Đêm nay Sài gòn mù sương. Mù sương như đã suốt mấy ngày màu xám. Năm nay Sài gòn mùa lạ. Không mấy khi trời Sài gòn mịt mùng như vầy. Trời Sài gòn vẫn thường xanh, cao, trong vắt. Tôi nằm nhìn ra ngoài ô cửa sổ, hướng mắt về những dải đèn đường nhòa nhòa. Chúng chập chờn, loang loang trong màn sương được rắc thêm bằng những lất phất mưa bụi. Thành phố chìm trong yên vắng. Thanh. Tịnh.

Tranh Bùi Xuân Phái
Dưới ô cửa tôi không gian như mở toang ra, rộng hơn, quang đãng hơn lúc này. Tôi thường thích nhìn qua ô cửa đêm. Tầm nhìn khi ấy dường như được trải rộng nhất dù xung quanh nhiều khi chỉ còn bóng tối. Phía đằng kia là Tân cảng, nơi những chiếc container xếp lớp lên nhau, chồng, chất như những phận người. Và tôi chợt tưởng ra, có lẽ nào, ở một nơi nào, dưới một bàn tay nào đó, cũng có những chiếc hộp con như từng ngăn cất chứa số phận của mỗi con người xung quanh đây? Nếu vậy, ngăn của tôi sẽ ra sao, ở vị trí nào, được sơn màu gì và có giống những chồng container nằm phơi bụi sương ngoài bến bãi? Ngoảnh lại, tôi đi cũng đã hơn nửa phận mình rồi… Tự nhiên, tôi thấy sợ hãi. Không phải tôi sợ tốc độ trôi đi, vụt qua, lướt nhanh của thời gian. Chẳng phải tôi sợ một ngày nào bàn tay kia kéo ngăn gọi mình về nơi khác. Không phải tôi sợ ngày mai sẽ phải tiếp tục thế nào, ở đâu. Cũng chẳng phải sợ hãi vì nỗi mơ hồ của cuộc mình đang sống. Tôi sợ cảm giác nhỏ nhoi, bất lực, vô vọng chung của mỗi con người. Đối diện với những thứ vượt ra ngoài tầm hiểu biết của mình quả thật là một điều dai dẳng ám ảnh. Tất cả chúng ta đều như thế. Tất cả chúng ta đều chẳng biết mình là ai, đi đến chốn đâu khi bỏ quên nỗi hân hoan vụn vặt thường ngày mà nhìn vượt ra ngoài bầu trời màu tối. Và tôi khẽ nhắm mắt lại. Tôi muốn quên đi những gì tôi đang nghĩ…
Trong sự thẳm tối của đôi mắt đã khép rồi, trong sự im vắng của tiếng kim đồng hồ giật, giật từng bước nhỏ nhoi vòng quanh của mình, tôi nằm dài như một sự không-thể-cưỡng-lại-với-cảm-thức-bất-động. Giấc ngủ đang làm chúa tể ngoài kia, giữa bao nhiêu con người đã mỏi mệt sau một ngày dài phải sống. Tôi không muốn lạc ra ngoài đám tù nhân của nó. Không muốn bỗng nhiên trở thành một nổi-trội để chọc giận bất kỳ một siêu nhiên vô hình nào. Nhưng cuối cùng tôi đã không thể chống lại chính một-tôi-chưa-ngủ khi có tiếng còi tàu rúc lên từ phía sông Sài gòn. Tù. Trầm. Nặng. Hoang. Khốc. Tiếng còi tàu như một tiếng khóc lẻ đơn trong đêm thanh, vắng. Khóc cho những tuổi thơ đi thật quá vội vàng…
Tôi lớn lên giữa khu phố vắng của Hà nội năm ấy. Trong giấc ngủ tuổi thơ không Có tiếng động nào đánh thức tưởng tượng mờ đêm. Giấc ngủ ngày ấy như một nhiệm màu đổi thay giữa đêm và ngày, trước lúc khép đôi mắt trẻ con và sau khi mở choàng ra nhìn một bình minh ngày mới. Ở cuối con phố dài của tuổi thơ tôi là ga Hà nội, nơi những chuyến tàu từ ấy khởi đi. Tiếng còi tàu ngày thơ không đủ vang để vọng về nơi tôi ở. Nhưng chẳng hiểu sao, nghĩ về ngày xưa-phố cũ, tôi vẫn luôn bị ám ảnh bởi tiếng còi tàu. Phải chăng, vì cuộc đời tôi đã bắt đầu bằng những lần ra đi từ rất sớm? Tôi không hiểu nổi. Tôi không đoán định được. Tôi chỉ biết mình cứ luôn nhói lên mỗi khi nghe tiếng còi tàu.
