Buổi sáng tinh mơ, khi còn cuộn mình trong chăn, tôi và anh vẫn có thói quen trò chuyện rất lâu về kí ức. Anh, đắm đuối nổi nênh mãi với vùng chiêm trũng đất chật người đông. Còn tôi, kì lạ thay, trong gia đình, chưa ai dạy tôi biết yêu mảnh đất quê mình. Ông bà bố mẹ chỉ luôn dặn dò, đe nẹt tôi phải cố gắng học hành để có cơ hội lập thân càng xa càng tốt. Nơi tôi ở bây giờ, cũng có thể gọi là xa. Không chỉ bởi địa lý mà bởi những kỉ niệm trong tôi theo tháng năm đã nhạt nhòa dần. Làng tôi là dân ngụ cư. Một vài chiếc thuyền nan cập vào bờ bãi, đánh động cả ngàn cánh cò trắng lóa vụt lên giữa bốn bề sim mua lau sậy. Nhiều năm sau thì nhấp nhô làng mạc, ruộng đồng. Nhà tôi, đi qua mấy vạt hoa màu là tới ngôi chùa lớn ven sông. Ông vẫn bảo: Dân mình ở giữa đất chùa mà chẳng thấy thiêng. Theo lời các bậc bô lão trong làng, ngôi chùa cổ ấy là do dân buôn bán sông nước tứ xứ quyên góp vàng bạc xây nên. Họ chọn làng tôi để mua đất xây chùa vì lý do phong thủy, làng tựa lưng vào núi, ngoảnh mặt ra sông, lại có bến cho thuyền bè neo đậu. Người làng tôi chưa hề có đóng góp nào cho ngôi chùa ấy cả. Vì thế, mỗi dịp cúng tế chỉ dân buôn bán khắp nơi nườm nượp kéo về. Chùa toàn rùa đá cụt đầu. Tôi hay thắc mắc vì sao người ta không chọn thờ một con vật tứ linh nguyên vẹn, ông tôi luận theo suy nghĩ có phần giản đơn của mình: Nguyên vẹn đủ đầy thì cần gì phải thờ cúng nữa. Lẽ nào chính vì cái huyết mạch ngụ cư mà người quê tôi qua bao đời vẫn không thể nào gắn bó với mảnh đất ấy. Người xứ khác về quê tôi làm dâu mỗi khi cãi cọ với chồng đều mắng xa xả: Đúng là cái mảnh đất cò trắng, bạc như vôi, chả tình chả nghĩa gì sất! Có đôi lần, anh cũng bóng gió nói với tôi những câu tương tự. Ngày tôi theo anh về làm dâu, anh đã có ý định gây dựng cho tôi một quê hương khác, một họ hàng khác. Với anh, vùng miền ấy quá đỗi ngọt lành. Tình yêu hay tình nghĩa, tất cả đều không lay động nổi kí ức chai sạn của tôi. Anh muốn tôi theo anh về quê chồng nhiều hơn, lăn xả và căn bếp rạ khói um nấu nướng, hòa nhập với những người anh em bà con năm đời bảy kiếp và tuyệt nhiên, đừng bao giờ có ý định ngồi ăn cơm cùng anh ở “mâm trên” dọn giữa gian nhà. Thời gian đầu, tôi ngoan ngoãn gật đầu, giống sự chấp nhận của đứa trẻ mồ côi kí ức. Nhưng rồi sự giằng co giữa huyết mạch thẳm sâu đầy ám ảnh với hiện tại cổ hủ, ngổn ngang ngày một lớn dần, vắt kiệt sức lực, tâm trí của tôi. Trong mắt họ hàng bên chồng, tôi chưa bao giờ làm tròn bổn phận dâu con, làm vừa lòng các bậc đức cao vọng trọng.
