Có lần tôi được nghe ông K, một người rất mê đọc sách nói thế này: “Từ hơn ngàn năm trước, Khổng Tử đã dạy học trò của mình rằng, đã là trí giả thì không thể bị u mê, càng không thể vì mấy đấu gạo mà viết cho kẻ bất nhân …”. Tôi bảo: “Chỉ vì được mấy đấu gạo mà viết cho bọn thất đức, thì là bồi bút rồi còn gì”. Ông K bảo“ Đúng vậy! nhưng lũ bồi bút lại được sinh ra từ cái sự văn nô”. Tôi hỏi lại “Văn nô là sao?”. Ông K bảo “Là sao, thì chú phải tìm hiểu. Chỉ biết cái sự ấy nó làm hỏng cả một nền văn học. Nó biến không ít kẻ cầm bút thành thứ mạt hạng. Nó …”. Tôi vội xua tay “Thôi, thôi xin bác, xin bác, em sẽ tìm hiểu, sẽ tìm hiểu…”. Ông K liền nhìn tôi như kẻ xa lạ, nhìn từ đầu xuống chân, lại từ chân lên đầu, rồi chỉ vào tôi mà rằng: “Nhìn chú kìa, mới nghe thế mà đã, trên thì mặt xanh như đít nhái, dưới thì vãi cả ra thế kia rồi, thì cầm bút thế đéo nào được”.
Hơn 20 năm đã qua, ông K bây giờ đã thành người thiên cổ. Còn tôi cũng dần ngộ ra rằng, thì ra cái sự “nô” ấy nó kinh khủng lắm. Cả một dân tộc, một đất nước đã từng là nô lệ. Bị nhốt chung trong cái cũi khổng lồ ấy nào là những nông nô, công nô, binh nô, trí nô và vân vân nô… Bằng núi xương, sông máu, lật đổ được cái kiếp nô lệ ấy rồi, thì không ai lại ngu muội chui đầu vào cãi cũi ấy nữa, trừ phi là bị phỉnh, bị lừa.
Còn cái sự văn “nô”? Thấy tôi cứ lúng túng dây nhợ như gà mắc tóc mãi, một đồng nghiệp đã “đóng” vào tai tôi những lời như búa bổ : “ Nô, tức là cúc cung tận tụy, phụng sự cho bề trên, cho ông chủ. Như kiếp chó ấy. Bề trên bảo sủa to thì sủa to, bảo sủa nhỏ thì sủa nhỏ, bảo cắn thì cắn, thế thôi”. Nghe đồng nghiệp nói vậy thì biết vậy, nghĩ mình phận ếch ngồi đáy giếng, đọc chưa được bao nhiêu, viết cũng chẳng được bao nhiêu, lại toàn thứ vô bổ, chỉ đáng vứt sọt rác, nên nghe lời ông K, tôi phải tự lần mò tìm hiểu …
Khi cụ Đồ Chiểu vung bút với những câu âm vang như sấm “Dù đui mà giữ đạo nhà …”, rồi “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm, đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” và khi cụ Tản Đà đầy khí phách “Xuống ngọn bút mưa sa, bão táp, vạch câu thơ quỷ thảm, thần kinh. Lũ mọt dân trừng trị bằng câu văn, người hiền sỹ tinh biểu bằng ngòi bút…” v.v…, thì cái sự “nô” ấy đã phải bạt xa rồi. Chưa hết, khi ở phương trời Âu đang ồn ào lý luận Mac-xít đưa quần chúng bần hàn lên tận mây xanh, bằng việc tấn phong họ là “ những người chân chính sáng tạo ra lịch sử”, thì cụ Tản Đà đã không ngần ngại chỉ thẳng ra cái sự thật bi thảm và “giáng” một búa nẩy lửa vào cái đầu còn tăm tối và cả tin của đồng bào mình, rằng “ Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn, Cho nên quân nó dễ làm quan”. Thiển nghĩ, với thiên chức góp phần hướng thiện con người, tôn vinh cái đẹp, thì người cầm bút phải tôn trọng sự thật, bảo vệ sự thật, vạch mặt giả dối, mị dân, bịp bợm. Mọi sự tô hồng, bôi đen, bóp méo sự thật nhằm phục vụ lợi ích của thiểu số kẻ cầm quyền, đều là kẻ thù của văn chương. Sự chân thực là phẩm giá của ngòi bút nên rất