“Tôi thành thực cám ơn cựu Thiếu Tướng Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia Nguyễn Khắc Bình, quý anh Ngô Đức Diễm, Phạm Văn Hướng và anh Trần Hiếu trong ban tổ chức đã cho tôi cơ hội lên tiếng chào mừng quý vị trong buổi sinh hoạt hôm nay. Tôi cũng cám ơn tủ sách Tiếng Quê Hương, tạp chí Diễn Đàn Giáo Dân, cách riêng nhà văn Trần Phong Vũ, lần thứ hai đã chọn Trung Tâm Công Giáo Bắc California để giới thiệu những tác phẩm văn hóa do quý vị ấn hành...
Xin thưa ngay: Trung tâm này không phải chỉ giới hạn trong những sinh hoạt tôn giáo, trái lại, chúng tôi sẵn sàng mở rộng cửa để đón nhận tất cả những sinh hoạt văn hóa, xã hội của cộng đồng chúng ta... Với tư cách người được giáo quyền địa phương trao phó trách nhiệm điều hành trung tâm, tôi rất hân hạnh gửi lời chào mừng toàn thể quý vị hiện diện, đặc biệt hai vị khách từ miền Nam California là nhà báo Đinh Quang Anh Thái và nhà văn Trần Phong Vũ...”
Từ trái, nhà báo Đinh Quang Anh Thái, ông bà cựu Thẩm Phán Phan Quang Tuệ,
phu nhân cựu Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình, ông bà Bác Sĩ Trần Quyền
cựu tư lệnh Cảnh Sát Quốc Gia Nguyễn Khắc Bình.
Trên đây là trích đoạn lời chào mừng của Linh Mục Nguyễn Văn Thư, giám đốc Trung Tâm Công Giáo Việt Nam Giáo Phận San José, để mở đầu cho buổi sinh hoạt văn học giới thiệu năm tác phẩm mới của tủ sách Tiếng Quê Hương, chiều Chủ Nhật 9 tháng 6, 2013. Đó là tác phẩm Dạ Tiệc Quỷ của nữ nhà văn Võ Thị Hảo, Phiên Bản Tình Yêu của Vũ Biện Điền, Hãy Ngẩng Mặt của nhà báo trẻ Nguyễn Đắc Kiên (hiện ở trong nước), Thú Người do Dương Hoàng Dung chuyển ngữ từ nguyên tác của Herta Muller, nhà văn Đức, khôi nguyên Nobel Văn Chương 2009, và Tuyển Tập Trần Phong Vũ.
Sau phần thủ tục (chào quốc kỳ Mỹ-Việt, một phút mặc niệm) do ông Mai Khuyên, tân thành viên Ban Đại Diện Cộng Đồng Việt Nam Bắc Cali, đảm trách, MC Trần Hiếu đã mời linh mục giám đốc Trung Tâm Công Giáo lên có lời chào mừng quý cử tọa hiện diện.
Tiếp đó, cựu Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình thay mặt ban tổ chức bày tỏ niềm vui một lần nữa được cùng anh em ở Bắc Cali tiếp tay phổ biến những tác phẩm do tủ sách Tiếng Quê Hương ấn hành. Ông cũng nói lên sự vui mừng được đón tiếp nhà văn Trần Phong Vũ và nhà báo Đinh Quang Anh Thái, hai khuôn mặt quen thuộc trong giới truyền thông ở Nam Cali. Riêng với nhà báo Đinh Quang Anh Thái, vị cựu tư lệnh Cảnh Sát Quốc Gia của Việt Nam Cộng Hòa còn nhắc lại, rằng ông và thân phụ anh Thái từng làm việc với nhau thời ông làm tỉnh trưởng Mỹ Tho và thân phụ anh Thái làm trưởng ty cảnh sát cùng tỉnh.
Sau khi Luật Sư Phạm Văn Hướng giới thiệu một số khuôn mặt tiêu biểu trong cộng đồng địa phương, MC đã lần lượt mời các diễn giả đọc và thẩm định giá trị tác phẩm.
Trước hết, là người đọc tác phẩm Dạ Tiệc Quỷ của nhà văn Võ Thị Hảo, giáo sư và cũng là nhà thơ Ngô Đức Diễm đã tóm tắt nội dung tác phẩm với những nhân vật chính như tên Dậm (tiêu biểu cho những khuôn mặt lãnh tụ Cộng Sản lòng lang dạ thú trong cuộc cải cách ruộng đất, vươn lên từ giai cấp bần cố nông mạt hạng); cụ Cử (một nhà nho, một thày thuốc giàu lòng nhân ái, đại diện cho nền văn hóa truyền thống dân tộc và cũng là nạn nhân của chế độ, trực tiếp là của tên Dậm, kẻ từng chịu ơn gia đình cụ nhiều đời, đã xuống tay sát hại cụ trong một cuộc đấu tố man rợ, hãm hiếp cụ bà và cướp đoạt toàn bộ gia cơ điền sản của hai cụ); cô Phượng, ái nữ cụ Cử, người thiếu nữ đã bị tên Dậm hãm hiếp rồi cưỡng ép làm vợ bé. Kết cuộc, người thiếu nữ xấu số treo cổ tự tử trên chuồng heo, để lại đứa con oan nghiệt mà cô đặt tên là Miên (tức Cáy do người bố gốc bần cố nông đặt cho); Linh, tuy là con ruột của Dậm nhưng lại là người còn có nhân tính nên sau này đã nuôi dưỡng bảo vệ đứa em cùng cha khác mẹ là Miên để dẫn dắt câu chuyện đi vào những tình tiết ly kỳ, đầy kịch tính tô đậm thêm tính man rợ của một xã hội bất nhân, ma quái của những buổi liên hoan, tiệc tùng của loài quỷ dữ...
