-Em về nhé.
Nàng khẽ nói. Tiếng nói như một hơi thở. Đêm mùa Hè oi bức, không một cọng gió. Con phố đông trải dài theo ánh đèn vàng. Quán nhậu lề đường lao xao tiếng người cười nói. Nhưng hắn vẫn nghe thấy giọng nàng. Nhỏ nhẹ như hơi thở.
-Sao vội thế em? Cứ ngồi lại đã. Mình mới ra có xíu à.
Hắn đáp lại. Ân cần. Giọng hắn hơi khàn khàn, và ấm.
-Lâu lắm rồi hai vợ chồng không đi nhậu với nhau. Ngồi chơi xíu đi mà. Anh Tư cũng chưa ra nữa.
Hắn rủ rê thêm. Thật ra, hắn muốn ngồi lại. Lâu lắm rồi hắn không ngồi nhậu khuya. Kể từ khi sống chung với nàng và có cô con gái nhỏ, hắn không còn là kẻ chơi đêm như ngày nào.
-Thì anh cứ ở lại chơi thoải mái đi. Em với con về thôi. Cho con nó ngủ anh à. Ngoài này nóng quá, em sợ muỗi cắn nữa. Em về cũng có chút việc hàng hàng họ họ nữa. Anh cứ ở lại khuya khuya chút không sao. Về thì nhắn em, lỡ em muốn ăn gì mang về cho em.
Nàng mềm mại. Nhỏ nhẹ. Nhưng nàng thuyết phục. Cả hai đã tìm được đúng cái điểm thoả hiệp, dù chẳng mặc cả điều chi. Hắn khẽ vuốt tóc nàng, nheo mắt, cười cười, giọng nịnh nọt thấy rõ: ‘ừ, cho anh ở lại chơi thêm xíu nhé. Lâu rồi anh cũng không nhậu khuya’.
Nàng gật đầu. Quàng lại túi xách. Đứng dậy nhẹ nhàng. Ẵm con bé con lên và hôn lên má nó. Hắn gấp lại chiếc xe nôi. Ra lề đường đón taxi. Đợi nàng và con lên xe, đi khuất hẳn, hắn mới quay trở lại bạn nhậu, một mình.
Chiếc ly thủy tinh con con sánh lên cái màu tím ngắt của rượu ba kích. Mùa Hè. Nóng. Nhưng hắn vẫn thích uống rượu ba kích. Hắn cảm nhận được cái mát của hơi rượu ấy trong vòm họng. Hắn sợ uống beer nhiều. Đầy bụng, lại càng nóng hơn.
Khẽ lấy tay gạt nhẹ mấy vụn lá me vương trên mặt bàn, hắn với tay cầm lấy chiếc tẩu thuốc. Chậm rãi, từ tốn, hắn nhồi một tẩu và mồi khói lên. Cái thứ khói mang mùi vị gợi tình ấy bảng lảng, bảng lảng lướt chầm chậm dọc theo lề đường, phủ vội qua những bàn nhậu. Có vài ánh mắt ngoái lại nhìn về phía hắn, nơi đầu ngọn khói. Hắn biết hết. Hắn biết chắc. Bao giờ cũng vậy. Người ta sẽ ngoái lại nhìn nơi nào tỏa ra thứ mùi u tình đàng điếm đó. Và hắn cũng biết hết. Hắn cũng biết chắc. Sẽ không ít người thấy lạ. Một thằng chưa đầy bốn chục tuổi, vẫn còn ăn mặc như thanh niên mới lớn, bề ngoài vẫn còn trẻ trung lắm. Thế mà cái miệng ấy ngậm một cái tẩu, thứ mà ở xứ này, người ta cứ mặc định là dành cho người già.
-Đợi lâu không bạn?
Hắn giật mình vì cái vỗ vai. Tư mới tới. Áo T-shirt xanh, quần short thẫm màu, đôi dép xỏ ngón. Lúc nào Tư cũng ăn mặc như vậy. Xuề xoà.