Tranh Đinh Cường
Đôi khi đang vẫy vùng giữa những gạch nối hoang mang ấy, tôi lại nghe giọng nói của thầy trầm ấm trong điện thoại: Em có khỏe không? Lần nào tôi cũng chỉ đáp trả đều đều một giọng: Em khỏe ạ, còn thầy? Rồi cuộc đối thoại thưa dần lời lẽ. Sự im lặng xoáy biệt vào đêm sâu. Kí ức ngổn ngang những mảng màu tối sáng. Có lần, thầy ngập ngừng nói nhỏ: Điều thầy lo sợ may mắn đã không xảy đến, vì em khác mẹ em nhiều. Em phức tạp và mạnh mẽ hơn thầy tưởng. Hình như vì yêu thương mà thầy đã kì vọng ở tôi quá mức. Nếu tôi phức tạp và mạnh mẽ, có thể tôi đã quyết liệt chọn một lối đi cho mình. Chú tôi từng kể, cô giáo chủ nhiệm lớp tôi thời tiểu học là vợ chưa cưới của thầy. Cô luôn ác cảm với tôi là do thầy và mẹ tôi từng có một mối tình xưa cũ. Hai người học chung cấp ba rồi vào đại học. Nhưng mẹ tôi bỏ dở việc học giữa chừng vì ông ngoại tôi ốm nặng. Thầy hay trách móc, khi ấy chỉ cần mẹ bình tĩnh thêm một chút, cố gắng thêm một chút thì đã không dở dang sự nghiệp. Mẹ tôi chẳng bao giờ tỏ ra nuối tiếc, lúc nào cũng một giọng cực đoan: Mấy ai đổi thay được phận mình. Tình yêu của thầy chẳng thể làm đổi thay những suy nghĩ phẳng lặng, buông xuôi của mẹ. Mẹ lấy chồng, sinh tôi, tôi đi học, cũng là lúc thầy chuyển công tác từ thị xã về trường làng. Chẳng mấy khi mẹ đưa tôi đến trường, cũng chẳng bao giờ đi họp phụ huynh. Bố tôi xăng xái lo từ A đến Z. Không khí trong gia đình tôi lúc nào cũng bình lặng đến bất thường. Bố mẹ che giấu tôi những cuộc va chạm, cãi vã như cơm bữa. Tính khí bố càng hung hăng, mẹ càng lầm lụi. Tôi không bênh vực bên nào, chỉ mông lung một niềm thương cảm đắng cay. Ngày ấy, thầy là giáo viên duy nhất trong trường có bằng đại học. Tôi nhớ như in, buổi học đó thầy đứng lớp thay cô chủ nhiệm của tôi. Chủ đề môn vẽ là mặt trời và cây cỏ. Các bạn trong lớp vẽ ông mặt trời màu đỏ, cây cỏ màu xanh. Tôi ngồi mân mê mãi mấy cục sáp màu cho tới khi thầy bước lại gần, ân cần bảo hãy vẽ những gì em thích. Tôi cầm cục sáp màu lam xanh khoanh một mặt trời dịu nhẹ. Cỏ cây ruộng vườn đỏ rực phía xa. Thầy đặt bàn tay ấm áp phủ lên tay tôi xoáy nhẹ nhàng theo hình trôn ốc giúp tôi tô đậm thêm màu xanh kì quặc ấy. Thầy hỏi, vì sao em vẽ mặt trời xanh. Tôi trả lời thầy vì đó là ông mặt trời thân thiện, không làm chói mắt trẻ con. Thầy đưa tay xoa đầu tôi khen giỏi. Thầy đặt bức tranh của tôi lên ngang tầm nhìn cả lớp và giảng giải: Các em nên vẽ bằng tưởng tượng, không cần bắt chước một bức tranh nào, cũng không cần thiết phải mô phỏng y nguyên một sự thật nào…
