“tôi đi trở ngược thời gian,
thấy em bé xíu. thuở còn… ngậm ti”
(thơ dtl).
Đó là một ngày cuối tháng Ba. Mùa xuân ở miền nam California được đánh dấu bằng những đêm mưa bất thường và, gió đẫm giá rét. Tôi không nhớ sớm mai thứ mấy, chở T. đến khu Garden Grove Hospital Medical Center ở ngã tư đường Palm và Garden Grove Blvd, theo lịch trình radiation T. phải trải qua, sau hai lần mổ.
Sớm mai gió cuồng chân, chạy nhầu trên những ngọn cypress và, palm đen, mốc, cao ngất, ngả nghiêng như những người khổng lồ ốm nhom, châng lâng trên đôi chân cà-kheo xộc xệch. Những chiếc lá bị bứt khỏi cành, không đường về, ngơ ngác, là là bay như những cánh bướm nhúng nước, chỉ còn chung mầu vàng xỉn. Mưa đêm đọng từng vụng nơi những khoảng đường trũng.
Tôi không thể soi mặt mình nơi những tấm gương trong suốt kia. Nhưng ký ức hắt bóng trong tôi: Những ngày đầu, vì tôi, T. chọn nhiệm sở Pleiku: mùa thu 1974.
Mới tựu trường, những nữ sinh Pleime khi tan học, ra về trên đoạn đường Trình Minh Thế, Pleiku, đã được các chàng trai làm thành những cái-đuôi-náo-nức! Một trong những áo trắng/ Pleime làm thành cái-đuôi-náo-nức ấy là Thu Đào Phạm, hiện ở cùng một thành phố với chúng tôi. Câu chuyện thời trẻ dại “anh theo… Đào về” (1) trở thành chuyện kể, khi một trong những học sinh si tình, theo đuôi kia, tử trận, được bạn ghi lại, phổ biến trên net, khiến tôi chạnh lòng!
Tôi chạnh lòng vì, ngay tự những ngày mới tựu trường, tôi cũng muốn… “theo” không phải một nữ sinh Pleime nào đó mà, là một cô giáo của trung học Phạm Hồng Thái. (2) Vậy mà phải đợi mãi hai tuần sau, tôi mới có sự vụ lệnh công tác Pleiku.
Khi những vỉ sắt của phi trường Cù Hanh oằn mình, dãn, nở dưới sức nặng của chiếc C-130, thì trời đang mưa. Không biết mưa bao giờ? Nhìn qua cửa kính, tôi thấy trời/ đất cùng một màu sữa đục. Xa xa, nhấp nhô những đỉnh núi nhọn, hình nón khổng lồ, tím mận.
Như thường lệ, bạn tôi Kim Tuấn cùng người tài xế chờ tôi trong phòng đợi phi cảng. Họ đưa tôi về thẳng phòng làm việc của Kim Tuấn, thông báo việc tôi đã đến. Nhìn đồng hồ, bạn tôi đề nghị:
“Giờ này còn sớm, chắc H.T. chưa tan lớp đâu, chúng ta ra phố uống ly café…”
Ra xe, tôi nói với người tài xế, nếu được cho tôi về phố bằng đường Trình Minh Thế. Kim Tuấn cười cười, hỏi, có phải tôi muốn thấy con đường trong bài thơ tôi mới viết, trong mưa?
Tôi hỏi lại:
“Bài nào?”
Tuấn nói, bài “Pleiku và Hoa Quỳ”. Tôi đáp, không hẳn thế.