Tiếp theo, nhà thơ Diên Nghị trong nhóm thơ văn Cội Nguồn đã được MC mời lên diễn đàn để đọc và thẩm định giá trị Tuyển Tập Trần Phong Vũ. Theo diễn giả thì đây là tập hợp ba tác phẩm thơ văn của Trần Phong Vũ được xuất bản trong những thập niên cuối thế kỷ trước hiện đã tuyệt bản vừa được tủ sách Tiếng Quê Hương quyết định ấn hành trong một tuyển tập. Đó là truyện ngắn Quê Hương Còn Đó, tâm bút Bên Vực Tử Sinh và thi tập Dấu Chân Trên Cát. Nếu Quê Hương Còn Đó là một tập truyện nói lên tâm trạng băn khoăn, thao thức của tác giả về vận nước tình nhà, và cũng là của những người Việt di tản ra khỏi nước để tránh nạn Cộng Sản sau tháng 4 năm 1975 trên khía cạnh đời thường, thì hai tác phẩm sau gói ghém những suy tư sâu sắc của tác giả về mặt tâm linh xuyên qua nhãn quan của một nhà văn, nhà thơ có niềm tin Thiên Chúa Giáo.
Dưới cái nhìn của nhà thơ Diên Nghị, một người viết văn, làm thơ từng có tác phẩm trong nhóm thi văn Cội Nguồn ở địa phương, thì đây là một tuyển tập giá trị xứng đáng cho mọi người tìm đọc.
Ba tác phẩm tiếp theo đã được nhà báo Đinh Quang Anh Thái và nhà văn Trần Phong Vũ giới thiệu dưới hình thức luân phiên trao đổi những suy tư và nhận định với tư cách những người đọc sách.
Mở đầu, nhà văn Trần Phong Vũ thay mặt tủ sách Tiếng Quê Hương chào mừng cử tọa hiện diện và cám ơn ban tổ chức. Tiếp theo, trước khi đi sâu vào nội dung tác phẩm Hãy Ngẩng Mặt, nhà báo Đinh Quang Anh Thái nói qua về cơ duyên có được những bài chính luận và tập thơ của nhà báo 29 tuổi Nguyễn Đắc Kiên, người đã công khai lên tiếng phản biện thái độ hãnh tiến, xúc phạm tới đồng bào Việt Nam, cách riêng những nhân sĩ trí thức, các nhà lãnh đạo tôn giáo, của tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng qua những lời tuyên bố huênh hoang, xấc xược của ông ta tại Vĩnh Phúc hôm 25 tháng 3, 2013, giúp Tiếng Quê Hương có dịp giới thiệu tác phẩm này tới độc giả hải ngoại.
Sau đó, cùng với nhà văn Trần Phong Vũ, nhà báo Đinh Quang Anh Thái đã đi sâu vào những vần thơ cảm khái của Nguyễn Đắc Kiên về nỗi đau của dân tộc dưới chế độ sắt máu Cộng Sản. Theo nhà báo Đinh Quang Anh Thái thì âm hưởng những vần thơ của Nguyễn Đắc Kiên khiến người đọc liên tưởng tới nhà thơ quá cố Nguyễn Chí Thiện về phương diện khẩu khí cũng như tâm tình khoan dung, độ lượng, tính nhân bản và cách lý luận sắc bén, đanh thép của nhà trí thức Hà Sĩ Phu. Được biết, vì muốn quảng bá tới người ngoại quốc, cụ thể là giới trẻ Việt Nam sinh ra và lớn lên ở xứ người, trước khi ấn hành, tủ sách Tiếng Quê Hương đã nhờ dịch giả Nguyễn Khoa Thái Anh chuyển ngữ một số thơ văn của Nguyễn Đắc Kiên qua Anh ngữ để đưa vào tác phẩm.