cao quý và thiêng liêng. Khi Liên Xô, thành trì của chủ nghĩa CS dưới thời Stalin mặc dù có cả một bộ máy KGB khổng lồ, nhưng một học giả người Nga vẫn lớn tiếng khẳng định “ Sự thật cao hơn tất cả, cao hơn nước Nga và cao hơn cả Lê-nin ”. Được biết, lý luận văn học Xô-viết còn đẻ ra cái gọi là “hiện thực xã hội chũ nghĩa”, từng được các học giả Đông, Tây mổ xẻ xem nó là cái giống gì ? Đã “hiện thực” lại còn hiện thực nọ, hiện thực kia nữa. Cái ấm sứt vòi, nhìn từ mọi phía cũng không thể nào là cái bình pha lê được. Đúng là rặt một thứ “ný nuận nồn”, như cách nói ngọng của một bà bán mắm tôm nơi chợ quê. Cũng vậy, ở ta lâu nay còn có câu “ nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”, một khái niệm không thể tìm thấy trong bất cứ học thuyết Đông, Tây, kim cổ nào. Ngay cả cụ tổ của CNCS là Kar.Max có tái thế chắc chắn cũng phải chào thua, không thể nào định nghĩa nổi. Nên nhà thơ Trần Mạnh Hảo mới có câu thơ thật mỉa mai “ khái niệm đưa ra không biết lối thu về”, là vì vậy.
Liên quan đến cái sự văn “nô”, có một vấn đề từng được nêu ra từ mấy chục năm qua, nhưng bị cho là “nhạy cảm” nên chỉ được “nhá xèng” lên tý rồi tịt luôn như pháo tịt ngòi. Đó là quan hệ giữa văn học và chính trị. Còn nhớ khoảng cuối 1990, một người bạn gặp tôi, hỏi: “ Này ! có một nhà thơ vừa đưa ra nhận xét là, văn học nghệ thuật cao hơn chính trị và xa hơn chính trị. Ông thấy sao ?”. Tôi liền khẳng định ngay: “Đúng ! đúng là như thế”. Không ngờ anh ta lồng lên “ Đúng, đúng cái con khỉ. Ông lúc nào cũng nằm mơ. Xa hơn, cao hơn cái nỗi gì. Chính trị là bố, là ông cố nội của văn học, thì có...”. Rồi anh dẫn ra nào Tần Thủy Hoàng; Hítler; Mao v.v… Tôi liền hỏi lại: “ Vậy mấy bạo chúa ấy sống được 100 tuổi không ? Chết ngóm sau mấy chục năm cường quyền chứ gì ? Còn các tác phẩm văn học, nghệ thuật đích thực, thứ thiệt, thì sống muôn đời”. Và, để anh ta tâm phục, khẩu phục tôi đã lý giải nôm na thế này: Chính trị là phạm trù lịch sử, có nay không có mai. Lịch sử phát triển xã hội loài người hết chế độ này, thì đến chế độ khác. Triều đại nào thối nát, phản dân hại nước ắt sẽ sụp đổ và bị triều đại khác thay thế. Còn văn học nghệ thuật thuộc phạm trù vĩnh viễn. Các tác phẩm đích thực sẽ “bước” từ thời đại này qua thời đại khác, trở thành tài sản vô giá của nhân loại và bất tử. Các tác phẩm cổ điển, trung đại, cận đại v.v… là những minh chứng hùng hồn. Văn học nghệ thuật chân chính phản ánh chân thực ước mơ và khát vọng của nhân dân mình. Văn học, nghệ thuật chân chính (không phải thứ văn nô, bồi bút) luôn chỉ ra cho chính trị biết phải làm gì, làm thế nào để an dân, để được lòng dân. Bởi chính trị muốn tồn tại, thì phải được lòng dân. Nên văn học nghệ thuật cao hơn chính trị là ở cái lẽ ấy, vân vân và vân vân …
