1.
Ừ đây - nó nghĩ - mọi thứ tự, luật lệ đã thay đổi!
Với mẩu giấy này, nó trở nên một người có vai vế trong nhà, nó sẽ được tự do, tự do tiếp bạn bè vào chiều tối, thoải mái mà đi chơi và nhất là, nó đã có cái cớ để mà đổ tội cho những sai lầm nếu có, sau này.
Tờ giấy thông hành ấy nhỏ bằng hai bao diêm, một cạnh xé lam nham, vội vã, một lời hẹn yêu đương của một người già quên tuổi tác và nghĩa vụ - bố nó với một người nó không hề có một tí khái niệm nào về tuổi, đẹp, xấu, nghề nghiệp... hoàn toàn lù mù, chỉ hiểu bố nó tha thiết viết: "Em!"...
2
Như một con rắn, nó trườn đến một hàng photocopy thật xa, ở đấy chắc không ai biết, nó là ai; hai tờ, một tờ đút túi, một tờ nó lẳng lặng đưa cho ông bố đang ngồi đọc báo, và cười, một cái cười ngang hàng, không phải của con giành cho bố. Một trật tự mới ngay lập tức được thiết lập, bố nó cầu khẩn và căm thù nhìn nó, cái đứa lầm lì nhất trong bốn đứa đây, cái đứa ít nhìn vào mắt ông nhất trong nhà, hầu như hai bố con không trao đổi gì ngoài những câu chào, tiếng mời cơm, đứng trước nó, ông thật sự thấy mình là chủ gia đình, một gia đình của trăm năm xa xưa mà trong thâm tâm ông đàn ông nào cũng ao ước... Bây giờ, nó đứng trước ông, điệu bộ rất lễ phép, cũng lẳng lặng không một lời... chỉ có cái cười nhẹ nhàng và đôi mắt... Ông bố hiểu ra, nó thỏa mãn biết bao nhiêu, nó đã căm hờn ông biết bao lâu...
3
Bà mẹ không biết gì, chỉ thấy các con mình ít bị la mắng hơn, những bữa cơm dọn trễ một chút cũng không sao, đứa nào chậm chân ngồi vào trễ một chút cũng không sao, ông chồng đăm chiêu, thờ ơ và dễ tính... lẫn lộn.
Và nó, nó không sử dụng luôn cái quyền của "giấy thông hành" ấy, vẫn chưa thằng bạn trai nào được tiếp vào chiều tối, vẫn chưa một buổi đi chơi nào quá lâu... không phải vì nó còn sợ, chỉ đơn giản là nó chưa quen được tự do, chỉ thế thôi, chẳng có tí ti đạo đức nào trong việc chậm trễ này cả. Rồi nằm dài một trưa, nó nghĩ: "Hay thật, mình bây giờ lại còn đạo đức hơn bố mình! Bây giờ, bây giờ mà đi chơi nhiều, đàn đúm nhiều thì lại hư bằng nhau. Mình càng nghiêm trang, ông cụ càng hãi, như vậy đã hơn".
4
Và như thế, hàng ngày, nó quan sát lại mọi việc trong nhà. Nó nhìn bố nó, ông hiệu phó của một trường cấp III. Lầm lũi với cái cặp đen, gầy gò, mực thước trong bộ quần áo phẳng phiu đến lớp, nó cười thầm: "Đi giảng đạo đức đây!". Nó quan sát mẹ nó say sưa trong cái trò rửa thịt, nhặt rau, nhìn bà mẹ hồn nhiên giữa mấy đứa con lít nhít, đứa nào cũng giống mẹ, mắt lồi. Nhìn mấy mẹ con quấn lấy nhau trong góc bếp, nó nghĩ: "Chẳng cần có bố cũng sống được!". Nhưng khi ngồi vào bàn ăn, nhìn thấy mẹ mình yêu thương và sợ sệt gắp thức ăn cho chồng, nó tủi thân một cách trẻ con: "À cái đám mắt lồi chúng mình đây được yêu thương chẳng qua vì chúng mình là sản phẩm của ông bố này. Mẹ yêu bố gấp đôi tụi mình. Nếu bây giờ có một đám cháy, cho mẹ cứu một người duy nhất, hẳn là mẹ sẽ cứu bố ". Rồi như thật, nó kín đáo liếc các em nó, liếc những đứa bé sẽ bị bỏ rơi trong đám cháy thử thách mà nó đã tưởng tượng ra... Rồi bình tâm trở lại, nó nhìn bà mẹ rất đơn giản ấy mà thương hại: "Thôi giấu đi là vừa, mẹ hiền quá chắc cũng chẳng làm gì được, và ngây ngô quá, chưa chắc đã khổ, chuyện lớn thành trò đùa, bố sẽ quen đi và sẽ không ai sợ ai trong cái nhà này cả ". Vậy là nó tiếp tục ăn, mẹ tiếp tục gắp, bố tiếp tục lặng lẽ, các em nhai nuốt hồn nhiên, ngày này qua ngày khác, không ai biết có hai người khổ sở trong nhà.
