như mọi người, cuối cùng, cách gì rồi thi sĩ
cũng sẽ đi xa.
nhưng khác hơn chúng ta,
chàng đã để lại cho đời sau, nhiều thứ.
chàng để lại cho ta:
thơ. nhạc. và, “Hòn đá làm ra lửa”.
*
những bài thơ lãng mạn, một thời rộn tiếng ve:
“những con ve nhỏ hết hồn kêu vang”. (Những)
“môi ai chín đỏ đầu cành phượng xưa”. (*)
những câu thơ rực rỡ đầu đời ta.
những câu thơ dẫn dắt tuổi trẻ chúng ta trong chiến tranh ngang qua nghĩa trang. (Để)
“nghe những lời linh hồn…
“trong mộ phần tối đen”.
*
như mọi người, cuối cùng, cách gì, rồi thi sĩ
cũng sẽ đi xa.
nhưng khác hơn chúng ta,
chàng đã để lại cho đời sau, nhiều thứ.
chàng để lại cho ta:
thơ. nhạc. và, “Hòn đá làm ra lửa”.
Hòn đá mang lại:
“khuôn mặt đêm tháng giêng dàn dụa
“những hàng phượng chụm đầu bốc cháy
“lợp đỏ một mùa hè ngây dại…”
*
- hòn đá nhỏ thôi?
- đúng vậy!
nhỏ thôi!
em có thể bỏ trong túi.
lúc buồn em khẽ nhón. chơi.
nhưng em đừng quên,
thật ra, nó vốn nặng một triệu lần hơn sức nặng trên một trăm “pao” của chàng.
*
- hòn đá nhỏ thôi?
- đúng vậy!
nhỏ thôi!
nhưng em đừng quên,
thật ra, nó vốn cao một triệu lần hơn chiều cao của chàng.
tự thân, nó chỉ cho ta dăm trăm câu
(chính xác, năm trăm lẻ hai câu)
đi ra từ trên / dưới năm nghìn ngày / đêm xiềng xích.
nhỏ thiệt đấy(!?!)
vậy mà,
nó từng được bà Agneta Fleijel
chủ tịch Văn Bút Thụy Điển
sánh với hàng nghìn trang văn xuôi của Solzhenitsyn
tác giả “Quần đảo Gulag”.(1)
*
- hòn đá nhỏ thôi?
(em có thể bỏ trong túi?…)
- quá đúng!
vậy mà,
nó từng được giới thiệu, được đọc lớn
tại trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ. (2)
hơi nóng và tia lửa từ tâm nó
làm chảy nhũn những trái tim chính khách sắt thép và,
ứa lệ những tâm hồn nhạy cảm…
*
- hòn đá nhỏ thôi?
(lúc buồn em có thể khẽ nhón. chơi?)
- đúng vậy!
nhỏ thôi!
nhưng nó là… “Hòn đá làm ra lửa”
nó vạch mặt “chính sách kiểm soát thực phẩm” của Lê Nin.
nó tố cáo chủ trương triệt hạ phẩm giá con người.
cốt lõi của “Lê Nin Toàn Tập”.
như lời Agneta Fleijel:
“nó là ẩn dụ nhân bản sâu thẳm” (để)
“chống lại thứ quyền lực đòi khuất nhục đồng loại!”
*
- hòn đá nhỏ thôi?
- đúng vậy!
nhỏ lắm!
thi sĩ chỉ đau đớn nhắc lại tình, nghĩa vợ chồng:
“Chúng ta đã chia lìa
“Chúng ta bị tước bỏ, bị bôi xóa
“Lần cuối, khi quay đi trong xiềng xích…”
thi sĩ chỉ đau đớn hỏi về những đứa con bị ném khỏi căn nhà
(như người ta lạnh lùng ném ra đường phố, đổ vào cống rãnh đồ phế thải):
“như bao nhiêu người đã lặng lẽ biến mất
“Tôi không biết giờ này em ra sao
“có lượm lại đủ lũ con cái tan tác không
“tôi không biết giờ này chúng thế nào
“em có gì để ăn, cho chúng ăn
“em có cách gì để thở, cho chúng thở
“Em còn chỗ nào để nương náu, tạm bợ…”
*
- hòn đá nhỏ thôi?
