“Có nhớ thương tôi thì đến với tôi bây giờ/Đừng đợi ngày mai lúc mắt tôi khép lại/Đừng đợi ngày mai có khi tôi đành xuôi tay/Trôi dạt về đâu, chốn nào tựa nương...” Ca khúc “Nếu có yêu tôi” (thơ Ngô Tịnh Yên) do ca sĩ Nguyễn Cao Nam Trân cất giọng đã mở màn cho đêm nhạc tình tứ Trần Duy Đức vào đúng 7 giờ 30 tối Thứ Bảy, 7 Tháng 12, 2013, khi hội trường Nhật báo Người Việt không còn một chiếc ghế nào trống chỗ và nhiều người phải đứng xem suốt chương trình kéo dài gần 3 tiếng.

Nguyễn Cao Nam Trân trong đêm Trần Duy Đức (Hình Ngọc Lan)
Mặc cho trời chuyển lạnh - cái lạnh cắt da cắt thịt nơi người ta đã quen với khí trời ấm áp quanh năm;
Mặc cho tiếng gào thét, phản đối - sự phản đối bên ngoài của lác đác vài người bất mãn với cả thế gian;
Người ái mộ đêm “Nhạc của Thơ”, hay nói đúng hơn, ái mộ dòng nhạc Trần Duy Đức, vẫn cứ lần lượt đổ về cuối đường Moran, trong những trang phục lịch lãm, trong dáng vẻ thanh thản, của những con người yêu nhạc, yêu thơ, và yêu một nét sinh hoạt rất tài tử của Nhóm Yêu Nhạc thuộc Viện Việt Học - người đứng ra tổ chức đêm “Trần Duy Đức - nhạc của thơ.”
***
Phải nói ngay một điều, có thể do tôi không có nhiều cơ duyên để nghe nhạc Trần Duy Đức, nên ngoại trừ bài hát mở màn “Nếu có yêu tôi” là tôi có thể vừa lắc lư, vừa vỗ tay nhè nhẹ hòa theo giai điệu cùng ca sĩ Nguyễn Cao Nam Trân, còn lại, thì hầu như tôi không thuộc. Mà không thuộc tức là không nghe nhiều.
Thế nhưng, lần đầu tiên đứng cuối hội trường để nghe những “ca khúc mới” - với tôi, và những giọng ca không quen - với tôi, có những điều rất thú vị. Bởi lẽ, những gì thuộc về “buổi đầu” cũng đều lưu luyến, khó quên.
Trong số hai mươi ca khúc được chọn trình diễn trong đêm đầu đông, thì hết 19 bài có nguồn gốc là thơ. Chỉ duy nhất bài cuối cùng, “Khúc mưa sầu”, là cả nhạc và lời đều của Trần Duy Đức, vì “ban tổ chức thương tình nên cho vào,” theo cách nói hóm hỉnh của người nhạc sĩ có dáng vẻ của nhà hiền triết.
Thơ của Du Tử Lê, thơ của Cung Trầm Tưởng, Tô Thùy Yên, Ngô Tịnh Yên, Hà Nguyên Du, Nguyễn Dũng Tiến, Nguyễn Nam An, đặc biệt thơ của Cẩm Vân, một nhà thơ từ bên trời Na Uy, đi vào nhạc của Trần Duy Đức mang âm hưởng thật lạ.
Tôi sẽ tự xếp nhạc-thơ Trần Duy Đức vào dòng nhạc “khó hát” nhưng mà nghe nhiều sẽ ghiền, sẽ phê.
Nếu gặp nhạc sĩ Trần Duy Đức từ thuở tôi còn tin vào thế giới của cổ tích, thì tôi chắc chắn đã nghĩ rằng ông đến từ trong thần thoại Hy Lạp. Tuy vậy, ông lại là người rất cởi mở khi nói về chuyên môn của mình, thuộc lãnh vực viết nhạc, soạn lời ca.
“Phổ nhạc cho thơ rất khó. Vì mỗi ca khúc thường sẽ có phiên khúc thứ nhất, phiên khúc thứ hai, rồi điệp khúc, rồi trở lại phiên khúc. Khi mình tự viết lời thì mình có thể làm điều đó dễ dàng theo ý mình. Còn đối với bài thơ có sẵn thì làm sao phân chia được bố cục như vậy? Làm sao để mình đặt hồn nhạc vào thơ? Có hiểu như vậy mới thấy công khó của người phổ nhạc cho thơ.” Người nhạc sĩ chia sẻ.
Người nhạc sĩ “chưa từng gặp trường hợp nhà thơ nào nổi giận sau khi phổ nhạc thơ của họ” nói tiếp, “Tôi may mắn, cảm thấy không giải thích được, khi thấy có cơ duyên để phổ nhạc cho nhiều bài thơ. Và điều tôi cảm thấy rất vui, là khi phổ nhạc cho thơ, tôi giữ lại được hết nguyên bản bài thơ. Đó cũng là điều khiến các nhà thơ cảm thấy vui. Vì nếu một bài thơ mà bị xé ra hết thì nhiều khi mình làm hỏng bài thơ của người ta.”
***
Nhạc sĩ Trần Duy Đức đến với đêm nhạc mang tên ông trong tư cách “như một người khách mời.”
Mà vì là “khách mời đặc biệt” nên ông được ban tổ chức cho “cái quyền” không ngồi (vì ghế đã nhường hết cho khách rồi) mà đứng nép bên cánh gà để nghe “các bạn trong nhóm yêu nhạc hát” ca khúc của ông.
