(Theo yêu cầu của ban Tổ chức buổi sinh hoạt chủ đề “Tác giả và tác phẩm Pleiku” diễn ra vào lúc 20 giờ ngày 21 tháng 12 năm 2013, tại Sesan Coffee Piano, đường Trần Hưng Đạo, Pleiku).
Chào Sơn Nguyễn,
Chào quý vị và các bạn tham dự chương trình “Tác giả và Tác phẩm Pleiku” tại Sesan Coffee Piano.
Thưa quý vị và, các bạn, Pleiku với tôi không chỉ là thành phố đẹp nhất vùng cao nguyên nam phần - - Vì Pleiku không quá “điệu đàng” như Đà Lạt, cũng không quá đìu hiu như Kontum, Phú Bổn - - Mà Pleiku còn là nơi ươm giữ một phần đời quan trọng của tôi – cả đời thường lẫn văn chương, nữa.
Cụ thể, người bạn đời hiện tại của tôi, Phan thị Hạnh Tuyền, tốt nghiệp chương trình 4 năm Đại học Sư phạm Huế trước 1975. Sau khi tốt nghiệp, nhà tôi có thể chọn 1 nhiệm sở gần nhà hơn… Nhưng vì tôi mà, nhà tôi đã chọn thành phố Pleiku…
Pleiku cũng là nơi tôi có một số bằng hữu thân thiết, như nhà thơ Kim Tuấn (đã mất). Nhà thơ Vũ Hoàng vẫn ở lại và, một người em kết nghĩa là Đỗ Vẫn Trọn, hiện cư ngụ tại miền bắc California…
Thưa quý vị và, các bạn,
Khi nhận được thư của Sơn Nguyễn, trong tôi hiện ra lập tức một số thơ và, tùy bút tôi viết từ và về, Pleiku. Thí dụ như hai bài thơ “Khi ngang qua Pleime” và, “Pleiku và hoa quỳ”
Trước khi đọc hầu quý vị và các bạn nghe bài thứ nhất “Pleiku và hoa quỳ”, tôi có một chú thích nhỏ:
Do tình cờ định mệnh mà, đường Trần Hưng Đạo nơi tọa lạc của Sesan Coffee Piano, tên cũ, Trình Minh Thế đã có mặt trong thơ của tôi, cách đây 40 năm
Bây giờ, xin mời quý vị và các bạn nghe, “Pleiku và hoa quỳ”, thơ của một người xa Pleiku mà hồn vẫn “sống” với Pleiku:
“khi ta trở lại rừng
chỉ còn nghe gió hú
cành trơ những tay sương
lá yên phần rã mục
“suối khô đời giang hồ
biển quên hồn vật vã
và những bông hoa quỳ
rét vàng vai cỏ héo
không còn dấu vết nào
cho ta tìm ta nữa
“khi ta trở lại rừng
chỉ còn nghe gió hú
ta tự hỏi thực chăng?
nơi này ta đã tới?
ta tự hỏi thực không?
chốn này em đã ở?
khi vừa chớm thanh xuân
tóc, rừng đông gió cuốn
mắt, một giòng mưa non
chân, ngập ngừng bão táp
tay, mười ngón cô đơn
vật vờ dung nhan lạnh
“thần thánh nào quên ngôi
đọa trần ai khổ ải
em một phút mê vui
chọn đời ta bước tới
lửa tự ngực thanh tân
em thắp hồn ta sáng
cháy bằng máu trăm năm
tình muôn đời bất tử
“khi ta trở lại rừng
chỉ còn nghe gió hú
núi trong buổi chiều nay
nhìn ta bằng mắt lạ
hoa nở vàng chân mây
tái tê từng cánh nhỏ
một đời chim, đã bay
thú lìa rừng nhỏ lệ
gió hú qua đồi cây
núi thu mình, nín lặng
“bây giờ chỉ còn sương
trên đường trình minh thế
và một chút đau thương
cho em, phần sót lại.
núi trong buổi chiều nay
không còn nghe thở nữa.”
Tuần lễ văn hóa tại Pleiku, 1971
(Du Tử Lê, ngoài cùng tay trái).
Cũng vậy, trước khi mời quý vị cùng các bạn nghe bài thơ thứ hai, “Khi ngang qua Pleime”, tôi thấy nên nói thêm rằng, danh từ “Pleime” và “Thiên Lý” trong bài thơ này là trường Trung học Pleime, và quán café “Thiên Lý” cũ, có trước tháng 4-1975, ở thành phố thương yêu của chúng ta:
Và, đây, bài thơ “Khi ngang qua Pleime” của tôi:
“khi ta đến cây im rừng nín thở
một mặt trời rực rỡ đỉnh truông xa
một hồn xanh gọi rét mướt hiên nhà
một tóc chảy theo trăm giòng suối lạ
đêm thánh lạnh mắt chim xào xạc lá
run vai sương cành nặng nhớ hơi người
trong hiu hắt lòng ta sầu chín ngả
một thiên đường hiển hiện giữa môi soi
“khi ta đến núi bảo nhau đứng dậy
ngả mũ chào – ta ngọn gió điên mê
hương thiên lý thổi qua lòng đắm đuối
em hiểu gì, hỡi nhỏ, dấu yêu kia
đêm sương phủ có lệ người ướt áo
khi ra về buồn xuống bước chân nhau
tay thơ dại em che hồn ta dột
nụ hôn đầu liệu có nhớ mai sau
“khi ta đến, nhỏ ở đâu, hỡi nhỏ
rưng lòng ta, suối bỏ núi, qua rừng
thương mắt nhỏ – bóng chim buồn ngủ đó
tiếc gì nhau, đời kể cũng như không
khi tình đã như nghìn con thác đổ
em yên lòng, thôi nhỏ, có ta trông”.
*
Tuần lễ văn hóa tại Pleiku
(Du Tử Lê, thứ hai, từ phải)
Trước khi tạm biệt quý vị và các bạn, xin cho tôi được nói ra mong ước của tôi là: Một ngày nào, tôi và nhà tôi, cô giáo một thời của Pleiku sẽ được trở lại, hít thở và, sống với thành phố đã ở với chúng tôi từ nhiều chục năm qua.
Trân trọng kính chào quý vị và các bạn.
Du Tử Lê
(Calif. Dec. 17 2013)
*Xin mời quí vị nghe nhà thơ Du Tử Lê nói về Pleiku: