dutule.com (ngày 26 tháng 8-2013): Vào lúc 2 giờ 30 trưa Chủ nhật vừa qua, tại Hội trường Nhật báo Việt Báo, đường Moran, thành phố Westminster, nam California, Nhà thơ Nguyễn Đức Liêm, về từ Virginia, đã có buổi ra mắt “Thơ Nguyễn Đức Liêm, Toàn Tập 2.”
Nhà thơ Du Tử Lê nhận lời phát biểu về tác phẩm vừa kể của nhà thơ tên tuổi này.
Sau đây là nguyên văn bài nói chuyện của họ Lê.
.
“Đến nay, qua những buổi ra mắt sách ở nhiều nơi khác nhau, đã có nhiều tác giả, thân hữu ghi nhận, phát biểu về về thơ Nguyễn Đức Liêm…
“Tựu chung, đa số gặp nhau ở kết luận: Thơ họ Nguyễn rất mới, lạ. Tiếc là chưa diễn giả nào phân tích rốt ráo để người đọc thấy rõ những mới, lạ đó. Phải chăng thơ Nguyễn Đức Liêm vốn có quá nhiều ẩn số?
“Với tôi, Dù Nguyễn Đức Liêm có chọn việc “bạo hành” thơ, như một hình thức bạo hành chính ông? Thì, bằng vào ghi nhận của riêng của tôi, cõi-giới thơ họ Nguyễn chí ít cũng có hai sắc thái mà, tôi cho là đáng kể nhất:
1- Tính khôi hài. (Và,)
2- chủ tâm sử dụng tối đa những chữ kép vốn cực kỳ phong phú trong ngôn ngữ Việt.
“Về phương diện khôi hài, rất nhiều bài thơ mang tính trào phúng được Nguyễn Đức Liêm ưu ái, phân tán nhiều nơi, dưới nhiều hình thái khác nhau.
“Nhưng, dù dưới dạng thức nào, thì nhân vật trung tâm để họ Nguyễn mang ra giễu cợt vẫn chính là Nguyễn Đức Liêm vậy.
Thí dụ:
“Chàng say rượu Nguyễn / đương thiền
“thần tình ám ảnh / cũng quên niết bàn.”
“Kế tiếp, với chủ tâm sử dụng tối đa chữ kép (vốn cực kỳ phong phú của ngôn ngữ Việt), Nguyễn Đức Liêm đã có những câu thơ như:
“Bướm vang vang / bướm vang vang
“Chương kinh năng nắng / vàng vàng thơm thơm…”
“Từ kép trong hai câu thơ này “bươm bướm” “vang vang”, “năng nắng” và “thơm thơm” *
“Một cách rõ hơn, xu hướng chữ nghĩa của Nguyễn Đức Liêm nằm nơi nỗ lực chia, cách một chữ kép thành 2 phần. Sau đó, ông nối kết hai phần cách ly này bằng một hay nhiều từ (mang tính bất ngờ).
“Thí dụ:
“Nhìn xuống / muôn trư / đùa bát giới
“Nhìn lên / tôn ngộ / có hơn không.”
“(Hẳn quý vị đã nhận ra “Trư Bát Giới” và “Tôn Ngộ Không,” là hai nhân vật nổi tiếng trong bộ truyện “Tây Du Ký” của Ngô Thừa Ân)
“Họ Nguyễn cũng hiển lộng khả năng làm mới ngôn ngữ thi ca của mình, với nhiều dạng khác của sự cố tính chia, cắt một từ kép, để mang lại cho thơ ông, những bất ngờ thú vị mà, chỉ với ngôn ngữ Việt mới có thể làm được.
“Qua ít câu thơ chúng tôi vừa trích dẫn, hẳn quý vị và các bạn cũng đã nhận thấy về phương diện vị trí của những con chữ, NĐL không theo một quy tắc tu từ học (rhetoric) nào hết.
“Nếu phải tìm cho ra một hình thái nào đó của tương quan, vị trí giữa những con chữ trong thơ Nguyễn Đức Liêm thì, có dễ đó chính là tu từ học của Nguyễn Đức Liêm vậy.
“Tóm lại, tùy cảm quan của mỗi người, chúng ta có thể thích hay hay không thích thơ Nguyễn Đức Liêm, nhưng tôi vẫn muốn nói:
“Dù yêu hay ghét thơ Nguyễn Đức Liêm, trước sau, ông vẫn là người nỗ lực làm mới ngôn ngữ Việt, theo cách riêng của ông. Nhất là c hủ tâm phân, cách một từ kép, để làm thành một câu thơ mới. Theo tôi, vốn chưa từng có trong suốt tiến trình lịch sử thi ca Việt Nam.
“Từ đó, tôi thấy, tôi không thể đòi hỏi một điều gì khác hơn, nơi thi ca của “chàng Nguyễn” – ngoài lời “cảm ơn” Nguyễn Đức Liêm.
Du Tử Lê
(Calif. Aug. 25 -2013)