Khánh Ly, Ngọc Lan, Bằng Kiều, Trần Thái Hòa,... đều đã hát và hát nhiều lần nhạc của Trần Duy Đức. Nhưng nép bên cánh gà, hay đứng cuối hội trường nhật báo Người Việt lần này, để nghe Nguyễn Cao Nam Trân, nghe Hồ Kim Hiếu, nghe Mạnh Cương, Hoàng Nhung, Bích Huyền, Ái Phương, Vương Lan, Hàn Phúc, Khắc Hiền, Minh Phượng, Khang Huy, Thế Khải, Ái Phương, Uy Vũ hát tình ca từ những bài thơ do Trần Duy Đức phổ nhạc trong không gian ấm cúng của một đêm gần cuối năm, mặc cho bên ngoài nhiệt độ xuống đến tê người, “lại có tâm trạng và không khí rất khác,” như ca sĩ Khang Huy nhận xét.
Còn nói như nhạc sĩ Trần Duy Đức thì “Việc có nhiều ca sĩ trẻ, không chuyên trình diễn các bài hát của mình không làm tôi âu lo, mà trái lại tôi thấy tin tưởng họ lắm.”
Ông tin tưởng bởi, “Lòng yêu âm nhạc và sự nhiệt tình của họ khiến họ lướt qua tất cả, khiến họ hát rất tình cảm, vượt qua hết những gì còn khiếm khuyết.”
Không chỉ vậy, theo người nhạc sĩ này, “Có những người trước đây tôi chưa từng nghe, như Hoàng Nhung, Nguyễn Cao Nam Trân, Bích Huyền, và nhiều người tôi chưa kịp nhớ tên ngay lúc này… họ hát khiến tôi ngỡ ngàng, không ngờ họ hát quá hay như vậy. Hay quá!”
Nhạc sĩ Trần Duy Đức nói đúng.
Tôi biết Uy Vũ, xem Uy Vũ trình diễn trên sân khấu trong vai trò của một người chơi nhạc không biết bao nhiêu lần, nhưng đây là lần đầu tôi nghe Uy Vũ hát, “Trong trời anh xanh vút”, một bài nhạc được phổ từ bài thơ của Cung Trầm Tưởng. “Mở cửa đón em vào... Mắt em nghiêng hướng gió/Tóc em xuôi chiều mây...” giọng hát của Uy Vũ dường như có ma lực để gọi mời... người ta phải nghe thêm.
Giọng ca Bích Huyền cũng khó làm người ta dời bước trước khi bài hát chấm dứt. Nghe “Chàng nhạc sĩ và con chim nhỏ” phổ nhạc từ thơ Cẩm Vân, cứ ngỡ như đang nghe Bích Huyền kể một câu chuyện, với nhiều cung bậc.
Một trong những gương mặt thường xuyên xuất hiện trong các chương trình ca nhạc của “Nhóm Yêu Nhạc” là Hàn Phúc. Hàn Phúc được chú ý trước hết có lẽ vì anh thuộc thế hệ trưởng thành tại mảnh đất này, nhưng lại là người “có duyên” với những bài không dễ hát, như “Ta thấy hình ta những miếu đền” phổ thơ Mai Thảo, mà anh thể hiện trong đêm nay là một ví dụ.
“Sang Mỹ từ nhỏ, nhưng lý do để Hàn Phúc chọn những loại bài hát này là vì ban tổ chức thấy mình phù hợp với dòng nhạc đó. Cũng có thời gian Hàn Phúc xém quên tiếng Việt, đọc viết tiếng Việt rất khó khăn. Nhưng sau thời gian đi theo tìm hiểu, 'research' thêm về những bài hát mình muốn trình bày thì Hàn Phúc thấy ngày càng thích đi sâu vào dòng nhạc Việt Nam, học hỏi thêm được nhiều tiếng Việt, giờ thì Hàn Phúc đến với khán giả qua dòng nhạc được cho là khó nghe.” Chàng ca sĩ trẻ nói tiếng Việt một cách chậm rãi, cho biết.
MC Nguyễn Đức Cường với chất giọng Hà Nội nhiều cảm xúc đã hoàn thành nhiệm vụ một người điều khiển, dẫn dắt, kết nối khán giả vào ca khúc một cách khá trơn tru. Người chưa thể hiện được tròn trịa vai trò của mình trong đêm nhạc Trần Duy Đức có lẽ là MC Đặng Tuyết Mai. Một điều gì đó còn rời rạc, thiếu chiều sâu để “người đẹp không có tuổi” Đặng Tuyết Mai có thể cuốn người nghe vào lời giới thiệu của mình.
Sau cùng, tôi hỏi đùa, “Có lúc nào nhạc sĩ Trần Duy Đức phải nổi giận khi nghe người ta hát nhạc mình không?” Không ngờ ông trả lời thật, “Có chứ. Cũng có lúc mình nổi giận, muốn dựng tóc gáy lên khi nghe ca sĩ hát nhạc mình chứ! Nhưng may quá, không phải đêm nay.” Tiếng cười sảng khoái của người nhạc sĩ được vinh danh trong đêm khiến những ca sĩ đứng quanh cũng vui lây.
Làm sao không vui được, khi có những đêm nhạc như thế, để người ta luôn cảm thấy gần nhau hơn.
Gửi ý kiến của bạn