-Ngồi đi bạn – Hắn niềm nở. Rồi quay sang bên cạnh, hắn gọi cậu bồi bàn “Mày cho anh cái ly, bộ chén đũa”.
Tư chầm chậm ngồi xuống, chầm chậm rút chiếc điện thoại đặt trên mặt bàn, chầm chậm mồi một điếu thuốc lá và rít một hơi thật sâu. Hắn gọi tên bạn mình là Tư dù người bạn ngồi đó cũng dân Bắc chỉ bởi lẽ, hai thằng quen nhau đúng ngày thứ Tư, mùng 4. Tư cũng thích hắn gọi như thế. Nó bảo “kiểu bạn gọi ấy nghe tên mình cứ nửa Nam bộ, lại nửa bí ẩn như biệt danh hoạt động vậy”. Gọi mãi rồi chết tên luôn, dù thực tế, hai thằng xưng hô ‘bạn bạn-tôi tôi’ nhiều hơn là xưng tên.
‘Vào cái đi nào’, hắn nói và nâng cái ly ba kích tím tím kia lên. Hai thằng cụng ly. Cạn. Im lặng. Chẳng ai nói gì. Hắn rít thêm một hơi tẩu sau vài lần bập bập khói. Cái lưỡi tê đi vì vị rượu lẫn với vị thuốc thơm nồng mà nóng. Tư đưa tay xuống gầm bàn, nhấc chai rượu lên, rót tiếp hai ly nữa. Tính Tư là vậy. Cứ uống hết là nó rót liền tay. Rót như thể hắn sợ để lâu, hai người quên hẳn đi là mình đang uống rượu.
‘Cạch’, Tư đưa ly ra, hắn cụng. Lại cạn. Lại đặt xuống. Lại rít thuốc. Lại rót liền tay. Cả hai nhìn vào khoảng trống trước mặt, những dòng xe loang loáng vệt đèn.
-Tình hình căng lắm nhé bạn. Vỡ trận rồi. Việt vị hết cả. Quân mình kỳ này việt vị nặng.
Tư khe khẽ nói, lời nói chắc, rõ dù còn khẽ hơn cả giọng vợ hắn hồi nãy. Hắn buông ra một tiếng thở dài. Hắn thần người lại. Hắn nâng ly. ‘Cạch’. Lại uống. Lại cạn. Lại rót liền tay. Lại rít thuốc.
-Căng lắm rồi sao? Tôi cũng ngửi thấy cái mùi bất ổn quanh đây bạn ạ.
Hắn thở dài lần nữa sau câu nói ngắn. Lại cụng. Lại uống. Lại rót liền tay. Nhưng lần này thì là hắn rót chứ không phải Tư rót nữa.
-Vỡ từ trong vỡ ra. Bên ngoài chỉ là sóng thôi bạn ạ. Sóng tất nhiên mạnh nhưng cũng chỉ là bề nổi. Phần chìm cơ. Nhiều chuyện lắm. Dễ có biến. Lớn.
Tư nói chầm chậm. Giọng nó lần này trầm ấm hơn, thân tình hơn.
Hắn chưa kịp buông thêm một tiếng thở dài thì Tư đã tiếp lời. ‘Mai tôi về Hà nội. Về xem mẹ con nhà nó thế nào. Bạn nghe lời tôi. Đừng đi đâu cả. Thủ cho mình trước đi. Lo cho mẹ con nhà nó’.
