Danh sách giải thưởng được bí mật đến phút chót. Hồi hộp từ khai mạc đến kết thúc. Lễ trao giải cuộc thi thơ đầu tiên trên Facebook lần 1-2013 với chủ đề “Lời tỏ tình đầu tiên” đã diễn ra sáng 18-7-2013 tại khách sạn Continental (Quận 1, TP .HCM) trong không khí tưng bừng, sôi nổi chưa từng có của làng thơ suốt hàng thập kỷ qua, làm ấm lòng người yêu thơ.
Cây bút trẻ Sâm Cầm (áo trắng) nhận giải nhất.
CÁC TÁC GIẢ, TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI:
- Giải Nhất: Sâm Cầm với 2 bài thơ “Sài Gòn Sài Gòn” và “Nấc cụt”
(cúp+ hiện vật là một chiếc máy chụp hình + 7 triệu tiền mặt).
– Giải Nhì: Hoàng Anh Tuấn với bài thơ “Mùa phơi váy”
(cúp + hiện vật + 5 triệu tiền mặt).
– Giải Ba: Phạm Trang với chùm thơ: “Nắng thu”, “Gió và em”
(cúp + hiện vật + 3 triệu tiền mặt).
15 giải Khuyến khích (cúp + 1 cuốn Truyện Kiều + 1 triệu tiền mặt/giải):
Lò Cao Nhum, Trần Vinh Khâm, Hoàng Khoa Nguyên, Nguyên Chương, Lê Thị Thu Thảo, Thanh Trúc, Đào Thị Nô En, Lee TP, Nguyễn Trắc Thanh Văn, Huyền Trân, Phúc Ngọc, Phạm Như Lương, Bùi Thanh Tuấn, Tiểu Quyên, Nguyễn Anh Tuấn.
Ngoài ra ban tổ chức còn trao 1 giải cho Hàn Vũ Phong (khuyết tật).
1 giải bài thơ nhận đuọc nhiều Like nhất với hơn 4.600 like cho tác giả NhiNhiNhoNho.
1 giải cho thí sinh cao tuổi nhất Phạm Như Lương (sinh năm 1937): 1 triệu + cúp.
Lần đầu tiên tại Việt Nam, một cuộc thi thơ được tổ chức với số tác phẩm tham dự, theo công bố của ban tổ chức, lên đến hơn 10.000 bài thơ của các tác giả từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước, kể cả người Việt đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài.
Ông Phạm Thanh Long – Giám đốc Công ty Cổ phần Sách Sài Gòn, người khởi xướng cuộc thi thơ trên Facebook – nói rằng ông muốn khơi dậy những tâm hồn thơ, giá trị tinh thần, tình yêu thơ ca trong cuộc sống hiện nay. Tuy nhiên, ngay cả bản thân ông cũng không thể ngờ được chỉ vỏn vẹn 1 tháng diễn ra qua trang Facebook Lời tỏ tình đầu tiên, ban tổ chức đã nhận về số thơ “khổng lồ”, đến mức Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục về cuộc thi thơ đầu tiên trên Facebook có số lượng tác giả và tác phẩm tham gia nhiều nhất.
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, thành viên ban giám khảo, gọi cuộc thi thơ này là “tiếng chuông đánh thức muôn trái tim yêu thơ cùng đập”. Với chủ đề tình yêu, cuộc thi đã thu hút người yêu thơ từ già đến trẻ – có tác giả đã gần bước qua tuổi thất thập cổ lai hy – gửi tác phẩm tham dự. Mỗi người một cung bậc, mỗi tình yêu một nỗi niềm khiến cho những “lời tỏ tình” trở thành sợi dây nối kết muôn vàn cảm xúc. Ban giám khảo cho biết chọn ra 125 bài thơ vào chung khảo, in thành sách và chọn ra 18 tác giả để trao giải là một hành trình “gian nan”, khi mà “khoảng cách chất lượng từ giải nhất đến giải khuyến khích không phải là quá cách xa nhau”.
Theo nhà thơ Lê Minh Quốc, trong tuyển tập Thơ hay Facebook được in lần này, gần như có thể tìm thấy đa dạng các thể loại thơ, phong cách sáng tác. Từ đó, chúng ta cũng thấy rằng tâm hồn, sức sáng tạo của những người yêu thơ phong phú như thế nào.
“Cuộc thi thơ trên Facebook lần này đã khơi thông được dòng chảy cho thơ, để chúng ta thấy rằng thơ luôn có một sức sống rất mãnh liệt, chẳng qua là những người làm thơ thiếu cơ hội bày tỏ cảm xúc. Báo chí lâu nay vốn đã không còn dành nhiều đất cho thơ, độc giả cũng không còn mấy ai ra nhà sách mua thơ đọc nữa. Song, qua cuộc thi này, tôi tin rằng thơ sẽ tiếp tục tràn đầy sức sống” – nhà thơ Nguyễn Phong Việt – tác giả tập thơ best-seller Đi qua thương nhớ, thành viên giám khảo – nhận định.
Cây bút trẻ Sâm Cầm (áo trắng) nhận giải nhất.
Giải nhất cuộc thi thơ trên Facebook lần 1-2013 Lời tỏ tình đầu tiên được trao cho cây bút trẻ Sâm Cầm với chùm 2 bài thơ về tình yêu – theo nhận xét của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo là vô cùng trẻ trung, bất ngờ. Tác giả Hoàng Anh Tuấn được trao giải nhì với bài thơ không kém phần ấn tượng Mùa phơi váy. Giải ba thuộc về cây bút nữ Phạm Trang, cùng 15 giải khuyến khích.
Trong số 125 bài thơ vào vòng chung khảo được chọn in thành sách, có rất nhiều tác phẩm không đoạt giải nhưng cũng đủ để lại trong lòng người đọc nhiều cảm xúc về tình yêu, hạnh phúc và cả mất mát, về những day dứt của sự hy sinh, chờ đợi và hoang mang giữa thời đại. Tuyển tập Thơ hay Facebook đóng góp cho văn đàn một ấn phẩm có giá trị riêng giữa thời buổi mà thơ đã bị xem là “thứ yếu, ai mà mua, mà đọc!”.
Nguồn: Báo NLĐ
Gửi ý kiến của bạn