Điều đó, dẫu không thể thật, nhưng ai nghe ai cũng vui lòng. Tôi nuốt nước bọt, không nhìn Hương, mỉm cười đáp lại « ... chỉ Hương, Hương mới không có gì thay đổi. Còn Vinh, này nhìn xem, tóc Vinh chớm bạc mất rồi ! ». Tay vặn cửa kính xe, tôi ngửa mặt hứng gió và nắng vàng tươi. Vòng quanh hồ, xe qua góc chợ rồi từ từ lăn lên dốc Minh Mạng. « Vinh thấy có khác không ? » Tôi lắc đầu. Hương nói như than thở « Ở đây, hiện tại chỉ cách quá khứ bằng một chút tuyệt vọng ».
Tôi quay lại nhìn Hương, và có gì gần như một niềm bực bội sắp sửa tràn ra tựa nước rót quá tay vào một chén trà tầu hạt mít. Kềm lòng mình, tôi cố gắng lấy giọng thanh thản « Màu nắng vàng ở đây tươi như nắng ở Florence bên ý». Hương nhìn ra, bàn tay víu lấy mái tóc dài bay tung lên, mắt xa xôi. Gỡ dăm sợi tóc đen huyền vướng vào mặt, tôi quay kính xe lên khi xe đến đỉnh dốc.
Chiếc xe ngừng hẳn. Hương nói : « ... đến rồi, Vinh có nhận ra nhà mình không ? » Tôi nhìn quanh, ngỡ ngàng. Khi xưa, khu này chỉ dăm ba nóc nhà hiu quạnh. Nay thì khác, nhà đủ kiểu đủ cỡ san sát. Thản nhiên, Hương bảo « ... dân ngoài ấy vào đấy. Họ chia đất, thế là mạnh ai nấy xây». Tôi ngơ ngác xách vali theo. Hương đi trước, lấy chìa khóa mở chiếc khóa đồng treo trên sợi xích hoen rỉ buộc hai cánh cổng gỗ sơn đã rã ra loang lổ.
Chúng tôi lẳng lặng bước vào. Tôi dán mắt lên từng ô vuông trên mặt đất, rồi ngửng nhìn quanh vườn, mong tìm lại dấu vết thuở ấu thơ. Bên kia là cây đại, không cao hơn, chỉ thêm sần sùi. Bên này giàn dâm bụt vẫn thế. Trong sân, cỏ úa. Mảnh hồ bán nguyệt nay cạn nước nằm vênh vao mặc cho ông Lã Vọng bằng đất thó vẫn ngồi lì câu cá. Bước lên thềm, những chậu kiểng nay xác xơ. Ngay cửa ra vào, chỉ có một chậu cây, lá dài và dầy, đâm ra từ những cuộng cây màu nâu già, chĩa ngang chĩa dọc, ánh lên sắc ngọc bích dưới nắng. Tôi ngừng chân, tay để chiếc vali xuống. Hương mở cửa, giọng đều đều « ... Cây quỳnh của cậu đây. Hương vẫn chăm nom, và thế là nó đã được xấp xỉ ba mươi tuổi rồi.»
*
Hương dặn dò : « Có một đoàn người Pháp lên, Hương không xin nghỉ được. Chỉ độ sáu giờ là Hương về. Ở nhà, thức ăn đã sẵn, Vinh chỉ hâm lên thôi ! ». Vén vạt áo dài trắng, Hương lên honda, rồ máy, ngoái lại : « Vinh nghỉ ngơi trưa nay một tí đi nhé ». Ra khép cổng, tôi nhìn theo cho đến khi bóng Hương khuất nơi dốc đồi, rồi lững thững vào. Đi ngang chậu hoa quỳnh, tôi ngần ngừ, ngồi bệt xuống cạnh, lưng ngã dựa vào bức tường vôi vàng nhạt thếch.
Nhắm mắt lại, tôi thoáng ngửi thấy một mùi hương thơm. Thơm dịu, thơm ngọt, mùi hương chợt đến, chợt đi, như đùa nghịch với khứu giác. Tai tôi bỗng văng vẳng lời bác Đản, giọng khàn khàn « Quỳnh mở vào độ chín giờ tối. Đến nửa đêm thì mãn khai. Rồi tàn. Vào khoảng bốn giờ sáng thì hoa cụp lại, và thế là hết... ». Cha tôi kể người yêu đầu của bác tên Quỳnh. Bác gái không biết, cứ tưởng bác trai yêu hoa, chịu đặt tên hai cô gái song sinh đầu lòng là Quỳnh và Hương. Bác tiếp « ... Quỳnh là loài hoa hiếm, nhưng tối nở sớm tàn... Vinh lên nghỉ hè kỳ này gặp dịp hoa nở chắc sắp tới sẽ may mắn lắm đấy ! ».
