(Tham luận tại Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần 8)
Tôi viết bài tham luận nhỏ này trong tâm thế người trong cuộc. Vì thế, nếu có chút ít phê phán đối tượng văn học trẻ, thì đấy cũng là chính tôi đang tự phê phán chính mình. Và, cũng không hề có ý “vơ đũa cả nắm” mà chỉ bộc bạch một vài khía cạnh của văn học trẻ đương đại. Để thông qua đó, mong sẽ gợi tìm được cái gì là “Trách nhiệm xã hội” của những cây bút đang dậy thì, đang ồm oàm vỡ giọng như chúng ta.
Đời sống văn học trẻ đang trầm lắng, một sự im lặng đầy nghi ngại. Tuy rằng nhiều đầu sách vẫn được xuất bản ì xèo và hoành tráng. Nhưng thật sự từ dạoCánh đồng bất tận đến nay chưa thấy một vụ nổ nào xảy ra, chưa có tác phẩm nào có tiếng nói thống thiết cất lên từ đáy xã hội, nói thay cho nỗi niềm cả xã hội. Trong khi những vụ văn tặc, văn sex… vẫn cứ nổ ra hà rầm.
Người đọc đang nóng lòng chờ đợi, bực bội chờ đợi. Họ không chỉ chờ đợi những gì mà Nguyễn Ngọc Tư đã làm được, mà còn mong mỏi nhiều hơn thế nữa. Văn chương không chỉ là những thước phim đặc tả, mà nó phải chứa đựng chìa khóa tư tưởng, để hóa giải những vấn nạn tồn tại trong cuộc sống, mà trong chính mỗi người đọc và cả người viết, đều đang thấp thoáng một vị thế nạn nhân. Vì thế, sự thúc hối của xã hội là điều dễ hiểu, cả xã hội đang mong mỏi văn chương tỏ bày giúp họ, kháng nghị giúp họ, và sâu xa hơn nữa là hóa giải giúp họ. Nghĩa là, những ngòi bút trẻ măng, những ngòi bút bồng bột, những ngòi bút dễ thương như chúng ta, đang chuẩn bị phải gánh trên vai mình một trách nhiệm xã hội vô cùng to lớn, và không thể né tránh nếu còn lương tâm ngòi bút, nếu còn đạo đức văn chương.
Có thể tự cảm thông là: văn học phát triển theo từng thời kỳ, quá trình hiện nay đang thiếu vắng những tác phẩm có kích thước tư tưởng lớn, vì nó đang là một giai đoạn văn chương chưa đạt đúng điểm rơi lịch sử. Nó đang nén lại, đang đợi lịch sử đủ tháng đủ ngày, đang đợi những thiên tư lạ. Và trong từng cơn đau của xã hội, trong từng thảm cảnh của nhân sinh sẽ là lúc văn chương lâm bồn để các tác phẩm lớn lần lượt được sinh ra. Phần tiếp bài viết này xin nêu ra một vài thực trạng văn học trẻ, để lấy làm căn cớ khi bàn đến phần “trách nhiệm xã hội” của những “Nhà văn trẻ” chúng ta.
Tuổi trẻ thường thừa năng lượng, thừa hăng hái. Vì thế, đôi khi quênxác định cho mình một tâm thế viết cần thiết. Văn chương, luôn chứa đựng ở vẻ ngoài của nó yếu tính thẩm mỹ, và bên trong là liều thuốc hóa giải. Vì thế, tác phẩm văn chương không thể là đứa con được sinh ra trong tâm thế hằn học, tâm thế hằn học sẽ che phủ sự khách quan, sẽ làm cho cạn cợt về tư tưởng. Dù vẫn đồng ý rằng thông qua văn chương, ta có quyền phẫn nộ, có quyền tỏ thái độ trước những tiêu cực trong xã hội. Nhưng, không thể cậy vào đó mà ngông nghênh tật nguyền hóa văn chương, ngổ ngáo tạo ra một thứ văn chương chửi đổng - chửi đông chửi tây, chửi nam chửi bắc. Rồi rốt cuộc lại… chẳng để làm gì, chẳng góp thân được gì cho xã hội, cho tổ quốc, cho con người. Một số người trong chúng ta đang nhầm lẫn giữa văn học kháng nghị và văn chương chửi đổng, nó khiến cho bề mặt văn chương trẻ có những nơi loang lổ những khuếch nhiễu cục bộ, cọc cằn. Giở lịch sử văn chương sẽ thấy, ngay những áng văn chương bi uất nhất, khổ đau nhất cũng đẫm đầy mỹ cảm. Và trong những khổ đau khóc nghẹn ấy cũng vẫn lan tràn những giọt nước mắt dựng xây.
