôi chỗ lại gượng gạo, ngô nghê hoặc vô nghĩa.
Cũng là người nổi tiếng ngay với ca khúc đầu tay “Đợi Chờ”(còn được biết dưới tên “Hoa Trăng”) sáng tác khi cố nhạc sĩ Nhật Bằng chỉ mới 17 tuổi; nhưng, theo lượng giá của nhiều nhạc sĩ đồng thời thì, “Đợi Chờ” đã có được một hợp hôn tốt đẹp giữa ca từ và giai điệu:
“Trăng lắng sâu vào đêm đợi chờ / Đêm thế gian quạnh cô mịt mờ / Như ném ai vào cõi bơ vơ / Nhưng vẫn chưa tìm thấy người mơ // Ta đi ngóng trông em / trong bóng đêm dài ... tan / Ngàn tơ vàng chìm lắng / mơ dáng ai về / trong ánh trăng vàng / Như gió đi tìm hương / như chim nhớ mùa / khát khao tình xưa / Ta níu xin thời gian / đừng cho phai úa / kiếp duyên tình mộng mơ // Ta thiếp đi vì đêm tàn rồi / Bên khúc sông lạnh riêng mình ngồi / Ôm đóa hoa đọng ngát hương môi / Xa vắng cho lòng nhớ xa xôi.” (9)
Với thành công của “Đợi Chờ” như ngọn hải đăng dẫn đường, Trần Nhật Bằng đã cho ra đời nhiều tình khúc khác…Chúng cũng được giới thưởng ngoạn yêu thích; làm thành một thứ thẻ nhận dạng, định hình sự nghiệp âm nhạc của họ Trần. Đó là những tình khúc như “Thuyền Trăng”:
“…Ta nghe trăng sầu ngàn năm soi chốn giang đầu
Thương anh Trương Chi yêu nàng Ngọc Nữ đêm nào
Câu hát ân tình muôn đời duyên kiếp chưa phai
Hồn còn nghẹn ngào hận tình sầu mộng về đâu?
Thuyền trôi chèo nghiêng trên sông lặng lờ
Vầng trăng khuất sau chân mây mơ hồ
Lắng nghe sông buồn dạo lên khúc ca
Thuyền hỡi nhớ về cùng bến mong chờ.” (10)
Hoặc:
“Chiều nay sương rơi ướt vai người khách giang-hồ,
Trời thu hiu-hắt lá rơi nhẹ cuốn theo giòng.
Rồi còn tìm đâu? những năm xưa ngày ấy,
Bên nhau tiếng đàn êm-đềm nhẹ lá vàng rơi.
Đàn còn vang nhịp theo tiếng xưa
Dưới trăng bên thềm vai kề ta xây ước mơ.
Chiều về lòng nhớ tới những phút ấy
Ngày nào đầy vui thơ nay khuất xa rồi .
Chiều thu đem tới với ta bao nỗi u sầu .
Còn tìm đâu thấy những khi nhịp bước trên cầu .
Mộng đẹp đầy thơ ước xây bên nhà ấm
Nay thu đã về như nhủ lòng nhớ tình xưa.”
(“Một chiều thu”, nhạc và lời Nhật Bằng) (11)
Hoặc nữa:
Chiều ơi về đâu,
Chiều đi lòng nhớ bao nỗi u sầu.
Chiều sương im lắng buồn.
Mờ xa đôi cánh chim lùa theo gió.
(…)
Nhưng giấc mơ tan.
Vương theo gió bao cung đàn.
Đâu dáng duyên xưa
Một chiều thu ta còn nhớ.
Nhớ hồi còn thơ,
Vai kề vai trong tiếng tơ.
Tuy xa vắng ta vẫn mong chờ,
Chiều sao hờ hững lạnh lùng thờ ơ.