Tối hôm ấy, bác tắm rửa, rồi pha trà tầu, sai người đi mua bánh đậu xanh và kẹo lạc. Quỳnh được bố yêu, nũng nịu « Quỳnh này thì không tối nở sớm tàn đâu nhé !» Nhìn mẹ, Quỳnh dỗi « ... hoa quí thế mà sao mợ lại cứ đòi đổi tên con.» Quả là bác gái có định thế, một phần là biết chuyện mối tình đầu của bác trai nên bác ghen, phần khác, bác nói ra miệng là do dị đoan, sợ cái kiếp tối nở sớm tàn vận vào đời con gái. Bác trai bảo « ... thiếu gì đàn bà tên Quỳnh. Với lại, mợ nhìn thử xem, cái nốt ruồi trên gò má con Quỳnh. Các cụ ví nó như giọt nước mắt, có tác động phá đi cái xấu của cái tên. Không phùng không, tắc minh. Nếu đổi tên, thì cũng phải tẩy cái nốt ruồi ấy ». Quỳnh la lên « Không được ! Mất cái nốt ruồi, thì con thành Hương à ? ».
Quỳnh và Hương đúng là hai giọt nước chỉ độc có một điểm khác biệt là vết nốt ruồi nhỏ bằng ba cái đầu tăm. Quỳnh nằng nặc đòi làm chị, lấy cớ là ra trước. Bẻm mép, nàng đọc « Đầu lòng hai ả tố nga, Tú Quỳnh là chị, em là Tú Hương. Đọc thế thì nghe lọt, chứ đổi Tú Hương là chị, em là Tú Quỳnh thì anh ác trái tai. Vì thế Quỳnh phải là chị, chứ em thế nào được ». Bác trai cười tán đồng. Bác vốn yêu thi ca, xưa đã xách túi giang hồ theo hầu cụ Tản Đà cả hai năm trời. Nay, về ở ẩn, bác ngồi dịch thơ Đường. Và dạy dăm giờ Pháp văn cho một trường trung học tư thục, đồng ra đồng vào tùy thuộc vào sự thu vén của bác gái. « Bác gái, mẹ tôi thì thầm dặn mỗi lần tôi lên nghỉ hè, có bệnh lao, chữa thì chữa nhưng khỏi thì ai mà biết được, con nhớ cẩn thận » Nhưng cẩn thận thế nào thì mẹ tôi không biết, chỉ cằn nhằn cha tôi chiều con. Với tôi, mẹ càu nhàu « ... cái thằng bé đến lạ, nghỉ hè năm nào cũng đòi lên bác Đản ! Cho đi Vũng Tầu thì kêu sợ nắng ...». Mẹ nói thế, vì không biết vô tình hay cố ý, mẹ lờ đi điều bí ẩn trong lòng con trai mẹ.
Giọng bác lại khàn khàn cất lên « Khi cụ Tản mất, cụ Huỳnh Thúc Kháng có làm một câu đối, ví cụ như hoa quỳnh. Câu đối như thế này :
Không sắc nhất Quỳnh hoa, tiếu khứ hâu nhiêm, thiên thượng quần tiên đa quyến thuộc
Túy ngâm song bạch nhãn, hứng lai huy bút, nhân gian thiên thủ ngạo công hầu.
Nhìn ba đứa chúng tôi ngơ ngẩn, bác chậm rãi : « giảng nôm ra là Không sắc một đóa Quỳnh,về vuốt râu chơi, bạn tiên thượng giới thành quyến thuộc. Say ngâm hai mắt trắng, hứng thơ vung bút, tài hoa trời phú ngạo công hầu ».
Bác vừa dứt lời, chuông đồng hồ treo tường rền rĩ điểm mười một tiếng. Đóa quỳnh to bằng hai bàn tay đã bung nở, nhị hoa màu vàng óng ánh ẩn trong những cánh hoa trắng tinh khiết, chung quanh lớp ngoài những cuống hoa màu tím hồng cong lên như râu. Bác Đản xòe chiếc quạt giấy rồi phẩy nhẹ. Không gian bỗng thoang thoảng một mùi thơm dịu dàng nhưng đằm thắm. Bác ngẩn ngơ đưa chén trà lên miệng nhắp. Quỳnh lẳng lặng ra ngồi trước chiếc đàn dương cầm màu đen nháy. Nàng dạo nhẹ vài nốt, rồi chơi đoản khúc Ánh Trăng của Beethoven.
