*Câu hỏi của Thanh Tam
Là người sinh ở Hà Nội, phát triển thiên tư VHNT ở Saigon, anh có suy nghĩ gì khi có dư luận cho rằng: Hà Nội in sách, Saigon đọc sách? Ngoài lãnh vực sách in, ghi nhận của anh về mức độ tiêu thụ báo của hai miền Nam, Bắc ra sao? Có khác biệt không?
*Câu trả lời của Hà Quang Minh:
Chào bạn Thanh Tam.
Đầu tiên, tôi xin phép được 'thú thực' là tôi viết văn, làm thơ, viết ca khúc từ khi tôi còn ở Hà nội, bắt đầu từ tuổi lên 9. Nhưng càng lớn, tôi càng dè dặt hơn trong việc công bố sản phẩm của mình ra ngoài. Phần vì tôi muốn giữ riêng cho mình, phần vì tôi ngại. Mà cái ngại này cũng khá là 'tức cười'. Tức là tôi cứ bị ám ảnh rằng mấy người làm Văn học nghệ thuật luôn luôn có vẻ 'gàn dở', 'hâm hấp' trong mắt những người bình thường khác. Thế nên tôi sợ cái gàn dở, hâm hấp định kiến ấy khiến tôi không đi 'cua gái' được. Ấy vậy mà hồi đó, cua gái tôi vẫn viết ca khúc, làm thơ để tặng như thường.
Sau này, tôi bắt đầu công bố trở lại cũng một phần nhờ vào sự khuyến khích của chú Du Tử Lê. Chú có nói một câu mà tôi không bao giờ quên: "mình đã thai nghén, mình phải có trách nhiệm cho tác phẩm được chào đời'.
Về câu hỏi của bạn liên quan đến dư luận cho rằng "Hà nội in sách, Sài gòn đọc sách", tôi nghĩ rằng đây là một đánh giá phiến diện, hoặc là một dư luận quá hẹp, không đủ đại diện cho tình hình hiện nay. Lực lượng người đọc sách in hiện nay tại Việt nam (cũng như trên thế giới) đang sút giảm đáng kể do các xao lãng từ những nội dung kỹ thuật số, những nội dung giải trí khác. Tuy nhiên, dù có sự sút giảm đi nữa thì những người đọc còn lại vẫn tương đối khá tinh tuyền bởi họ là những người kỹ tính còn sót lại (khi không chấp nhận việc đọc mà không chạm vào trang giấy). Hơn nữa, lực lượng người đọc ở Hà nội và Sài gòn cũng khá cân bằng nhau, không thể nói là nơi này sản xuất để nơi kia đọc như nhận định kể trên được. Ngoài ra, về xuất bản, Sài gòn cũng là nơi thường cho ra mắt nhiều đầu sách giá trị của cả trong nước lẫn quốc tế và do đó, vẫn có chuyện Hà nội đọc, Sài gòn xuất bản. Tiêu biểu là Nhà xuất bản Trẻ, Phương Nam..., những đơn vị vẫn cho ra mắt những ấn bản thú vị để phục vụ người đọc ở cả nước.
Mức độ tiêu thụ báo chí ở hai miền cũng tương tự như vậy, mặc dù ở phía Nam phát hành mạnh hơn do dân cư tập trung hơn. Tôi chỉ nhận thấy một điểm rõ rệt, không thay đổi nhiều so với lịch sử là 'Văn Bắc-Báo Nam' như cách nhận định của các cụ ngày xưa. Rõ ràng, người viết văn phía Bắc vẫn đông đảo hơn và người làm báo ở phía Nam vẫn nhanh nhạy hơn, hiện đại hơn, cập nhật hơn. Sự giao thoa do công nghệ cao mang lại hiện nay đã khiến cho Văn Bắc xích lại gần hơn nữa với Báo Nam và do đó, những sản phẩm báo chí hay, 'chắc tay' vì thế cũng nhiều hơn dù rằng công cuộc phát hành thực sự mỗi ngày mỗi trở nên vất vả hơn bởi sự đổi thay của thời đại.