Bạn bè khuyên tôi đừng lên cầu nữa – cây cầu ấy có quá nhiều vong trẻ khuất lấp đó đây dưới dòng nước sâu hun hút. Họ đều lo sợ một lúc nào đó cùng quẫn tôi sẽ lóe lên ý nghĩ dại dột ngông cuồng. Tôi vẫn âm thầm lần mò, quẫy đạp trong chính cái điều người người đang khiếp sợ. Buồn thì hay nghĩ vu vơ. Dường như thời gian đã lấy đi của tôi quá nhiều nỗi nhớ. Giờ chỉ còn lại vầng mặt trời lam xanh nguội ngắt cuối chiều. Tôi từng ngồi gọn trong lòng thầy như con mèo bông thủ thỉ: Lớn lên, em làm họa sĩ cơ. Thầy xiết chặt vòng tay, hôn nhẹ lên mái tóc loăn xoăn gợn sóng: Em làm gì cũng được, những khát vọng, những nỗi buồn sẽ nuôi em lớn khôn lên. Tất nhiên, ngày ấy tôi còn quá dại khờ để hiểu. Chỉ biết rằng, lúc đó, tôi đủ nhạy cảm để nghe được tiếng đập trong lồng ngực của thầy mỗi lúc một nhanh dần, và hơi ấm tỏa lan giữa bốn bề thầm kín. Có lẽ mẹ sẽ buồn, nếu biết rằng tôi chưa khi nào nhớ mẹ. Cả bố tôi cũng vậy. Thực sự, tôi đã thương rất nhiều mà không biết bắt đầu nỗi nhớ từ đâu. Và biết đâu lúc về già, tôi cũng sẽ không chịu nổi nếu nghe được những lời nói ấy phát ra từ miệng con mình. Tôi gói ghém những lời thành thật đến đau buồn gửi xuống dòng nước lặng lờ bốn mùa cuộn đỏ. Vậy nhé lòng sâu, như một thỏa thuận không lời, tôi gửi xuống đó những nỗi niềm buốt nhói. Nỗi nhớ trong tôi là thứ quá đỗi xa hoa của tuổi thơ khuyết thiếu. Bỗng dưng, tôi mường tượng đến một ngày nào, nếu phải rời xa nơi này, cây cầu nào sẽ lại hiện ra và thế chỗ cho cây cầu cũ, nơi dung túng những dấu chân và suy nghĩ lạc điệu của tôi. Một buổi chiều sau cơn mưa, bầu trời hiện ra mênh mông xanh ngọc, tôi thấy trống rỗng như vừa bước qua cuộc tẩy trần. Biết thả bí mật nào xuống dòng sông ấy. Khi mà trong đống tranh lộn xộn vĩnh viễn thiếu đi một khát vọng ấu nhi. Nếu phải rời xa nơi này, tôi biết anh sẽ vẫn ân cần: Nếu em muốn, em cứ mang theo những bức tranh. Và chúng ta sẽ lồng chúng vào bộ khung gỗ thật đẹp. Mình sẽ mở cuộc triển lãm dài ngày. Ôi, những mảng màu rực lửa, bao năm rồi vẫn rờ rỡ đến quặn lòng, từng vệt màu sắc lẹm như dao lúc nào cũng muốn bứt mình ra khỏi tấm toan trắng muốt. Chẳng biết có ai đủ kiên nhẫn để nhìn ngắm chúng không, khi chỉ trong vài phút những sắc màu đối chọi sẽ nhanh chóng bủa vây người xem bằng những cơn hoa mắt. Triển lãm làm gì, khi cả tôi và anh đều không ngắm nổi thứ sắc màu tưởng chừng đã quen thuộc. Từ ngày lấy chồng, tôi không vẽ thêm được bức tranh nào nữa. Tất cả những cuộn tranh lụa bụi phủ kia đều thuộc về quá khứ. Ông mặt trời cô đơn của tôi, vì ông mặt trời xanh ấy, tôi từng bị bố cầm thước gõ lên mười ngón tay khi nghe cô giáo chủ nhiệm mách lại rằng tôi đã vẽ một mặt trời xanh thay vì mặt trời đỏ rực như các bạn. Mặt trời màu xanh hay màu đỏ? Bố tôi gằn giọng, mắt đỏ vằn làm mặt trời hung bạo. Trẻ ranh mà đã thích khác người hả, lần sau kể cả môn học phụ cũng đừng mang điểm kém về nhà. Lần đầu tiên đi học tôi xơi điểm bốn cho bức tranh mặt trời và cây cỏ. Tôi biết, nếu là thầy, thầy sẽ không đời nào cho tôi điểm kém. Nhưng người chấm điểm lại là cô chủ nhiệm. Cô bảo với bố tôi: Gia đình phải để ý đến em hơn kẻo lớn lên em thành người lập dị.