Tôi đứng dậy lững thững ra đứng cạnh cửa sổ. Trăng mười sáu đã lên cao, mây theo chiều gió chập chờn trôi từng tảng. Núi đồi ở tầm mắt nhuộm bạc, ẩn hiện, biến hóa như một sinh vật lẩn trốn trong màn đêm khi mờ khi tỏ. Mùi hoa quỳnh thỉnh thoảng lại ngát lên, ấp ủ gian phòng tràn ngập tiếng đàn đang nhỏ từng giọt âm thanh nghe hững hờ xa vắng. Quỳnh chập chờn trong ánh lửa lò sưởi, tóc dài ngang lưng xòa phủ một nửa mặt, ngón tay trắng muốt nhảy múa trên những phím ngà.
Tôi quay về, ngồi cạnh bác Đản, im lặng. Ngồi khuất trong bóng tối, Hương lẳng lặng đan áo. Chìm đắm vào cảm giác ngất ngây của nỗi đau khó gọi được tên, tôi như đánh mất một phần hồn mình mặc dầu lát sau tiếng đàn đã im bặt. Quỳnh đến đứng cạnh, nhẹ nhàng bảo : « Chị đánh tặng cho Vinh đấy... ». Từ năm ngoái, nàng xưng chị với tôi, chứ không gọi tên tôi như xưa. Hỏi, nàng bảo, hơn tuổi thì là chị. Đúng là nàng hơn tôi vài tháng thật, nhưng tôi ấm ức, vẫn tiếp tục gọi nàng là Quỳnh.
Bác Đản đợi đến nửa đêm, lúc hoa mãn khai, lộng lẫy như một nàng tiên đang tung giải áo trắng lên múa khúc nghê thường trên đài hoa cứ rung lên nhè nhẹ, đứng dậy bảo « Thôi cậu đi nằm ... » Hình như bác sợ, bác không muốn nhìn cảnh bông hoa bắt đầu tàn. Hương ngước nhìn bác, rồi lại cắm cúi tiếp tục đan. Tôi nhìn Quỳnh, hỏi « Quỳnh sao không đánh thêm một bản nữa ... ». Hương nhẹ nhàng, ngắt lời « Thôi, để cậu mợ ngủ chứ ! », và vẫn tiếp tục đan.
Lúc Quỳnh đòi đi ngủ, tôi giả vờ ngáp, rồi bước theo. Đi sau Quỳnh lên cầu thang, tôi thu hết can đảm, run giọng « Quỳnh ơi, lúc nào Vinh sống, Vinh sẽ nhớ mãi bản đàn đêm nay...» Quỳnh ngưng bước, quay lại, giọng hóm hỉnh « ... thôi đi cạâu em ơi, cứ qua đấy dăm tháng là quên chị ngay, nhớ gì nữa... Gặp một nàng đẹp như Gina Lolobrigida thì rồi cạâu quên hết ngay ấy mà ! » Tôi xót xa, bụng thắt lại, xây xẩm như bị tát vào mặt. Tôi nhìn Quỳnh, không thấy gì ngoài cái vết nốt ruồi trên gò má.
Đêm hôm ấy, tôi không nhắm mắt nổi. Tôi biết chỉ có Hương thấy cảnh hoa tàn. Nàng thức đến sáng, đan cố cho xong chiếc áo len tôi mang theo từ ngày qua ý. Đi được hai năm, có tin báo là « chị » Quỳnh vừa lấy anh Thạc, sinh viên trường võ bị Đà Lạt mới ra trường. Họ yêu nhau đã ba năm, có lẽ vào thời gian Quỳnh xưng chị với tôi.
*
Lên gác, tôi đẩy cửa phòng xưa bác Đản dùng như phòng làm việc. Nay là nơi để bàn thờ hai bác. Ảnh cũ, nét đã vàng, khiến những người thân yêu nhợt nhạt đi như ở một thế giới khác. Tìm mãi tôi mới lấy được dăm cây hương. Châm lửa, vẩy cho tắt, tôi cắm vào lư, mắt nhắm lại, cố tìm ra hình ảnh hai bác sinh động hơn hai bức ảnh lạnh nhạt. Tôi cố, nhưng bất lực. Mở mắt, những đốm hương bỗng tự nhiên bắt lửa bùng lên. Lạ thật. Phòng kín, không một cơn gió nào lùa vào được. Tôi bỗng thấy lạnh xương sống. Tôi cúi mình chắp tay vái, mắt lại nhắm lại. Khi mở mắt, lửa đầu những cây hương đã tắt, ba chấm đỏ nhả những vân khói xanh thẫm lên không. Tai tôi bất chợt thoáng nghe một tiếng cười thân thuộc. Lúc ấy, tôi biết rõ ràng là bác Đản từ cõi âm về đứng ngay sau lưng tôi, và không quay lại, tôi cảm thấy bác đang nhìn tôi trìu mến. Biên giới vô hình giữa bác và tôi được một thứ hấp lực giữ cân bằng khiến tôi chẳng thể xoay người để nhảy vào vòng tay bác như thuở còn thơ. Từ cõi dương, tôi để măïc mình thanh thản thả trôi tâm thức vào thế giới bên kia như xuôi dọc một dòng sông bình dị.