Hắn quay sang nhìn Tư. Hắn ngả lưng hẳn ra sau ghế. Đôi bàn tay đan vào nhau, ôm lấy đỉnh đầu. Tư bao giờ cũng vậy. Nói ít nhưng luôn là những điều rất quan trọng. Hắn chẳng hiểu Tư làm nghề gì. Hắn cũng không bao giờ hỏi. Nhưng Tư lúc nào cũng có thông tin mới, và đúng. Những điều Tư nói, chỉ dăm bữa nửa tháng là y rằng ứng nghiệm. Hắn đã nhiều lần hình dung Tư trong một bộ quân phục. Và hắn nhận thấy hình dung ấy phù hợp tuyệt vời. Nhưng chưa bao giờ hắn thấy Tư trong bộ quần áo nghiêm chỉnh cả. Chỉ quần short, áo T-shirt. Lúc nào cũng như vậy. Xuề xoà. Và lúc nào Tư cũng tỏ ra nó đang nắm giữ những điều vô cùng bí hiểm. Bao trùm quanh Tư luôn luôn là thế. Bí nhiệm đến vô cùng.
-Uống đi bạn. Cũng đừng lo quá. Phía mình cũng xử lý khôn khéo chứ không phải đùa. Nhưng vỡ trận to đấy bạn ạ.
Tư nâng ly lên. ‘Cạch’. Lại uống. Lại cạn. Lại rót liền tay.
‘Có vẻ bất an nhỉ?’, hắn khẽ buông lời. ‘Không khéo…’, hắn nói tới đó thì Tư đã vỗ vào vai hắn để ngắt lời ‘Chưa đến nỗi đâu. Nhưng trầm trọng lắm. Chưa bao giờ nguy cấp thế. Tôi không kể được với bạn nhiều. Nhưng trong cuộc nên tôi biết bạn ạ. Hai phía đều bướng cả. Khó đấy’.
‘Mai mấy giờ bạn bay?’, hắn chuyển giọng quan tâm. ‘Sáng bạn ạ. Bay sớm. Tôi ra thu xếp cho mấy mẹ con nó. Có thể sẽ đưa cả nhà vào trong này’. Tư trầm ngâm. Ít khi hắn thấy Tư trầm ngâm như thế.
Tự dưng, trong đầu hắn là cả những thước phim quay chậm lại. Hắn biết Tư cũng dăm năm rồi. Chưa bao giờ Tư làm gì sai với hắn. Tư lúc nào cũng ân cần. Tư lúc nào cũng giúp đỡ, lúc nào cũng dành cho hắn và gia đình hắn những ưu ái nhất. Hắn chợt nhớ một hôm mưa, mưa lớn đến cuồng nộ. Vậy mà Tư vẫn khoác áo mưa ghé ngang gửi biếu hắn mấy con cá mà nó câu được từ hồ Trị An. Tư như thể người anh trai của hắn chứ không phải là một người bạn đơn thuần. Tư bảo bọc hắn, luôn luôn. Và hắn tin tưởng Tư, luôn luôn.
Hai thằng ngồi im lặng. Cứ tiếp tục cái nhịp độ của những ‘cạch’, những cạn, những rót, những rít. Đêm lướt lưới đi ngang. Nóng và oi, nóng và oi khiến họ như càng thêm nghẹt thở.
-Thôi, tôi về đây. Về mai đi sớm. Khi nào tôi vào, mình lại ngồi bạn nhé.
Hắn nắm chặt tay Tư như một lời chào. ‘Ừ, vào gọi tôi ngay nhé bạn. Cẩn trọng’.
Tư vỗ vỗ vào bàn tay hắn. ‘Nhớ nhé. Thủ cho mình đi. Để mà lo cho vợ con’, Tư dặn dò thêm lần nữa. Tự nhiên, hắn tưởng tượng ra như thể cuộc chia tay này sẽ là cuộc chia tay cuối cùng trong một cuốn tiểu thuyết nào đó. Nghĩ vậy, hắn khẽ nhỏn nhoẻn cười. Rồi nhìn bóng Tư hòa vào dòng người, vệt đèn xe loáng loáng…
Hắn ngồi xuống. Rót thêm một ly ba kích. Mồi một cối tẩu. Thả những vàng khói ra ngoài không gian. Quán đã vãn người thêm và hình như điều đó khiến cho vài lọn gió nhè nhẹ bắt đầu trải về. Tại vì vãn người, hay tại vì đã khuya hơn???
