Đêm. Vẫn Mưa. Như thế.

08 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 7096)
Đêm. Vẫn Mưa. Như thế.

và, bvh.

1.

Đêm. Mưa. Trận mưa bất ngờ đầu tháng 8, trút xuống hạn hán/ Cali./ như hơi thở hắt từ một cõi lòng bức bối lửa rừng. T. xoay lưng, cuộn người che, chắn những con gió phổi bị nhiễm lạnh.

Đêm. Mưa. Trên cao, qua khung kính lớn, dăm nhánh chanh dây buông thõng những chiếc lá bé xíu, như những bàn tay trẻ thơ, xanh xao, chuyển động trong một vũ điệu, chậm. Nhiều phần có tên: Vẫy. Gọi…

Đêm. Mưa. Nhưng thản hoặc, tôi vẫn nghe được tiếng thảng thốt gọi bạn, đứt quãng của mèo hoang. Tôi không nghĩ đó là tiếng gọi kêu bạn-tình. Dường đó là tiếng kêu tuyệt vọng (giống như tiếng kêu đứt quãng. Âm u. Linh cảm của Cocaine, một đêm trước khi lìa đời.)

Tôi trở dậy, bước lại gần cửa sổ. Áp một bàn tay lên khung kính. Cùng với giá buốt của hơi mưa, tôi cảm được bàn tay ai đó, một kẻ nào, bên kia mặt kính, ấp vào bàn tay tôi. Tôi mơ hồ nghe được tiếng thầm thì: “Ra đi. Ra đây. Ra đây đi mà…”

Thình lình, tôi nghe hai luồng điện cực lạnh, chạy dọc hai bên má, từ dưới thấp ngược lên thái dương. Tôi không thể biết, hơi lạnh từ mưa hay, âm khí của tiếng thầm thì. Ai đó.

Tôi rụt tay về. Trên cao, qua khung kính lớn, dăm nhánh chanh dây vẫn buông thõng những chiếc lá bé xíu, như những bàn tay trẻ thơ, xanh xao. Chuyển động trong một vũ điệu, chậm. Nhiều phần có tên Vẫy. Gọi… T. vẫn xoay lưng, cuộn người che, chắn những con gió phổi bị nhiễm lạnh.

2.

Buổi sáng, nơi hành lang của ngôi quán quen, khi những vụng nước còn bịn rịn bãi đậu xe. Tựa còn nhiều điều chưa nói hết? Và, những cây tường vi còn liu điu thả nốt những giọt mưa sót lại, trên lá, bạn tôi kể:

Đêm. Mưa. Làm bạn tôi nhớ: Mưa. Nơi chiếc deck nhỉnh hơn chiều ngang cửa sau, bên hông phòng ngủ. Ông nói, đó là nơi ông trải qua gần hết một mùa xuân. Mùa xuân năm đó. (Năm nào?) Có thể ký ức mù mờ của bạn tôi không còn cho bạn tôi ý niệm thời gian chính xác? Cũng có thể, đó chỉ là mùa xuân hoang tưởng? Một mùa thuộc về một tiền kiếp xa xôi nào đấy? Tuy nhiên, bạn tôi quả quyết, đó là mùa xuân. Một mùa xuân có những trận mưa bất thường. (Không giống trận mưa đêm qua của tôi) Nhưng, điều đó có quan trọng? Có đáng đặt thành vấn đề? Tôi nghĩ là không.

Điều đáng nói là, sau nhiều năm gặp lại, lần đầu tiên tôi thấy nơi khuôn mặt héo úa của bạn tôi, lập lòe một hạnh phúc. Muộn. Hiếm. Thứ hạnh phúc như những giọt mưa còn sót lại, trên lá, hàng cây tường vi, lề đường.

Bạn tôi kể, những ngày-mưa-mùa-xuân-năm-ấy, buổi sáng, khi người bạn gái của ông, đã đặt lên mặt chiếc bàn nhỏ xíu, bình trà, hai chiếc tách. Một ly café… Đó là lúc họ nhâm nhi im lặng. Riêng. Nghe những ngón tay thầm thì. Đan nhau. Có thể, đó cũng là lúc cả hai cùng thả hồn dạo quanh khu vườn nhiều hoa và, cây ăn trái. Cũng có lúc họ bẵng quên khu vườn. Không nghe bất cứ một tiếng thì thầm nào của những ngón tay đan.

Ông kể, đó là lúc họ hôn nhau. Ông kể, cũng có lúc ông cầm tay người bạn gái đứng lên. Trả khu vườn cho hoa. Trả đám cây ăn trái cho tiếng động cơ máy nổ, ì uồm như sóng vỗ, trên xa lộ vắt ngang căn nhà. Hay, tiếng trực thăng, cuốn nắng, gió, sau lưng.

“Đó là lúc chúng tôi vào lại phòng ngủ. Khi mưa, như những vụn giấy hoa - confetti thả rơi cùng khắp khu vườn. Chúng tôi cũng muốn thả xuống môi nhau. Thả xuống thân thể nhau những vụn giấy hoa - confetti…” bạn tôi nói thế.