Cái sự văn “nô” còn liên quan đến bản lĩnh, khi phách người cầm bút. Phùng Quán , một nhà thơ “Nhân văn giai phẩm” rất đáng kính từng có tuyên ngôn rằng “Dù ai ngon ngọt nuông chiều cũng không nói yêu thành ghét. Dù ai cầm dao dọa giết, cũng không nói ghét thành yêu...”. Ông Trường Chinh (Sóng Hồng), nếu tôi nhớ không nhầm cũng từng có câu : “ Lấy cán bút làm đòn xoay chế độ. Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”. Theo tôi, Những câu thơ này của Phùng Quán và Trường Chinh có giá trị thời đại rất cao, vì nói lên được bản lĩnh và tâm huyết người cầm bút. Không biết, Hội Nhà Văn VN có cho dịch ra nhiều thứ tiếng để gửi đến các văn nghệ sỹ đang phải sống trong những chế độ độc tài, phản dân chủ tại Hội nghị giới thiệu văn học VN ra nước ngoài vừa qua, hay in ra hàng ngàn bản cho bóng bay gửi lên kính cáo với trời đất, sông núi nước mình trong Ngày “Đại lễ thơ VN” hoành tráng rằm tháng Giêng Canh Dần vừa rồi ? Nhân đây xin nhắc lại một chuyện nhỏ. Trong một hội thảo ở Nha Trang về phát triển nông nghiệp của một tỉnh miền Trung hồi cuối thập niên 1980. Giờ giải lao, cánh nhà báo tụ tập ở hành lang, to nhỏ bàn chuyện trên giời, dưới đất, chuyện dân dã, chuyện triều đình … Anh Bốn T, tuy là một cán bộ chủ chốt của tỉnh PY, nhưng tỏ ra rất bình dân với cánh phóng viên, cũng đến góp chuyện. Chuyện trò một hồi, bỗng anh trầm ngâm giây lát rồi phán một câu xanh rờn: “ Đúng là cánh nhà văn, báo chí, văn nghệ sỹ chúng mày, thời nào cũng chống chính quyền …”. Lập tức một đồng nghiệp trong chúng tôi trả lời ngay : “ Anh Bốn nhầm rồi ! Không phải chống chính quyền mà là chống cường quyền. Thời nào những người cầm bút cũng chống lại cường quyền …”. Tất cả chúng tôi cùng cười vang tán thưởng.
Lẽ thường người cầm bút(nhà thơ, nhà văn v.v…) không thể làm điều ác, điều thất đức và càng không thể dùng ngòi bút để bảo vệ cái ác. Những nhà văn, nhà thơ nào còn coi CNCS là lý tưởng của đời mình , chắc càng không thể quên lời giáo huấn của cụ Kar.Max, rằng “Chỉ có loài súc vật mới quay lưng lại với số phận người khác …”. Đến nay, ai cũng biết, “cải cách ruộng đất” từng được coi là “ cuộc cách mạng long trời lở đất”, là một đại họa đối với nông dân và nông thôn nước ta hồi giữa thập niên 1950. Vì thế, tôi không thể tin câu thơ đầy máu lạnh sau đây lại phát ra từ con tim của Xuân Diệu - một nhà thơ tình :
“ Thắp đuốc cho sáng khắp đường
Thắp đuốc cho sáng đình làng đêm nay
Lôi cổ chúng nó ra đây
Bắt quỳ gục xuống đọa đầy chết thôi”
Các nhà lý luận đã chia nền văn học nước ta theo từng giai đoạn, hoặc theo dòng này, dòng kia. Với riêng tôi, “Dòng hiện thực” (trước 1945) với những tên tuổi lớn như Ngô Tất Tố; Nguyễn Công Hoan; Vũ Trọng Phụng; Nam Cao v.v…là sáng giá nhất. Tác phẩm của các ông, chứng tích bằng văn học của một thời khốn nạn sẽ còn mãi với thời gian và những vấn đề đặt ra trong tác phẩm của các ông, cho đến nay hình như vẫn còn đó:
“Đã rằng Bá Kiến hết rồi
Mà sao anh Chí ba đời còn đây ?” (*)
Rõ ràng, trong đêm đen của “Tắt đèn”, trong hũ nút của “Bước đường cùng”, trong nhốn nháo, tha hóa, giả dối, đĩ điếm, lừa phỉnh, bịp bợp, mị dân, đạo đức giả … của “Số đỏ”, thời kỳ văn học này vẫn sản sinh được cho hậu thế những tên tuổi gắn liền với NHÂN CÁCH LỚN CỦA NGƯỜI CẦM BÚT.