Mùi hương trầm dìm ý thức của tôi vào một niềm linh hiển đang chuyển hóa huyễn hoặc thành thực tại. Quá khứ ở đâu ùa về choáng ngợp. Tôi sống với cái cảm giác lần cuối lên nghỉ hè, xem hoa quỳnh nở, để chỉ tháng sau ra Tân Sơn Nhất bay đi một phương trời lạ. Tai tôi văng vẳng lời bác trai dặn dò ở bến xe Đà Lạt cách đây hơn hai mươi năm « Vinh đi được, bác mừng. Ở đây rồi thì cũng lính tráng như mọi người, không chết thì cũng thương tật. Không thương tật phần xác, cũng thương tật phần hồn... ». Bác ngừng nói, chép miệng « về họa, bác chỉ biết mỗi Modigliami là người ý, nhưng với kiến trúc và lịch sử của họ, chắc họ có nhiều grands maitres đấy... ». Bác tần ngần, nắm tay tôi «... học vẽ, con chắc không thoát ra cái kiếp nghệ sĩ, vừa khó, lại vừa khổ. Khổ cái khổ con người, và khó là dùng nghệ thuật mang đến cho con người cái vượt lên sự khổ. Đó phải chăng là hy vọng ? » Tôi nhìn bác. Vắng Quỳnh. Nàng bảo bận, không đi tiễn. Tôi nhìn Hương. Hương lẳng lặng nhìn tôi. Không nói. Không cười. Tôi nghẹn ngào, leo vội lên xe. Linh cảm là sẽ còn lâu, hoặc không bao giờ, tôi lại quay về sống những phút dịu dàng như những ngày tháng vừa qua, tôi ứa nước mắt.
Khi đưa tay lên quệt những giọt nước mắt hai mươi năm sau vẫn chưa khô, tôi buột miệng « ... thế mà cứ tưởng là thời gian có thật ! » . Hướng về phía bàn thờ, tôi vái thêm ba vái, rồi đóng cửa gian phòng, bỏ đi xuống. Đẩy mấy thanh củi vào lò sưởi, tôi loay hoay nổi lửa. Mùi gỗ thoáng thơm nồng, tiếng củi khô lách tách, và ánh lửa bập bùng khiến tôi tìm lại được sự thanh thản an bình của tuổi thiếu thời. Tôi ngả lưng vào chiếc ghế bành đệm bọc nỉ, chợp mắt lúc nào không biết.
Lúc choàng dậy, ai đó ngồi trước mặt tôi, miệng mỉm cười. Tôi giụi mắt. Vết nốt ruồi trên má hiện rõ ra. Đó là giọt lệ theo lời ví các cụ ngày xưa, và hẳn phải là Quỳnh. Tôi hỏi. Vẫn cái giọn hóm hỉnh, « Quỳnh đây !». « Thế là Quỳnh ư ? Quỳnh về lúc nào ? Sao không đánh thức Vinh ngay ? » « Thấy Vinh ngủ ngon quá, không nỡ. Đợi cho Vinh dậy, đi xa về chắc mệt.». Tôi chồm dậy : « Không, không có gì mệt cả. Mà sao Quỳnh không xưng « chị », chị Quỳnh như thuở Vinh đi ?». Quỳnh cười, vẫn giọng cười ngày xưa, trong vắt và sắc cạnh : « Bây giờ, không cần. Ta lớn cả rồi. Quỳnh ba con, đứa lớn nhất mười tám, sắp gả chồng đấy ».