Nhường tôi ngồi băng trước, từ băng sau, bạn tôi nhoài người lên, đọc nhỏ: “gió hú qua đồi cây/ núi thu mình, nín lặng/ bây giờ chỉ còn sương/ trên đường trình minh thế/ và một chút đau thương/ cho em, phần sót lại…”
Tôi nói, bài thơ của tôi bỗng hay hẳn lên, nhờ trí nhớ của bạn! Kim Tuấn lắc đầu:
“Tôi chú ý vì bài thơ của ông như một lời chào đón H.T tới Pleiku mà sao tôi thấy nó không vui? Có cái gì buồn buồn! Nhất là hai câu ‘và một chút đau thương/ cho em phần sót lại’…”
Tôi kịp giữ lại, để không nói với bạn rằng, đúng thế! Khi viết những câu thơ kia, trong tôi có thấp thoáng ý nghĩ, tội nghiệp T. Chỉ vì ích kỷ, tôi muốn T. dạy ở một thành phố gần Saigon hơn Huế, hầu dễ dàng hơn cho tôi, trong những thăm nom. Mặc dù Pleiku cũng là nơi tôi đã lưu lại ít, nhiều dấu vết… Nhưng khi T. báo cho biết đã chọn Pleiku thì, tôi lại thấy thương T. Thấy ân hận và, biết ơn T.
Cảm nghĩ này, tôi chưa hề một lần hé răng với T, sau bao nhiêu năm chung sống. Tôi im lặng cả khi T. nhắc chuyện Cơ, một đồng nghiệp của T. Cơ thấy nhiều thư của tôi gửi cho T. ở phòng giáo sư, cũng như đôi lần thấy tôi đón T., trong sân trường Phạm Hồng Thái, gần đồi Đức Mẹ, Cơ đã nghiêm trọng cảnh cáo T., nên xa tôi ngay! Cơ giải thích, vì tôi là người từng nổi tiếng… “lăng nhăng” ở Pleiku!?!
T. còn kể, chuyện tình của tôi và T. cũng lan nhanh trong giới học sinh. Đến độ đôi lần, trước khi T. vào lớp, học trò đã viết tên tôi trên bảng, để chọc T. Khiến một thầy từng “theo” T. những ngày đầu ở Pleiku, đã lặng lẽ… rút lui.
Thay vì tâm sự với bạn, tôi lập lại lời cảm ơn Tuấn. Đồng thời nhờ bạn chuyển lời cảm ơn của tôi đến Lê Nhược Thủy, Vũ Hoàng… những người thế tôi, đón T. và Thanh, tại phi trường Cù Hanh, ngày đầu tiên T. đặt chân tới thành phố cao nguyên đất đỏ mưa mù này.
Du Tử Lê (Thứ nhất trái, 1973)
Người tài xế thả chúng tôi xuống cà phê không bảng hiệu, đường Hai Bà Trưng, lẻ loi giữa khu Dinh Điền cũ. Mưa đều hạt, không hẹn giờ ngưng. Lâu lâu, gió lại trút từng đợt mưa rào, từ cành thông xuống mái tôn quán không tên.
Đó là nơi tôi nghe được nhiều tiếng gió hú của rừng, khi chiều xuống. Tiếng rơi của trái thông và, cành khô, gẫy những ngày nắng, nóng rộp đường nhựa. Hình ảnh, âm vang ngày, tháng cao nguyên, in đậm vết hằn trong tôi. Thản hoặc, chúng lại tái hiện trong thơ, văn của tôi, từ vô thức: “Khi ta trở lại rừng/ chỉ còn nghe gió hú…” Hay: “tháng hai, nắng ở phương trời khác/ mà tiếng rơi ròn, khua ở đây”…
Tôi nhớ, có những tinh sương, khi trời còn đặc, quánh bóng tối, tôi và Vũ Hoàng đã lách mình qua tấm liếp che cửa, chui vào quán; ngồi co ro gần bếp lửa, gọi ly café đầu ngày.
Trở lại café “Dinh điền” lần đó, trong lúc chờ T. hết giờ dạy, tôi và Kim Tuấn tiếp tục nói với nhau về những người bạn chung ở Saigon/ Pleiku. Khoảng cách cả ngàn cây số đường chim bay, dường ngắn lại, trũng xuống… Chúng tôi nhắc tới số bằng hữu bị cơn lốc chiến tranh cuốn đi, vĩnh viễn. Tuy nhiên, trọng tâm vẫn là những kỷ niệm chúng tôi có với nhau trong những lần gặp T, thời T. học năm thứ hai ở ĐHSP/ Huế.