Tiếp theo, ông Trần Phong Vũ đã nói qua về nhà văn Đức Herta Muller, tác giả cuốn Herztier do Dương Hoàng Dung chuyển sang Việt ngữ dưới danh xưng Thú Người. Được biết nữ sĩ Herta Muller sinh trưởng và lớn lên dưới chế độ Cộng Sản Lỗ Ma Ni. Cho đến thập niên 80, vì tư tưởng đối kháng chế độ nên nhà nước miễn cưỡng cho phép bà Muller di cư qua Đức. Dịch giả Dương Hoàng Dung vốn sinh ra tại Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô lập gia đình với một thanh niên đồng hương đang định cư ở Đức. Một thời gian tiếp tục con đường học vấn và thông thạo Đức ngữ, cô dịch tác phẩm Herztier của bà Herta Muller, khôi nguyên Nobel Văn Chương 2009.
Đây là một tác phẩm mà với khẩu khí văn chương bóng bẩy, đầy chất thơ và chứa nhiều ẩn dụ, tác giả đã trình bày cho người đọc thấy tất cả bộ mặt gian trá độc ác của chủ nghĩa cộng sản Lỗ. Từ đấy cho người ta đi tới kết luận: Dù ở dưới gầm trời nào cộng sản vẫn chỉ là cộng sản với bản chất cố hữu là bạo tàn, hung hiểm, phi nhân tính. Cuối cùng nhà báo Đinh Quang Anh Thái và nhà văn Trần Phong Vũ đã thay nhau đi sâu vào tác phẩm Phiên Bản Tình Yêu của Vũ Biện Điền, bút hiệu mới của một nhà văn đã thành danh ở trong nước, mà vì tính “nguy hiểm” đối với đảng và nhà nước CSVN, ông chưa thể xuất hiện công khai. Khi được hỏi lý do, ông cho hay ông không sợ những đòn thù của chế độ như bị thủ tiêu hay bị giam tù, nhưng hiện còn mấy tác phẩm phải hoàn thành nên lúc này ông cần có thời gian tự do, dù là tự do nửa với, để tiếp tục viết.
Tuy là một tiểu thuyết tình, nhưng ẩn sâu bên trong, tác giả phơi bày cho người đọc thấy những sự thật vừa nhơ nhớp vừa tham lam, điếm đàng, hiểm ác của những thành phần đang nắm quyền sinh sát trên quê hương ta hiện nay. Cũng từ những phát hiện của tác giả đã cho mọi người, nhất là những độc giả miền Nam trước tháng 4 năm 1975 nhận ra nỗi thất vọng ê chề của những thành phần nhẹ dạ tin theo chủ thuyết Mác xít trong giới trí thức, sinh viên thời ấy đã tìm đường “nhảy núi” đi theo đảng để sau khi bị “vắt chanh bỏ vỏ” nhận ra bộ mặt thật của chế độ đương quyền.
Tình tiết trong truyện và những cuộc tranh luận rốt ráo giữa những khuôn mặt trong giới quân nhân, trí thức của Việt Nam Cộng Hòa với những lý thuyết gia Cộng Sản về kinh điển của chủ nghĩa Mác cũng mở ra cho người đọc một cái nhìn lạc quan và tích cực về con đường nhân bản của phía quốc gia so sánh với tinh thần sắt máu, vọng ngoại của đối phương.
Trước khi kết thúc, MC Trần Hiếu đã mời một số cử tọa lên diễn đàn trao đổi với các diễn giả. Dịp này, nhà báo Huỳnh Lương Thiện, nhà truyền thông Nguyên Khôi, bà Ngọc Bích và Thẩm Phán Phan Quang Tuệ đã lần lượt lên đóng góp những ý kiến quý báu nhằm làm tốt hơn công tác văn hóa trong cộng đồng hải ngoại. Theo ông Nguyên Khôi thì đây là một buổi giới thiệu sách mang tầm vóc hết sức quan trọng, do đó ông hứa sẽ đưa toàn bộ nội dung lên đài Quê Hương để những người vắng mặt có cơ hội theo dõi.
Hiện diện trong số cử tọa người ta nhận thấy ngoài linh mục giám đốc Trung Tâm Công Giáo, cựu Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình và phu nhân, Luật Sư Phạm Văn Hướng, ông bà giáo sư Ngô Đức Diễm, ông bà Trần Hiếu trong ban tổ chúc, còn có các nhà báo Trường Kỳ, Nguyễn Văn Bình (Ý Dân), Trương Xuân Mẫn (Việt Tribune), Huỳnh Lương Thiện (Thằng Mõ, San Francisco), Nguyên Khôi (hệ thống truyền thông Quê Hương); các nhà văn, nhà thơ Diên Nghị, Bích Ngọc, Tưởng Năng Tiến, Phạm Quang Trình, cụ Trường Giang; quý nhân sĩ, trí thức như Bác Sĩ Trần Quyền, Dược Sĩ Nguyễn Văn Bảy, Luật Sư Nguyễn Tâm, ông Mai Khuyên, ông Lê Văn Ý, ông bà Đức Nguyên, ông Vũ Thế Ngọc, ông Phan Hòa, cựu tổng trưởng kinh tế Nguyễn Đức Cường, ông bà Thẩm Phán Phan Quang Tuệ.
Buổi sinh hoạt kết thúc lúc 4 giờ 15 cùng ngày.
(Nguồn Người Việt)
Gửi ý kiến của bạn