Ngày tôi rời Hà nội, khi đoàn tàu rúc hồi còi cuối chuyển bánh rời ga. Mẹ đã lùi lại sau hàng cột giấu đi dòng nước mắt. Có lẽ mẹ hiểu tôi đã ra đi là không quay trở lại. Có lẽ mẹ hiểu tôi đã ra đi là chọn một thành phố khác đến trọn cuộc sống mình. Có lẽ mẹ hiểu tôi đã ra đi, là Hà nội chỉ còn trong trí nhớ. Có lẽ mẹ hiểu, trẻ thơ của mẹ từ ấy đã bay miết mải đời mình…
Nhưng có lẽ không bao giờ mẹ hiểu, tôi đã ám ảnh mình trong những cuộc trôi đi.
Từ tay mẹ, tay ba, tôi đã trôi đi từ khi còn thơ bé. Cũng tiếng còi tàu như thế, đưa tôi về ở một tuổi thơ với ngoại. Cũng ô cửa sổ bên phòng ngủ như thế, có tiếng còi tàu từ ngoài sông Hàn đã gọi nước mắt từ tôi. Cũng một đêm như đêm này.
Thanh. Tịnh. Tôi đã mơ ngày được về lại với mẹ, với ba nhưng khi mở mắt ra sau một giấc ngủ không tròn vẹn, tôi vẫn chỉ thấy khu vườn nhỏ của ông, của bà. Cũng một lần như hôm nay, tôi đã biết từ đó mình chỉ là một chứng-nhân-bất-khả của cuộc đời này, một chứng nhân cho những gì hôm qua, hôm nay, và ngày mai. Trôi. Băng qua. Lướt vội…

Ô cửa sổ của căn nhà gần bến sông Hàn ấy, tôi cũng mới vừa nhìn lại đây thôi, trong lần trở về thăm ngoại vội vã. Vẫn là những chấn song ấy; vẫn là góc sân ấy; vẫn là cái giường con nằm đấy, tất cả như dội về rất nhanh. Mạnh. Xối. Xả. Tôi như bị ngợp đi, mê man đi bên chiếc bàn con mặc kệ đám bạn quê cũ khi chợt nghe hồi còi tàu rúc vào đêm. Vỡ. Toạc. Tôi đã sững lại, như bức tượng ngồi ngả nghiêng bất chấp những lao xao quanh mình. Và cảm giác của chục ngàn đêm trước bỗng nhiên trở lại. Tôi nhòa mắt đi khi hình dung ra ở ô cửa kia, đằng sau những chấn song, có một bé con đang khóc thầm. Tại sao nó lại phải cách mẹ, xa cha khi ấy? Tại sao nó phải nằm lặng người đi vì hồi còi đêm khi ấy? Tại sao nó lại hình dung ra cái sân ga bé nhỏ khi ấy? Hàng ngàn câu hỏi tại sao tự nhiên quay lại trong thân thể đã xập xệ của một thằng đàn ông bốn mươi lúc này. Chúng cùng tiếng còi tàu đang nằm chính nơi đây, bên bờ tai áp gối. Chúng cùng tiếng còi tàu đang ngự chính chỗ này, trong đôi mắt nhắm nghiền gắng gượng tìm một giấc ngủ say. Chúng cùng tiếng còi tàu đang cứa lên từng lớp da đang gai lên lúc nào không hay. Chúng cùng tiếng còi tàu đang châm từng mũi kim lên nơi lồng ngực bên trái.