“Cũng có khi chúng tôi… (ông kể tiếp) dướn người… Sự mất thăng bằng khiến chúng tôi ngã xuống một mặt nệm…”

“Ngã xuống?” Tôi hỏi.

Bạn tôi trả lời. Chắc nịch:

“Đúng thế! Ngã xuống…”

Tôi không hỏi thêm. Những người bạn ngồi dọc bờ tường quán café TB, cũng không hỏi thêm. Không bảo nhau, chúng tôi cùng nghĩ, nên tôn trọng tất cả mọi hồi ức. Hồi ức nào, cũng thiêng liêng. Như sự sống chói lọi. Chỉ một thời. Của một đời. Mỗi con người. Ngay cả khi, hồi ức đó, có là mặt bên kia của những ảo ảnh. (Như confetti. Trận mưa xuân. Người khách không hẹn, trước.)

3.

Buổi sáng, nơi hành lang của ngôi quán quen, khi những vụng nước vẫn bịn rịn bãi đậu xe. Tựa còn nhiều điều chưa nói hết. Và, những cây tường vi liu điu, thả nốt những giọt mưa sót lại, trên lá, bạn tôi kể:

“Đó là mùa hè. Tôi nghĩ cũng quá nửa mùa hè. Buổi trưa, từ hành lang lầu một, khu thương xá, chúng tôi chọn đứng bên ngoài những văn phòng, bỏ trống, để ôm nhau... ”

Ông kể:

“Tôi cảm được hơi mưa từ mái tóc cắt ngắn, mới gội của bạn gái tôi. Dù mùa hè năm đó, như tôi nhớ, đã không có một trận mưa nào trút xuống nơi chúng tôi cư ngụ.”

Tôi hỏi lại:

“Hôn nhau?”

Bạn tôi đáp. Vẫn chắc nịch:

“Đương nhiên. Hôn nhau.”

Bạn tôi thêm:

“Cũng có khi tôi tìm lại từng phần thân thể yêu dấu. Thiết thân. Hơn cả thân thể tôi. Của bạn gái tôi…”

Một bạn nào đó, cùng bàn (không phải tôi) hỏi lại:

“Tìm lại và đã gặp?”

Bạn tôi đáp, không suy nghĩ:

“Đúng vậy. Tìm lại. Và đã gặp…”

4.

Buổi sáng, nơi hành lang của ngôi quán quen, khi những vụng nước vẫn bịn rịn bãi đậu xe. Tựa còn nhiều điều chưa nói hết. Và, những cây tường vi vẫn liu điu, thả nốt những giọt mưa sót lại, trên lá. Trước khi ra về, bạn tôi kể:

“Để đánh dấu ngày gặp lại nhau, sau nhiều năm, tháng bặt tăm. Mất tích. Chúng tôi có với nhau những giờ, phút thiêng liêng. Đó là những giờ phút thiên đàng/ địa ngục là một. Tử/ sinh cũng là một. Chúng tôi sống. Tuồng chưa từng biết thế nào là sự sống. Chúng tôi thở. Tuồng chưa từng biết thế nào là hơi thở. Chúng tôi thấy nhau. Chìm sâu trong nhau. Như chưa một lần nào thấy nhau. Chìm sâu trong nhau. Như thế. Tôi cho rằng, chỉ những ai kinh qua những khoảng lặng. Dài. Mất nhau. Mới hiểu được phần nào, phút tái sinh của kẻ đã chết…”

Ngưng một chút, tựa để chúng tôi đủ thì giờ tiếp thu những gì muốn gửi, bạn tôi kể tiếp rằng:

“Giữa lúc đó, một người nào đến trước cửa phòng của chúng tôi, với chiếc cassette cầm tay, phát bài ‘Một ngày nào cho tôi gặp lại em’, mà tác giả VTA, là một bạn học, thời niên thiếu của tôi. Chúng tôi lắng nghe: ‘Một lần nào cho tôi gặp lại em/ nghe em nói em vui một lần/ một lần nào cho tôi gặp lại em/ còn chút tình đốt hết một lần…’ Khi chúng tôi mở cửa, bước ra. Hành lang vắng. Lặng. Không bóng người. Hướng đi nào cũng chỉ dẫn tới niềm bí mật mà, chỉ riêng hành lang đó, biết.

Lần này, không biết có phải bạn tôi sợ đám bạn thình lình, quên tế nhị, lịch sự, sẽ cật vấn này, nọ? Nên ông không xác định thời gian. (Hay thời gian và luôn cả không gian, với ông, khi ấy, đã không còn hiện hữu?)

Sự thực, lo xa của bạn tôi, không cần thiết. Bởi vì, sau khi ông ra về, đám bạn ngồi lại của ông: Im. Lặng. Họ nhìn theo dáng xiêu đổ của ông, như nhìn chiếc bóng của chính mình?

Tôi không biết các bạn tôi nghĩ gì?!?

