Câu hỏi của Lưu Hoàn:
Dư luận từ thuở nào đến vẫn truyền khẩu một thực tế phũ phàng, nhưng tôi cho là rất thật. Đó là câu: “hai cô ca sĩ có thương nhau bao giờ”.
Dư luận cho đến ngày hôm nay, chưa có một câu hát dân gian nào tương tự dành cho nhà văn, nhà thơ. Trong gia đình tôi, bên nội cũng bên ngoại của tôi, có ít nhất hai người thuộc giới cầm bút, cũng thuộc loại có tên tuổi, tôi không muốn tên, để khỏi bị mang tiếng là “ăn theo”. Nhưng qua họ, tôi lặng lẽ quan sát thì thấy rằng nơi sâu thẳm nào đấy của thâm tâm họ, dù có liên hệ gia tộc với nhau, họ vẫn không bỏ lỡ cơ hội “giảm giá” tài năng, tên tuổi của nhau. Tôi muốn nói giữa hai người này với nhau, còn như thế huống hồ chi với những người khác, không bà con, không chằng rễ… Tôi biết họ có nhiều “đòn ngầm” hạ nhau đôi khi tồi tệ, đê tiện lắm kìa!
Trở lại với Trịnh Sơn, trước đây, tôi không hề biết đến thơ Trịnh Sơn, cho tới khi website dutule.com, đăng một bài thơ của Trịnh Sơn, rồi sau đó là một bài giới thiệu của nhà thơ DTL cũng trên website ấy, tôi thêm chú ý và có phần “nể nang” tài năng của Trịnh Sơn.
Nhưng điều tôi bất ngờ ngạc nhiên một cách thích thú là khi nhà thơ DTL giới thiệu hai người làm thơ khác là Hoàng Quý và Miên Di, cho trang nhà DTL và trong bài viết ông ấy có nói rõ do Trịnh Sơn giới thiệu. Nó cho tôi thấy chẳng những Trịnh Sơn không đố kỵ người cùng giới mà còn tích cực, ra mặt tiếp tay đưa họ đi xa hơn nữa. Phải nói là cá nhân tôi khâm phục lắm.
Vì thế, tôi có hai câu hỏi cho Trịnh Sơn. Trịnh Sơn trả lời một lần cũng được hoặc chia thành 2 lần thì càng tốt. Và cũng tốt thôi, nếu Trịnh Sơn không trả lời 2 câu hỏi của tôi. Tôi nghĩ không vì thế mà tôi giảm đi lòng quý Trịnh Sơn về cái tinh thần quý trọng những người có tài cùng giới với mình.
Câu hỏi thứ nhất:
- Xin cho biết tình thân giữa Trịnh Sơn và Hoàng Quý, Miên Di ở mức độ nào? Có chung nhiều quan điểm, băn khoăn hay suy nghĩ về thi ca không?
Câu hỏi thứ hai:
Với một người làm thơ mà TS không quen biết nhưng thấy họ hay thì TS có giới thiệu họ cho một diễn đàn văn học nào đó không?
Có hoặc không xin có lời giải thích.
___________
Trịnh Sơn trả lời
Dường như tôi có đọc đâu đó, một bài báo thì phải, đại loại: Chẳng nơi nào mà sự đố kỵ, ganh ghét bằng trong thế giới nhà văn.
Buồn cười, người làm văn chương, nghệ thuật – hẳn phải có cái tâm, cách nhìn “đẹp”. Tại sao lại đến nông nổi như thế nhỉ?
Con gà tức nhau tiếng gáy? Con gà biết gáy, hiểu được ý nghĩa tiếng gáy, tự tin mình gáy hay thì còn thời gian đâu, công sức đâu mà ghen ăn tức ở với con gà khác, tiếng gáy khác mình?
Hiện tượng như độc giả Lưu Hoàn phản ánh, ở Việt Nam ngày nay có một cụm từ để nói, là “dìm hàng”: Ông A viết bài phê bình “dìm hàng” cuốn sách của ông B; Nữ nhà thơ X nói xấu, “dìm hàng” đồng nghiệp Y mới nổi; Tác giả ấy là một chuyên gia “dìm hàng”;…
Ai đó nghĩ ra chữ “dìm hàng”, hẳn rất thâm thúy. Bạn khó lòng, thậm chí là không thể dìm một cái phao tốt xuống đáy nước. Còn như, cái phao thủng, đang xì hơi hoặc thứ gì không thể tự nổi được, đang phải đeo bám trên một chiếc thuyền, cái phao khác để ngoi lên trên mặt nước – thì chẳng chóng thì chầy, một con sóng/gió nhẹ cũng có thể khiến nó chìm nghỉm. Ngỏm củ tỏi. Không cần bàn tay nào “dìm hàng”.
Không chỉ Hoàng Quý, Miên Di (xin lỗi, vì ông/bà Lưu Hoàn đã nhắc tên nên tôi nhắc luôn), mà còn vài tên tuổi khác nữa – dù thân hay sơ, biết hay không – tôi sung sướng khi bắt gặp tác phẩm của họ, đọc họ và giới thiệu họ với độc giả rộng lớn hơn. Trên hết, là tác phẩm. Khó tin được rằng, tôi và Miên Di hoặc Hoàng Quý không hề thân thiết. Nhưng, sự thật là vậy. Nhiều khi, chúng tôi còn “hục hặc”, “gây gỗ” với nhau, trong văn chương chữ nghĩa thôi (trong đời thực, thì chẳng có gì đáng để gây, hihihi). Vậy mà, trước sau, tôi vẫn kính trọng tác phẩm của họ, và mong muốn tác phẩm ấy đến được người đọc thực sự. Giả dụ, họ xuất hiện trở lại một lần nữa, tôi vẫn xin phép được đọc và giới thiệu họ. Không hề ân hận.
Khộng thể chối cãi, ở Việt Nam , nhất là trong cõi văn chương mù mịt phù phiếm, đang diễn ra một điều đã thành quen thuộc chứ không chỉ là hiện tượng: Bè cánh. Tung hê, bợ đỡ, lăng-xê, trao giải, khen ngợi kẻ cùng phe. Người ta gọi là “gà”. Nhà văn trẻ ấy là “gà” của ông nhà văn già kia, chẳng hạn. Ngược lại, khác phe phái thì chê bai, hạ bệ không tiếc thủ đoạn nào. Hóa ra, lợi ích nhóm không chỉ xuất hiện trong kinh tế, chính trị mà còn nhan nhãn trong giới làm nghệ thuật.