dutule.com (ngày 9 tháng 7-2013): Tác phẩm mới nhất của nhà thơ, nhà văn Lữ Quỳnh, một cây bút thành danh từ trước tháng 4-1975 tại quê nhà, là thi phẩm “Những Giấc Mơ Tôi”.
“Những Giấc Mơ Tôi” do nhà Văn Mới xuất bản, 2013, với bìa là một bức tranh sơn dầu của họa sĩ Đinh Cường; nhà thơ Phạm Cao Hoàng trình bày.

Bên cạnh hơn 20 bài thơ được tác giả chọn lọc từ những sáng tác trong vòng vài năm gần đây, chúng tôi tin, người đọc sẽ thích thú với những tư liệu hiếm quý mà thi phẩm đem lại cho chúng ta. Như hai bức “chân dung” Lữ Quỳnh qua cái nhìn và nét vẽ của Đinh Cường, Trịnh Công Sơn. Người đọc cũng được thấy chân dung những người bạn thân thiết một thời của tác giả “Những Giấc Mơ Tôi”. Đó là các họa sĩ, nhạc sĩ, nhà thơ, nhà văn Bửu Chỉ, Trịnh Cung, Trịnh Công Sơn (1983), Michiko Yoshii, Khuất Đẩu, Lữ Kiều, Châu Văn Thuận, Trương Văn Dân… Và, phụ bản tranh của Đinh Cường, Đỗ Hồng Ngọc. Nhạc phổ từ thơ Lữ Quỳnh của Vĩnh Điện v.v…
Lại nữa, ở phần “Phụ Lục” của “Những Giấc Mơ Tôi” (NGMT), Lữ Quỳnh, người đọc cũng sẽ được thưởng lãm những cảm nghĩ chân thành, quý báu của một số cây bút, bằng hữu của tác giả. Những cảm nhận, theo thiển ý của chúng tôi, đã ít / nhiều chiếu rọi những tia sáng mang tính dẫn đường để chúng ta dễ dàng hơn, trong những bước-tâm-thức vào đời-thơ Lữ Quỳnh.
Đây là ghi nhận của nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh về tính nhân bản xuyên suốt lộ trình thơ / văn nắng, gió nhân gian của Lữ Quỳnh:
“Viết những con chữ, dù làm thơ hay viết văn, vẫn là một cách thế khắc ghi lại đời sống bằng văn chương. Ở Lữ Quỳnh, một điều thấy rõ là ông có cái tâm bình hòa và sự sôi nổi, sự vọng động của thời thế, ít hoặc nhiều khi không ảnh hưởng đến văn phong của ông. Nét nhân bản là một đặc tính chứa sẵn trong thơ và truyện của ông…” (GMCT, tr. 94).
Đây là ghi nhận của Khuất Đẩu về một Lữ Quỳnh, Thi Sĩ:
“Thơ là chỉ để cảm chứ không phải để bóc tách cho dù là để tìm ra cái Đẹp. Chính vì vậy mà tôi không nói đến cách dùng chữ, cách sử dụng hình ảnh, đó là những con dao giải phẫu mù lòa. Tôi chỉ muốn nói điều sau cùng, rằng, thi sĩ mà không viết về người nữ thì không phải là thi sĩ. Nhưng viết về người nữ với tất cả tung hứng ồn ào là xúc phạm họ. Viết lặng lẽ, kín đáo với tất cả thâm trầm tinh tế như Lữ Quỳnh, cho dù là chỉ để riêng cho một người, quả thực anh đã là thi sĩ dù cả một đời dài, chỉ một đôi khi quá xúc động, quá đau đớn và quá tuyệt vọng mới làm thơ.” (NGMT, Tr. 103)
Đây là Đỗ Hồng Ngọc, nhìn (ném) Lữ Quỳnh ngược về một thời trẻ dại:
“Thơ Lữ Quỳnh với tôi là những làn sóng lắt lay của một thời trẻ dại. Cùng một lứa bên trời đọc Lữ Quỳnh tôi như đọc chính mình…Một nỗi buồn mênh mông, dằng dặc. Bài thơ nhỏ của anh trở thành một đề từ: Sinh nhật tôi/ Một ngày tháng chạp / những ngọn nến thắp / Là hồi ức buồn…
“Tháng chạp, ấy là thời điểm của năm sắp qua, ấy là giờ khắc của hối hả, của vội vàng, và của những cơn gió bấc buốt lạnh, se lòng trước những tà áo trắng tan trường về…Và thơ anh, những bài thơ của mùa gió bấc đó, của tháng chạp đó, là những câu thơ quặn thắt…” (NGMT tr. 105 &106).
.
Cần liên lạc với tác giả Lữ Quỳnh, xin qua địa chỉ Email: luquynhnhung@yahoo.com
Gửi ý kiến của bạn