Hãy đặt mình vào tâm trạng người đọc, khi vừa cố thoát ra khỏi không gian văn chương chửi đổngkia, đang còn phải thở hổn hển vì… mệt. Thì ngay lập tức, lại phải lọt ngay vào một thứ văn chương khác rất ngược lại, nhưng… chẳng mấy tốt hơn. Đó là văn chương ẩn nấp - một thứ văn chương tu từ chính kiến, một thứ văn chương sợ hãi, một thứ văn chương ngồn ngộn ngôn từ, đỏm dáng đấy, hùng hổ đấy. Nhưng… chẳng dám đụng chạm đến cái gì cả. Hình như người viết trẻ đang sợ hãi một điều gì đó, hình như chúng ta đang lo ngại sẽ không ai bảo vệ cho mình,… Có cả hàng trăm hàng ngàn những cái “hình như…” như thế. Nhưng khốn thay, trong tình cảnh tha thiết trở thành… “nhà văn trẻ” nên không thể không viết. Và để bảo toàn, chẳng có mấy ai dám thò chính kiến của mình ra cả. Viết đấy nhưng cầm bằng như im lặng, không dám đẩy bi kịch đến tận cùng, vì e ngại, vì sợ bị qui chụp. Và khi chưa đủ độ sâu trong cảm quan xã hội, chưa đủ nội lực nơi phông nền triết học, mỹ học. Nên chúng ta chưa đủ sức để đẩy tác phẩm lên tầm cao tư tưởng. Thêm nữa, chưa mấy ai có cái nhìn nhân văn thao thiết, chưa sống hóa thân đến tận đáy xã hội, nên chưa mang tới cho tác phẩm sự nhạy cảm linh ứng, dẫn tới việc văn học trẻ không chứa đựng nhiều những dự báo xuyên lịch sử, những thông điệp nhân văn.
Trách nhiệm hoàn thiện bản thân mình trong mỗi người viết trẻ, không chỉ sâu thẳm từ bên trong “phông tư tưởng” như đã trình bày trên đây. Mà còn phải nhuần nhuyễn ở cả cái thuộc về bên ngoài hình thức - đó là kỹ thuật viết. Bản chất là: những tâm tình đương đại, những trạng huống đương đại - phải cùng lúc được thể hiện bằng một kỹ thuật viết đương đại, giao diện đương đại đó chính là tính thời trang của văn chương. Từ đó sẽ hình thành dần ra một hình thức mỹ học mới, một hệ mỹ cảm mới - tươi rói hơn, nóng hổi hơn, xinh đẹp hơn, quyến rũ hơn… Có thể chứng minh điều này một cách nôm na là: không thể viết về các hình tượng văn học đương đại, những khắc khoải đầy tính đô thị hóa, những nụ hôn trong… xe hơi. Bằng một văn thái… phong tình cổ lục. Giữa ngữ điệu, lập ngôn và nội hàm muốn tỏ lộ phải vừa với nhau, thế nó mới thăng hoa, thế nó mới phản ứng. Để mà tạo ra những vụ nổ trong tâm tư người đọc, thay vì những tiếng nổ chỉ lẹt tẹt phía ngoài cái vỏ ngôn ngữ cồng kềnh, sáo rỗng. Vì thế, những người viết trẻ chúng ta phải cùng nhau tự hoàn thiện mình, bằng học hỏi cật lực những tinh hoa của lớp người đi trước, bằng qui nạp các hình thức viết mới. Từ đó mỗi người tự sáng tạo cho riêng mình một phong cách viết - sao cho mỗi văn phong là một cá tính, nhưng vẫn đẫm đầy mỹ cảm. Mới tinh đấy mà vẫn vừa vặn với văn hóa cảm thụ của tâm hồn người Việt Nam.