Từng có người nói rất đúng rằng, nhà văn, nhà thơ là do “Tổ chức Trời” phân công. Thực ra là trời bắt “tội”, trời hành xác họ. Còn họ thì tự nguyện cho cái sự bắt tội và hành xác đó. Thế thì thì khuynh hướng sáng tác, quyền sáng tác phải thuộc về chủ thể sáng tạo là họ. Vậy tại sao cuối thập niên 1980 của thế kỷ trước, Nguyễn Minh Châu phải viết “lời ai điếu” cho một thời kỳ văn học? Có lẽ theo ông đó là thời “tụng ca,minh họa”. Nếu đúng vậy, thì thành tựu của thời kỳ này giá trị thế nào, hoành tráng đến đâu, có lợi cho ai, gây hại cho cái gì, đã được thời gian sàng lọc, trả lời rồi. Mọi người đều biết cả. Thiển nghĩ, dù Nguyễn Minh Châu không viết lời “ai điếu” thì những sản phẩm tụng ca, minh họa rẻ tiền một thời kiểu như … kiểu như … cũng sẽ lần lượt chết ngóm. Có những tên tuổi từng là trụ cột của nền văn học, nghệ thuật một thời như ông nhà văn Nguyễn Khải, đến cuối đời mới giật mình “Đi tìm cái tôi đã mất”, như ông nhạc sỹ Tô Hải mới cay đắng nhận ra mình là “một thằng hèn” (cho dù là trường hợp “thằng hèn” của ông Tô Hải đang và sẽ được lớp hậu sinh kính trọng), thì cũng là quá muộn. Lấy ngay ví dụ về tác phẩm “Tầm nhìn xa” minh họa, tụng ca cho phong trào hợp tác hóa nông nghiệp của Nguyễn Khải. Không biết ông nhà văn này có “tầm nhìn” xa cỡ nào, được mấy tấc, mấy thước, mà ngay hồi ấy trong dân gian đã có vè chửi cái mô hình hợp tác xã nông nghiệp “thằng còng làm, thằng ngay ăn” này rồi. Thôi thì “gặp thời thế, thế thời phải thế”, vì niêu cơm, vì mấy đấu gạo mà phải tụng ca, minh họa, còn cho là tạm thông cảm được. Nhưng đến cái sự văn “nô” hướng thượng, sun xoe, tới mức có cả một câu cửa miệng của người đời “ thằng đéo lào mà lịnh thế?”, thì không biết còn có nền văn học thời hiện đại nào của nhân loại trên hành tinh này, nảy nòi ra được những văn sỹ như thế? Vâng! trăm năm bia đá cũng phải mòn. Nhưng những câu thơ “lịnh” mà tôi dẫn ra dưới đây của ông Tố Hữu, thì không biết đến kiếp nào “bia miệng” thế gian mới hết nói lời xấu hổ ? Quả thật, bất cứ người Việt Nam nào có lòng tự trọng với nguồn cội con Rồng cháu Tiên của mình, đều cảm thấy bị xúc phạm, khi phải lướt mắt thôi (đọc lên là nhục lắm, xấu hổ lắm).