Anh bảo tôi đừng ngoan cố nữa, hãy học cách làm vợ đi. Càng ngoan cố sẽ càng thêm phiền não. Và sự thực, đúng là tôi đã tự chuốc quá nhiều buồn bực. Càng ngày, tôi càng lãnh đạm với những chuyến về quê. Ngồi giữa gian nhà với mấy chục cái miệng nói nói cười cười mà không dưng thấy cô độc thế. Họ hàng bên nội rỉ tai nhau: Con bé ấy không bình thường, họ nhà này vô phúc. Về quê tôi, tôi chỉ thích lang thang ra nền chùa cổ, ngắm những con rùa đá nằm chỏng chơ ngoài bến sông. Ngôi chùa ấy bị chiến tranh tàn phá từ lâu. Dân quê tôi cũng chẳng thiết tha phục dựng lại. Còn những người buôn bán giàu sang thì cũng phiêu bạt phương nào, hoặc họ đã chọn được một mảnh đất nào đó định cư và dựng chùa thay thế? Thần rùa to lớn sau cơn thịnh suy mất tăm mất tích, còn lại đám rùa tùy tùng ngổn ngang phơi mưa phơi nắng. Tôi cũng không quá tiếc nuối, chỉ thấy sao mà buồn. Nỗi buồn hết sức mơ hồ của một kẻ bất lực không thể nào yêu mến, xót xa cho quê hương. Cạnh nền chùa cổ là túp lều lợp lá của bà già mù. Khi ngôi chùa bị tàn phá chỉ còn lại cái cổng uy nghi, bà đã khuân đá dựng bốn bề tạo thành nơi trú ngụ. Trước đó bà là kẻ ăn mày, dần dần thành kiếp ngụ cư đất chùa. Trong làng không ai biết tên biết tuổi của bà, mọi người thường mang nửa đấu thóc và một đứa trẻ đến nhờ bà trông. Giờ bà đã quá già không trông nom trẻ con được nữa, cổng chùa cũng sụp dần, bà trụ lại căn nhà ven sông, thỉnh thoảng nghe tiếng tôi khóc lóc. Có lẽ, bà là người duy nhất đánh thức được nỗi nhớ quê mỏng mảnh trong tôi. Chỉ nghe tiếng bước chân tôi rón rén là bà đã lên tiếng quát mắng ngay: Cha bố mày, bị mẹ mắng lại mò ra sông cho chết đuối con nhé! Về nhà ngay. Dần dần tôi quen với sự phản xạ vô cùng chuẩn xác của bà, đành tiu nghỉu quay về nhà chịu trận. Tôi nghe lời bố mẹ, cố học để đi càng xa càng tốt. Nghề nghiệp của tôi cũng nay đây mai đó. Mà sao càng đi càng buồn. Càng xa càng buồn. Thầy từng bảo: Ngôi chùa bị phá cũng là thuận lẽ tự nhiên, bởi nó tồn tại hay không cũng chẳng thể nào lay thức được nỗi mặc cảm sâu xa, phức tạp của người dân nơi này. Về sau tôi mới biết, mẹ chấp nhận ở nhà mà không cùng thầy bước tiếp con đường hứa hẹn là do mẹ nghe được từ bố mẹ thầy những lời lẽ kì thị dân ngụ cư. Mẹ bảo, thầy sẽ chẳng bao giờ biết được điều ấy. Mỗi lúc bên tôi, thầy hay nhìn dòng sông lơ đãng: Thầy đã già, còn em thì quá trẻ. Thời gian toàn mang đến đau buồn. Có lẽ thầy cũng không biết gì về trận đòn ngày xưa, mấy hôm sau tôi vẫn không cầm nổi cây bút chép chính tả. Tôi nói với bạn bè tay bị ong châm. Những bức tranh sau này, cô giáo đứng kè kè bên cạnh nhìn tôi miễn cưỡng mài từng cục sáp đỏ lòe xuống trang giấy vẽ ông mặt trời đỏ bầm màu máu. Ngày tháng ấy, rõ ràng tôi không hề sợ cô mắng, không hề sợ bố đánh, mà có một nỗi sợ xa xôi vượt lên nỗi sợ đòn roi của trẻ nhỏ. Sau bức tranh mặt trời ấy, mẹ tôi có đến trường gặp thầy, chẳng biết hai người nói với nhau những gì nhưng lúc về mẹ gượng gạo ôm tôi trong lòng, xoa nắn mười ngón tay nhức buốt. Tôi buông xuôi, những ngón tay này từ nay không còn của riêng tôi nữa.