Ngay tại khía cạnh này, xuất hiện một vấn nạn văn chương trẻ khác là: thay vì làm chủ kỹ thuật viết, xem nó như công cụ để biểu diễn nội hàm. Thì một số người viết trẻ lại có khuynh hướng bị lệ thuộc vào trào lưu, bị trào lưu nhào nặn. Thậm chí, đến nỗi đánh mất cả yếu tính thẩm mỹ văn chương. Đồng ý rằng, sẽ không gì phù hợp hơn nếu đem cái “giễu nhại” để biểu hiện tính sự kiện trong văn chương, nhưng cái “giễu nhại” ấy không thể vẽ lên được một không gian mênh mang của một cõi buồn vô hạn; đồng ý rằng, cái “phân mảnh” sẽ rất duyên dáng nếu diễn tả một nhận thức cá nhân, một nỗi uất ức cô lẻ mà một “tiểu tự sự” muốn giãi bày. Nhưng làm sao có thể nhét vào trong cái “phân mảnh” ấy một bi kịch khổng lồ, một nỗi niềm phổ quát, một tâm trạng chung của toàn xã hội. Nếu như chỉ “phân mảnh” rồi quăng rải lung tung, loạn xạ mà không chủ ý tạo cho người đọc một cách gì đó để thu lượm, lắp ghép lại để tạo thành tri nghiệm, một tri nghiệm đủ để ai đó đang điều hành vĩ mô có thể nhận thấy mà cải thiện những khiếm khuyết nếu có của một hệ thống; đồng ý rằng, mỗi từ ngữ bất kỳ, dù tục dù thanh đều đẹp về âm vị nếu đặt đúng ngữ cảnh, lúc ấy cái tính tục của câu chữ sẽ làm điểm nhấn nao lòng người đọc. Nhưng thử hỏi, một bài thơ có còn là thơ không khi nó chưa kịp làm người đọc suy tư, trắc ẩn gì thì đã khiến người ta phải… đỏ mặt vì mắc cỡ. Ở đây, nhận ra một một sự nhầm lẫn khác về tính mục đích khi khai thác các hình thức thể hiện mới, văn chương trẻ đang quá ưu tư về tìm tòi thủ pháp lạ, nhưng lại quá ít những trăn trở nhân văn, rằng những thủ pháp mới lạ ấy phải chuyên chở thông điệp gì, phục vụ cho ai. Đành là cái mới, cái độc đáo, sẽ dẫn văn chương qua bầu trời cảm thụ mới, nhưng một số người trong chúng ta đang nhân danh cái mới, cái khác biệt mà khiến cho sự hướng đích của văn chương lạc vào ngõ cụt, khi nhầm tưởng: lấy cách tân hình thức làm đích đến, mà quên rằng nó chỉ là con thuyền để chở văn chương đến được cõi miền chí thiện, chí mĩ mà thôi. Sự thật là, khi nào còn… con người trên quả đất này, lúc ấy còn văn chương. Nghĩa là, văn chương đã đi qua bao thời kỳ, trào lưu, khuynh hướng… đã thay đổi, sẽ thay đổi, phải thay đổi. Nhưng có một điều bất biến: văn chương chưa và sẽ không bao giờ xa rời chỗ đứng nhân bản, căn đế đó sẽ mãi là mặt đất vĩnh cửu cho tất cả những gì gọi là khuynh hướng, trào lưu, thủ pháp, trong việc sáng tạo văn chương bám rễ. Đó cũng là một trách nhiệm nhận thức của người viết trẻ trong quá trình sáng tạo, để cho văn chương được là chính nó, không bị lạc ra khỏi bổn phận phục vụ con người và xã hội của chính nó. Nếu không, nghĩa là chúng ta đang tạo ra một thứ văn chương vô trách nhiệm, bởi trong văn chương, im lặng cũng là sự dối trá; bởi chúng ta không đủ siêng năng thu lượm kiến văn và không dám hoài nghi khi lệ thuộc vào những chân lý tiên đề - những chân lý được làm sẵn khiến cho tác phẩm nhạt nhẽo về tư tưởng; bởi chúng ta chưa có thái độ nhân văn đủ mức cần thiết nên văn học trẻ còn nhợt nhạt màu sắc nhân bản; bởi vân vân và vô thiên lủng những… vân vân!
Với việc những người đang thụ hưởng nền văn học trẻ của chúng ta thường xuyên bị… ngộ độc văn chương như thế, xuất hiện câu hỏi: trách nhiệm này thuộc về ai? Mỗi thời kỳ xã hội có một khoảng trẻ măng, trẻ măng về sử tính, về cảm thức: khi những mảng giá trị cũ đang tan rã, nền tảng xã hội đang tỏ ra một nhu cầu thiết lập lại một bề mặt mới, một trật tự nhận thức mới. Và một trong những đối tượng nhạy cảm với tính đương đại này nhất, không ai khác chính là những cây bút đang dậy thì - chính chúng ta - những người viết trẻ là những người đang mang cảm thức đương đại rõ nhất. Chúng ta có lợi thế lớn ấy nhưng chưa tạo được dấu ấn của mình, chưa đáp ứng được yêu cầu của lịch sử, thì việc văn học trẻ có bị búa rìu của dư luận thì cũng là chuyện đáng bị đánh đòn. Nhưng thiển nghĩ đó cũng là những áp lực cần thiết, và hãy xem nó như một chiều kích để đẩy chúng ta sớm hoàn thiện mình hơn, sớm dũng cảm hơn, sớm hoàn thành bổn phận của mình hơn.