Lúc Stalin chưa chết và rất có thể ông ta vừa ký chưa ráo mực những sắc lệnh khủng khiếp, khiến hàng chục ngàn người vô tội bị khủng bố, bị sát hại, hoặc bị đưa đi lưu đày ở Xibêri ( trong đó có cả những văn nghệ sỹ nổi tiếng, sau này được nhận giải Nô ben). Chính Tổng thống Nga Putin cũng phải thừa nhận, rằng “ Những người bị thảm sát, khủng bố là những con người ưu tú nhất, có trí tuệ nhất và là những người can đảm nhất của nước Nga và Liên Xô thời đó”. Vậy mà, không biết xuất phát từ tình cảm gì Tố Hữu, một nhà thơ của cách mạng lại có mấy câu thơ hướng thượng, nghe vong bản đến buồn nôn là: “ yêu biết mấy nghe con tập nói, tiếng đầu đời con gọi Stalin”. Còn khi Stalin chết, không biết có họ hàng hang hốc gì với ông ta không mà Tố Hữu, một người Việt Nam (chắc chắn là chưa hề được gặp Stalin) đã có thơ khóc với theo quan tài cách cả hàng ngàn cây số đường chim bay, bằng những lời đại bất hiếu với người ruột thịt trực hệ của mình, thế này: “ Thương cha, thương mẹ, thương chồng. Thương mình thương một, thương ông thương mười”. Ôi! Lời thơ khóc mới thê lương, thảm thiết làm sao, nếu át được tiếng phèng la, tiếng nhạc chói tai, nhức óc của đội kèn đồng đưa đám, để Stalin nghe thấy, chắc “ngài” cũng thấy nhột, phải lập tức bật nắp quan tài ngồi dậy, mà rằng “ thằng đéo nào ở đâu mà lịnh thế !”
Khoảng thời gian 1985 – 1990, bắt đầu xuất hiện và sau đó người ta nói nhiều đến hai từ “cởi trói”. Nào là, cởi trói cho nền kinh tế; cởi trói cho nông dân, cởi trói cho… v.v. Và, văn nghệ đã mừng húm vì cũng được “ban” cho hai từ “cở trói” này. Câu hỏi đặt ra là, ai đã “trói” văn nghệ ? “Trói” bằng cái gì ? Trả lời ư ! Ai cũng trả lời được, nhưng không ai trả lời. Lại cũng không ai muốn/dám trả lời cái mà mình có thể trả lời. Bi kịch thế đấy. Nhưng cũng có người phán tỉnh queo, rằng “có ai trói các anh đâu! Tự các anh trói mình, rồi còn “trói” lẫn nhau đấy chứ?”. Thế là thành bi, hài kịch. Than ôi! Có lẽ, chung quy cũng tại bởi cái tư duy văn “nô” của cái sự văn “nô”.
Tôi đã mang tất cả những “tản mạn” nói trên trao đổi với một bạn viết. Sau giây phút trầm ngâm, ông bảo “ Ừ! kể cũng phải. Tiên trách kỷ hậu trách nhân, cái mình nghĩ trong đầu thì cường quyền, thời thế đéo nào “trói” được…. Chẳng qua là mình cứ tự huyễn hoặc mình, tự lừa mình, rồi lại mang cái sự lừa ấy để lừa nhân dân mình. Thế là giả dối, là khốn nạn, là lưu manh đấy! ”. Nghe ông nói, tôi giật mình nhớ đến bài thơ “Bi kịch hót” của anh Bùi Minh Quốc:
Tưởng bay ngàn dặm thơ
Hóa vòng vo nhảy nhót
Giữa cái lồng rất to
Tự đan bằng tiếng hót.
Bài thơ chỉ có mấy dòng mà cứa vào ta bao nỗi xót sa, cười ra nước mắt, thương cho con chim không tự biết rằng, nó đang “hót” theo, nhảy nhót theo, nhại theo lời ca và cái vũ điệu lăng nhăng, bát nháo, vô cảm của một thằng hề./.
(*) Thơ – Nguyễn Chính