Chuông điện thoại đột nhiên lại đổ. Hắn khẽ nheo mắt nhìn cái tên hiện trên màn hình. ‘Phong già’. Cái tên kèm với biệt danh khiến hắn chùng lại nghĩ một chút. Thường hắn lưu tên bạn bè trong điện thoại bao giờ cũng đầy đủ cả họ và tên. Chỉ có hiếm hoi người được lưu bằng biệt danh hoặc cái tên cộc lốc. Tư và Phong già là hai cái danh mục hiếm hoi ấy.
‘A lô. Anh Phong à? Về bao giờ đó?’. Hắn hỏi dồn dập, và có phần khá hồ hởi. ‘Anh về hồi chiều tối. Hơi ‘jet lag’ nên không ngủ được. Sực nhớ là em hay nhậu khuya nên gọi coi em đang đâu’. ‘Hahaha. Anh hên đó nha. Em cả năm nay không đi nhậu khuya như thế này. Hôm nay vợ con cho em sổng chuồng anh ơi. Anh ghé đi. Em nhắn tin địa chỉ vô máy điện thoại nhé’.
Hắn cúp máy. Ra dấu hiệu cho gã bồi bàn dẹp sạch lại cái bàn nhậu. Và đợi…
Phong già là Việt kiều Mỹ nhưng lại làm ăn ở Úc nhiều. Phong già cứ đi đi lại lại giữa Mỹ và Úc suốt. Thỉnh thoảng gã mới về Việt nam. Lần gần nhất gặp Phong già của hắn chắc cũng phải gần hai năm rồi.
Phong già viết văn. Nhưng viết dở ẹc. Gã thỉnh thoảng hay có vài bài thảo luận nhỏ nhỏ trên mấy trang mạng và cũng có vẻ gây được chút chú ý bởi sự hằn học của mình. Cái sự hằn học của ký ức tập thể đó thì hắn không lạ. Hắn chẳng thích gì ba cái trò rẻ mạt ấy. Hắn cũng không trọng khả năng của Phong chút nào. Nhưng hắn qúy Phong. Dù sao, Phong chơi với hắn cũng rất chân tình, nếu không nói là hết mình.
‘Hey bro’, hắn hồ hởi đứng dậy khi thấy Phong bước ra khỏi taxi. Hắn lao tới ôm lấy gã. Hai người vỗ vỗ lưng nhau. Lâu quá rồi mà. Hắn và Phong già, lâu quá rồi mà.
‘Khoẻ chứ? Mới có con hả? Con gái em thấy hình trên mạng dễ thương ghê’, Phong hồn hậu hỏi bằng cái giọng miền Trung không lẫn vào đâu được. Tuổi Phong nhiều hơn hắn tới hai con giáp. Nhưng nhìn Phong vẫn còn phong độ lắm. Áo chemise sẫm màu, quần tây ly thẳng tắp, đôi kính trắng càng tô điểm thêm vẻ trí thức cổ điển. Hắn ấn Phong xuống ghế ngồi, hỏi tới tấp ‘Sao, anh về có việc gì quan trọng hả? Lần này về bao lâu?’.
‘Từ từ nào. Đây, anh tặng em’, Phong chìa ra cho hắn một chai Dal More, chai whisky với cái sừng hươu ánh lên màu tuyệt đẹp. ‘Anh qua châu Âu rồi mới về Việt nam. Anh mua cái này ở châu Âu cho em đó’, Phong già nói nhanh và sang sảng.
‘Ối trời. Anh cầu kỳ làm chi. Ở mình giờ cái gì chả có anh ơi. Xách về làm gì cho nhọc công. Em cảm ơn nhiều nghen. Thôi, khui uống luôn’, hắn nâng chai rượu lên tính mở.
‘Ấy đừng vội. Để bữa khác đi. Bữa nay cho anh uống rượu ngâm bên này đi. Anh khoái rượu ngâm’, Phong gạt đi. Rồi tự tay Phong cầm cái chai rượu dưới gầm bàn lên, rót vào cái ly trước mặt một ly đầy.