Vậy trả lời làm sao, nếu như có câu hỏi: “Làm đầy đủ những trách nhiệm xã hội ấy thì… được cái gì?”. Mỗi một người sống với văn chương là một Kẻ Được Chọn– trước hết, đó là sự lựa chọn bởi thiên tư, sau nữa là sự lựa chọn của lịch sử, của xã hội, của tổ quốc. Và lựa chọn nào cũng mang trong nó sự loại trừ, có những sự loại trừ từ bên trong chính mỗi chúng ta khi không đủ dũng cảm, tài năng, sự hy sinh và niềm đam mê… Và cũng có những sự loại trừ từ phía ngoài bởi sự xung đột nhận thức, tư tưởng trong một bối cảnh chưa dung chấp. Ở đây thấy được là, làm văn chương không phải để trả lời cho câu hỏi “Tôi sẽ được cái gì…?”, mà để trả lời cho việc: sẽ để lại gì cho xã hội, cho tổ quốc, cho con người, sau những lựa chọn khốc liệt đó. Sẽ góp thân mình như thế nào cho cuộc sống này tốt đẹp hơn, đó là kết quả của “trách nhiệm xã hội” mà những người viết trẻ mang lại cho xã hội, đồng nghĩa với cái mà những người viết văn trẻ nhận được từ văn chương; đó là bổn phận lớn lao không hề hứa hẹn quyền lợi - một gánh nặng chất lên đôi vai nhỏ bé của thiên tư - chúng ta chỉ thực hiện thiên lương ấy mà không được quyền mưu cầu lợi ích cá nhân, bởi văn chương luôn thuộc về xã hội, bởi thiên tư là thứ không sống bằng kinh phí rót từ đâu đó, không phải bằng ánh sáng hào quang của sự nổi tiếng, không phải nhuận bút cao hay thấp. Kinh phí không thể nghĩ thay cho chúng ta, sự nổi tiếng không thể nghĩ thay cho chúng ta, nhuận bút cũng không thể nghĩ thay chúng ta. Một cách xác tín: chỉ xã hội mới mang trong đó sự suy nghĩ của văn chương, và văn chương phải có bổn phận nói lên những trăn trở đó.
Dông dài chỉ để chia sẻ một vài điều: Sự trung thực của văn chương chính là trách nhiệm lịch sử; Sự dũng cảm trong văn chương là trách nhiệm với cộng đồng; Kích thước tư tưởng trong văn chương là trách nhiệm về tính lý tưởng, tính hóa giải; Cái đẹp trong văn chương có từ sự rèn luyện, là trách nhiệm hướng về sự hữu ích; Tính nhân văn của văn chương là trách nhiệm nhân bản,… Rất nhiều những trách nhiệm như thế tự nó tồn tại trong hoạt động văn chương, tạo thành cái gọi là “trách nhiệm xã hội” mà người viết trẻ cần ý thức được, trách nhiệm ấy những thế hệ người viết đi trước đã phải thực hiện, để mà có cho lịch sử văn học những tác phẩm lớn. Rồi đến phiên mình - những người viết trẻ chúng ta cũng không thể loại trừ, không thể chỉ chọn lấy những gì tốt đẹp nhất để nhận lấy, rồi từ bỏ đi những khổ ải, cực nhọc của văn chương.
Tham luận nhỏ này được viết khi tác giả của nó may mắn được tham dự Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII, nhân cơ hội này xin được viết lên vài suy nghĩ chủ quan và thiển cận về “Trách nhiệm xã hội của Nhà văn trẻ”. Đây chỉ là sự giãi bày, sự trăn trở và… khát vọng của một người mới chập chững trên con đường viết lách - một cây bút cũng đang… dậy thì giống như các bạn cùng dự Hội nghị. Vì thế, bài viết trước hết là sự tự dặn mình, không dám nghĩ rộng hơn. Và mong rằng, từ Hội nghị này sẽ được học hỏi thêm nhiều điều hơn nữa.
Gửi ý kiến của bạn