MEXICO CITY - Gabriel Garcia Marquez, 87 tuổi, văn hào người Colombia nổi danh khắp thế giới với tác phẩm “Trăm Năm Cô Đơn,” qua đời hôm Thứ Năm 17 tháng 4, 2014, tại Mexico City, nơi ông đã sống 30 năm cuối đời.
Gabriel Garcia Marquez những năm cuối cùng ở Mexico. (Hình: Suzana Gonzalez/Bloomberg via Getty Images)
Bản tuyên dương của Hàn Lâm Viện Thụy Điển khi trao giải Nobel Văn Học năm 1982 cho ông viết: “Mỗi tác phẩm mới của G.G Marquez được đón nhận bằng những lời chỉ trích, và độc giả đón nhận như một biến cố trọng đại trên thế giới.”
Tổng Thống Mexico Enrique Pena Nieto gọi Marquez là “một trong những nhà văn vĩ đại nhất của mọi thời đại.”
Cựu Tổng Thống Hoa Kỳ, Bill Clinton, cho rằng Marquez đã “nắm bắt được trọn vẹn niềm vui, nỗi buồn của cả loài người, bằng trí tưởng tượng thiên tài, cách suy nghĩ mạch lạc và một sự trung thực hiếm có trong cảm xúc.” Gia đình Tổng Thống Clinton gặp và ăn tối với Marquez ở nhà của văn sĩ nổi tiếng người Mỹ, William Syron (1925-2006) năm 1994, sau nhiều năm ông bị từ chối visa vào nước Mỹ vì quá trình hoạt động chính trị.
Marquez được coi như nhà văn Nam Mỹ sáng tác bằng tiếng Tây Ban Nha vĩ đại nhất kể từ thời Miguel de Cervantes (1547-1616), tác giả “Don Quixote de la Mancha," tiểu thuyết hiện đại đầu tiên ở Âu Châu và là một trong những tác phẩm lớn nhất trong văn học Tây Phương.
Chủ nghĩa hiện thực là căn bản trong những tác phẩm của Garcia. Những tác phẩm đầu tay của ông phản ánh hiện thực cuộc sống ở quê hương Colombia. Nhưng sau đó vì dự tính quá nhiều chi tiết trước khi sáng tác nên ông chuyển sang hướng được gọi là chủ nghĩa hiện thực huyền ảo (magical realism).
Chủ đề chính yếu trong sáng tác của Marquez là sự cô độc. Tác phẩm quan trọng nhất trong sự nghiệp của ông và đã đưa đến giải thưởng văn chương Nobel năm 1982 là Trăm Năm Cô Đơn (Cien anos de soledad), viết trong 18 tháng, bắt đầu năm 1965, xuất bản năm 1967 ở Tây Ban Nha. Cuốn sách được dịch ra hơn 30 thứ tiếng, kể cả Việt Ngữ, và bán được khoảng 30 triệu bản.
Trăm Năm Cô Đơn bao gồm nhiều bình diện, phản ánh cuộc sống của các dân tộc châu Mỹ La Tinh và những sự kiện quan trọng trong lịch sử của miền đất này. Sự pha trộn giữa những yếu tố hiện thực và giả tưởng trong tiểu thuyết diễn tả giá trị thẩm mỹ của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo của văn học. Sự tham lam, tính ích kỷ làm mất đi bản chất của những con người có đầy đủ thể lực, trí tuệ và chỉ có tình yêu thương mãnh liệt mới có thể là yếu tố cần thiết để vượt thoát khỏi sự cô đơn.
Bài phát biểu đọc ngày 8 tháng 12 năm 1982 tại Stockholm khi nhân lãnh giải Nobel do Hàn Lâm Viện Thụy Điển trao tặng, mang tựa đề “Sự cô đơn của Châu Mỹ La Tinh,” phác họa những nội dung Marquez viết trong các tiểu thuyết và truyện nngắn của mình. Ông nêu ra chủ nghĩa thực dân Âu Châu và di sản của nó, sự hủy diệt văn hóa Mỹ La Tinh và ông đặc biệt nhấn mạnh đến những quốc gia chịu ảnh hưởng tiêu cực do chính sách đối ngoại của các cường quốc với tình hình chính trị rối ren qua nhiều năm.
Theo Marquez, Nam Mỹ đã trải qua 5 cuộc chiến tranh và 17 vụ đảo chính mà hậu quả là đem đến những nhà lãnh đạo độc tài và sự thoái hóa trên mọi mặt của sinh hoạt xã hội. Ông phê phán quá trình giải phóng đất đai nhưng thay thế bằng sự áp đặt nền văn minh ngoại nhập. Ông đề cập đến một thực trạng là trong khi Âu Châu sẵn sàng chấp nhận văn hóa nghệ thuật của dân Mỹ La Tinh thì họ lại nhìn những nguyện vọng chuyển đổi bằng con mắt nghi ngờ và đồng ý với những hành động trấn áp của chính quyền quân phiệt. Marquez tin rằng mỗi dân tộc ở đây nên được có cơ hội để tạo dựng lý tưởng riêng cho vận mệnh của mình thoát ra khỏi nỗi cô đơn.
Trăm Năm Cô Đơn là chuyện về bảy thế hệ của một gia đình ở tỉnh Macondo, một địa danh tưởng tượng mà Marquez tạo nên phần nào theo mô hình của khu đô thị Aracataca, quê hương ông tại Colombia. Mặc dầu câu chuyện diễn tiến theo trình tự nhưng thời gian và lịch sử không hẳn đã là sự nối tiếp tự nhiên mà được linh động hóa. Không gian Macondo, một tỉnh được thành lập trong khu rừng nhiệt đới xa xôi hẻo lánh ngay đầu tiên đã là thể hiện cho nỗi đơn độc.