- đúng vậy!
nhỏ lắm!
thi sĩ chỉ thốn tâm nhắc lại:
“Bầu trời của ta. Mặt đất của ta. Đời ta
“Nụ cười chân thật mà chúng ta phụng sự
“Thứ tiếng nói tuyệt vời cho thi ca
“Sự diễm lệ của khổ đau mơ ước mà chúng ta tự hào
“Tình bạn, tình yêu mà chúng ta gìn giữ
“Chưa hết. Nụ hôn và hoa phượng
“Lửa và khói. Hạnh phúc và lỗi lầm
“Chúng ta đã bứt ra khỏi nhau
“Em mất tích. Em kiệt sức. Em một mình
“Thật quá nặng cho em
“Làm sao em thở…”
*
- hòn đá nhỏ thôi?
- đúng vậy.
nhỏ lắm!
nhưng nó cho thi sĩ dỗ dành người yêu, nhen lại hy vọng:
“Nó giúp tôi hình dung em dễ dàng
“Em đang nín thở. Em nhăn mặt
“Tôi nghe hòn đá em ân cần:
“Thở đi. Thở đều đi. Đừng nhăn nhó”
“Em đang hốt hoảng. Đang giận dữ
Em bị truy bức, bị lục soát, hạch hỏi
(…)
“Em đang đăm chiêu. Em buồn rầu
“Em bị bóng đen của cùng khốn vây hãm
Tôi nghe hòn đá em thủ thỉ:
“Cười đi. Coi nè. Tui nè. Tui biết làm”
“Và em mỉm cười, chờ nó làm ra lửa
“Tài thật. Dễ thương thật. Phải vậy chớ
“Nụ cười em lấp lánh trong tôi
“Hòn đá đúng đấy
“Nó biết làm. Nó sẽ làm
“Có thể chúng ta sẽ sống sót…”
*
- hòn đá nhỏ thôi?
- đúng. y chang!
thi sĩ chỉ đơn giản tả cái đói.
(em đã bao giờ trải qua cái đói?)
“…Chúng ta đang biết cái đói khác
“Cái đói tùng xẻo rỉ rả đêm ngày
“Được xưng tụng là kinh điển, chính sách
“Được trang phục lộng lẫy bằng mỹ từ
“ ‘Phát minh vĩ đại của thiên tài
“ ‘Vũ khí chuyên chế vô địch của giai cấp
“ ‘Chủ nghĩa bách chiến bách thắng của thế kỷ’
*
- hòn đá nhỏ thôi?
- đúng! nhỏ thôi!
thi sĩ chỉ tự trào giữa những bữa cơm hàm thụ:
“Đêm tối quanh tôi, nấu nướng đang rôm rả
“Anh này trổ tài làm cơm cháy vàng rực
“Anh kia đang lựa vịt chọn gà
“Anh khác nữa, cân đo gia vị
“Họp lại thành bữa thịnh soạn
“Tha hồ mời bạn tù đánh chén
“Không nước, không lửa, không củi
“Không nồi, không gạo, không cả muối
“Càng khoẻ. Cần gì. Anh em nấu bằng miệng
“Thưởng thức. Nhai nuốt. Bằng nước miếng
“Tiêu hoá bằng chính xương thịt mình…”
*
- hòn đá nhỏ thôi?
- đúng vậy!
nhỏ lắm!
thi sĩ chỉ nghiêm trọng cất tiếng về cái đói.
căn bệnh nan y,
đến giờ vẫn ám ảnh gần nửa nhân loại.
- cái đói…quen quá mà?!?