5
Nó khổ sở trong nhà, cũng chẳng nghĩ đến việc thù tiếp bạn bè hay chơi bời khuya khoắt nữa. Cảm thấy mình giống một tên "thừa nưóc đục thả câu", nó cụt hứng. Ngồi lặng lẽ bên một đám bạn ồn ào, nó nhìn hàng dầu gió bên đường thả quả như những cái trực thăng tí hon và nghĩ: "Khốn nạn thật, nếu không có chuyện bẩn thỉu kia thì bây giờ phải đạp bán sống bán chết về nhà rồi!". Và một tối, một thằng bé chưa biết luật lệ của cái gia đình nghiêm khắc này, cao hứng ở lại đến 9 giờ, cười cười nói nói, tay chân múa may không biết sợ. Ông bố, theo thói quen cùng một chút tự ái thua cuộc đi ra rồi bất lực đi vàọ Tự nhiên, nó thấy cái miệng thằng bé sao mà rộng, tay chân sao mà như hề, và nó cáu lên một cách vô lối, nghĩ rằng từ đây mọi trò vui của mình có được chẳng qua cũng nhờ một trò đáng khóc.
Rồi nó tiếc, phải như không nhìn thấy tờ giấy quỷ quái ấy. Nhặt được, tưởng rằng từ đấy sẽ có gan nhìn thẳng vào mắt bố nó khi cần thiết, hóa ra càng ngày càng ít dám nhìn, nhìn nhau, mắt hai bố con dại đi, và nó ngượng.
Cay đắng, nó nghĩ đến cuộc sống gia đình đen tối mà nó sẽ phải có. Nó sẽ không được hồn nhiên trời phú như mẹ nó. Chồng nó, dễ gì có được cái địa vị mực thước như bố nó, có nghĩa là cái gia đình tương lai ấy càng dễ tan nát gấp trăm lần cái tổ ấm bây giờ. Nghi ngờ, nó gác lại những kế hoạch yêu đương; sợ hãi và giễu cợt, nó nhìn những thằng bạn đi bên cạnh như nhìn những tên lừa đảo còn ẩn mình trong lá ủ!
Và ông bố, mỗi sáng lầm lũi trên đường đến trường, ông nghĩ ra mọi cách để giải thích tại sao lâu nay mình ít nói trước học trò, ông sợ rằng một ngày nào đó, rủi như chuyện này vỡ lở, những cái áo dài nết na kia, những bộ đồng phục ngoan ngoãn kia sẽ làm thịt ông như trả thù một nhà đạo đức giả hiệu bao lâu nay vẫn áp bức chúng nó. Rồi lo sợ, ông miên man nghĩ đến bà vợ và những đứa bé ở nhà như một án treo lơ lửng trên đầu, và co dúm người lại, ông vô tình tập trước cái tư thế sẽ thay cho tác phong uy quyền xưa naỵ
Nước mắt người và xe nhoè nhoẹt, ông nghĩ đến đứa con gái lớn: "Mình mất nó thật rồi! Nó có rơi xuống bùn mình cũng không đủ tư cách mà kéo nó lên; thò tay xuống kéo, biết đâu nó sẽ trừng mắt rồi tự nguyện lăn luôn xuống đáy!". Rồi tủi thân của một người già, ông loạng choạng đạp xe giữa cây cỏ hai bên đường: "Mình chết đi nó có khóc không?". Lẩn thẩn, như mơ, ông tưởng tượng ra một đám tang, một bà vợ, mấy đứa bé mịt mù khóc cùng nhang khóị Chỉ một đứa, nó lặng lẽ đứng bên quan tài, một đứa con gái lầm lũi và cương quyết, như đang canh gác một phạm nhân.
3 - 1993