*
Quỳnh cau mặt, chân mày nhếch lên, vết nốt ruồi lăn như giọt lệ đang rơi, trề môi buông thõng « Từ tương lai, kẻ đi tìm quá khứ hẳn đang đặt một dấu hỏi với hiện tại của mình, phải không ? ». Tôi thầm nhủ, đâu phải là bay từ một phương xa về đáp xuống Tân Sân Nhất cách đây vài bữa mà tôi đến từ tương lai. Không lẽ tương lai với những người ở đây chỉ là đủ miếng ăn hôm nay và không sợ đói ngày mai ? Quỳnh hiểu gì về những đêm tôi một mình uống cho đến độ không còn biết mình là ai, chẳng phải vì ngậm ngùi với quá khứ mà là ngỡ ngàng rồi hốt hoảng cho phần đời còn lại. Tránh trả lời, tôi giả giọng trách móc « Sao Quỳnh không hỏi thẳng ? », lòng hy vọng Quỳnh sẽ nhắc tôi kỷ niệm đêm xem hoa nở và lời tôi nói lưng cầu thang với Quỳnh. Và tôi, tôi sẽ nhắc lại nguyên văn câu nói xưa. Cảm động, Quỳnh sẽ nhìn tôi, nước mắt ứa ra chảy dài xuống má. Tôi sẽ lẳng lặng lau nước mắt, nói nhỏ như an ủi một đứa bé vừa ngã « ...thôi mà, thôi xong rồi. Đứng dậy đi, đứng dậy... ». Nhưng Quỳnh lại nhìn thẳng vào mắt tôi, diễu cợt « Hỏi gì ? Có những điều không nên hỏi thẳng - Quỳnh ngước lên, ánh mắt vẫn châm chọc, tiếp - chẳng hạn như Vinh về đây làm gì ? Có phải là Vinh đang tìm lời giải đáp cho cái câu hỏi đó ? ». Tôi khựng lại, chẳng nhẽ bây giờ không còn ai có thể nghĩ đến một ai khác ngoài chính mình, thậm chí cả đến khi đặt một câu hỏi cũng lại chỉ trong vòng ích kỷ quanh quẩn cái tôi, tôi là, tôi có... ? Bực mình, tôi sẵng « ...nếu tương lai là dấu hỏi, quá khứ đã và còn là dấu hỏi, thì hiện tại bị kẹp ở giữa ắt cũng là dấu hỏi. Cứ cho là Vinh đi tìm quá khứ để có lời giải đáp cho dấu hỏi với hiện tại đi. Nhưng đó cũng là lời giải đáp dấu hỏi của quá khứ, và biết đâu, đó cũng lại là lời giải đáp cho tương lai ? ». Quỳnh quay lưng, xuống thang, cười nhạt « ... lãng mạn thật, bây giờ người ta nói thế là cực lãng mạn ».
Đến ngồi cạnh lò sưởi, Quỳnh cời than cho lửa bùng lên, đôi vai thon gầy nhô cao che đi phần cổ trắng nõn nà. Tôi quay nhìn về nơi đặt chiếc dương cầm đen nháy ngày xưa, mắt thoáng hiện mớ tóc dài, những ngón tay nhẩy múa, và ngửi thấy mùi hoa quỳnh đâu đây thoảng lại. Như đoán được câu tôi sẽ hỏi, Quỳnh lửng lơ « ...đàn bán rồi. Bán đàn nuôi được cả nhà này hai tháng cơm canh đấy ! ». Trạnh lòng, tôi nói như máy «...thế thì lâu lắm rồi Quỳnh không đàn nữa nhỉ ». Câu nói vừa thừa vừa vô duyên. Quỳnh nhún vai «...lâu lắm không sống nữa, nói chi đến chuyện đàn ! », chữ sống gằn xuống nghe nặng như chì đổ. Giọng bỗng vui hẳn lên, Quỳnh hỏi « còn cái sonate đó, Vinh có nhớ không ? ». Dẫu hiểu, tôi cố tình hỏi «...cái sonate nào ? ». Cười ròn, Quỳnh reo « Đấy, đã bảo mà, sẽ quên ngay thôi. Cái sonate Ánh Trăng Vinh nghe trước khi về Sài Gòn rồi lên đường sang ý, Vinh không nhớ à ? ». Tự nhiên lòng căm lại thành một khối băng, tôi mím môi, lắc đầu. Quỳnh nhìn vào mắt tôi, hóm hỉnh « ...lắc đầu nhớ hay lắc đầu quên ». Tủi thân, tôi mỉa lại, « Quên, quên thật đấy, “chị” Quỳnh ạ ! ». Nghe đến đấy, Quỳnh phá lên cười, chạy ra mở tung hai cánh cửa sổ.
