" Ơn em thơ dại từ trời
theo ta xuống biển vớt đời ta
trôi
ơn em, dáng mỏng mưa vời
theo ta lên núi về đồi yêu
thương
ơn em, ngực ngải môi trầm
cho ta cỏ mặn trăm lần lá ngoan
ơn em, hơi thoảng chỗ nằm
giấu quanh quẩn giấu nỗi buồn
một nơi
ơn em, hồn sớm ngậm ngùi
kiếp sau xin giữ lại đời cho
nhau"
(Kiếp sau, xin giữ lại đời cho nhau - Thơ Du Tử Lê)
Tình yêu, nên là bầu trời, bởi nó có tính mênh mông khôn cùng. Tình yêu, nên là biển thẳm, bởi nó có tính dạt dào, khuấy vỗ. Và tình yêu, cũng nên là những vực bờ không đáy, bởi nhờ nó, mà ta biết được rằng, những trùng trùng sầu khổ đôi khi chỉ bắt nguồn từ một ly biệt vô thanh.
Với nhà thơ Du Tử Lê, ông không làm công việc của một nhà mô phạm - những người tìm mọi cách cắt nghĩa tình yêu, để rồi lĩnh nhận được sự hồi đáp rất bâng quơ, khiếm diện. Ông cũng không làm một nhà luật học để xét đoán những tình nhân, hoặc kết tội số phần đã gây ra nhiều hệ lụy cho nhau. Mặc dù những tình nhân ấy, những số phần ấy, đã từng có nhiều công trạng trong việc kiến tạo ra những giấc mơ đẹp nhất nhân gian. Du Tử Lê chỉ cố gắng để lại trong thơ - nhỏ nhẹ một hàm ơn, cho tình yêu, cho những tình nhân vô danh, và, cho cụ thể nhân vật 'em' - lồng lộng, bao la:
" Ơn em thơ dại từ trời
theo ta xuống biển vớt đời ta
trôi
ơn em, dáng mỏng mưa vời
theo ta lên núi về đồi yêu
thương
ơn em, ngực ngải môi trầm
cho ta cỏ mặn trăm lần lá
ngoan..."
Theo cá nhân người viết, không có quá nhiều thi sĩ dành một sự hàm ơn lớn lao cho tình nhân, dù dĩ nhiên, những tác phẩm của họ là những bài thơ hay, kiệt xuất. Chẳng hạn, Đinh Hùng thì chìm vào cuộc say đắm, thưởng ngoạn vô tận trong 'em', 'em' như từ thiên đường bước ra : "Ta gần em, mê từng ngón bàn chân/Mắt nhắm lại, để lòng nguôi gió bão...". Vũ Hoàng Chương thì mang vào thơ sự nuối tiếc đẫm lệ và rất nhiều cay đắng, hờn trách định mệnh : "Tình ta ta tiếc, cuồng ta khóc/ Tố của Hoàng, nay Tố của ai?"... Chúng ta thấy, người nữ - trong thơ Đinh Hùng, và Vũ Hoàng Chương ở hai thí dụ trên vẫn dịu dàng một nữ tính, một nhan sắc, một thể cách tiên nga. Nhưng rõ ràng, vai trò, địa vị, quyền hạn của những người nữ ấy chưa được trân trọng bằng nhân vật 'em' trong thơ Du Tử Lê. 'Em' trong thơ Du Tử Lê, vừa tiên nga, vừa hiền dịu (thơ dại từ trời; dáng mỏng mưa vời) - đó là người yêu; mà lại vừa có công lớn trong việc cứu rỗi linh hồn của ông (vớt đời ta trôi; theo ta lên núi, về đồi yêu thương) - đó là người ơn.
Tôi thích lắm những hình ảnh "dáng mỏng mưa vời", "thơ dại từ trời", "ngực ngải môi trầm". Đây là những hình ảnh không dừng ở đẹp, mà lại có độ bay bổng, có khả năng gợi dẫn những trạng thái mộng mơ. Đó là những mỹ vật được sinh ra trong khi người tạo tác hồn nhiên thụ cảm mà không cần đục đẽo quá sâu, không cần chạm trổ quá cầu kỳ. Những hình ảnh này khiến cho sáu câu đầu tiên trở thành những câu đẹp nhất của bài thơ, về mặt tươi sáng, về phía hạnh phúc.
Nói như vậy, nghĩa là tôi đã dự báo trước những câu thơ sau của bài thơ, mang nét đẹp của những gì thuộc về khoảng tối nằm ở phía sau hạnh phúc:
" ơn em, hơi thoảng chỗ nằm
giấu quanh quẩn giấu nỗi buồn
một nơi
ơn em, hồn sớm ngậm ngùi
kiếp sau xin giữ lại đời cho
nhau"
Em xa rồi, chỉ còn thoảng một làn hơi, nhưng tôi vẫn tạ ơn em, nhiều lắm! Em xa rồi, hồn tôi mới chớm vui ca đã phải ngậm ngùi, nhưng tôi vẫn tạ ơn em, nhiều lắm! Và em ơi, hẹn nhau nhé, kiếp sau mình giữ lại đời cho nhau nhé, dù ai đã nói làm gì có kiếp sau để chờ, để đợi. Tôi ngồi cạnh tình yêu, bao quanh tôi là một bài thơ đẹp, có đầy đủ viên mãn lẫn buồn thương của nhà thơ Du Tử Lê. Bài thơ này đã được hai nhạc sĩ nổi tiếng của Việt Nam là Phạm Duy và Từ Công Phụng phổ nhạc, rất nhiều thính giả, nhiều thế hệ yêu mến chúng. Tôi cho rằng điều ấy âu cũng là một hạnh phước cho những dòng lục bát "Kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau", cho vô vàn nỗi niềm - trắc trở, cheo leo, chông chênh mà nhà thơ Du Tử Lê đã đi qua để tạo ra chúng trên cõi đời này.
Sài Gòn, ngày 17 tháng 8 năm 2014
Nguyễn Đăng Khoa