Bạn tôi nhớ nhiều, gần như từng chi tiết nhỏ chuyến đi Đà Lạt không định trước. Chuyến đi ngẫu hứng có T. và J. đến từ Huế. Tôi từ Saigon. Người bạn gái tên Mộng Cầm của Kim Tuấn, đến từ Đà Nẵng. Vũ Hoàng, Kim Tuấn đến từ Pleiku.
Bạn tôi đốt thuốc liền tay. Kỷ niệm tuy chưa xa mà, đã lấp lánh những hạt sương rớt, sót trên mặt lá sâu ăn? Hay như những quầng sáng bên kia dòng sông, nước xiết? Qua những dải khói xanh liên tục bay lên trần nhà thấp, tôi không biết có phải bạn tôi đang thả mình trôi theo cuộc tình ngắn ngủi, khi Mộng Cầm về lại Đà Nẵng, không trở lại? Hay bạn tôi đang hướng tới các chân trời thi ca, đời thường chưa đạt được?
Tới lúc đứng lên, đưa tôi về căn nhà T. thuê cùng với Thanh bên hông Chợ Nhỏ, đường Lê Lợi, bạn tôi ít nói hẳn! Tựa giữa chúng tôi, ai đó đã dựng bức tường ngăn cách. Bức tường làm bằng ký ức hai mặt tối/ sáng. Tiếc thay, bóng tối lại chiếm hơn hai phần ba thị phần!
Thanh (thứ nhất, phải), T. cùng học sinh Phạm Hồng Thái (1974)
Trở về, sau khi T. tự lái xe đi làm, tôi bước ra vườn sau, ngồi trên khúc cây, tựa cột, nhìn mưa nhẹ, rắc hạt như phấn, lên những chậu quỳnh, cành giao, trúc đen, quất, xương rồng sa mạc… tôi bâng khuâng tự hỏi, không biết giờ này, những Thanh, những Cơ đang ở đâu? Những cô/ cậu học sinh ngày xưa của T. ở Phạm Hồng Thái, từng viết ba chữ “Du Tử Lê” giữa bảng đen, trước giờ cô T. vào lớp, hôm nay, ai còn? Ai mất?
Tuổi trẻ, thời chúng tôi, đa số tựa những chiếc lá nõn, xanh, bị bứt khỏi cành, không đường về, ngơ ngác, là là bay như những cánh bướm nhúng nước...
Từ trái: Lê Nhược Thuỷ-03, Hạ Quốc Huy-04, Phạm Duy-05, Lê Uyên-10, Lê Uyên Phương-11, Du Tử Lê-12, Pleiku 1973
Ngồi trên khúc cây, tựa cột, nhìn mưa gieo hạt chậm, đều trên “drive way”, bên ngoài cửa sắt kéo, tôi chợt thấy như đang bay ngược thời gian. Tôi không chỉ thấy T. những ngày Pleiku/ Phạm Hồng Thái. Tôi cũng không chỉ thấy T., những ngày Chợ Mai/ Huế. Con đường Trần Hưng Đạo. Đêm Kontum. Chiều cửa biển Thuận An... Mà, tôi còn thấy T. những ngày thơ ấu. Những ngày mới được ít tháng tuổi, T. đã bị dứt sữa. Đó là lúc mẹ T. để T. lại cho ông bà ngoại, các dì, đi theo tiếng gọi tình riêng! Tiếng gọi thầm thì nào? Chỉ một mình bà nghe, biết!!!
Phải chăng, vì rất sớm, định mệnh đã nhăn mặt, quay lưng với T.? Nên, cuối cùng, để sửa lỗi mình, định mệnh lại dành cho T. nụ cười hiếm? Muộn.
Đó là sớm mai cuối cùng của tháng Ba. Mùa xuân ở miền nam California được đánh dấu bằng những đêm mưa bất thường, sương mù và, nắng trễ. Tôi không nhớ sớm mai thứ mấy, chở T. đến khu Garden Grove Hospital Medical Center ở ngã tư đường Palm và Garden Grove Blvd, theo lịch trình radiation T. phải trải qua, sau hai lần mổ.