Thời ấu thơ, sau bức tranh bị coi là lập dị, mỗi lần cầm vào cục sáp màu xanh tôi lại nổi da gà. Lâu dần trở thành phản xạ. Một nỗi sợ hết sức già nua cỗi cằn đang xâm lấn đầu óc non nớt của tôi. Tôi đã vĩnh viễn không dám dùng màu sắc ấy vào những bức tranh. Tranh của tôi rờ rợ những gam màu nóng cháy, như màu son 18 cô chủ nhiệm thường tô vẽ trên môi mỗi buổi sáng chào cờ. Bố không khuyến khích tôi vẽ vời, thậm chí còn cấm đoán. Một đứa con ngoan với bố là khi tan học phải đem điểm mười về nhà. Còn với mẹ, con ngoan của mẹ là phải biết nghe lời, đừng bao giờ nghĩ ngợi, mơ tưởng vu vơ. Tôi hay gặp thầy ở hiệu sách cũ của lão già kì quái lấy rất nhiều vợ và không có con trai. Miệng lão lúc nào cũng phả ra hơi rượu. Lão hay chộp lấy những thằng nhóc bụ bẫm, sờ sờ nắn nắn và ôm hôn một cách thèm thuồng. Thầy ngồi một góc, tóc rủ xuống vầng trán cao cao. Tôi nem nép góc đối diện, đủ để không đứa nào ngó thấy về mách bố mẹ tôi. Bố mẹ không cho phép tôi có những biểu hiện khác biệt so với bạn bè cùng trang lứa. Chuyện đọc sách cũng vậy. Tôi chỉ được đọc sách giáo khoa, đọc ra rả những bài học thuộc lòng. Thầy bảo tôi giống mẹ, giống ở đôi mắt buồn dẫu chưa bao giờ thầy nhìn sâu vào đôi mắt ấy. Tôi băn khoăn: Thầy không nhìn làm sao biết được. Thầy đáp trong khi mắt vẫn dán vào trang sách: Thầy biết cũng bởi hai đôi mắt ấy chẳng ai nhìn thẳng vào ai. Đôi mắt không nhìn thẳng vào người khác thường là đôi mắt buồn. Thầy đoán bâng quơ, có thể vì tôi mà thầy chẳng thể nào quên được mẹ. Ngày ngày, thầy đứng ngoài hành lang trông theo tôi tung tẩy cặp xách đến trường và lụi cụi leo lên xe để bố chở về. Ngày tôi học phổ thông, thầy tặng tôi cuốn truyện “Cây phong non trùm khăn đỏ” thầy cất giữ đã rất lâu mà không biết được tôi cũng có cuốn truyện ấy, cất giữ cũng khá lâu, trước buổi trưa im ắng, định mệnh ấy. Tôi ôn thi tốt nghiệp lên cấp hai nên đi học buổi chiều sớm hơn ghé vào hiệu sách cũ vắng hoe. Sách phương Tây có sức hút với tôi một cách kì lạ. Tôi ngồi giữa trưa hè nóng nực mà mơ tới thảo nguyên rười rượi những dấu chân, lốc cốc tiếng vó ngựa và những môi hôn cuồng nhiệt lúc đêm về. Từ đường ngăn cách đất trời xa xăm ấy nhô lên một mặt trời dịu nhẹ, những con chữ hiện ra đầy sống