Quỳnh vẫn cười, tiếng cười như chuông ngân. Bên ngoài, nắng vẫn tươi rói trên dốc đồi soai soải mầu xanh chạm cạnh những vạt bóng chênh chếch dưới ánh mặt trời. Gió hiu hiu lạnh thốc vào, mái tóc Quỳnh như một giải lụa đen, bay tung ra sau. Tôi đến đứng bên cạnh Quỳnh. Những sợi tóc bay vướng vào mặt tôi như vuốt ve. Tay gỡ tóc, Quỳnh ngước mặt nhìn tôi khiêu khích.Vết nốt ruồi, giọt lệ mầu đen ấy, nhập nhòa trên má tựa ảo ảnh, lúc biến lúc hiện. Tôi nhắm mắt. Niềm lo sợ đánh vỡ, như thuở nhỏ, khi tay cầm một món đồ cổ của cha tôi bỗng ùa lại. Tiếng Quỳnh mơ hồ «...cái dấu hỏi đó, Vinh cứ hỏi đi. Câu trả lời nằm ngay trong hiện tại, ở trước mắt, có muốn trốn cũng chẳng được ! ». Đầu óc choãi ra trống vắng rồi tê liệt đi, tôi nghe bên tai «...anh Thạc anh ấy chết rồi, chết thật rồi ! ». Tiếng Quỳnh nói nhẹ như thở, hơi nóng phà vào mặt tôi, đốt lên một ngọn lửa âm ỉ đến độ tôi tưởng nó đã tàn lụi như lòng núi lửa khi chết chỉ còn để lại chút khốc khô nham thạch. Không biết từ lúc nào, hai tay tôi áp vào má Quỳnh. Tôi nâng mặt nàng lên, hai môi tôi áp xuống. Tôi hôn, điên dại hôn. Tôi nghe tiếng vỡ của sành của sứ của đồ cổ va vào mặt đá. Nhưng tôi vẫn tiếp tục hôn. Hôn lấy hôn để. Hôn đến lúc Quỳnh mềm nhũn ra, không thở được, tay cứ bíu vào vai tôi, mắt nhắm nghiền, môi vẫn hé mở. Cứ thế, tôi hôn, tôi ghì lấy cái thân thể mỏng mảnh kia, ôm như bế bồng thuở thiếu thời của tôi, của Quỳnh, cho vào nhập với hiện tại để thành hiện tại, nhưng vẫn mơ hồ nỗi sợ những bẽ bàng không đoán trước.
Bế thốc Quỳnh lên, tôi vào phòng, đặt nàng xuống giường. Vẫn khuôn mặt hình trái soan, vẫn chiếc mũi dọc dừa. Vẫn đôi môi hơi vênh lên, nhưng nay không có vẻ thách thức, lại như chiều chuộng, như cam chịu, như bảo bọc. Vẫn cái vết nốt ruồi như một giọt lệ, giọt lệ đen có cái tác động giải đi sự bất hạnh của kẻ mang tên một loài hoa hiếm trắng tinh khiết nhưng cam cái phận tối nở sớm tàn. Tôi hôn lên má Quỳnh, mắt không nhìn thấy vết nốt ruồi đâu nữa. Lẳng lặng, tôi cởi hết quần áo cho Quỳnh, mơn trớn rồi hôn trên từng phân vuông lớp da trắng xanh, rúc mặt vào từng vùng lau lách, liếm láp từng ngõ ngách, thở bằng mùi phấn hương đóa trà mi nở căng bần bật trên cái đài hoa bỗng nhận ra mùa xuân về muộn. Tôi xông vào. Tôi mặc kệ, mặc tiếng rên, tiếng hổn hển, tiếng kêu trời, tiếng nghẹn thở. Quỳnh gọi tên tôi, hai tay cấu lấy mông, cắn vào vai, có lúc lại òa lên khóc. Tôi làm tình như một tên tù vừa sổng ngục, cứ thiếp đi thì thôi, nhưng tỉnh dậy là tôi lại mơn trớn Quỳnh, mơn trớn tôi, và không một lời, tôi chỉ để thân xác tôi nói cho Quỳnh hiểu hết những điều tôi ấp ủ từ những hai mươi năm qua. Và nói cho tận tiệt.
*
Nửa mơ nửa tỉnh, tôi quơ tay sang bên cạnh, thấy trống trơn hụt hẫng. Tôi hé mắt nhìn. Chỉ có chiếc gối và tấm chăn đơn. Cửa sổ vẫn khép, nhưng ánh nắng đã le lói hắt qua những chiếc then gỗ. Tôi vùng dậy, bước ra mở tung hai cánh cửa cho gió nắng tràn vào. Vừa huýt sáo nho nhỏ, tôi vừa nhìn đồng hồ tay. Tôi gọi. Không có ai trả lời. Tôi xuống cầu thang, miệng ngân nga một điệu hát không thuộc lời.