- y chang! quá đúng!
cái đói quen lắm kìa!
nó đã có mặt từ bao đời, kiếp.
nó đã có mặt trong hằng triệu trang sách. hằng nghìn câu thơ.
cái đói, cũng có trong “Quần đảo Gulag”…
nhưng cái đói của “Hòn đá làm ra lửa”
là cái đói khác!
cái đói tự do,
cái đói nhân quyền,
cái đói tử tế
(giữa người với người)
cái đói vợ, chồng
cái đói cha, con.
cái đói bằng hữu:
“…Cái đói sinh động
“Cái đói tuyệt vời
“Tia nhìn của hạnh phúc rạng rỡ
“Món quà đằm thắm, anh chồng đi làm về tặng vợ
“Như tôi hằng mong sẽ còn dịp tặng em
“Sẵn sàng nhé, hòn đá cổ sơ
“Đây rồi, ngọn lửa chung của ta
“Được lắm. Chẳng cần phải nhờ thêm bóng tối
“Tôi đang tưởng tượng em dễ dàng
“Chân tay mặt mũi em. Thân thuộc biết bao
“Hình thể con người. Tuyệt diệu thật
“Hèn chi ta yêu nhau đến thế
“Hèn chi ta yêu bạn bè ta đến thế
“Chúng ta không chọn nhau
“Chính ngọn lửa của chúng ta chọn dùm
“Chúng ta cũng không chọn quê hương
“Không chọn cha mẹ, anh chị em
“Chúng ta đâu có chọn bằng hữu
“Tôi thường kể với em về họ
“Như sao, những đứa con bị đẻ rơi
“Bị buộc cùng sáng một góc trời
“Chúng tôi đã côi cút nô đùa
“Giữa tro bụi lem luốc của mưa thu
“Dưới móng sắc cay nghiệt của gió bấc…”
*
- giờ em đã hiểu ra rồi,
phải không?
tình yêu dẫn ta vào thế giới
bằng hữu cho ta nhân loại!
- dù nhân loại chưa từng được no đủ?
(như chúng ta chưa từng được no đủ?)
phải cảm ơn của thi sĩ?
- đúng vậy, em.
chúng ta phải cảm ơn cái đói của hai hòn đá làm ra lửa.
thi sĩ nhắc nhở chúng ta:
“Hãy tin sự khôn ngoan của nhân loại”. (và)
“Tôi chia xẻ với em khúc tụng ca bi tráng
“của quê hương và thời đại chúng ta
“Cái đói tùng xẻo. Kẻng ăn. Rớt nhãi
“Sự khuất nhục
“Những vết sẹo chằng chịt một thời
“Tất cả. Rõ ràng
“Có công dụng của nó
“Nước miếng nhân loại sẽ chẳng bao giờ cạn
“Một loại vắc xim mới sẽ xuất hiện
“Nụ cười những hạt cơm tương lai sẽ được chích ngừa
“Mưu ma chước quỉ không đụng được đến nó
“Chữ đói, vĩnh viễn được trả về đúng nghĩa:
“Nốt nhạc chung tươi tắn trong ngôn ngữ loài người…”
*
- cái đói:
“Nốt nhạc chung tươi tắn trong ngôn ngữ loài người”?
- y chang! quá đúng!
giờ em đã hiểu!
“Hòn đá làm ra lửa”
nhỏ thôi!
nhưng nó thật lớn lao!
nó tử tế!
nó nhân loại!
nó mang niềm tin ấm áp
trả lại cho quê hương.
trả lại cho tổ quốc.
trả lại cho đồng bào,
cho chúng ta!
hôm nay và, ngày tới.
dù cuối cùng, cách gì, rồi thi sĩ
cũng sẽ đi xa.
sau khi chàng đã để lại cho ta,
nhiều thứ!.!
Du Tử Lê
(Jan. 2014)
__________
(*) Tất cả những câu thơ trong ngoặc kép, chữ nghiêng là thơ Trần Dạ Từ.
(1) Đọc thêm Agneta Fleijel, Chủ tịch Văn Bút Thụy Điển: Tựa thi phẩm “Tran Da Tu / The Stone That Generates Fire and Other Poems”, do Dr. Cường Nguyễn chuyển ngữ, ấn bản Anh ngữ, 1991.
(2) Hoa Thịnh Đốn, ngày 28 tháng 1-1992.
Gửi ý kiến của bạn