‘Ba kích anh ạ. Cái này uống hay phết’, hắn nói, rồi nâng ly lên. Cạch. Uống. Cạn.
‘Anh nghe nói có nhiều thay đổi lắm phải không?’, Phong nhìn thẳng vào mắt hắn và hỏi vẻ khá nghiêm trọng.
‘Trời, vẫn thế thôi anh. Có con thì tất nhiên vất vả hơn rồi. Nhưng cũng chẳng thay đổi chi nhiều cả’, hắn cười lớn.
‘Không, anh nói là nói chuyện khác cơ.’, Phong hạ giọng xuống hẳn, và nói chậm rãi hơn hẳn. Giọng Phong già lúc này không khác chi giọng vợ hắn lúc tối.
‘Em cũng không biết nữa. Chỉ thấy là căng thôi. Chưa bao giờ căng thế kể từ hồi 1988 tới giờ anh ơi.’, hắn trả lời, ‘mà cũng mặc kệ thôi. Let it flow. Tới đâu thì tới. Mình như cây cỏ thôi mà. Có gì diễn ra mình cũng đương đầu được cả mà anh’.
‘Ừ, biết thế, mình là đàn ông mà. Nhưng cũng phải nghe ngóng chứ em. Tình hình căng mà mình bình thản sao được?’, Phong già thủ thỉ. Hắn cũng chẳng nói gì thêm. Hắn hiểu suy nghĩ của Phong già, của lớp người Phong già và cả loại người như Phong già. Họ nhìn phiến diện, một chiều và nhìn chung là cực đoan như nhau, cực đoan như thể trước mắt chỉ có hai đường sống hoặc chết buộc phải lựa chọn.
‘Em để ý giúp anh coi lần này anh về có thoải mái không nghe? Hỏi han giúp anh mấy đằng em quen biết đó. Bọn chúng nó bây giờ khốn nạn lắm rồi em ạ. Dã man lắm. Cái lũ vô học, không nguồn chả gốc ấy thì em lạ gì’, Phong già vỗ vai hắn, ‘anh hơi ngại, lần này anh nghĩ họ sẽ chú ý anh nhiều’. ‘Dạ, vâng, có gì thì em sẽ hỏi. Nhưng chắc chẳng sao đâu. Anh không làm chi thì ai người ta làm gì anh. Người ta cũng lắm việc lắm anh à’, hắn đáp lại thủng thỉnh. Rồi hắn đưa tay. Cạch. Uống. Cạn. Rót. Rít. Lại đều tăm tắp.
Kỳ thực hắn cũng chả biết Phong già làm gì. Phong già nói Phong già có làm ‘business nhì nhằng’ bên cạnh chuyện viết lách. Hắn cũng chẳng bao giờ hỏi Phong già ‘business là business cái chi chi’. Vả lại, hắn cũng chẳng nhờ vả Phong già điều gì nên hỏi han thêm cũng chỉ thêm mệt. Nhưng Phong già, với hắn, cũng thuộc loại bí ẩn. Nếu chỉ viết lách, chỉ làm business nhì nhằng thì không hiểu Phong già lấy đâu ra lắm tiền mà đi đi lại lại xông xênh thế. Song hắn thấy Phong già lúc nào cũng vậy. Ra vẻ đi đứng thận trọng, hẹn hò cẩn mật nhưng ăn nói nhiều khi thì văng mạng. Có đông bạn, đông bè, Phong già sẵn sàng chửi ra rả chẳng chừa ai, chửi như thể cho thỏa cái nư hằn thù với cả nước thì phải.