Mảnh giấy để trên bàn ghi « sẽ về ngay, đi mua xôi cho Vinh, cà phê đã pha, sữa đặc và đường trên bàn ». Mỉm cười, tôi mở cửa ngoài, ra ngắm chậu quỳnh ngày xưa. Lá quỳnh đâm ra như những mũi dáo xanh ngắt nhưng dưới gốc có dăm ba cuộng héo đi vì thiếu nước. Tôi vào múc nước, nhè nhẹ rót xuống đất trong chậu cây nay khô ran. Nhớ vế câu đối xưa, hình như là « Say ngâm hai mắt trắng, hứng thơ vung bút, tài hoa trời phú ngạo công hầu », tôi lẩn thẩn vào nhà, ngồi xuống ghế, tay mân mê hộp mầu tôi mang theo định thực hiện dự tính vẽ lên khung vải cái tôi tha thiết gọi là tâm tư miền núi.
Rót cà phê vào tách, trước sân nghe lạch bạch tiếng Honda. Mở cửa, Hương bước vào, tay xách gà- mèn, miệng reo « A, Vinh dậy rồi. Hương đi mua xôi, loại xôi lúa ngày xưa Vinh vẫn thích đấy ! ». Tôi chưa kịp nhớ ra xôi như thế nào thì Hương chìa cho tôi một mảnh giấy, nói nhanh «...Vinh có điện tín, bưu điện đưa lại sáng sớm hôm nay ». Đi xuống bếp, Hương nói với lại «... Hương xẻ xôi vào bát. Vinh rót cho Hương một tách cà phê nhé ! ».
Cầm bức điện tín chưa mở, tôi bỗng phập phồng lo ngại. Người thân của tôi ở đất nước này chẳng còn ai, bạn bè tôi lại không có, vậy thì ai biết được tôi lên đến đây để liên lạc. Ngần ngại, tôi mở bức điện, đọc
Vinh than Stop Anh Thac, chi va cac chau ve thu sau toi tuan nay Stop Mua duoc ve xe lua tu Danang Stop Chi Quynh
Tôi lặng người. Thế vết nốt ruồi ngày hôm qua không có thật à ? Cắn vào ngón tay mình, tôi vẫn thấy đau. Nghĩa là tôi vẫn còn đây. Đúng, tôi còn. Nhưng sự linh hiển của một thế giới bên kia có không ? Tiếng cười thân thuộc của bác Đản có không ? Và những cây hương bùng lên cháy, tôi nhìn thấy, nhưng có thật không ? Thật là gì ? Có phải cái ta gọi là thật chỉ loanh quoanh trong vòng ngũ uẩn - nhìn, ngửi, nghe, sờ, nếm - hay còn gì nữa ? Tôi nghiến răng, ngón tay tôi đau điếng, miệng mặn vị máu đang ứa ra. Vậy là tôi còn đây, cứ tin thế đi. Thế thì Vinh đêm qua, Vinh có là tôi không ? Còn người đàn bà, là Quỳnh hay là Hương ? Nếu tôi hôm nay không là Vinh đêm qua, người đàn bà đó ắt là Quỳnh, loài hoa tối nở sớm tàn. Nhưng nếu Vinh đêm qua chính là tôi hôm nay ? Câu hỏi xoáy vào óc tôi theo đường trôn như bị đuôi những con mực ma cuốn dìm xuống biển. Hoảng hốt, tôi vội vàng thọc bàn tay ngón bị cắn chảy máu vào túi quần.
Hương đi lên, tay bưng chiếc khay có hai bát xôi, dịu dàng «...chắc điện của Quỳnh ? ». Tôi gật đầu. Đưa bức điện cho Hương, tôi thầm nhủ, thế là anh Thạc đâu có chết. Hương nói «... xe lửa chỉ đến Nha Trang. Từ đó lên đây, bắt xe hàng đi cũng mất thêm ba giờ. Chắc phải tối mịt mới tới được ». Tôi chăm chú nhìn Hương. Trên má nàng, đâu có vết nốt ruồi các cụ ngày xưa ví như giọt lệ màu đen nhỏ xuống. Thế thì giọt lệ màu đen không có thật ! Hoặc giả nó chỉ là điều thêu dệt cho Quỳnh khác với Hương. Và muốn Hương thành Quỳnh thì thật dễ, chỉ cần chấm vào má một chấm bút con gái dùng để kẻ chân mày !
