Dõi theo lộ trình thi ca hay cuộc trường chinh chữ, nghĩa của Nguyễn Chính, từ những bài thơ viết đầu thập niên 1990s, khi ông bước vào tuổi 40, tới những bài họ Nguyễn viết vào những năm tháng đầu thiên niên kỷ mới - - Thiên niên kỷ 2000 - - Không cần dụng công, cũng chẳng nhọc nhằn gì, để người đọc có thể dễ dàng nhận ra, dù chiến tranh đã chấm dứt gần 40 năm!!! Nhưng với những tấm lòng, những trái tim Việt Nam, cao, xa trên chủ nghĩa, hay ý thức hệ thì, hậu quả chiến tranh, thương tích bi kịch nồi da, xáo thịt vẫn còn là những vết chém sâu, dọc ngang thân thể đất nước, dân tộc ta.

Nhà thơ Nguyễn Chính
Với tôi, tình yêu đó, đớn đau kia, thịt xương Việt Nam nọ, vẫn là những ngọn nến, những nén nhang cùng khắp thổ ngơi cõi-giới thi ca Nguyễn Chính.
Với trái tim không thể có cho nó, nhịp đập khác hơn nhịp đập bất hạnh của một đất nước; với một tấm lòng không thể tự giải thoát khỏi oan nghiệt chất chồng của những lời nguyền oan khiên suốt dọc chiều dài lịch sử một dân tộc… Như trái tim, như tấm lòng Nguyễn Chính, tôi trộm nghĩ, nhiều phần, những cảm xúc đời thường như hờn giận, buồn vui tình yêu e khó có chỗ trên lộ trình thi ca của tác giả này.
Trước sau, tôi vẫn chỉ thấy nơi cõi-giới thi ca Nguyễn Chính là tình yêu ông dành cho một tổ quốc rớm máu.
Bên cạnh đó, với căn cốt thi sĩ, Nguyễn Chính cũng cho chúng ta những câu thơ đẹp (dù nao lòng) như:
“…Những nấm mồ vô danh vẫn nhói đau lòng đất Mẹ
Bao nhiêu năm qua rồi, hàng cau sau hè đã không còn cho quả
Vẫn đứng đó, lặng im màu máu đỏ
Đợi người đi biền biệt mãi không về…”
(Trích “Những nấm mồ vô danh”)
Hoặc:
“Mẹ ơi! Cái nghèo làm lưng mẹ còng thêm
Như dấu hỏi dựng giữa trời nắng lửa.
(…)
Rằng, Mẹ chỉ như ngọn đèn trước gió
Mà no ấm một đời, không tắt nổi ước mơ.”
(Trích “Con về thăm Mẹ, miền Trung”)
.
Và, đây là 4 bài thơ, trong đó có bài “Với mình tuổi 40” tác giả viết năm 1991 - - Dù ở thời điểm nào thì: Tình yêu đó, đớn đau kia, thịt xương Việt Nam nọ, vẫn là những ngọn nến, những nén nhang cùng khắp thổ ngơi cõi-giới thi ca Nguyễn Chính.
Du Tử Lê,
(Calif., July 2014)
.
Thơ Nguyễn Chính.
Có em tôi giữa thời ly loạn.
Kính tặng anh Đ.Q.Tr
Đất nước thời chiến tranh
Bao lớp người ra đi
Ngày về không hẹn trước
Có em tôi
Đất nước thời chiến tranh
Đẹp lắm ư ? Mùa nào, đường ra trận ?
Ôi! Những câu thơ đường mật
Bao thế hệ cuồng say
Đến đôi mắt cũng “mang hình viên đạn”
Chỉ thương chú nai con ngơ ngác giữa rừng chiều
Chảy về đâu sông Voi (*)?
Mà tức tưởi dòng xanh thổn thức
Máu và máu trộn vào nước mắt
Cờ với cờ rờm rợp phía trời xa
Đất nước thời loạn ly
Bao người lính ra đi
Biền biệt mãi không về
Kẻ Bắc, người Nam
Ngã xuống giữa chiến trường
Tương tàn, huynh đệ
Có em tôi dại khờ, vừa chớm tuổi hai mươi./.
Nha Trang 8/01/2011
(*) Tên một con sông ở tỉnh Quảng Nam
Những nấm mồ vô danh
Kính viếng hương hồn những người lính vô danh
đã yên nghỉ trong vòng tay của đất Mẹ Việt Nam
Bao nhiêu năm qua rồi, cuộc chiến bi thương ?
Huynh,đệ tương tàn
Những nấm mồ vô danh vẫn nhói đau lòng đất Mẹ
Bao nhiêu năm qua rồi, hàng cau sau hè đã không còn cho quả ?
Vẫn đứng đó, lặng im màu máu đỏ
Đợi người đi biền biệt mãi không về
Và nắng…
Và mưa…
Và gió…
Gió lạnh vẫn từng hồi
Thổi mãi tận miền đau …
Bao nhiêu năm qua rồi, cuộc xáo thịt, nồi da
Những bắn giết rợn người thấu chín tầng mây bạc
Mẹ ngơ ngác
Cả đất, trời ngơ ngác …
Khói lửa tắt lâu rồi còn bỏng rát nỗi đau
Bởi :
Tuổi xuân các anh, đối mặt khác chiến hào
Khi phiêu diêu tụ về lại gọi chung tiếng : Mẹ !
Bởi :
Thua bàng hoàng
Thắng cũng là ác mộng
Xám ngắt thiên đường
Đắng ngắt trái bồ hòn
Vàng úa những mùa xuân
Thương đất nước gian lao
Mấy thế hệ nối nhau dại khờ cơn binh lửa
Chiến tranh !
Mẹ của chúng mình không cần đâu chiến tranh
Những nấm mồ vô danh
Nơi các anh nằm
Mãi ấm lời Mẹ ru
Ôi! Tình Mẹ bao dung
Tiếng Mẹ vẫn ngọt ngào
Như muôn thủa
Xin xóa sạch từ đây tất cả những hận thù./.
Nha Trang 26/3/2010
Với Mình Tuổi 40.
Ta cứ tin và mê mải đường xa
Đi tìm cái chưa một lần nhìn rõ
Chẳng bớt dại dẫu bao lần vấp ngã
Để một thời trai trẻ khép sau lưng
Ta cứ bảo trời đâu có thật
Nhưng lại tin có thánh giữa đời
Ta biết đâu rằng từ thủa xa xôi
Chính Ác-Tơ đã đập tan tượng chúa
Còn luyến tiếc chi thứ hão huyền mây, gió./.
(Nha Trang 1991)
Con về thăm Mẹ, miền Trung
Nhân ngày 30-4 Kính tặng các bà Mẹ Việt Nam, nơi khúc ruột miền Trung
Con lại về thăm Mẹ, miền Trung
Biển vẫn xanh, cát vẫn trắng một vùng
Cây phi lao già vẫn oằn lưng trong gió
Vẫn nhập nhòa bóng Mẹ đồng xa
Mẹ ơi! Đã qua lâu rồi thời bom đạn
Mà đói nghèo cơ cực vẫn còn đây
Mà cát trắng còn vùi bao khát vọng
Vẫn lom đom bếp lửa cuối chiều …
Mẹ ơi! Cái nghèo làm lưng Mẹ còng thêm
Như dấu hỏi dựng giữa trời nắng lửa
Hỏi tất thảy, hỏi cả người dưới mộ
Hỏi Trường Sơn thiêng, nơi ấy các anh nằm
Con về đây thăm Mẹ, thắt lòng
Nghe hàng dương nói một điều rất nhỏ
Rằng, Mẹ chỉ còn như ngọn đèn trước gió
Mà no ấm một đời, không tắt nổi ước mơ./.
Quảng Nam 3-2006
Nguyễn Chính.