Sớm mai nắng trễ nải, mang theo trong nó hơi nóng của lò sưởi được mở ở độ thấp nhất. Cũng có lúc thành phố cúi gầm mặt, vì những trận gió lớn như bão, đột ngột xuất hiện. Chúng bẻ quẹo đầu cypress và, những cây palm đen, mốc… Nhưng khi rút lui, chúng cũng biến đi rất nhanh. Tuồng muốn bảo, chúng không hề hiện diện? Chỉ mấy vụng nước còn lưu giữ chứng tích của những trận mưa rào, đêm trước. Và bùn vấy hè phố, bãi đậu xe!
Tôi không thể soi mặt mình nơi những tấm gương trong suốt kia. Nhưng ký ức hắt bóng trong tôi: Những ngày đầu, vì tôi, T. chọn nhiệm sở Pleiku.
Tôi nhớ ngõ vào căn nhà trọ của T., sau lưng Chợ Nhỏ, thường xuyên bùn lầy. Những khuya khoắt trở về, chúng tôi phải rón rén, chăm chú từng bước đi. Nhưng, dù cẩn thận mấy, đôi guốc, chiếc áo dài trắng của T. vẫn bị “thương tích” bùn đen và, nước đọng.
T. kể, mới ra trường, chưa có tiền may áo dài mầu, T. phải mặc mấy chiếc áo dài trắng thời sinh viên. Trong sân trường Phạm Hồng Thái, không ít học trò những tưởng T. là học trò mới ở đâu đó, đổi tới! Lại nữa, thời đó, dù là cô hay trò, cũng chỉ biết đến đôi guốc hoặc, sandale. Khoan nói tới ủng, chỉ giầy bít thôi, đối với nữ giới thời đó, cũng đã là một hình ảnh xa lạ! Tựa quái vật thuộc một hành tinh khác!
Trường Phạm Hồng Thái, Pleiku. (1974)
Tôi không biết có phải những ngày lội bùn, lấm lem đã khơi nguồn cho T. mơ ước: Sau vài tháng dạy học, T. để dành tiền, mua một chiếc xe Jeep? T. ở vị trí người lái. Tôi ngồi cạnh. T. sẽ chạy cùng khắp Pleiku, về tới Saigon… Nhưng, mơ ước nồng cháy mưa/ nắng đường xa của T. đã sớm bị dập tắt bởi cuộc di tản thảm khốc trên liên tỉnh lộ 7B!
Nhờ sự che chở của cậu Trưng, T. sống sót, về tới Tuy Hòa. Ở Tuy Hòa, thay vì theo cậu Trưng trở lại Huế, T. quyết liệt chia tay cậu. T. chọn con tàu chở người di tản về Vũng Tầu.
Từ Vũng Tầu, những ngày hỗn loạn, những ngày súng đạn đỏ nòng cuối tháng 4-1975, T. từ chối leo lên chiếc tàu của Nguyễn Văn Phán bạn tôi chỉ huy, sẽ di tản khỏi đất nước. T. lại cương quyết lên xe đò, về Saigon…
Buổi sáng, khi thấy T. xơ xác, thất thần, bất ngờ hiện ra nơi cổng sở làm, tôi ngỡ ngàng, muốn chảy nước mắt. Dù rất muốn, tôi phải cố gắng kiềm giữ mình, không ôm T. trước mặt nhiều người! Tôi nhớ, T. sợ từ một cái nắm tay, một quàng vai, một cái vuốt tóc. T. bảo “Dị òm! Lỡ ai thấy!”
Vậy mà T. dám chia tay cậu, để tới một nơi không có một người thân, ngoài tôi.
Tôi hiểu động lực nào đã biến một T. nhút nhát, sợ hãi đủ điều, trở thành một mũi tên, với đường bay duy nhất. Đường bay tình yêu tử/ sinh. Đường bay tình yêu, nông nổi? Chọn lựa liều lĩnh, một kiếp?