Để bức điện tín xuống bàn, Hương giục tôi ăn rồi bảo « Hôm qua, đoàn người Pháp có hẹn nhưng lại không lên vào phút chót. Vì thế, khách sạn không cần người thông dịch nên mới để Hương về sớm. Đoàn đó mai sẽ lên, họ đặt phòng và trả tiền rồi nên thế nào mai Hương cũng bận buổi chiều ». Tôi nhìn xuống đất, bỗng bối rối, thậm chí có chút gì như là sự xấu hổ.
Tôi cố nhớ lại, từ lúc lên vái bàn thờ hai bác cho đến khi nhìn thấy vết nốt ruồi, và sau đo,ù tất cả đã xẩy đến như một giấc mơ. Giấc mơ đó, chẳng cũng là hiện thực, nhưng phát sinh từ một động cơ huyền diệu hơn năm giác quan sao? Tôi ngước mắt nhìn Hương. Cũng một khuôn mặt hình trái soan, chiếc mũi dọc dừa, và đôi môi vênh lên hơi thách thức. So với Quỳnh, đúng là một giọt nước, chỉ khác là thiếu một giọt lệ đen nhỏ bằng ba cái đầu tăm. Nhưng tôi băn khoăn tự hỏi, tại sao tôi cứ lại là người đi tìm thêm một giọt nước mắt ?
Nhìn nắng vàng đậu trên mái ngói màu đỏ tươi của ngôi nhà bên cạnh, lòng tôi chợt trôi hững vào một cõi an bình như khi gặp lại một cái bút chì, một cục gôm, một mảnh ký họa bỏ quên trong gầm bàn, hốc tủ. « A, tí nữa lại quên », tôi nói rồi mở vali, đưa cho Hương tất cả quà cáp tôi mang về. Trừ món quà nhỏ dành cho Hương, tôi bảo «...nhờ Hương sắp đặt quà cho chị Quỳnh, anh Thạc và các cháu. Hình như cháu gái lớn sắp lấy chồng, phải không ? ». Hương cười, đáp «...hôm qua Hương chẳng nói rồi còn gì !».
Bây giờ, thật chẳng còn gì để ngạc nhiên nữa. Quỳnh hôm qua là Hương hôm nay. Còn tôi, ở giây phút này, tôi liệu có thể khác với Vinh mới một ngày trước không ? Cái gạch nối liền quá khứ vào hiện tại đâu có phải cứ dứt là đứt ra đâu. Tôi nắm tay, bàn tay có ngón tay bị cắn đau điếng. Thì ra phải chẩy máu mới biết được mình là ai. Ngẫm nghĩ rồi lẳng lặng lục đáy vali, tôi lôi ra cái áo len Hương đan cho hai mươi năm trước, tay run run đưa cho nàng. Chiếc áo nay đã sờn vai, và hơi chật. Hương lại cười, lùi xa ngắm tôi, nói nhỏ «... Vinh chắc nặng thêm năm bẩy kí chứ ít gì ! ». Tôi cũng cười. Tôi có cảm tưởng đây là lần đầu tôi thực sự cười từ ngày đặt lại chân trên mảnh đất tôi gọi là quê hương của tôi. Hương bảo « ..để Hương móc lại chỗ vai áo bị sờn nhé ».
Trả tôi bức điện, Hương nói « ..chỉ ba ngày nữa, nhà mình tha hồ đông ». Tôi nhận ra giọng nàng có một thoáng ngậm ngùi. Đọc lại bức điện, tôi quả quyết « Thôi, em đi điện cho chị Quỳnh, bảo đừng vào vội! ». Nói xong, chính tôi , tôi ngạc nhiên. Em là tôi, ngôi thứ nhất, hay là Hương mà tôi buột miệng gọi bằng em. Hương nhỏ nhẹ « Dạ, em sẽ điện, nhưng nói thế nào ? ». Tôi lại quả quyết «... thì mình cứ nói là mình bận. Vả lại, mình đâu còn bao nhiêu thì giờ với nhau...».
Chữ mình bây giờ rõ ràng chỉ Hương và tôi. Đó là điều khó ai lầm lẫn được. Nhưng tôi vẫn chưa biết Hương hiểu thế nào về cách tôi giải đáp dấu hỏi của hiện tại, tôi, một kẻ từ tương lai đi tìm quá khứ. Tôi chỉ cảm thấy một bàn tay bé nhỏ bíu chặt vào tay tôi, cái bàn tay không có ngón cắn đến chảy máu, và một tiếng thì thào «... sắp hết thì giờ rồi ! ».
Điều đó, Hương ơi, tôi biết. Biết như chính sinh mạng tôi vậy.
NAM DAO