động, múa may giữa trang giấy ố vàng. Lão chủ hiệu sách quét cái nhìn ma mãnh chạm vào những ý nghĩ có phần táo bạo của tôi, lão cười giả lả: Bé tí thế này mà đã gớm ghê. Rồi lão từ từ tiến lại gần, thô bạo thọc tay vào váy tôi. Tôi chỉ kịp kêu ré lên, chiếc váy bị tốc ngược. Toàn thân nổi hết da gà. Một mặt trời đỏ ối nào đó đang rụng rơi và xâm lấn. Bốp! Một cú tát trời giáng khiến lão già loạng choạng dạt vào góc phòng giữa chồng sách đổ sập. Thầy bế tôi trên tay, bước dần vào khoảng sân trường lao xao hoa nắng. Không một giọt nước mắt nào lăn trên mặt tôi, nhưng có một dòng nước mát trong từ đâu đó rất thẳm sâu đang nhẹ nhàng cuộn chảy. Tôi khẽ mở mắt ngước nhìn, gương mặt thầy lấm tấm mồ hôi, đôi mắt sâu, vầng trán cao, khuôn miệng ẩn giấu nụ cười trìu mến… tất cả ngời ngời như tượng thần Hy Lạp. Tôi ngủ mê trên đôi tay ấy, ngoan như con búp bê tóc vàng. Khoảnh khắc đầu tiên khi thầy cầm tay tôi cùng tô ông mặt trời lam xanh đột nhiên trở lại, cuộn tròn làm một giấc mơ trong chính sự che chở thật dịu dàng, thầm lặng.
Mọi người thường chê tôi già trước tuổi. Có lẽ vì thế mà suốt thời trung học, thời sinh viên, chẳng bao giờ bọn con trai học cùng dám cò cưa, lai vãng gần tôi. Bọn con gái thì phong cho tôi là trái tim sắt đá. Cấp hai và cấp ba tôi học nội trú xa nhà, thỉnh thoảng thầy qua trường gặp vài người bạn cũ và tặng tôi nhiều bột màu, giá vẽ. Tranh vẽ xong tôi không treo lên mà xếp đống ở góc phòng. Đó là thời điểm gia đình tôi ngấp nghé bên bờ vực tan vỡ. Bố tôi định quay lại hành trình ngụ cư của tổ tiên ở nơi nào đó với một người đàn bà nào đó. Còn mẹ, đã không còn là chính mẹ. Mẹ già nua và cục cằn. Biết bố mẹ vẫn còn kì vọng ở tôi nhiều nên có lần tôi dậm dọa: Bố mẹ mà bỏ nhau thì con sẽ nghỉ học. Ai ngờ, bố tôi buông xuôi: Muốn nghỉ học thì thu xếp đồ đạc đi luôn với bố. Mẹ nhìn tôi bằng ánh mắt đục ngầu phẫn uất: Có gan thì đi đi, không thì cứ như tao bám lấy đất này mà chết. Tôi chạy bổ ra đường, chạy qua nền chùa đổ, giữa đất chùa mà chẳng thấy thiêng. Càng chạy càng thấy mình đuối sức. Tôi gặp bà già mù đang múc nước giữa dòng, lúc bà vừa bước lên bờ tôi bất giác định trêu bà cho đỡ chán: Mặt trời màu xanh hay màu đỏ hả bà? Bà dò dẫm đưa cây gậy lại phía tôi: À à! Con bé này đã cao chừng ấy rồi, xanh xanh đỏ đỏ cái gì? Tôi xách nước hộ bà, bước vào túp lều rồi đưa bà bức tranh vừa vẽ. Bà đưa những ngón tay gầy guộc nhăn nheo rờ rẫm trên mặt giấy rồi lại lần mò cầm từng ngón tay tôi, cuối cùng nói như thánh phán: Những ngón tay này sinh ra không để vẽ những thứ này, đừng cố vẽ vời những thứ mình không thích. Tao bế mày từ lúc mày đỏ hỏn, tao biết mà. Ai ngờ, ít ngày sau, bà mất vì một cơn cảm nắng. Tôi quyết định quay lại trường, vẫn ở nội trú như cũ. Chẳng hiểu sao sau lần ấy bố mẹ tôi không bỏ được nhau. Hễ ai nhắc lại ông tôi thường rít kẽ răng chì chiết: Đã là dân ngụ cư thì nhục nhã thế nào cũng cố bấu víu vào nhau, tổ tiên không có gan chuyển dời nơi khác thì đố đứa nào đi đâu được. Tôi lao vào sách vở quyết tâm cho một cuộc ra đi. Mỗi lần gặp tôi thầy thêm giật mình vì trông tôi gầy mòn hốc hác. Thầy giúp tôi dựng giá vẽ trên sân thượng khu nội trú, nơi chiều chiều tôi bó gối nhìn mây bay. Tôi vẫn ngồi bất động như xác chết. Thầy cầm cây cọ vẽ phết màu lên đó rồi đặt vào tay tôi. Bàn tay thầy phủ nhẹ lên tay tôi bắt đầu dịch chuyển những gân màu hình xoáy ốc. Thầy kề nhẹ bên má tôi khẽ bảo: Hãy thả lỏng tay ra, như ngày em còn bé ấy. Từng vệt màu hiện ra mang theo cả hơi thở vừa run rẩy, vừa xa xôi. Tôi khép mắt lại, một bên má của tôi ram ráp, vệt râu quai nón của thầy đang khe khẽ chạm vào. Hiện ra trước tôi là thảo nguyên trong xanh nồng nã môi hôn và vó ngựa hành trình. Nhưng cây cọ đã rơi xuống nửa chừng. Tay tôi tê cứng, ý nghĩ của tôi cũng đã đóng băng theo. Tôi ngập vào ảo giác, mười ngón tay tôi, nếu thả lỏng ra sẽ lại đỏ bầm vết đòn roi tuổi nhỏ. Nỗi ám ảnh bám riết lấy tôi. Đến thầy còn bất lực: Antưnai (*) của tôi bước qua thời vụng dại thì tôi sắp phải chống đỡ với tuổi già. Thầy thú nhận trước tôi, cũng vì tôi mà thầy đã quên đi mối tình đầu với mẹ. Mấy đứa bạn gái cùng phòng tôi hay nhõng nhẽo: Thầy hát đi thầy. Cây đàn ghi ta bập bùng vẳng ra thanh âm dìu dặt: Tôi đi bằng nhịp điệu. Một hai ba bốn năm. Em đi bằng nhịp điệu. Sáu bảy tám chín mười. Ta đi bằng nhịp điệu. Nhịp điệu không giống nhau. Ta đi bằng nhịp điệu. Nhịp điệu sao khác màu.
Chỉ có tôi vẫn cuộn tròn trong chăn làm một mặt trời xanh xao cô độc.