Chúng cùng tiếng còi tàu bỗng u ơ hát lên một bài hoang ca buồn trễ nải. Chúng cùng tiếng còi tàu chợt vẽ ra khung cảnh của ô cửa toa tàu đã đưa tôi đi ngày thơ bé, ô cửa đã hiện lên rất nhiều những đồng chiều trơ cuống rạ hoang vu. Và từ đó, tiếng những võng tàu đi cũng ùa cuốn về, kéo tôi căng ra, nén tôi chặt lại, ép tôi trốn sâu vào những góc nhỏ nhất của đời mình. Ôi những tiếng võng tàu dìu dặt trải dài theo những nhịp chia. Ly.
Phải chăng, cuộc đời con người ta sinh ra để phải bắt đầu chứng kiến những chia xa? Tôi chợt giật mình thoáng nghĩ đến những bạn bè quen đã không còn ở đây bên tôi nữa. Chiếc hộp của họ có thể vẫn còn đó nhưng họ đã theo những cánh tàu đi về phương nào? Những nụ cười hồn hậu của tuổi thơ ấy vẫn còn hiển hiện rõ trong tôi lúc này nhưng họ bây giờ thì đã ra sao? Có còn lại nụ cười ấy? Có còn lại những đôi mắt văn vắt trong ấy? Hay họ cũng đang nằm đâu đó, như tôi đêm nay, và hoang mang vì chợt nghe một tiếng còi tàu? Và cả những chiếc hộp đã được mở ra rồi, bằng một cách nào đó, dưới một bàn tay nào đó, họ có phải nghe một tiếng còi tàu nào khác ở một nơi nào khác thế giới này hay không? Ừ nhỉ, tôi quên, tôi đã quên những bạn bè như thế bấy lâu nay. Chiếc hộp của họ mở toang mà trong một danh bạ nào đó, tôi vẫn còn giữ nguyên tên họ như thể chiếc hộp ấy chưa từng bao giờ bị tước đi quyền còn được là một bí ẩn. Tôi quên, như tôi vẫn mỗi ngày quên khi đi ngang qua căn nhà nhỏ của anh Huỳnh Phúc Điền, dù tôi vẫn luôn nhìn qua cửa kính xe để thấy căn nhà trong hẻm vắng ấy. Tôi quên, như tôi vẫn quên mỗi ngày khi mở hòm thư điện tử và vẫn thấy bức thư gần ngàn ngày trước của Bo, như Bo vẫn còn nguyên đó. Và tôi sẽ còn quên gì nữa, quên những ai nữa để rồi một ngày nào, tiếng còi tàu rúc vào đêm chợt gọi tôi phải nhớ? Thì ra, con người ta đã quen với chia xa, ngay từ khi vẫn còn tồn tại bên nhau, vô tình, tĩnh lặng như những chiếc container chất chồng lên nhau ngoài xa cảng kia, chia xa ngay từ khi chiếc hộp của mình chưa bị bung mở…
Tôi vẫn nằm lặng nơi đây, khi tiếng còi tàu ngẫu nhiên không còn rúc lên nữa.
Không mấy khi tiếng còi tàu rúc về từ sông Sài gòn như thế. Cũng phải thôi, nếu đêm nào cũng mê mải như đêm nay, chắc gì tôi đã nằm đây mà nhớ. Cũng phải thôi, nếu mùa nào Sài gòn cũng có những ngày mờ sương như mấy ngày rồi, chắc gì tôi đã có được một đêm vượt ra ngoài giấc ngủ. Cũng phải thôi, đời người ta nhiều lúc chỉ là một lần thoáng như, một lần ngẫu nhiên thấy lòng mình rạn, vỡ.
Để rồi từ mỗi lần thoáng như ấy, mình tỉnh dậy và hiểu rằng mình đang trong một chuyến đi, không có con tàu nào, không có sân ga nào, không có nhịp võng tàu nào, không có mạn sóng nào, không có tiếng còi nào nhắc nhở. Trong chuyến đi băng qua cuộc sống ấy, ô cửa vô hình cũng đã thoáng qua bao nhiêu mặt người; lướt ngang bao nhiêu hình hài; trườn đi khỏi bao nhiêu khuôn-hình-không-lưu-giữ.
Để rồi chỉ một đêm thôi, khi tất cả đã ngủ rồi, khi chỉ còn lại một mình chính ta, ta mới thấy có tiếng của đêm, như tiếng còi tàu, vọng về thành nỗi nhớ…
Sài gòn, June 2013
Hà Quang Minh
Gửi ý kiến của bạn