Riêng tôi, tôi tin, có một cái deck tạm bợ nối liền cửa buồng ngủ. Như thế. Tôi tin, có hai tách con con. Ly café nguội. Chiếc bàn bé xíu. (Như tôi tin mùa hè. Những trận mưa (trong tâm tưởng?) của bạn tôi. Như thế. Tôi cũng tin, miếng vườn có những khóm hoa, đám cây ăn trái, có thể hôm nay, đã lớn.

Như thế. (Không chừng, những chiếc trực thăng đã đổi đường bay?) Tôi tin, lầu hai, hành lang. Những văn phòng bỏ trống. Nơi họ hôn nhau và, tìm lại được những phần thân thể yêu dấu. Thiết thân. Như thế. Và, tôi cũng tin, những giờ phút thiên đàng/ địa ngục là một. Tử/ sinh kia, cũng là một. Như thế. (Có thể, vì tôi cũng đã trải qua những cái “khoảng lặng". Dài. Mất nhau. Tái sinh… Như thế).

5.

Rời cửa sổ. Trở lại chỗ nằm của mình. Nơi T. xoay lưng. Cuộn người. Che. Chắn những con gió phổi bị nhiễm lạnh. Bên ngoài khung kính, không dấu hiệu nào cho thấy, có người tìm tôi. Mặc dù đêm. Vẫn Mưa. Và, những nhánh chanh dây buông thõng những chiếc lá bé xíu, như những bàn tay trẻ thơ, xanh xao, vẫn chuyển động trong một vũ điệu, chậm. Nhiều phần có tên: Vẫy. Gọi…

Du Tử Lê,

(Aug. 2014)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
30 Tháng Tám 202412:00 SA(Xem: 9731)
tôi muốn kể em nghe/ dù mùa hạ đã đem theo tiếng ve/ /đỏ/ phương trời khác./ những vì sao/ thôi là những nốt nhạc xanh/ hát mình ên
15 Tháng Tám 202412:00 SA(Xem: 90939)
Bài thơ này, nguyên bản nhan đề “Bài Thu Hồng tháng tám,” viết giữa năm 1984 - -
20 Tháng Sáu 20242:17 CH(Xem: 13131)
không thể biết bao giờ chúng ta được gặp lại nhau?/ trên quê hương, đất nước của mình?
30 Tháng Tư 202412:00 SA(Xem: 26803)
khi gối đầu mình lên ngực em,/ kỳ diệu thay!/ tôi nghe được rất nhiều tiếng sóng./ nơi thẳm sâu tim em,/ những viên sỏi buồn / vui yên phần/ lận đận?/
10 Tháng Giêng 20249:03 SA(Xem: 6769)
chẳng phải vì ông đã đi xa. quá xa. rất lâu./ mà, vì họ đã có ông trong tim./ như ông sẽ mãi sống trong ký ức đám đông,/ tập thể./ đất nước.
01 Tháng Giêng 20243:52 CH(Xem: 8211)
thánh thần rời hai vai/ nhường ngôi người cứu rỗi.
01 Tháng Giêng 20249:40 SA(Xem: 1445)
Mỗi năm nhà thơ Du Tử Lê sáng tác một bài thơ Tháng Giêng để tặng vợ, và đây là bài thơ Tháng Giêng cuối cùng của ông - Tháng Giêng 2019. (Photo by Đỗ Xuân Hoà, 1994, ngày DTL và HT gặp lại nhau ở Mỹ sau nhiều năm xa cách)
07 Tháng Mười 202312:41 CH(Xem: 2789)
Tháng Mười về với chúng tôi, là mỗi lần miền thơ ấu của Roll sẽ nhỏ dần, nhạt dần, và biến mất.
18 Tháng Chín 20235:37 SA(Xem: 6662)
hoa khế rụng nối đôi bờ sinh / tử/ một lần em, tôi thở đẫm tin yêu.
15 Tháng Bảy 20239:16 SA(Xem: 6729)
về đi, để bước chân/ kịp rơi cùng tiếng nấc.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 21168)
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt…Trần.
(Xem: 15984)
Đề cập tới sự nghiệp âm nhạc giá trị của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu chỉ nói tới khía cạnh thơ phổ nhạc (dù cho ông được ghi nhận như một thiên tài) mà không đề cập tới những lãnh vực khác, tôi cho là một thiếu sót không thể tha thứ.
(Xem: 17618)
Tuy nhiên, thế hệ 1940-1950, cũng lại là thế hệ cung cấp cho văn chương miền Nam 20 năm, những bài thơ, những trang
(Xem: 10335)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 18820)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 5166)
Tôi mượn câu thơ kết trong bài 'Đêm, nhớ trăng Sài Gòn' của Du Tử Lê để làm tựa cho bài viết này, bài viết về ông: Du Tử Lê - một nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn chương Việt Nam.
(Xem: 1907)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 2476)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 2300)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 23621)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 20077)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 8900)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 9939)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 9300)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 12391)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 31862)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 21575)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 26646)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 24085)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 22885)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 21001)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 19012)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 20191)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 17749)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16823)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 25929)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 33253)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 35631)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,