Biện bạch về nỗi cô độc tận cùng trong các tác phẩm của mình, Marquez cho rằng “cô độc là điều mà tất cả mọi con người đều phải đối mặt lúc này hay lúc khác và mỗi người có những phương cách không giống nhau để thể hiện.” Do đó theo ông, “cô độc là cảm xúc xuất hiện trong tác phẩm của rất nhiều nhà văn, thâm chí có người không ý thức được rằng mình đang thể hiện sự cô độc qua ngòi bút.”
Những tác phẩm khác của ông không chỉ dựa theo chủ đề cô đơn. Ông đã giải thích: “Qua mỗi cuốn sách, tôi cố gắng đi theo một đường khác. Không thể áp đặt ý chí trong việc chọn lựa phong cách vì nếu gượng ép sẽ bất thành.” “La Violencia” lấy khung cảnh là cuộc nội chiến giữa các đảng phái chính trị Colombia trong thập niên 1960. “Tình Yêu thời (Dịch) Thổ Tả” (1985) là bản cáo trạng đối với một xã hội đánh giá con người không bằng phẩm giá mà bằng của cải sở hữu. Xã hội như thế bóp chết những tình cảm trong sáng tốt đẹp, muốn có tình yêu và hạnh phúc thì phải giải phóng con người khỏi xã hội ấy. “Vị Đại Tá Chờ Thư” (1961) mang tính cách huyền ảo đến mức nhân vật chính cũng không được gọi tên, tạo cho người đọc ấn tượng về sự vô danh của số phận con người. Luận điểm của truyện này là một lời nhắn nhủ, rằng đời người có khi phải sống bằng hy vọng dẫu rằng niềm hy vọng ấy có khi chỉ là ảo vọng.
Marquez có tổng cộng gần 20 truyện dài và 5 tuyển tập truyện ngắn. Cho đến những năm cuối cuộc đời, khi sức khỏe đã suy kém nhiều, ông vẫn còn sáng tác: “Sống Để Kể Chuyện” (2002) là cuốn tự truyện về cuộc đời của chính ông. Cuốn hồi ký được coi là khá chân thực, đề cập rõ hơn về sự cô đơn, những trải nghiệm và ký ức còn lắng đọng trong một con người cô độc với những niềm đau, ước mơ, khát vọng và suy tư trăn trở về ý nghĩa cuộc sống qua cuộc đời đó.
Gabriel Garcia Marquez sinh năm 1927 ở Aracataca, theo học luật khoa đại học Cartagena, Colombia, nhưng chán ngán các môn học khô khan, quyết định bỏ học để chuyển sang lãnh vực văn chương dù rằng đã phải trải qua một giai đoạn rất khó khăn về sinh kế.
Ngay khi còn đi học, từ 1948 ông viết báo cho tờ El Espectador và bắt đầu những tác phẩm văn học đầu tiên bằng 10 truyện ngắn đã nhanh chóng nổi tiếng. Sau khi bỏ học ông chuyển về Barranquilla và tham gia một nhóm các nhà báo có tinh thần tiến bộ và nhờ đó có cơ hội tiếp cận với các nhà văn sau này nổi danh như William Fulkner và Ernest Hemingway. Năm 1955 ông làm đặc phái viên cho tờ El Espectador ở Thụy Sĩ, có dịp đến Ý và qua Paris. Ở đây ông được tin tờ báo bị đình bản, nhưng không nhận vé máy bay về nước mà ở lại Paris tiếp tục viết văn. Ba năm sau, ông trở về nước, đi qua Venezuela.
Năm 1960 khi cách mạng Cuba thành công, Marquez đến Havana làm phóng viên cho hãng thông tấn nhà nước Prensa Latina và trở thành bạn của Fidel Castro. Từ 1961 đến 1965, ông không viết được tác phẩm văn học nào trong khi làm phóng viên thường trú cho Prensa Latina ở New York rồi Mexico City.
Năm 1974, sau khi nổi tiếng trên thế giới với Trăm Năm Cô Đơn (1967), Marquez sống ở Mexico, Cuba, Paris và tham gia các hoạt đông chính trị. Từ 1981, ông hoàn toàn sống lưu vong tại Mexico sau khi chính quyền bảo thủ Colombia lên án ông bí mật cung cấp tài chính cho phong trào du kích cánh tả M-19.
Bây giờ, những gì khiến người ta luyến tiếc Marquez không chỉ ở văn chương của ông mà còn vì những đặc điểm của con người ông: thể hiện qua tính cách hài hước, dí dỏm, ấn tượng sâu sắc về nỗi cô đơn, vẻ huyền ảo nhưng rất gần thực tế. Là người có lý tưởng cách mạng và hoạt động chính trị, các tác phẩm của ông luôn phản ánh chính trị và thời cuộc, nhưng ông không bao giờ để bị trói buộc vào ý thức hệ ấy khi viết. Đối với ông, sứ mệnh của một nhà văn cách mạng là phải viết hay, để tiểu thuyết của mình trình bày ra lý tưởng nhưng không bỏ quên khả năng lôi cuốn tác động người đọc bằng hiện thực.
Cuối cùng, có thể kể ra dưới đây một vài trong số 1,038 danh ngôn của Gabriel Garcia Marquez do trang goodreads.com sưu tập:
Ký ức của trái tim thường xóa đi cái xấu và phóng đại cái tốt / Không thuốc nào có thể chữa nếu hạnh phúc không trị nổi / Già không ở tuổi tác mà do cảm nhận / Ai chờ mong nhiều chỉ có thể nhận được ít / Ít ai xứng đáng với nước mắt của ta nhưng kẻ nào xứng đáng sẽ không làm ta khóc. (HC)