Vài ngày sau, buổi trưa, giữa một Saigon hốt hoảng, đếm từng giờ sống còn, tìm được nơi chốn yên tĩnh, khuất lánh mọi mắt nhìn, chúng tôi nằm với nhau. Không giọt lệ nào chắt ra! Nhưng cả hai đều hiểu, từ đó, đời ta không thể khác!
Một lần nữa, T. lại khêu thắp ngọn lửa tình nghĩa và lòng biết ơn, xót xa trong tôi.
Tôi nghĩ, cách gì thì T. cũng chỉ là một trong những người trẻ thời đó. Thời tuổi trẻ như những chiếc lá nõn, xanh sớm bị bứt khỏi cành… Có chăng, T. dám tách khỏi nguồn, thoát khỏi dòng, chọn bay đường bay độc lập. Dù cho cuối đường có là vực thẳm!?!
Đó là một buổi sáng cuối cùng của tháng Ba. Nơi mùa xuân miền nam California được đánh dấu bằng những đêm mưa bất thường, sương mù ban mai và, buổi trưa, nắng trễ.
Khi T. tự lái xe đi làm, tôi bước ra vườn sau, ngồi trên bậc tam cấp dẫn lên ngôi nhà “Lưu Niệm” do Orchid làm cho, cảm nhận cái chết lại tìm đến với tôi. Cái chết quen thuộc. Bình thản. Như chiếc bóng tôi, méo mó, yên lặng rớt trên những khóm hoa nhiều màu, nhỏ tí, T. trồng trong mấy lon nhựa.
Đó là lúc nắng như một chảo thiếc khổng lồ, được những sợi dây vô hình kéo lên, mỗi lúc một cao vượt nóc chuồng chim, ngọn thông, mái nhà hàng xóm… Tôi tự hỏi, không biết còn được bao nhiêu buổi trưa nhìn nắng chia tay những ngọn cây ăn trái, avocado, liễu, và cây hoa Golden Trumpet, vàng nhức, vừa hạ thổ?
Câu hỏi gợi tôi nhớ lại hai lần nói chuyện mới đây, với bạn. Khi trả lời điện thoại của Đỗ Hùng, D.C. rồi, Nguyễn Mạnh Hùng, George Mason, về tình trạng sức khỏe ngặt nghèo của tôi ít ngày qua. Tôi trả lời các bạn tôi, đại ý:
- Mỗi ngày được sống thêm, với tôi là một ân huệ. Một “bonus” đáng kể mà, thượng đế còn dành cho tôi. Nhưng, “bonus” to lớn và, quý báu nhất với tôi, vẫn là sự đồng hành của T. trong những ngày cuối đời này!
Và thêm:
- Nếu không còn có được một sớm mai nào, chở đi T. tiếp ‘đoạn-đường-chiến-binh-radiation’ thì tôi cũng sẽ không chút ân hận. Bởi vì, cách gì, cuối cùng, mỗi chúng ta cũng chỉ như một chiếc lá bị bứt khỏi cành. Vấn đề là khi sống, chúng ta có dám tách khỏi nguồn, thoát khỏi dòng, chọn lấy cho mình, đường bay độc lập? Cùng những tử tế tối đa, có thể có được! Còn cái chết, theo tôi:
“Là cửa, ngõ duy nhất, cho chúng ta cơ hội trở lại thời… ngậm ti. Dù ti mẹ hay, chỉ là những núm vú của đổi thay các bình sữa! Như lẽ thường xấp, ngửa của nhân gian.”
Du Tử Lê,
(Garden Grove, Apr. 2014)
_____________
(1)Theo thơ Phạm Thiên Thư, nhạc Phạm Duy.
(2) Trước tháng 4-1975, Pleiku có ba trường Trung học công lập. Trung Học Pleiku, dành cho nam sinh. Pleime, dành riêng nữ sinh. Phạm Hồng Thái gồm cả nam/ nữ.