Hắn lại đưa tay. Cạch. Uống. Cạn. Rót. Rít. Lại đều như tiếng gõ đồng hồ. Phong già lại rỉ rả, lúc thì bí bí ẩn ẩn, lúc thì vung cơn chửi bới, thóa mạ, khi lại tung vài cái tin ‘bên kia nói thế này, bên kia nói thế nọ’. Tai hắn như ù đi. Hắn không còn nghe rõ ràng được điều gì. Tự nhiên, hắn ước gì Tư còn ở đây. Hắn sẽ ráp cho Tư và Phong già ngồi nói chuyện với nhau. Có khi lúc ấy lại vui bởi hắn sẽ có được một buổi nhậu thanh thản, yên ả và chẳng còn bất kỳ điều gì khiến hắn phải bận lòng.
‘Thôi, em về trước anh ạ. Về coi con bé thế nào. Trễ rồi. Mai anh rảnh qua em nhậu chơi, tiện thăm con bé con luôn’, hắn buông lời. ‘Ừ, về thôi em. Anh cũng về nằm nghỉ chút. Jet lag thế này không ngủ được nhưng phải ngả lưng cái để đỡ mệt’, Phong khẽ khẽ trả lời kèm theo nụ cười hồn hậu.
‘Tính tiền’, hắn hất hàm gọi thằng bồi. Rồi ngậm thêm một mồi khói. Rồi xuỳ tiền. Rồi gom lại mấy tờ tiền thối lại. Rồi ngật ngưỡng cắp chai rượu bên nách. Rồi khoác giỏ. Rồi đón taxi tiễn Phong già. Rồi hắn bước đi trên hè phố đèn vàng đầy những vụn lá me. Bước thấp bước cao, xiêu, vẹo.
Mắt hắn mờ đi. Mắt hắn nhòa lại. Không hiểu sao khi Tư và Phong già đi rồi hắn lại bỗng thấy ra gương mặt họ rõ ràng đến vậy. Bên tay phải hắn đây này. Đó là Phong già với cặp kính trắng, chemise bỏ trong quần, giầy tây nghiêm chỉnh, khoé miệng cười hiền lành. Bên tay trái hắn rõ ràng, chiếc quần short màu tối, chiếc áo T-shirt xanh đã sờn màu, chiếc dép da xỏ ngón, mái đầu cắt ngắn như ‘chính ủy’, khuôn mặt lặng thinh, trầm ngâm, không nói. Họ giữ bí ẩn gì? Họ giữ bí mật nào? Họ giấu điều chi đằng sau vẻ ngoài ấy? Chả hiểu nổi. Hắn đau đầu quá. Hắn lâng lâng trong một màn sương dày đặc đến khó tả. Chỉ thấy hai bàn tay, hai bên, của Phong già và của Tư, đỡ lấy hắn nâng lên. Rồi hắn bước đi, chấp, chới. Hắn bước với đôi chân trần, đôi chân tự nhiên thấy tê dại đi vì lạnh. Hắn càng bước, hắn càng chới với. Hắn tưởng như mình đang bước trên dây, sợi dây của những người làm xiếc. Hắn cố giữ thăng bằng. Thăng bằng từ đâu ra, không hiểu nổi. Hắn giang hai tay ra. Một bên cầm cái túi nhỏ, bên kia cầm chai Dal More sừng hươu Phong già gửi tặng. Miệng hắn ngậm tẩu thuốc, khói mù mịt lên như mờ sương, khói tẩu lẫn với nước bọt trong miệng trào ra, đắng ngắt. Hắn dấn thêm bước nữa, cho chắc. Chắc thật rồi, không còn cảm giác rung rinh như trên sợi dây rạp xiếc mà hắn mới tưởng ra đấy thôi. Màn sương mù mịt cũng tan ra, tan ra theo đúng dọc con đường hắn đang giữ thăng bằng mà đi, tan ra để đột nhiên hắn nhận ra ánh sáng loé lên chói lóa. Trời ơi, ánh sáng đó đến từ đâu mà khiến hắn lạnh da gà, cơn buốt nổi lên dọc sống lưng lên tới tận đỉnh đầu đang tũa ra từng đợt mồ hôi lã chã. Hoá