Đôi khi, người ta đến với nhau chẳng cần mô phỏng theo một sự thật nào, một bức tranh nào. Nhưng không phải ai cũng dễ dàng bước qua ranh giới ấy. Tựa như những vùng đất đi qua chỉ làm tôi thêm phần lạc lõng. Anh nhìn tôi thương hại, đã ăn ở với nhau bao năm rồi trong tôi vẫn chẳng có nổi một quê hương, một ham muốn nào cụ thể. Anh đã quá mệt mỏi vì tôi. Anh bắt đầu ân hận. Thà nhắm mắt quơ bừa một cô vợ ở quê sớm chiều cày cuốc, phụng dưỡng cha mẹ, ngày rằm giỗ thì nhang khói cho tổ tiên để anh trên này yên tâm công tác còn hơn lấy một người phụ nữ nơi đây mai đó, luôn ngẩn ngơ, lẻ bóng trước những ngả đường. Anh, mỗi bữa cơm ngồi chọc đũa nhìn khúc cá to được tẩm ướp, nấu nướng cầu kì lại lẩm nhẩm thèm mấy con cá nhỏ kho niêu đất, ăn bát cháo đã được vợ gỡ hết từng cái xương tí ti thì lại nhớ con cá để nguyên vảy nằm khoanh tròn trong nồi cháo vùi tro của mẹ… Dù có cố gắng bao nhiêu chúng tôi cũng chẳng thể nào dắt nhau qua kí ức. Vậy mà chúng tôi vẫn cuộn mình trong chăn trò chuyện như một thói quen. Anh nhắm mắt lắng nghe để cố thương hại tôi thêm, cố chịu đựng tôi thêm, cố nối dài những ngày tháng cũ mèm chăn gối. Còn tôi, dẫu kể lể bao nhiêu cũng chẳng thể nào vơi nhẹ. Kí ức trong tôi như sắp bị xóa sổ đến nơi, lẻ loi những mảng màu và tiếng đàn bập bùng ảo vọng. Vợ thầy tìm gặp tôi để trả bức tranh mặt trời và cây cỏ. Cô nhìn tôi thổn thức: Thầy đi sớm quá, chẳng kịp sửa soạn gì. Chỉ kịp dặn cô phải tìm em gửi lại.
Và tôi lại lên cầu, cây cầu nối dài thêm những nỗi buồn xưa cũ. Bố mẹ tôi vẫn sống bên nhau, trong ấm ngoài êm như người đời vẫn tưởng. Không cần tôi, cuối tháng, anh sẽ vẫn một mình nhảy lên tàu về quê, hớn hở như đứa con trai mới lớn tung tăng về bên mẹ. Bố mẹ, họ hàng bên ấy sẽ lại có dịp ríu rít đưa lời mối lái, làng nọ làng kia có cô nọ cô kia chịu thương chịu khó, chấp nhận làm lẽ mọn, chẳng cần cưới xin đăng kí gì đâu, cần một đứa con thôi. Mà anh cũng đến lúc phải có con nối dõi rồi. Chẳng hiểu trên cuộc đời này, đâu mới là mảnh đất dành cho tôi. Hình như, mảnh đất ấy thuộc về phía bên kia cây cầu, nơi những ngày tháng qua tôi chỉ đứng trông theo mà chưa một lần bước qua lối đó. Nơi ấy bốn bề lúc nào cũng văng vẳng tiếng chuông. Dù gì, đến cả giây phút chót vời này, tôi vẫn thấy mình là một đứa con ngoan nhớ mãi lời bố mẹ: Đi càng xa càng tốt. Nhưng sao không một ai dạy tôi phải đi đến tận cùng? Những con rùa đá cụt đầu tưởng chừng mất phương hướng lại như đang trở về dẫn lối cho tôi. Tôi mang theo buổi sáng này và bức tranh duy nhất bước đi. Trên cầu lửng lơ một cơn giông lạ. Một hồi chuông lạ. Sau cuộc trò chuyện dài dài cùng anh, tôi đã nghiễm nhiên trở về bên kia giấc ngủ, ngoan hiền như con búp bê mùa hè năm nảo năm nào. Lời hứa với bạn bè, tôi vẫn giữ, sẽ chỉ lên cầu hết lần này thôi. Từ phía bên kia, anh không cất giọng gọi tôi, chỉ đưa tay vẫy vẫy, một hẹn ước nửa vời, như lần đầu chúng tôi gặp gỡ. Hãy thả lỏng tay ra, như ngày em còn bé ấy. Ở nơi đó, chắc có người còn đợi tôi trên nền chùa đổ, cạnh những con rùa đá cụt đầu trong quá khứ uy nghi, tôi sẽ nhìn thật sâu vào đôi mắt ấy bởi từ giờ khắc này vầng mặt trời lam xanh dịu nhẹ, mười ngón tay bé bỏng mơ màng, mãi mãi thuộc về riêng tôi.
(*) Nhân vật trong tác phẩm “Cây phong non trùm khăn đỏ” của nhà văn Tchingiz Aitmatov