(“Bóng chiều tà”, nhạc và lời Nhật Bằng”) (12)
Sự thực, Nhật Bằng không chỉ thành công với những tình khúc đẹp từ giai điệu tới ca từ mà, ông còn được biết đến, được yêu thích với khá nhiều những ca khúc nồng nàn tình yêu nước. Như:
“Người ơi! Nước Nam của người Việt Nam
Vì đâu oán tranh để lòng nát tan
Đây Bến Hải là nơi ngăn cách đôi tình
Đứng lên tìm chốn yên vui thanh bình
Người ơi! sống chi cuộc đời thương đau
Về đây áo cơm đùm bọc lấy nhau
Đây nỗi lòng người dân tha thiết mong chờ
Cớ sao người vẫn đang tâm thờ ơ
Người về đây sống vui đời thắm tươi
Miền tự do đắp xây cho muôn đời
Nhịp cầu mến thương gieo vương ngàn nơi
Xuân thanh bình rộn ràng muôn lòng trai
Người ơi ước mong ngày tàn chinh chiến
Để toàn dân sống trong cuộc đời ấm êm
Ta nhắn gửi về nơi quê cũ xa vời
Hỡi ai lạc bước mau quay về đây.”
(“Về đây anh” Nhật Bằng – Nguyễn Hiền) (13)
Hoặc thắm đẫm tình yêu thiên nhiên, từ đó, họ Trần gửi niềm tin trong sáng của ông vào con người và tương lai…
Điển hình như ca khúc “Khúc nhạc ngày xuân”. Ca khúc này cũng còn được biết dưới tựa đề thứ hai là “Khúc nhạc mừng xuân”) mà, mỗi độ xuân về, chúng ta vẫn được nghe - - Mặc dù có thể nhiều người không biết đó là sáng tác của Trần Nhật Bằng:
“Ngàn hoa thắm tươi hé môi mừng chào đón xuân
Bầy chim tung cánh bay trên muôn cành cùng hát vang
Tính tang tính tang tiếng đàn vang lời ca mừng xuân vàng
về cùng ta hòa vui thắm tươi.
Tay cầm tay cầm tay đều múa nhịp theo điệu ca cùng hát khúc ca xuân.
Xuân về chim hót ca, hoa nở tình thướt tha
Êm đềm ánh huy hoàng khúc bình minh đang reo vang…” (14)
.
Nhìn chung, trước cũng như sau điểm mốc 1954, nền tân nhạc của chúng ta, có rất nhiều tình khúc sướt mướt chia ly, phản bội, thống trách hoặc tuyệt vọng, cùng đường…Nhưng hầu hết tình khúc của Trần Nhật Bằng lại nằm ngoài mẫu số bi lụy này.
Tình khúc của họ Trần cũng đề cập tới những lỡ làng, dang dở…Tuy nhiên, chúng vẫn đem đến cho giới thưởng ngoạn những rung cảm nhẹ nhàng. Những nhớ thương man mác. Tựa sau mỗi chia, tan, ông vẫn nâng niu, trân trọng đổ vỡ. Như thể nhờ những u buồn kia mà tâm hồn, đời sống ông giàu có, ý nghĩa hơn.
Bên cạnh đó, trong số những ca khúc ông để lại cho đời, còn có một ca khúc theo tôi, mang tính tiên tri, bất ngờ. Tôi muốn nói tới ca khúc “Tình nghệ sĩ”. Ở phần ca từ của ca khúc này, có đoạn:
“Rồi ngày mai người đi theo bóng thời gian
Và trần thế bao nhiêu người luyến tiếc sầu thương
Dư âm tiếng đàn còn vang vọng trong muôn tấm lòng
Theo bao lời hát sẽ không bao giờ phai tàn…”
Với bản chất, nhu mì, khiêm tốn, tôi không tin khi viết xuống những ca từ trên, họ Trần đã nghĩ gần, xa tới ngày ông phải từ giã cuộc đời này. Nhiều phần, tôi nghĩ, ông viết cho sự nằm xuống của một bằng hữu nào đấy của ông. Nhưng, nó lại ứng nghiệm cho chính ông. Bởi vì, ông sẽ được mãi nhớ, bởi:
“Dư âm tiếng đàn còn vang vọng trong muôn tấm lòng
Theo bao lời hát sẽ không bao giờ phai tàn…”
Và, theo tôi, ông xứng đáng (rất xứng đáng) để được “…trần thế bao nhiêu người luyến tiếc sầu thương”.
Du Tử Lê,
(Garden Grove June 18-2013)
……………………………………………………………………………
Chú thích:
(9), (11), (12), (13), (14): Nđd.
(10): Lời Thanh Nam. Nđd.
Gửi ý kiến của bạn