ra hắn đang bước trên một lưỡi dao, bằng đôi chân trần của mình, cái gót chân mềm mại vì cả đời chưa bao giờ đôi bàn chân đó phải rời đôi giày, đôi tất. Ai đã lột giày hắn ra? Ai đã lột tất của hắn ra? Ai đã bắt hắn đi trên lưỡi dao sắc bén kia bằng đôi chân trần của mình và ai đã khiến cho hắn có được thăng bằng đến mức không cách chi có thể xô ngã. Hắn hoảng loạn nhìn xuống chân mình. Năm đầu ngón chân lần mò dò lối. Năm đầu ngón chân đặt lên lưỡi dao và cả bàn chân dẫm chắc lên cái mỏng manh sắc lẹm ấy. Rồi máu túa ra, từng giọt máu đỏ tươi, từng giọt, từng giọt. Chúng rơi xuống cái vực dưới kia chậm rãi, chậm rãi đủ để hắn nhìn thấy từng điệu khiêu vũ rợn người của những giọt máu quền quện, sanh sánh, ánh lên cái ánh đỏ hồng đào. Hắn nhìn thấy những con người lẫn lộn nhau dưới vực sâu kia đang lao vào nhau như trong một cái chợ ồn ào. Ai là Phong già? Ai là Tư? Ai là người thân của hắn? Hắn không thể thấy rõ gương mặt họ, dường như hắn đã ở xa quá rồi. Và sợ hãi dồn lên như một cơn buốt xuyên suốt cả cơ thể người. Hắn chạy. Chạy. Chạy. Chạy trên lưỡi dao mong manh, chạy với hai tay chao nghiêng và cả tấm thân chao đảo. Nhưng tại sao hắn không thể ngã được? Tại sao hắn lại có được cái thăng bằng quá thần kỳ. Hắn mường tượng lưỡi dao như cánh đồng trơ những ngọn đinh lầm lỳ. Hắn băng trên cánh đồng đó. Mỗi lần chân chạm đất là một lần ngọn đinh cắm phập vào bàn chân ngọt sớt và máu xối ra mà hắn lại không cảm thấy đau đớn gì. Hắn cứ chạy, chạy, chạy cho những giọt máu khiêu vũ trong điệu cuồng man dại. Giọt máu tung mình trên không, uốn thành hình bông hoa fleu de lys, rồi lại vặn xoắn mình thành một vóc dáng con người đang băng đi mà trên thân trần truồng không một chút nào che đậy. Giọt máu rơi, rơi, chạm vào giọt máu khác, vỡ toang ra như thể hai đợt sóng từ nơi nào lao thẳng vào nhau, õa oà oà; quyện lẫn làm một và tan ngay ra thành trăm, thành ngàn hạt li ti uốn éo, nhảy múa. Hắn hoang mang, hắn hãi sợ. Hắn càng cố tăng tốc thêm nhiều, hắn càng thăng bằng thêm nhiều. Hắn càng thăng bằng bao nhiêu, hắn lại càng nhìn rõ ràng những động tác trong không trung của máu.
Hắn lao đi, trên lưỡi dao. Và hắn muốn gào lên. Nhưng hai hàm răng hắn gắn chặt nhau như víu, như bấu. Hắn muốn ngã nhoài nhưng hắn không thể ngừng lại đôi chân. Hắn lướt trên lưỡi dao, lướt đi, lướt đi, một mình hắn âm thầm. Lướt như thể hắn muốn đi cho hết lưỡi dao. Lướt như thể hắn muốn được văng ra và ngã. Nhưng lưỡi dao dưới chân dường như dài thêm, dài thêm, dài đến vô tội vạ. Ánh sáng sắc lẹm loé dưới chân. Ôi, thứ ánh sáng đó hắn hoàn toàn không cần. Hắn muốn thấy ánh sáng ở trước mắt hắn kia, để hắn được biết, bao giờ, lưỡi dao, sẽ hết…
Hà Quang Minh.